Đóng góp của Hội đồng tư vấn Tôn giáo UBTƯ MTTQ VN vào quá trình hoàn thiện luật pháp tôn giáo

PV (ghi) 04/01/2018 15:25

Hội đồng tư vấn Tôn giáo của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016. Trước ngưỡng cửa năm 2018 khi Luật này chính thức có hiệu lực, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến của GS.TS Đỗ Quang Hưng – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo về chủ đề này.

Đóng góp của Hội đồng tư vấn Tôn giáo UBTƯ MTTQ VN vào quá trình hoàn thiện luật pháp tôn giáo

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng tập thể Tòa Giám mục Cần Thơ. (Ảnh: Q.Trung - T.Quang).

Quan điểm nhà nước pháp quyền về tôn giáo ở Đại hội XII “tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo” đã và đang trở thành xu thế trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Trước Đại hội Đảng XII chúng tôi đã có rất nhiều ý kiến đóng góp về việc cần thiết cần phải hoàn thiện luật pháp và chính sách về tôn giáo. Chúng ta không chỉ công nhận sự tồn tại khách quan và lâu dài của tôn giáo cũng như các giá trị văn hóa của nó, mà còn cần thiết phải có sự tiếp tục đổi mới theo hướng một nhà nước pháp quyền về tôn giáo, điều đã được Đại hội XII của Đảng khẳng định. Để các tổ chức tôn giáo có khả năng trở thành những nguồn lực xã hội to lớn, thậm chí nó còn là một “nguồn lực trí tuệ” thì cần phải hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục, cũng như luật pháp tôn giáo, đặc biệt là sự cập nhật thích ứng với các công ước quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã lưu tâm rằng việc chính sách tôn giáo của nước ta trong thời gian tới cũng cần tiếp tục giải quyết tốt mối quan hệ nhà nước – giáo hội, mối quan hệ này được coi là cốt lõi của chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Theo đó, mối quan hệ này phải được đặt trong vấn đề nhà nước pháp quyền, bình thường hóa và đảm bảo tính pháp trị. Khi mối quan hệ này được giải quyết tốt thì đời sống tôn giáo ở nước ta sẽ ngày càng ổn định vững chắc hơn, xây đắp tốt hơn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua kinh nghiệm lịch sử xây dựng nhà nước pháp quyền về tôn giáo, về mặt thực tiễn, có sự khác biệt rất cơ bản giữa các xã hội Âu – Mỹ và các khu vực còn lại, đặc biệt ở các nước Đông Bắc Á, trong đó có Việt Nam.

Thông thường, trong các xã hội Âu – Mỹ, người ta chỉ tập trung hai mặt:

Thứ nhất, thể chế hóa trong hệ thống luật pháp hai nguyên lý của chủ nghĩa thế tục (tự do tôn giáo cho người dân và thực hiện nguyên lý phân tách giữa nhà nước và giáo hội).

Thứ hai, lựa chọn mô hình nhà nước thế tục thích hợp để theo đó thúc đẩy quá trình trên.

Trong các xã hội Đông Bắc Á, do những điều kiện lịch sử đặc thù, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, khi xây dựng nhà nước pháp quyền về tôn giáo còn phải chú ý đến những “điều kiện tiên quyết và phổ biến” sau đây:

- Một là, vai trò của chủ nghĩa dân tộc, truyền thống văn hóa tôn giáo của các quốc gia này đòi hỏi bên cạnh sự phân tách thì còn đòi hỏi phải tìm đến những mẫu số chung của sự tương đồng giữa nhà nước (chính trị quốc gia) và lực lượng tôn giáo. Giá trị của tôn giáo ở đây không chỉ là các giá trị nhân văn phổ quát, mà còn cần thiết “đồng hành với dân tộc”. Ngược lại, một nhà nước khi đã “do dân, vì dân” thì cũng phải tạo ra môi trường sống thuận lợi cho những cộng đồng tôn giáo.

- Hai là, về phương diện nhận thức khi xây dựng nhà nước pháp quyền cần nhận thức sâu sắc hơn: tôn giáo không chỉ là một hiện tượng văn hóa, tinh thần, mà còn là một thực tại xã hội. Nhiều nước ở khu vực này, còn phải tiếp tục giải quyết những nhận thức chưa phù hợp về bản chất, vai trò của tôn giáo. Đồng thời cũng phải tăng cường nhận thức rằng, các tổ chức tôn giáo về mặt nguyên tắc luôn là một “đoàn thể áp lực”, đại diện cho một cộng đồng tinh thần, thần học thiêng liêng dễ tách biệt khỏi xã hội thế tục. Việc giáo dục ý thức công dân, ý thức quốc gia luôn là một nhiệm vụ quan trọng khi xây dựng nhà nước pháp quyền.

- Ba là, truyền thống nhà nước đứng trên tôn giáo là nét đặc thù của các xã hội Á đông, nhất là các nước Đông Bắc Á (Đông Nam Á là khu vực “rất tôn giáo”, trong khi đó, Đông Bắc Á nói chung là khu vực “rất thế tục”), khiến cho trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền về tôn giáo càng phải lưu ý nguyên tắc thượng tôn pháp luật, xóa bỏ thói quen xin – cho khi cuộc thực thi chính sách tôn giáo, vốn được hiểu như một định chế và áp lực của nhà nước với các tổ chức tôn giáo.

Đa số các nước trên thế giới đi theo mô hình thứ nhất, tiến bộ và có tính phổ quát. Mô hình nhà nước thế tục đòi hỏi thực hiện hai nguyên lý. Về nội dung vấn đề tôn giáo trong các bản hiến pháp của các quốc gia thế tục, dù diễn ngôn có khác nhau, nhưng đều có nguyên tắc chung là: Khẳng định quyền tự do tôn giáo và nguyên tắc tách biệt nhà nước và giáo hội.

Có thể nói, vấn đề nhà nước pháp quyền về tôn giáo trên thế giới hiện nay đó là: xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục (Secular State) thích hợp; một hệ thống luật pháp tôn giáo; và cuối cùng giải quyết tốt mối quan hệ nhà nước và giáo hội (chính sách tôn giáo).

Việc tách biệt quyền lực nhà nước và giáo hội luôn là vấn đề phức tạp. Sau gần 200 năm xây dựng mô hình này, theo Charles Taytor trong cuốn L’aage sesculier, một thứ chủ nghĩa thế tục thái quá có thể làm suy giảm một phần sức mạnh xã hội khi các tôn giáo bị gạt ra bên lề xã hội và đời sống cá nhân,…

Quan điểm nhà nước về tôn giáo thực sự được ghi dấu với Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo (2004), trong đó có những định chế bao quát hơn về việc thực thi hai nguyên lý của chủ nghĩa thế tục: Đảm bảo tốt hơn quyền tự do tôn giáo và nguyên tắc phân tách giữa quyền lực nhà nước và các tôn giáo. Hơn thế nữa, nhiều điều khoản của Pháp lệnh, Chỉ thị 01/2005 về vấn đề đạo Tin Lành… cũng đã thỏa mãn tốt hơn những nhu cầu của đời sống tôn giáo và khai thác những nguồn lực văn hóa, xã hội của cộng đồng các tôn giáo. Thế giới đã thừa nhận sự tiến bộ này của Việt Nam.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước cũng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiên trì con đường đó. Sau khi Hiến pháp 2013 ra đời, một kích thích pháp lý mạnh mẽ, tạo điều kiện chính trị xã hội và pháp lý để chúng ta xây dựng Bộ luật đầu tiên về tôn giáo: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016.

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay vẫn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng ở Việt Nam. Đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đã và đang có những thay đổi mạnh mẽ, đa dạng chưa từng có. Trong đó, sự biến đổi hệ thống tôn giáo, tái cấu hình đời sống tôn giáo (Reconfiguration), thị trường tôn giáo (Religious Market),... là những hiện tượng nổi bật, tạo nên những sức ép với thể chế pháp luật. Từ năm 1990 trở lại đây, Việt Nam đã có được những thành tựu quan trọng đáp ứng khá căn bản những đòi hỏi đó của đời sống tôn giáo. Tuy vậy, việc xây dựng mô hình một nhà nước pháp quyền về tôn giáo ở Việt Nam vẫn là điều hết sức mới mẻ trên phương diện lý thuyết cũng như thực tiễn.

Một trong những phương châm mà Việt Nam tự xác định khi xây dựng nhà nước pháp quyền về tôn giáo là bên cạnh việc giữ vững những truyền thống chính trị, những nguyên tắc căn bản trong việc xây dựng một nhà nước thế tục thích hợp thì phải hướng tới việc hội nhập ngày càng cao hơn với hệ thống luật pháp và công việc nghiên cứu những kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện các mô hình nhà nước thế tục – điều căn bản của nhà nước pháp quyền về tôn giáo.

Trước ngưỡng cửa năm 2018, đối với việc thực thi Bộ luật quan trọng này trong đời sống xã hội nói chung, đời sống tôn giáo tín ngưỡng nói riêng, chúng ta có cơ sở chắc chắn để tin rằng, đường hướng xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là một đảm bảo vững chắc.

Một trong những phương châm mà Việt Nam tự xác định khi xây dựng nhà nước pháp quyền về tôn giáo là bên cạnh việc giữ vững những truyền thống chính trị, những nguyên tắc căn bản trong việc xây dựng một nhà nước thế tục thích hợp thì phải hướng tới việc hội nhập ngày càng cao hơn với hệ thống luật pháp và công việc nghiên cứu những kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện các mô hình nhà nước thế tục – điều căn bản của nhà nước pháp quyền về tôn giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đóng góp của Hội đồng tư vấn Tôn giáo UBTƯ MTTQ VN vào quá trình hoàn thiện luật pháp tôn giáo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO