Hai đền thờ danh nhân đất Việt

Khúc Hà Linh 16/05/2020 18:12

Hiện nay tại làng Khuyến Lương (Hà Nội) vẫn còn đền thờ hai danh nhân nước Việt là văn thần Nguyễn Trãi và Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, đời Lê.

Hai đền thờ danh nhân đất Việt

Đền thờ Nguyễn Thị Lộ sát đê sông Hồng.

Từ “Nữ học sĩ linh từ”...

Nằm nép vào chân đê sông Hồng (đoạn thuộc làng Khuyến Lương, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội), đền thờ Nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ - người thiếp của danh thần Nguyễn Trãi, lọt thỏm trong không gian ảm đạm, quạnh hiu…

Cổng chính quay ra chân đê sông Hồng, bên kia thuộc đất xã Văn Đức, quận Gia Lâm. Cánh cổng sắt khóa chặt, trên tường vôi ghi dòng chữ “người trông đền: số máy điện thoại - 043643…”. Nhưng bấm máy thì chỉ có tiếng kêu “tút tút”. Phải nhờ người đi tìm mới gặp được người coi đền, cụ Trần Văn Vượng, nay đã chín mươi tuổi, nhưng còn minh mẫn, khỏe mạnh, nói năng khúc chiết rõ ràng… Nhà cụ cách đây hơn trăm mét, được địa phương cử ra trông đền, mỗi tháng hưởng phụ cấp 500 nghìn đồng gọi là “lộc”. Cảnh nhà đền vắng khách, ngày ngày cụ ra thắp hương, thay nước, châm đèn cho thêm phần ấm cúng. Có khách vãng lai, cụ chuyện trò kể chuyện rất nhiệt tình.

Cụ Vượng mở cổng cho khách vào, và trước mắt tôi là những đôi câu đối bằng chữ Hán khắc trên cổng:

Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu

(Tạm dịch: Kim cổ không cùng sông mù mịt/ Anh hùng nỗi hận lá phiêu diêu).
Và đây một đôi câu đối khác:

Dân gian vĩnh thụ hữu hàm oan
Thánh đế dĩ minh vô thí tội

(Nghĩa là: Dân gian mãi chịu nỗi hàm oan/ Nhà vua đã giải oan cho kẻ mang tội).

Bên trong có cuốn thư chữ Hán “Nữ học sĩ linh từ” (Đền thiêng thờ Nữ học sĩ).

Cụ Vượng kể rằng: Ban đầu khu đền thờ bà Nguyễn Thị Lộ có diện tích 800m2, tường xây dầy 50-60 cm bằng gạch Bát Tràng. Có đủ tiền tế, hậu cung, bên ngoài có hai long mã. Đền được sửa chữa nhiều lần, vào năm Thành Thái nguyên niên - 1889, tới triều vua Khải Định (1916-1925) lại sửa lần nữa.

Thời chống Pháp 1946-1947 giặc về càn quét, mang xe ủi khu đền, chỉ để lại nội điện chơ vơ. Sau hòa bình, có một thời gian khá dài ngôi đền bị bỏ mặc, rơi vào quên lãng. Dân làng đào đất, phát hiện những di vật cũ như trâm bằng vàng dài 15cm và khối gỗ xếp hình cũi, nay cũng không còn…

Bây giờ đền chỉ còn lại diện tích gần 200m2, có một gian hậu cung hẹp, phía sau là một ngôi nhà cấp 4, cho khách vãng lai từ xa đến nghỉ tạm. Khách thập phương muốn sửa soạn đồ tế lễ, được xếp đặt ở ngay trong gian hậu cung rất chật. Chật hẹp là thế, nhưng cũng còn dựng tấm bia, có câu thơ chữ nôm “Góc thành Nam lều một gian” nhớ về quá vãng.

Nội điện bài trí sơ sài: Một bức tượng nhỏ, và những bát hương. Nghe kể: pho tượng đồng nặng 1,4 tấn, cao 2,7m đặt trong nội điện tay cầm bút, tay cầm sách, là mới được tôn tạo do một nhà hảo tâm thiện nguyện cung tiến .

Đến ngày giỗ Đức bà (16/8 âm lịch hằng năm) chính quyền Khuyến Lương có đến đây hành lễ. Còn tuần rằm, sóc vọng, rất ít khách.

Tấm bia “Đức bà Nguyễn Thị Lộ, Lê triều Lễ nghi học sĩ – Nữ lưu đệ nhất công thần”.

Từ tấm bia này mới biết thêm: Năm 1980, tổ chức UNESCO vinh danh Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới, thì sau đó nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đã vận động Hội những người kính yêu Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ tổ chức minh oan chiêu tuyết cho Đức bà. Tổ chức hội thảo khoa học “Lễ nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên”. Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đã tổ chức đúc tượng đồng, tạc tượng đá và dựng bia thờ bà ở những nơi có liên quan đến sự nghiệp của Đức Bà. Rằng nơi đây chính là nơi giặc Minh từng giam lỏng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ 10 năm, trước khi ông bà thoát vào Thanh Hóa tìm Lê Lợi bàn kế sách đánh giặc Minh. Văn bia khi kể về bà có đoạn:

“Mày ngài mắt phượng, tuyệt thế giai nhân
Chí cả tài cao phi phàm kỳ nữ
Công dung ngôn hạnh tứ đức vẹn toàn
Thi họa cầm kỳ, trăm hoa đua nở…”

Điều đáng lưu tâm là phần lạc khoản ở cuối bia được ghi là Giáo sư Vũ Khiêu, Anh hùng Lao động, soạn năm 2013.

Hai đền thờ danh nhân đất Việt - 1

Tượng Nguyễn Trãi trong nội điện.

…Đến Đền thờ Nguyễn Trãi vị khai quốc công thần

Cũng trong làng Khuyến Lương này, cách đền “Nữ học sĩ linh từ” chừng gần một cây số, có đền Nguyễn Trãi.

Nằm trong một cái ngách, lọt thỏm vào giữa khu dân cư đông đúc, đền thờ vị khai quốc công thần triều Lê - Nguyễn Trãi cũng quạnh hiu chẳng hơn gì nơi thờ người thiếp của mình.

Ngoài cổng có bốn chữ “Đền thờ Nguyễn Trãi”, giống như một cái khẩu hiệu chăng qua, bên dưới là cánh sắt khóa cứng lại. Người trông đền mấy năm trước là cụ Lê Văn Thi đã ngoại bẩy chục tuổi, gần đây mới có ông Lê Văn Phượng trong làng thay thế. Nghe kể rằng những người già nhất trong làng cũng chưa biết đền có từ khi nào... Có thể đã xuất hiện từ hơn 500 năm trước, nghĩa là sau năm Giáp Thân, niên hiệu Quang Thuận 5 (1464) vua Lê Thánh Tông tẩy oan cho Nguyễn Trãi, thì ở làng Khuyến Lương này mới lập đền thờ.

Cách đây khoảng 60 năm, ngôi đền còn ở giữa đồng làng, diện tích bảy, tám trăm mét vuông. Về sau, xã cấp đất ở để giãn dân, bây giờ bị thu hẹp, chỉ còn khoảng 200 m2.

Bị khu dân cư bao bọc ba mặt, còn một mặt đền quay ra ngách nhỏ. Đi qua nhìn vào, ai cũng tưởng đó là một ngôi nhà cấp 4, tường vôi loang lổ, mái lợp ngói ta, sân gạch rêu phơi. Vài cây cau mới trồng, vài cây mẫu đơn lẻ loi phô mấy chùm hoa, không làm ấm lên cái không gian ảm đạm… Nội điện trước đây hầu như chẳng có gì. May sao có nhà giáo Hoàng Đạo Chúc kiên trì đi khắp mọi nơi quyên góp, để tôn tạo đền thờ, nên mới có bức tượng, bên trên có bốn chữ Hán “Bình Ngô khai quốc”, làm cho nội điện thêm trang trọng.

Trong kháng chiến, đền thờ Nguyễn Trãi bị lãng quên, có lúc bị người ta tận dụng làm những việc thiếu tôn nghiêm giành cho những nơi thờ tự.

Cũng có những người thành tâm với cụ. Gia đình anh Thành ở Mai Động, cung tiến bộ bát bửu, rồi xây đặt 2 tấm biển chỉ đường, hàng tháng đến kỳ sóc vọng, anh vẫn chăm chỉ việc hương khói.

Từ xưa làng Khuyến Lương đã có lệ: Những ngày tuần rằm, hoặc đến ngày giỗ ông bà Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (16/8 âm lịch), cả làng phân công nhau làm cỗ bàn tế lễ. Trong làng có 6 phe, thì phe 5 cúng Nguyễn Trãi, còn phe 6 cúng Nguyển Thị Lộ.

Người ta kể: Đền thờ Nguyễn Trãi thiêng lắm. Người dân rất kính trọng phẩm đức của cụ. Có những đám ma đi qua cửa đền, dân làng dừng lại thắp hương vái cụ rồi mới đi tiếp.

Người làng tự hào quả quyết rằng: Đền thờ Nguyễn Trãi ở Khuyến Lương có sớm nhất trên cả nước. Những nơi khác mãi sau này mới tạo dựng.

Trong làng còn lưu truyền câu chuyện, Nguyễn Trãi thưở hàn vi đã từng về đây dạy học. Rằng, năm 1406 Nguyễn Trãi đang làm quan nhà Hồ, một lần gặp Nguyễn Thị Lộ người làng Hải Triều, còn gọi là Hới Chiếu (Tân Lễ - huyện Hưng Hà - Thái Bình). Rồi đôi trai tài gái sắc đã nhanh chóng trở thành tri âm, tri kỷ. Nguyễn Trãi chọn được khu đất cao, nổi lên như hình cái bút giữa vùng hồ ao, dựng trường.

Tối tối cụ lại về nghỉ ngơi với bà Lộ, ở xóm trên như đã kể.

Từ sau vụ thảm án Lệ Chi Viên, hình ảnh Nguyễn Trãi chỉ còn trong trái tim người đời, không mấy còn hiện vật. Ngay ở Côn Sơn, nơi ông giữ chức Đề cử chùa Tư Phúc, những người tâm phúc nhất cũng chỉ dám đắp hai pho tượng bằng đất, yểm tâm đề tên bên trong để thờ. Mấy trăm năm sau tượng đất vỡ ra từng mảnh, hậu thế mới biết đó là tượng Nguyễn Trãi và Trần phu nhân… Vậy mà ở một nơi rất gần kinh thành Thăng Long, người dân vẫn dựng lập đền thờ người, dẫu còn sơ sài vẫn là một tấm lòng trân trọng.

***

Khuyến Lương xưa từng là thái ấp của danh tướng Trần Khát Chân đời Trần. Xưa gọi là Cổ Mai, hay Cổ Mai đàm. Đây là vùng có nhiều đầm nước, và trồng mai, đến nay vẫn còn những tên gọi gợi về dấu cũ, như: Hoàng Mai, Bạch Mai, Hồng Mai…

Trải bao nhiêu biến cố, bãi biển nương dâu… cũng lạ thay, cách kinh thành lộng lẫy vàng son không xa, chỉ trong một làng vẫn tồn tại hai ngôi đền, thờ hai nhân vật nổi tiếng trong lịch sử? Nhưng có điều, vì sao cả hai ngôi đền thờ hai vị danh nhân đất Việt mãi mãi ẩn khuất giữa nhân gian?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai đền thờ danh nhân đất Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO