Khủng hoảng niềm tin

Khánh Vy 23/12/2017 11:30

V-League đang đi đến những vòng đấu cuối cùng với việc có đến 4-5 đội có thể đăng quang. Sự căng thẳng, quyết liệt của cuộc đua tới ngôi vương tưởng như sẽ đem lại một giải đấu thực sự hấp dẫn. Thế nhưng, rất nhiều sân cỏ nơi làng bóng Việt đang mất dần khán giả bởi những nghi ngờ. Vấn đề có lẽ không chỉ do những yếu tố chuyên môn mà nó còn đến khi giải đấu đã không tạo dựng được niềm tin thực sự và tiếp tục khiến khán giả càng lúc càng quay lưng.

Khủng hoảng niềm tin

V-League ngày càng vắng bóng khán giả vì những trận cầu và kết quả khó lý giải.

Trong những nghi ngờ

Rất nhiều những hỉ - nộ - ái - ố đã xuất hiện ở V-League từ ngày khai mạc đến thời điểm sắp khép lại mùa giải. Trong trận cầu thừa tính căng thẳng khi có đến 2 thẻ đỏ dành cho SHB Đà Nẵng trong trận gặp Quảng Nam thì những nghi vấn về chuyện họ dựng nên trận đấu căng thẳng nhưng cuối cùng Quảng Nam lấy trọn 3 điểm vẫn là điều nhiều người nghĩ đến. Bất chấp những thanh minh của người trong cuộc thì báo giới, dư luận người hâm mộ vẫn cứ nghi ngờ, thậm chí còn cho rằng cái biểu hiện căng thẳng ấy chẳng qua chỉ là một vở kịch để “che mắt thánh” mà thôi.

FLC Thanh Hoá có lẽ giờ này đã đăng quang ở V-League mùa này rồi nếu như hàng thủ của họ không thay nhau sai lầm trong những trận cầu quyết định. Những sai sót liên tục của các cầu thủ Thanh Hóa khi người đá phản lưới nhà, người phạm lỗi không đáng khiến đội nhà phải chịu phạt đền, người bỏ lỡ hàng loạt cơ hội ăn bàn mười mươi... và khiến FLC Thanh Hoá từ chỗ bỏ xa điểm số đối thủ thì giờ gần như “dâng” ngôi vô địch cho 2 đội bóng nhà bầu Hiển. Đỉnh điểm của sai lầm cá nhân chính ở trận cầu với Than Quảng Ninh, người ta không thể hiểu nổi tại sao trong phút cuối cùng của hiệp 1 thủ thành Thanh Thắng không bị áp lực lớn lại có thể đường hoàng chuyền bóng thẳng cho tiền đạo Than Quảng Ninh dứt điểm ngay giữa khung thành? Chứng kiến những sai lầm này, NHM không còn lời nào khác mà phải thốt lên “mắc sai lầm như bán độ”.

Dù thủ môn Thanh Thắng đã gửi lời xin lỗi và nói rằng đấy là một tai nạn. Nhưng không thể không nghi ngờ với pha chuyền bóng giống như cầu thủ không biết đá bóng như thế. Pha bóng đó khiến nhiều người liên tưởng như pha đá về lưới nhà nổi tiếng của Lã Xuân Thắng ngày xưa nhưng ở mức độ cao hơn, tinh vi hơn. Càng giật mình khi bóng đá Việt Nam những năm qua đã không ít lần rúng động bởi nạn cá độ, điển hình là vụ 9 cầu thủ Ninh Bình hay gần nhất là nhóm cầu thủ của Đồng Nai. Có người nói rằng giờ cầu thủ chẳng dại gì mà làm độ, bởi họ kiếm vài chục triệu đồng có khi còn không bằng tiền thưởng sau mỗi trận thắng. Nhưng chẳng ai có thể biết nếu các cầu thủ nhúng chàm, họ sẽ được nhận bao nhiêu, 1 tỷ, 10 tỷ hay nhiều hơn nữa? Mọi thứ có thể diễn ra và nó nằm ngoài tưởng tượng.

Những sai lầm của hàng thủ khiến NHM xứ Thanh đã phải thốt lên rằng các cầu thủ đã thử thách quá lớn vào tình yêu, vào niềm tin mà họ giành cho đội bóng. Cầu thủ Thanh Hóa có bán độ hay không bán độ vẫn nằm trong nghi án khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra. Thế nhưng mỗi lần làng bóng có chuyện thì rất nhiều người nghĩ ngay đến tiêu cực, do nỗi ám ảnh của quá khứ và không chỉ ở cấp CLB. Mọi việc càng nóng hơn khi trong một chương trình truyền hình mới đây, cựu phó Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi đã tiết lộ bí mật động trời về V.League “Trước khi tôi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ, phải nói rằng bóng đá Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Trong đó có vấn đề chưa đá đã biết hết tỷ số các trận đấu rồi. Gần như phải đến 80% số trận đấu thời điểm từ 1990 đến 2004 đều bị điều khiển bằng một cái gì đó từ bên ngoài” – trích lời ông Dương Nghiệp Khôi trong chương trình Góc Khuất. Tiếp tục nói về vấn đề tiêu cực ở làng bóng nội, nguyên trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi khẳng định ông chẳng có gì phải ái ngại khi tiết lộ thông tin này, bởi đó là thực tế diễn ra ở thời điểm đó mà ai làm bóng đá cũng đều biết.

Đây không phải là lần đầu tiên một chuyên gia hoặc một cựu cầu thủ, HLV tiết lộ thông tin về chuyện dàn xếp tỉ số hoặc “quan hệ dây dợ” ở V-League. Sân chơi V-League chưa tạo ra sự an tâm đối với người trong cuộc mà phát biểu của HLV Petrovic đã gây bão khi ông mỉa mai sâu cay những nhà tổ chức giải đấu “Hãy công bố đội nào giành ngôi vô địch, để các đội còn lại cạnh tranh vị trí thứ hai, thứ ba cho quyết liệt”. HLV của Thanh Hóa nhấn mạnh hơn đến công tác trọng tài với nỗi nghi ngờ có vấn đề mỗi khi có những pha phạm lỗi dẫn đến phạt đền của đội nhà. Lạ lùng là những dấu hiệu nghi ngờ oan sai hoặc thiếu trung thực trên sân cỏ đều có lợi cho một vài đội bóng thuộc quyền kiểm soát của một ông bầu có tiếng nói đầy ảnh hưởng không chỉ ở Hà Nội FC mà có tới 3-4 đội bóng khác trong cuộc đua đến ngôi vô địch.

Từ chuyện bán tín bán nghi cầu thủ bán độ, hay việc CLB không phục ban tổ chức giải và lực lượng cầm cân nảy mực sân cỏ cho thấy V-League còn tồn tại quá nhiều vấn đề, bởi sự ngờ vực với cảm giác bị đối xử bất công.

Cùng với đó, công tác trọng tài dù bị kêu ca, lên án nhưng vẫn liên tục mắc sai lầm suốt cả mùa giải. Đến hẹn lại lên, càng lúc V-League trôi dần về những vòng cuối cũng là lúc liên tục xuất hiện các quyết định tranh cãi liên quan tới công tác trọng tài. Ngay từ đầu giải đã rất nhiều tai tiếng liên quan tới trọng tài và những tưởng nó sẽ đỡ hơn nhưng về cuối giải vẫn bùng phát. Những phản ứng với trọng tài nội không thiếu và nó càng đáng buồn hơn khi BTC phải mời trọng tài ngoại điều khiển những trận cầu nóng. Một trọng tài ngoại có thể vẫn có sai sót nhưng họ sẽ dễ dàng được bỏ qua bởi người ta tin họ công tâm, không bị chi phối. Trong khi đó, cùng lỗi đó nhưng nếu là các trọng tài nội thì chắc chắn họ sẽ hứng chịu chỉ trích, búa rìu dư luận rất nặng nề, bị phán xét về động cơ. Đó chính là dấu hiệu lớn nhất của việc mất niềm tin.

Khủng hoảng niềm tin - 1

Niềm tin khó tìm

Khi khán giả không có niềm tin thì việc họ phải bỏ những thú vui khác để tới sân cổ vũ thực sự là điều xa xỉ. Đã có những nhận xét vui nhưng thực sự phản ánh sự chua chát khi NHM quay lưng xung quanh trận đấu được mệnh danh derby khi cho biết sân bóng đã chật kín chỗ khán giả ngồi xem trận đấu nhưng số lượng chỗ nằm còn rất nhiều! Nhiều trận đấu, số lượng khán giả chỉ vài trăm, phần còn lại là khoảng trống mênh mông trên khán đài. Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng này, từ chất lượng giải đấu kém, công tác tổ chức, điều hành yếu, trọng tài hay mắc sai sót, nhiều sai sót của cầu thủ khó lường… Nhưng tựu chung lại, vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt Nam từ trước tới nay vẫn là niềm tin. Người hâm mộ không thể có niềm tin khi họ tới sân không biết là được theo dõi một trận cầu cống hiến hay phải xem vở kịch trên sân cỏ? Trong họ luôn có sự nghi ngờ về tính trung thực của trận đấu, tính cống hiến của các cầu thủ.

V-League mùa nào cũng lại xảy ra câu chuyện mập mờ giữa trắng và đen như đang thấy. Nhưng rõ ràng là dù có tiêu cực hay không, thì cũng phải làm tới cùng và công bố rộng rãi, để cả người trong cuộc và người ngoài không còn sống trong cảm giác nghi ngờ nhau. Hai mùa giải gần nhất, VPF đã thuê công ty Sportradar giám sát các trận đấu V-League nhưng chưa bao giờ họ phát hiện ra tiêu cực. Cho nên từ vụ của Thanh Hóa, giới hâm mộ rất cần đến phán quyết đúng đắn của các nhà làm giải để giải tỏa nghi ngờ hoặc phanh phui đến cùng tiêu cực ở sân chơi của mình.

Giải đấu sạch, tử tế hay không đương nhiên phụ thuộc vào các đội bóng tham dự. Nhưng về cơ bản, ít nhiều BTC V-League cũng có trách nhiệm chứ không thể vô can hoặc nói cho có đồng thời để giải đấu của mình trôi nổi đến đâu thì đến và để khi tổng kết vẫn là điệp khúc giải kết thúc an toàn được xướng lên!

Rõ ràng niềm tin của giới hâm mộ đã và đang bị đánh cắp trong sự bất lực lặng lẽ của VFF, VPF. Nguy hiểm hơn ở buổi chợ chiều V-League, những dấu hiệu bất thường tăng lên mà nếu không gặp bất cứ phản ứng nào từ VFF lẫn BTC giải sẽ càng khiến niềm tin trở thành thứ xa xỉ và khó có lại được nơi bóng đá Việt. Khi nhiều người, nhiều cầu thủ đã đánh mất niềm tin thì không thể trách khán giả quay lưng với một V-League thật giả lẫn lộn. Chừng nào V-League chưa tạo được niềm tin thì đừng mong lấy lại được tình yêu nơi NHM. Niềm tin ít đồng nghĩa với việc các sân bóng tiếp tục vắng khán giả là điều hiển nhiên. V-League càng lúc càng xuất hiện những trận cầu và những kết quả khó lý giải và nó khiến theo thời gian lượng khán giả sụt giảm nghiêm trọng. NHM không cần tranh luận nhiều về câu hỏi muôn thuở: “Chứng cứ đâu?”, họ cũng không cần quan tâm đến các cầu thủ và nhiều đội bóng nói gì xung quanh những kết quả nhạy cảm, những tình huống mắc lỗi ngớ ngẩn.

Người hâm mộ đơn giản chỉ cảm nhận rằng nếu V-League là một giải đấu thiếu sòng phẳng và có chỉ số niềm tin thấp, họ sẽ phản ứng bằng cách không cần phải xem, không nhất thiết phải đến sân! Chỉ đến khi nào bóng đá Việt thực sự là những trận cầu thật, không bị chi phối bởi những câu chuyện hậu trường hay lợi ích nhóm và tạo ra sự trung thực thì khán giả mới có thể quay lại hết mình với bóng đá. Bởi điều duy nhất họ cần chính là sự trung thực trong mỗi trận đấu chứ không phải vừa xem vừa nghi ngờ không biết mình có bị lừa không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng niềm tin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO