Gian lận thi cử - Mong các em trúng tuyển bằng thực lực

Huyền Trang (tổ chức và thực hiện) 23/08/2018 10:45

Quy trình nào chặt chẽ đến đâu cũng là do người thực hiện. Nếu như có hệ thống thật sự đồng lòng nhất trí để tiêu cực thì rất khó.

Gian lận thi cử - Mong các em trúng tuyển bằng thực lực

PGS. TS Nguyễn Phong Điền.

PV: Thưa ông, hiện các trường ĐH đang trong giai đoạn nhận giấy xác nhận trúng tuyển của thí sinh. Trường ĐH Bách khoa HN, lượng thí sinh trúng tuyển năm nay có nhiều biến động so với mọi năm không?

PGS. TS Nguyễn Phong Điền: Ngay trong ngày đầu tiên làm thủ tục xác nhận, ĐH Bách khoa HN đã nhận được khoảng hơn 2 nghìn hồ sơ xác nhận của thí sinh. Các em đến làm thủ tục cực nhanh, mỗi em chỉ mất khoảng 1 phút. Chỉ mang giấy báo điểm có hệ thống phần mềm nhận dạng, chỉ quét cái là xong.

Năm nay, thí sinh Hà Nội trúng tuyển cao hơn năm ngoái, số thống kê đạt khoảng 27, 28%. Năm ngoái 24%. Kết quả phân tích cho thấy năm ngoái thí sinh ở các quận, huyện ngoại thành nhiều hơn nội thành. Năm nay có khả năng cũng như vậy. Có thể do lựa chọn của các em thôi, có thể các em muốn lựa chọn đi học nước ngoài. Hoặc các em chọn ngành nào đấy ở các trường Ngoại thương, Ngoại giao… Thí sinh ở các tỉnh miền núi phía Bắc trúng vào trường không nhiều.

Những thí sinh ở các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang… (nơi xảy ra những lùm xùm về tiêu cực điểm thi) trúng tuyển vào trường có nhiều không?

- Cũng có các thí sinh thuộc những tỉnh này nhưng không nhiều. Cá biệt có một số em thuộc tốp điểm cao.

Có ý kiến chuyên gia cho rằng, với những nghi vấn về điểm thi như năm nay các trường ĐH có thí sinh trúng tuyển cũng nên có thêm khâu kiểm tra đầu vào?

- Việc này, Bách khoa không làm. Các em đã đỗ vào trường rồi, về lý thì trường nhận theo quy chế tuyển sinh, trường có thể sát hạch năng lực của các em để xếp lớp hoặc có phương thức nào đó để bổ sung kiến thức với những em thiếu thôi. Chứ không có quyền từ chối nhập học của các em.

Thứ hai, nếu kết quả được sáng tỏ như Hà Giang thì các em đương nhiên sẽ mất quyền trúng tuyển. Cá nhân tôi rất mong các em trúng tuyển bằng thực lực của mình. Thực sự cũng có một số thí sinh ở Hòa Bình điểm cao vào Bách khoa, tôi cũng đang mong các em trúng tuyển thực sự, và động viên các em điểm cao tham gia kỳ thi tuyển vào chương trình tài năng của bách khoa.

Trường xét tuyển qua con đường thi THPTQG, nhưng cũng có tuyển 210 em vào 7 chương trình thí sinh tài năng, lớp chuyên biệt, cơ sở tốt, thầy giỏi, tăng cường kỹ năng và ngoại ngữ, các em phải thi thêm môn Toán, Lý hoặc Hóa theo chương trình. Dự kiến sau khi các em nhập học sẽ thi. Bản thân nhà trường mong các em điểm cao sẽ tự nguyện đăng ký tham gia chương trình này.

Ông có suy nghĩ gì khi đọc được thông tin các thí sinh điểm rất cao, nhiều em là thủ khoa một số các trường an ninh, quân đội đều thuộc về các địa phương xảy ra tiêu cực này?

- Hiện những trường đó cũng chưa đưa ra tuyên bố nào, và quan điểm cá nhân Bách khoa cũng không có nhiều ý kiến. Chừng nào chúng ta chưa có biện pháp nghiệp vụ làm sáng tỏ thì phải tôn trọng các em. Chúng ta không thể vì một vài em mà đánh giá chung kết quả tồi hay các em đi theo con đường tắt. Cũng rất mong Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng làm sớm để vừa đảm bảo công bằng cho thí sinh trên mặt bằng chung, mặt khác gỡ tiếng oan cho các em vào trường.

ĐH Bách khoa rất nhiều năm nay luôn quan tâm đến chất lượng, vậy những tiêu cực ở các tỉnh vừa qua liệu có ảnh hưởng gì tới chính sách đảm bảo chất lượng của trường không?

