Dự án nghệ thuật thay đổi đời sống người dân

Việt Quỳnh (thực hiện) 01/07/2019 14:37

“Hoạt động nghệ thuật cộng đồng mới có ở nước ta khoảng 30 năm nay, mang tính chất phi lợi nhuận và sáng tác chung giữa các nghệ sĩ và công chúng ở một địa phương nhất định. Hình thức nghệ thuật cộng đồng mỗi nơi cũng khác nhau, nhưng đều đóng góp cho văn hóa địa phương và đất nước nói chung”.

Dự án nghệ thuật thay đổi đời sống người dân

“Tôi tham gia nhiều lần như vậy ở trong nước và Đông Nam Á, lúc thì với tư cách nghệ sĩ, lúc thì là người làm phê bình. Gần đây nhất là Workshop ở Đại học Văn Lang (TPHCM), năm 2017 là dự án “Con đường thuyền thúng” ở làng Bích họa Tam Thanh, những năm 2014–2016 là những Workshop ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia...”, nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Phan Cẩm Thượng chia sẻ.

Với ông, mỗi dự án nghệ thuật cộng đồng có ý nghĩa như thế nào?

- Việc làm dự án nghệ thuật cộng đồng ở nơi nào đó trước tiên do nhu cầu cụ thể của địa phương cần động lực phát triển văn hóa. Sau dự án nhiều tác phẩm được để lại trưng bầy lâu dài và là tài sản của họ, thay vì phải bỏ tiền mua tác phẩm. Các nghệ sĩ được tham quan, xâm nhập đời sống địa phương và có nhiều hoạt động ngoài dự án, do được coi như một người bản địa. Điều này có tác động lớn đến việc phát triển du lịch, bảo tồn thiên nhiên và di sản.

Tại Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, các dự án nghệ thuật cộng đồng đang được khai triển ra sao thưa ông?

- Có thể nói việc này chưa được chú trọng ở trong nước, nếu như không có cố gắng và nhiệt tình của các cá nhân. Về công chúng (nhân dân) địa phương thì lúc nào cũng cởi mở, nhưng các cơ quan quản lý văn hóa và địa phương thường ít quan tâm, nếu có thì đòi hỏi giấy tờ thủ tục. Hiện nay thì mọi việc đơn giản hơn, nên nhiều trường đại học, thành phố có thể mở các dự án nghệ thuật cộng đồng, duy có việc trưng bầy vẫn phải xin cấp phép, mà trên thực tế các tác phẩm được làm tại chỗ, không có ngay để làm hồ sơ được. Nguồn kinh phí hoạt động cũng không nhỏ, mặc dù nghệ sĩ ngoài ăn ở, không có tiền gì, nhưng xin được tài trợ cũng không dễ, và sau dự án thì tác phẩm sẽ lưu giữ ở đâu cũng là một vấn đề. Riêng dự án vẽ thuyền ở Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam, năm 2017 do chị Diệu Ánh đứng ra xin tài trợ và cùng Ủy ban Nhân dân huyện, xã tổ chức. Năm nay 2019, thì do huyện Tam Kỳ và xã Tam Thanh tự làm dự án và tổ chức. Ở Đông Nam Á, họ rất chú trọng đến các dự án văn hóa cộng đồng, nếu không chỉ có tư bản tư hữu phát triển mà người dân không được gì. Các doanh nghiệp cũng thấy dự án cộng đồng có lợi cho chính họ, về giao thông, ăn ở, bán hàng, giáo dục trường học... nên sẵn sàng tài trợ. Ở ta, những thành phần này thường đứng ngoài cuộc và coi như là đương nhiên.

Khi khôi phục lại bản sắc văn hóa vùng miền nói chung thông qua nghệ thuật trong đó có dự án nghệ thuật cộng đồng tại làng Tam Thanh lần này, theo ông cần lưu ý những vấn đề gì?

- Tam Thanh là một xã miền biển ít ai biết đến, sau khi các họa sĩ Hàn Quốc tới đây vẽ ít tranh tường lên một số ngôi nhà ở thôn Thượng Thanh (làng Bích họa), du khách bắt đầu quan tâm lai vãng. Sau dự án “Con đường thuyền thúng” năm 2017, nơi đây bắt đầu thành điểm du lịch, cũng vì bãi biển còn hoang sơ rất đẹp, người dân hiền hòa an ninh. Tuy nhiên, việc bán đất đai và xây nhà nghỉ, khách sạn cũng bắt đầu. Chắc chắn Tam Thanh có nhiều thay đổi vì du lịch. Việc này chúng tôi cũng nói chuyện kỹ với cán bộ địa phương, nếu không thì lợi bất cập hại và hóa ra việc nhiệt tình của nghệ sĩ lại dẫn đến sự tăng dân số và gây sức ép lên môi trường. Đây là một thực tế đã làm suy thoái không biết bao nhiêu nơi, ví dụ như Sa Pa, Đà Lạt, Hội An và có thể là Tam Đảo.

Khi tham gia mỗi dự án, Ông ưa thích thực hiện đề tài gì?

- Tôi tham gia các dự án chủ yếu là vẽ tranh, hoặc có thuyết trình về nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, là người làm nghiên cứu viết sách, đây là dịp đi lấy tài liệu, mà bình thường thì mất rất nhiều thời gian và tiền bạc mới làm được. Ví dụ nghiên cứu về Borobudua di tích Phật giáo lớn và Paramanam di tích Ấn Độ giáo ở Indonesia, Sukhothai ở Thái Lan, Malacca ở Malaysia, hay các di tích Champa ở miền Trung... đều nhân dịp tham gia dự án nghệ thuật cộng đồng.

Dự án nghệ thuật thay đổi đời sống người dân - 1

Những mái chèo trong dự án lần này ông vẽ đầy hứng khởi và cảm xúc với những đường nét đẹp đẽ giàu tính truyền thống và màu sắc tươi vui rực rỡ? Ông có thể chia sẻ thêm về tác phẩm của ông?

- Tôi chỉ đủ thời gian vẽ một con thuyền và một số mái chèo. Tôi đang nghiên cứu về Tây Nguyên và Đông Sơn, nên lấy cảm hứng từ hai nền văn hóa nguyên sơ đó, cũng như vài cảm xúc về hoa văn biển. Đặc biệt các tượng người Đông Sơn, tượng và cột nhà mồ Tây Nguyên, tôi cách điệu và đưa vào các mái chèo dài, với ý nghĩa phồn thực.

Nguyên nhân và ý nghĩa cho việc vẽ trên các thúng mủng mà nhóm họa sĩ đã và đang làm thưa ông?

- Đợt 2017, do sáng kiến của chị Diệu Ánh và anh em địa phương thấy nhiều con thuyền không được dùng đến nữa, nên mới có ý định làm dự án “Con đường thuyền thúng” vẽ lên các con thuyền. Điều này cũng có ý nghĩa khi đây là vùng biển, có ngư nghiệp và văn hóa biển.

Thúng mủng làm từ tre là loại nguyên liệu không bền vững, làm thế nào để chúng ta có thể lưu giữ tác phẩm lâu dài cho người dân?

- Trên thực tế thì rất khó giữ, đợt 2017, các con thuyền hầu hết đã nát, việc vẽ bằng Acrylic cũng không giữ được lâu, do mưa nắng. Tam Thanh cũng chưa có một ngôi nhà trưng bầy nào, nên sau hai năm là hỏng hết. Năm nay, các con thuyền được mua là chính và là thuyền mới, vật liệu cũng được thay bằng mầu sơn vẽ ngoài trời, để được mưa nắng lâu hơn. Nhưng về lâu dài, cũng khó bảo quản, nếu như cứ để ngoài trời. Tôi cũng thực sự tiếc, vì các nghệ sĩ đều vẽ rất đẹp, có khi còn hơn sáng tác ở nhà.

Ông đã tham dự ba lần trong dự án làng Bích họa Tam Thanh, ông có thể chia sẻ kỉ niệm hai lần trước đây?

- Hai lần trong năm 2017, chúng tôi có nhiều nghệ sĩ tốt tham dự như Thu Trần, Đào Châu Hải, Lê Đình Nguyên, Lê Kinh Tài, Nguyễn Thượng Hỷ, Hiếu Mường, Nguyễn Nghĩa Cương... Nhiều họa sĩ Quảng Nam, Đà Nẵng cũng xuống tham quan, hoặc vẽ ít nhiều, còn có cả giáo viên mỹ thuật địa phương. Chị Diệu Ánh tổ chức tốt, nên ăn ở tốt, vật liệu vẽ là Aclylic cũng đầy đủ. Nhân dân thì mang rất nhiều thuyền không còn dùng đến để cho họa sĩ vẽ. Chúng tôi còn đi tham quan địa đạo, các cơ sở kháng chiến cũ ở đây, và nhiều sông đầm hoang sơ. Tôi vẽ được nhiều đồ vật nghề biển để in trong cuốn “Tập tục đời người” năm đó. Những đợt dự án đều tạo ra liên hệ giữa các nghệ sĩ khắp nơi và trao đổi văn hóa vùng miền khác nhau.

Lần này tới, ông đã có những trải nghiệm như thế nào?

- Lần này, dự án Festival thuyền thúng (từ 13-18/6/2019) do huyện Tam Kỳ và xã Tam Thanh tổ chức, họ mua vé đi lại, thuê nhà nghỉ và lo ăn uống, vật liệu cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, nghệ sĩ đi thành nhiều đợt khác nhau, tôi cũng chỉ đến được 4 ngày. Cảnh vật, đời sống cũng có nhiều thay đổi, và tôi rất lo rồi đây nhiều khách sạn, resort được xây lên, đường sá sẽ chật chội, môi trường hoang sơ sẽ bị chặt phá, và bờ biển sẽ nhiều rác.

Trong quá trình làm việc và tiếp xúc với người dân địa phương Quảng Nam, ông thấy thế nào về thái độ và tinh thần của người dân với nghệ thuật và tác phẩm mà các họa sĩ đã thực hiện?

- Người dân Quảng Nam đã quen với họa sĩ đến vẽ. Khi họa sĩ Hàn Quốc vẽ, họ thường theo yêu cầu của gia chủ, sau đó chụp ảnh con người cụ thể của chính gia đình đó, vẽ lại lên tường theo lối hiện thực nhiếp ảnh. Có vẻ người dân thích lối này hơn. Các nghệ sĩ Hàn Quốc cũng rất có kinh nghiệm, tranh của họ bền và hợp với cảnh quan. Người dân cũng rất nhiệt tình với các nghệ sĩ trong nước, dù không phải họ hiểu họa sĩ đang làm gì.

Thời gian này, nhiều họa sĩ đang vẽ tại làng Bích họa Tam Thanh? Ông chia sẻ quan sát của ông về công việc mà các họa sĩ đang làm?

- Hầu hết các họa sĩ đều từ Hà Nội vào, một số ở Hội An vào chơi và tham gia vẽ, có vài giáo viên mỹ thuật địa phương. Chúng tôi hơi buồn là ngoài ông Nguyễn Thượng Hỷ, các họa sĩ Quảng Nam lại không nhiệt tình với việc này, họ ít đến và không quan tâm nhiều.

Theo ông, làm thế nào để các dự án nghệ thuật cộng đồng thu hút hơn các nghệ sĩ tham gia và đến được với công chúng?

- Đối với Tam Thanh, rõ ràng các dự án nghệ thuật thực sự thay đổi đời sống của người dân. Du khách đến, hàng quán có người mua, đất đai có giá cao vọt, nhiều nhà nghỉ, khách sạn nhỏ lúc nào cũng hết phòng. Làng có tranh tường, tranh thuyền cũng đẹp mắt và có nhiều ý nghĩa về văn hóa, phong tục. Tôi nghĩ rằng không phải nói nhiều về sự ảnh hưởng tích cực của dự án, mà nên bàn về những bất cập sau này, nếu như có chính sách tốt để giữ văn hóa, môi sinh không bị xáo trộn bởi du lịch và doanh nghiệp. Trường hợp Tam Thanh cũng giống như Sasaran một làng chài nhỏ không tên tuổi, sau vài lần dự án nghệ thuật cộng đồng đã nổi tiếng khắp Malaysia.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án nghệ thuật thay đổi đời sống người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO