Thời gian giãn cách xã hội đã qua, tuy cuộc sống chưa thực sự trở lại nhịp bình thường, nhưng từ trong sự bất thường, luôn có những cách để chúng ta cùng lạc quan, vượt qua đại dịch, và giữ tinh thần lạc quan đó như một thái độ sống tích cực, lành mạnh và hướng thiện.
PV: Trong thời gian giãn cách vừa qua, có những điều gì thay đổi trong cuộc sống của chị và so với trước đây?
Họa sĩ Hiền Nguyễn: Tôi là nghệ sĩ hoạt động độc lập, xưởng vẽ cũng là nhà riêng nên trước, nay cũng gần như “giãn cách” với xã hội bên ngoài. Có chăng, thói quen đi đến phòng tập Yoga phải tạm ngưng lại, hay cẩn trọng hơn đeo khẩu trang khi đi siêu thị mua sắm. Tâm lý cũng có ảnh hưởng ít nhiều bởi tác động từ gia đình, xã hội trước đại dịch, tôi nghĩ đó là điều khó lòng tránh được bởi dù có cuộc sống khá bình lặng nhưng sự tương tác với xã hội thời 4.0 cũng chiếm một phần không nhỏ trong quỹ thời gian của tôi mỗi ngày.
Chúng ta sống trong một thế giới nơi giao tiếp kỹ thuật số phổ biến như giao tiếp trực tiếp.
Là nghệ sĩ tự do, đồng thời cuộc sống cũng khá khép kín, tránh ồn ào để chuyên tâm sáng tác, chị có quan tâm đến tình hình dịch bệnh đang diễn ra không?
- Tôi vẫn thường xuyên theo dõi thông tin dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông. Trong thời gian giãn cách xã hội, tôi tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, thường xuyên khử trùng, diệt khuẩn đúng cách, giữ đúng khoảng cách với người khác, đeo khẩu trang khi ra đường, nơi công cộng.
Tôi nghĩ rằng,mỗi cá nhân làm tốt được điều này là đã góp một phần vào thành công trong công tác phòng, chống dịch cho gia đình và cộng đồng.
Điện thoại thông minh trở thành khoảng thời gian rút lui và giãn cách khỏi đời sống xã hội với hầu hết chúng ta. Với tôi, tuy giãn cách xã hội có tác động đến tâm lý đôi chút nhưng cơ bản vẫn vậy mà thôi: Vẽ và vẽ, giải trí thư giãn bên người thân, nấu ăn, nghe nhạc, đọc sách… Đọc sách sẽ khiến trí não hoạt động và giúp cho thời gian rảnh rỗi của bạn trở nên ý nghĩa hơn. Ngoài ra, hoạt động này cũng giúp bạn có cái nhìn rộng hơn. Tôi thích nhất là loại sách chia sẻ về kiến thức văn hoá xã hội. Càng đọc càng thấy sự hiểu biết của bản thân mình là vô cùng hạn hẹp.Và cứ thế, bản thân tôi bỗng thấy cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn.
Chị đã nghĩ gì trong thời gian giãn cách?
- Chúng ta sợ phải tồn tại trong sự tĩnh lặng, muốn trốn chạy khỏi những cảm xúc của bản thân. Chúng ta sợ phải ngồi lại suy ngẫm về bản thân, sợ việc đối diện với chính mình. Chúng ta được học, được nghe nói rất nhiều về các kỹ năng để hòa đồng, hòa nhập nhưng chẳng mấy ai được học kỹ năng ở một mình.
Chúng ta bỏ qua một sự thật là nếu không chịu đối mặt với sự lặng yên và cô đơn thì sẽ không bao giờ có thể đối diện với chính mình. Không đối mặt với bản thân lại là lý do khiến ta cô đơn và lo lắng, thúc đẩy chúng ta phải kết nối với mọi thứ xung quanh.Với cuộc sống đời nghệ sĩ, chúng tôi luôn đối diện với sự cô đơn để có thể thỏa mãn đam mê làm nghệ thuật.
Tôi được sống chậm thật chậm để có thể hiểu sâu hơn về chính con người của mình.
Thời gian giãn cách xã hội đã qua, tuy cuộc sống chưa thực sự trở lại nhịp bình thường, nhưng từ trong sự bất thường, luôn có những cách để chúng ta cùng lạc quan, vượt qua đại dịch, và giữ tinh thần lạc quan đó như một thái độ sống tích cực, lành mạnh và hướng thiện.
Với một nghệ sĩ, thời gian giãn cách hẳn là dịp để tập trung toàn tâm vào sáng tác?
-Tôi đang thể hiện 4 bức tranh sơn mài khổ lớn toàn cảnh Hà Nội 2020 - nơi tôi sinh ra và lớn lên; TP.HCM 2020 - nơi tôi chọn sống với nghệ thuật Sơn mài hiện tại và tương lai. Tôi hy vọng có thể hoàn thành dự án này cuối tháng 12/2020.
Ý tưởng về đề tài xã hội được hun đúc từ cuối năm 2019, thật bất ngờ, trong quá trình thể hiện tác phẩm, đại dịch xảy ra khiến trật tự xã hội đảo lộn.
Chưa bao giờ có tình trạng cả một quốc gia hay nhiều thành phố của một quốc gia bị phong tỏa, nhiều biên giới quốc gia bị chặn cả đường bộ lẫn hàng không, chưa khi nào toàn bộ hệ thống trường học toàn quốc khép cổng, cũng chưa từng toàn bộ cơ quan công sở đóng cửa...
Cách ly và phong tỏa diện rộng tác động đến vấn đề tâm lý và tinh thần của toàn dân từ trẻ nhỏ đến người già, gây ra căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn…
Điều này tác động khá mạnh đến cảm xúc của tôi khi thể hiện tác phẩm.Tư duy về nghệ thuật rất căn bản và không khó hoàn thiện khi người nghệ sĩ làm chủ được các yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ cũng như trải nghiệm bản thân.
Việc chất vấn các yếu tố trong đời sống, chất vấn về bản chất nghệ thuật, trải nghiệm bản thân sẽ là “mồi lửa” cho những ý tưởng sáng tạo. Đó cũng chính là thành quả của một chuỗi tư duy và được miêu tả qua tác phẩm. Không có một sự ngẫu hứng hay ngẫu nhiên nào cả.
Tôi đã giác ngộ và đang thực hành để đi tiếp trên con đường sáng tạo.
Sau thời gian giãn cách, việc đầu tiên của chị là làm gì?
- Về Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên, thăm gia đình lớn của tôi...
Trong thời gian dài qua, có những điều gì đã thay đổi bên trong suy nghĩ của chị, và chị có thể chia sẻ dự định trong thời gian tới?
- Xã hội thay đổi theo thời gian, vậy mình có thể dùng sơn mài theo cách nào để tương tác với những thay đổi này?
Đó là câu hỏi khiến tôi tự vấn và phải tìm cách tự thõa mãn chính tôi vì cái sự mới mẻ, thách thức các giá trị, tiêu chuẩn nghệ thuật thời nay…
Xin cảm ơn chị!