- Nhà trường duy trì chính sách đảm bảo chất lượng có một số yếu tố, giống như sản xuất thì nguyên vật liệu đầu vào phải tốt. Chúng tôi cũng rất chú trọng đến chất lượng của tuyển sinh, đảm bảo tuyển được các thí sinh có đủ năng lực học tập tốt, trực tiếp phản ánh thông qua điểm thi THPTQG. Trong trường hợp các em bằng cách nào đó đạt được điểm cao mà không đúng thực chất, nghĩa là việc tuyển chọn này giống như chúng ta chọn nguyên liệu bị lỗi đầu vào. Như các bà nội trợ mua thịt, cá bị hỏng thì chắc chắn món ăn đó không đạt yêu cầu, món ăn đó phải đổ đi. Bách khoa cũng vậy, nếu quy trình nghiêm ngặt về đào tạo thì các em sẽ bị đào thải qua quá trình đào tạo, đó là điều chắc chắn. Thậm chí có những em năng lực học tập rất tốt nhưng vào đây ý thức kém do dành nhiều thời gian chạy theo các thú vui như game online cũng không trụ lại được. Để đảm bảo chính sách chất lượng, việc đầu tiên nếu không xong, tuyển vào nhưng tuyển sai một số đối tượng do những chuyện tiêu cực về thi cử, chúng tôi có hệ thống đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo để đảm bảo chuẩn đầu ra. Bách khoa không lo lắng việc đó.

Tuy nhiên, đối với một hệ thống đầu vào tốt mà lại thải ra nhiều thì có nghĩa hệ thống đó vận hành không hiệu quả. Cho nên việc giám sát chất lượng đầu vào là rất quan trọng. Nếu không hệ thống sẽ kém hiệu quả.

Có thể cũng sẽ lọt một số em. Chúng tôi cũng hi vọng các em vẫn tiếp tục theo học được chương trình nặng này, và các em cũng phát triển công việc học hành ở đây đàng hoàng như các bạn. Còn nếu các em không tiếp tục theo được thì các em cũng được cho mình một bài học, đó là không có gì thành công mà không vất vả.

Nhưng cũng có nhiều lo lắng cho rằng dưới phổ thông có thể mua được điểm, liệu ở trường ĐH có như vậy không? Có khi nào các em lọt được vào trường và vẫn có thể ra được trường?

- Hiện tượng mua điểm, chạy điểm rất phổ biến những năm trước ở một số trường. Thậm chí có những trường, lớp trưởng phải đóng một số tiền thì cả lớp mới qua được môn này môn kia. Nhưng hiện tượng này có thể nói đang càng ngày càng giảm. Lí do là bây giờ phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh mẽ, các em có thể bày tỏ quan điểm của các em rõ những việc này. Nhiều việc các em khó nói trực tiếp thì có thể lan truyền qua mạng xã hội một cách rất khủng khiếp, nhanh chóng. Việc đó cũng hạn chế rất nhiều các động cơ của các thầy cô muốn làm việc này. Theo quan sát của tôi một vài năm nay khi phát triển mạng xã hội như facebook… thì thực sự là việc này đã hạn chế rất nhiều.

Để kỳ thi THPTQG 2019 có thể triệt tiêu được gian lận, ông có góp ý gì không?

- Việc chúng ta tiếp tục tổ chức thi như năm nay chúng ta không bàn tới nữa. Chúng ta chỉ cải tiến một số khâu tổ chức thi. Bộ trưởng cũng đã nói đến tính bất cập ở trong đề thi, chẳng hạn có câu quá khó, nhiều chuyên gia nói rằng phải tốn rất nhiều thời gian để giải quyết các câu đó. Cho nên cần giải pháp chỉnh sửa làm sao cho gần với trình độ thí sinh. Nghĩa là cải thiện độ khó của đề thi, đặc biệt ở những câu cuối.

Thứ hai về công tác coi thi. Thực sự là công tác coi thi chúng ta đã làm tốt. Với các giải pháp thi trắc nghiệm, sau đó mỗi thí sinh một đề, hệ thống quy trình khá chặt chẽ, kết hợp giữa trường ĐH và trường sở tại hầu như chúng ta đã làm tốt, ở khía cạnh nào đó có thể yên tâm được.

Những chuyện xảy ra ở các tỉnh vừa qua không phải ở công tác coi thi. Mà riêng công tác bảo quản bài thi cần cực kỳ chú ý. Bài thi không bảo quản tốt, thậm chí việc phát hiện tiêu cực còn khó hơn rất nhiều so với tiêu cực ở khâu chấm thi. Bảo quản bài thi không tốt thì bài của thí sinh hoàn toàn có thể bị sửa đổi ngay từ gốc. Khi đó thì không có biện pháp nghiệp vụ nào có thể phát hiện ra được.

Tuy nhiên, quy trình nào chặt chẽ đến đâu cũng là do người thực hiện. Nếu như có hệ thống thật sự đồng lòng nhất trí để tiêu cực thì rất khó.

Cũng phải nói thêm, để xảy ra những việc trên hoàn toàn do sự vô trách nhiệm của thanh tra. Ông phải nắm được nghiệp vụ, sâu sát quy trình. Những người cử đi làm thanh tra phải được tập huấn kỹ. Tôi tin sau sự kiện xảy ra trong năm nay Bộ GD&ĐT sẽ lưu ý việc này. Việc này không có, chỉ cần quan tâm, có trách nhiệm thì hoàn toàn có thể thực hiện được.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian lận thi cử - Mong các em trúng tuyển bằng thực lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO