Học giả Nguyễn Đổng Chi: Còn là tinh anh

Bùi Hải Ninh 06/06/2020 09:15

Với gần 2.000 truyện cổ tích được sưu tầm và viết lại, học giả Nguyễn Đổng Chi đã để lại một kho tàng đồ sộ, đến nay vẫn được coi là bộ truyện cổ tích Việt Nam đầy đủ, đáng tin cậy nhất. Một chi tiết khác cũng rất đáng lưu ý, trước 1945, khi dân chúng còn nghèo đói thì Nguyễn Đổng Chi đã nghĩ đến việc sưu tập, đồng sáng tạo các bản kể truyện dân gian. Khi đó, mới chỉ là các bản kể được truyền miệng, với các dị bản khác nhau. Nguyễn Đổng Chi, vì thế, được giới nghiên cứu ví là “Andersen của Việt Nam”.

Học giả Nguyễn Đổng Chi: Còn là tinh anh

Học giả Nguyễn Đổng Chi.

Lúc sinh thời, học giả Nguyễn Đổng Chi hoạt động tích cực trên nhiều địa hạt. Ông là một nhà sử học, nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu Hán - Nôm, nhà dân tộc học, một nhà văn tên tuổi. Tuy nhiên, cống hiến nổi bật hơn cả của ông là ở lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian. Ông đã có những kiến giải mới mẻ về loại hình truyện cổ tích Việt Nam trong tương quan với cổ tích thế giới.

Nguyễn Đổng Chi sinh ngày 6/1/1915 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà) tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Nguyễn Hiệt Chi tham gia phong trào Duy Tân ở Nghệ Tĩnh, từng là đồng sáng lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh (Phan Thiết), nhiều năm sau về dạy Trường Quốc học Huế và Trường Quốc học Vinh; mẹ là người thuộc dòng họ Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai. Trong gia đình ông còn có Giáo sư, nhà dân tộc học Nguyễn Đức Từ Chi; bác sĩ Nguyễn Kinh Chi - Thứ trưởng Bộ Y tế trong thời kháng chiến chống Pháp và Đại biểu Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I-IV; Giáo sư văn học Nguyễn Huệ Chi; Phó giáo sư, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Du Chi.

Từ cái nôi ấy, ngay từ nhỏ Nguyễn Đổng Chi đã được rèn giũa. Tuy nhiên, do gia đình bị thực dân Pháp o ép dẫn tới nhiều khó khăn nên ông chỉ học hết năm thứ ba bậc trung học một trường tư thục ở Vinh. Khi còn ở lứa tuổi tiểu học, rồi trung học, Nguyễn Đổng Chi đã được học chữ Hán, chữ Nôm tại nhà. Sau này, phần lớn kiến thức đều do ông tự mày mò từ sách vở và cuộc sống. Ở tuổi mười tám, đôi mươi, chàng thanh niên Nguyễn Đổng Chi đã cùng anh trai là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi tìm hiểu đời sống người dân Bana ở Kon Tum. Cả hai đã hoàn thành công trình “Mọi Kontum” đồ sộ, là quyển sách đầu tiên về nghiên cứu dân tộc học xuất bản bằng tiếng quốc ngữ.

Năm 1935, ông làm phóng viên cho tờ Thanh - Nghệ - Tĩnh, cộng tác với nhiều báo chí trong Nam ngoài Bắc, bắt đầu viết truyện với biệt hiệu Nguyễn Trần Ai. Năm 1937, với thiên phóng sự “Túp lều nát” ông đã bị Mật thám Pháp theo dõi.

Từ năm 1939 ông tham gia phong trào dân chủ phản đế, tham gia lãnh đạo Đoàn thanh niên cứu quốc Can Lộc, tổ chức Đội vũ trang cướp chính quyền Can Lộc thành công ngày 15/8/1945 sớm nhất trong toàn quốc. Cuối năm này ông làm Trợ bút báo Kháng địch, Chủ bút báo Truyền thanh và giữ chức Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc Nghệ An.

Năm 27 tuổi, Nguyễn Đổng Chi đã hoàn thành công trình “Việt Nam cổ văn học sử”, xuất bản lần đầu năm 1942. Tác phẩm giải quyết câu hỏi cốt lõi: văn học Việt Nam có từ bao giờ, và được nhiều nhà khoa học đánh giá có vai trò “đặt nền móng cho ngành nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam”.

Cuối 1946 ông ra Hà Nội và tham gia Đội tự vệ tại Khu phố Triệu Việt Vương, cầm cự với quân Pháp ở mặt trận Nam Hà Nội trong vòng 2 tháng.

Học giả Nguyễn Đổng Chi: Còn là tinh anh - 1

Từ tháng 3/1947 ông trở về công tác kinh tế tài chính ở Khu IV, làm Chánh văn phòng Đồn điền Bà Triệu (Phủ Quỳ), Chánh văn phòng Ban Kinh tài Liên khu IV, làm báo Cứu quốc Liên khu IV và Giám đốc Nhà xuất bản Dân chủ mới Liên khu IV. Năm 1952 bị đau, ông chuyển sang đi dạy học ở Trường trung học Nguyễn Hàng Chi (Hà Tĩnh).

Từ năm 1955 đến năm 1975, ông lần lượt công tác ở Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa, Viện Sử học, là thành viên Ban Cổ sử và Trưởng phòng Tư liệu Thư viện, khởi đầu việc xây dựng hệ thống thư mục chuyên đề về sử học và cùng các học giả khác hiệu đính nhiều công trình dịch thuật Hán Nôm quan trọng của Viện.

Sau 1975, ông từng là Trưởng ban Hán Nôm (tiền thân của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1978), rồi Quyền Viện trrưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, cho đến 1981 thì xin chuyển sang làm chuyên viên nghiên cứu của Ban Văn hóa dân gian (tiền thân của Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian).

Ông mất ngày 20/7/1984 tại Hà Nội. Năm 1984, ông được phong học hàm Giáo sư. Giáo sư Nguyễn Đổng Chi được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996. Tại nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh, Hải Dương, Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang có đường phố mang tên ông.

Lược lại một số dấu mốc trong cuộc đời hoạt động khá sôi nổi của học giả Nguyễn Đổng Chi, để thấy, phẩm cách của một người trí thức “con nhà nòi”. Những chỉ dấu ấy cũng phần nào minh định thái độ sống cũng như thái độ khoa học của ông. Ông đã sống một cuộc đời đầy đặn, và trong nửa thế kỷ cầm bút, học giả Nguyễn Đổng Chi cho thấy sức hoạt động, khả năng bao quát của ông thật rộng: sáng tác văn học, nghiên cứu văn học viết, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu Hán - Nôm… Những công trình của ông, ngay từ lúc ông còn sống, đã được giới làm nghề ghi nhận. Và khi thời gian lùi xa hơn, tới nay, nhiều công trình trong số đó vẫn cho thấy giá trị lịch sử, giá trị tư liệu, giá trị văn hóa…

Trong số đó, không thể không nhắc tới gần 2.000 truyện cổ được học giả Nguyễn Đổng Chi dành nhiều thời gian, tâm sức đi điền dã khắp các vùng miền để sưu tầm và viết lại. Số truyện trên được ông sử dụng để soạn bộ sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” gồm 5 tập. Đây cũng là bộ sách nghiên cứu được biên soạn và in xong lâu nhất: 25 năm (1957-1982). Ông là người đầu tiên phân loại truyện cổ tích Việt Nam thành 3 tiểu loại: Cổ tích thần kỳ; Cổ tích thế sự; Cổ tích lịch sử.

PGS.TS Trần Hữu Tá khẳng định, công trình đồ sộ mang tên “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” (5 tập, dày 2.740 trang) của Nguyễn Đổng Chi có thể sánh ngang về công phu và giá trị với các tên tuổi lớn về sưu tập văn học dân gian như anh em Grimm (Đức), H.C.Andersen (Đan Mạch)... Bộ sách được kỳ công biên soạn trong một phần tư thế kỷ song thực ra, quá trình nghiền ngẫm, tập hợp tư liệu đã được tiến hành trước đó cũng không dưới 20 năm. “Công trình có những phẩm chất nổi trội: Tác giả đã sưu tầm, lọc lựa, gia công tu chỉnh và phân loại hơn 200 cốt truyện cổ tích tiêu biểu của các dân tộc trong cộng đồng Việt. Phần khảo dị dày dặn hơn nhiều: trên dưới 1.000 đơn vị truyện, nhân vật, hiện tượng hoặc mô-típ tương đồng của các dân tộc anh em và của non 40 quốc gia Âu cũng như Á. Có một mảng của công trình, dài tới 330 trang (80 trang phần thứ nhất của tập 1 và 250 trang phần cuối của tập 5), tác giả đã trình bày hết sức thuyết phục về đặc điểm truyện cổ tích Việt Nam, vấn đề phân loại và phương pháp nghiên cứu truyện cổ tích”- PGS.TS Trần Hữu Tá nhận định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thị An, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cũng cho rằng, các bản kể trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” thể hiện bản sắc của văn hóa dân tộc nên ông hoàn toàn xứng đáng được so sánh với các nhà văn hóa lớn trên thế giới như Charles Perrault, Jacob Ludwig Karl Grimm và Wilhelm Karl Grimm. “GS Nguyễn Đổng Chi thực sự là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu thần thoại mà vài chục năm sau vẫn chưa có chuyên khảo nào tiếp bước. Nói về việc sưu tầm, biên soạn hàng trăm truyện cổ tích Việt Nam đến nay vẫn được coi là “bản mẫu chuẩn” của các thế hệ người Việt”- PGS.TS Trần Thị An đánh giá.

Học giả Nguyễn Đổng Chi rời xa cõi trần gần 40 năm. “Nhân cách, cốt cách kẻ sĩ xứ Nghệ của Nguyễn Đổng Chi trong mọi ứng xử của đời thường, với tất cả những ai quen biết, hoặc có quan hệ gắn bó rộng hẹp với ông thuộc các thế hệ là điều rất đáng ghi nhớ và trân trọng. Mất ở tuổi 69, sau số lượng các công trình đồ sộ đã được in, trong tư cách một nhà khoa học lớn, một nhà văn hóa, và còn nhiều bản thảo chưa in, nhiều dự định còn chưa kịp thực hiện, đó là một thiệt thòi, một tiếc nuối lớn cho khoa học văn chương ở xứ ta”, GS Phong Lê nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học giả Nguyễn Đổng Chi: Còn là tinh anh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO