Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng: Cuộc chơi khó của những tay chơi hiếm

Việt Quỳnh (thực hiện) 14/10/2019 11:13

Vẽ lên thế giới riêng đầy mộng ảo với những nét cọ mỏng tang đủ gam màu nóng mạnh trượt trong không gian ba chiều với biên độ nhạt đậm, cứ ngỡ luồng tư tưởng dị biệt thể hiện cơn mộng mị ấy sẽ làm tranh Nguyễn Xuân Hoàng khó hướng ra phía công chúng.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng: Cuộc chơi khó của những tay chơi hiếm

Nhưng, lạ thay, bộ tranh vừa hoàn thiện, chưa kịp bày triển lãm cá nhân thì đã được bán hết. Anh tâm sự:

Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng: Khi còn là một sinh viên, tôi đã tự đặt câu hỏi về phong cách sáng tạo trong đầu. Chắc bạn cũng thấy các giai đoạn sáng tác của tôi đều rất riêng biệt, từ sắp đặt “Kén” đến vẽ tranh “Không gian Lớp sáng” hay “Không gian phối cảnh ngược” rồi đến phong cách tạo hình bây giờ. Mong muốn khám phá ra một con đường riêng luôn khiến ta phải động não, làm việc hăng say hơn và tìm hiểu nhiều hơn, vì muốn biết cái bạn đang làm có thực sự riêng hay không bạn phải am hiểu lịch sử hội họa các thời đại, các trào lưu, các bậc thầy hay các tác phẩm và kỹ năng điển hình của họ, ngay cả luôn phải cập nhật những gì nghệ thuật ngày nay đang xảy ra, những nhân tố mới có gì sáng tạo hơn không từ đó học hỏi và lại phải phải tiếp tục nhìn lại hành trình của mình và phát triển tiếp.

Những ngày “trần mình” làm nghệ thuật đương đại đầy nhẫn nại với chất liệu kén, tằm, qua mỗi tác phẩm, anh muốn mang thông điệp gì đến với công chúng?

- Nếu hiểu cho thấu đáo thì cái ta có thể thực sự chiêm nghiệm ở “Kén tằm” là: đẹp đấy nhưng đau đớn, sinh sôi đấy nhưng thật phù du.

Làm nghệ thuật thể nghiệm có thể thấy tất cả là vì sáng tạo?

- Chỉ có chán cái cũ, bạn mới bắt đầu sáng tạo, còn nếu bạn đang thể nghiệm một cái mà bạn không biết nó là cũ hay mới thì hãy khoan bàn đến sáng tạo. Muốn biết những sáng tác của bạn là cũ hay mới thì bạn phải tìm hiểu và thực hành thật nhiều, ngoài ra cảm xúc hưng phấn và thăng hoa trong sáng tác cũng rất quan trọng, nó tạo ra những khoảnh khắc đánh mất mình và lại thấy gì đó sau những khoảnh khắc ấy. Hiểu biết nối thêm hiểu biết và thực hành gối lên thực hành, cứ như vậy theo hình kim tự tháp, càng đi bạn càng thấy dưới mờ đi mà trên thì lại rõ ra, cứ thế…

Mỗi tác phẩm từ trình diễn đến sắp đặt, chỉ có giá trị khi trực tiếp tương tác với công chúng trong một khoảng thời gian nhất định. Anh có nghĩ về sự ngắn ngủi của tác phẩm không?

- Nó chắc chắn là thế rồi, còn nghĩ đến làm gì nữa.

Và rõ ràng các anh đã không thể có đời sống vật chất dư dả khi làm nghệ thuật thể nghiệm?

- Dù điều kiện vật chất nhiều hoặc ít, tôi đều sáng tác. Tôi chưa bao giờ nhớ là khi nào mình dư dả hay cần dư dả. Về cơ bản tôi không thích dùng từ “thể nghiệm”, nghe nó thật mơ hồ. Tôi sáng tác thật. Sau một khoảng thời gian nhìn lại, tôi biết mình được gì và mất gì, nói chung chả sao, mọi thứ đều có ý nghĩa, tôi luôn lạc quan và không phàn nàn.

Sau thời gian làm sắp đặt và trình diễn, anh quay trở lại vẽ?

- Tôi không quay lại. Tôi mê vẽ hơn bất cứ thứ gì từ nhỏ. Thời gian theo đuổi sắp đặt hay trình diễn tôi bị gián đoạn một chút khoảng 3 năm, nhưng 3 năm đó tôi vẫn vẽ dù ít hơn khi tôi thực sự chỉ tập trung vào vẽ. Tôi bỏ sắp đặt và trình diễn vì chợt nhận ra rằng chỉ có tấm toan là cách nhanh nhất để tôi thể hiện bất cứ những ý tưởng nào vừa nảy ra trong đầu. Sắp đặt, trình diễn thì muốn làm là lại cứ phải triển lãm, nghĩ đến cái gì là lại phải “thò mặt” ra cho công chúng, đại khái là không phù hợp với con người tôi bằng tranh.

Sau một thời gian tìm tòi, khám phá bản thân, anh đã chọn cho mình một lối đi riêng trong hội họa như thế nào?

- Tôi kiên trì thực hành những khám phá của mình, và rồi cứ khám phá này nó lại hiện ra khám phá khác, đến một lúc các khám phá lại nhập vào nhau thành cái gì đó, tôi gọi quá trình này là “tính tiếp biến của phân loại và tổ hợp trong hành trình sáng tác”.

Vì sao anh xác quyết con đường đi này của mình, khi những bức tranh không phải nằm trong thị hiếu công chúng?

- Cái xác quyết đó nằm trong máu của Picasso, Van Gogh, Dali và tôi từ lâu rồi... chỉ còn là công chúng có đón nhận hay không thôi.

Với anh, một họa sĩ/ nghệ sĩ có phải là một nhà tư tưởng, dẫn dắt công chúng trong việc thưởng thức một giá trị nghệ thuật?

- Công chúng bao giờ cũng cần người có tư tưởng để dẫn dắt, không chỉ trong nghệ thuật mà bất kỳ lĩnh vực gì, vì họ đa phần chỉ đi theo thói quen.

Khi họa sĩ/ nghệ sĩ chạy theo phục vụ đám đông, anh thấy điều gì sẽ xảy ra?

- Họ không chạy theo đâu, mà ngay từ bắt đầu và kết thúc họ vẫn thế, vẫn là một với đám đông. Tôi không mấy bận tâm đến điều đó, họ thời nào cũng đông cả.

Đi theo con đường riêng biệt, tác phẩm của anh trên thực tế đã được công chúng đón nhận ra sao?

- Nhiều nhà sưu tập lớn, nhỏ đã sở hữu tác phẩm của tôi, có người mua trên mạng, có người mua qua môi giới, có người tới tận xưởng...
• Vị trí tranh của anh trên thị trường trong nước và cả quốc tế?

- Tôi bán tranh cho nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế. Vị trí thì cần có thời gian đánh giá, cũng như mức độ phát triển và sáng tạo tiếp theo của tôi sẽ tới đâu, nhưng đa phần những người thực sự am hiểu hội họa đều tin rằng nghệ thuật của tôi có đứng ở trong nước hay ngoài nước thì nó vẫn cứ là một thế giới riêng, một hành trình riêng, một cuộc chơi khó của những tay chơi hiếm...

Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng: Cuộc chơi khó của những tay chơi hiếm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO