Kỳ họp thứ 8 quốc hội khóa XIV: Trăn trở nhiều vấn đề dân sinh

Mai Loan 04/11/2019 09:45

Ngày 21/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Hà Nội. Kỳ họp cuối năm nhìn lại kinh tế - xã hội đất nước suốt 1 năm qua, có thể thấy có nhiều tín hiệu đáng mừng khi kinh tế vĩ mô đang đi đúng quỹ đạo, tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định, hoạt động của các cơ quan Nhà nước đã ngày càng gần dân hơn. Tuy nhiên, cũng còn những băn khoăn, trăn trở.

Kỳ họp thứ 8 quốc hội khóa XIV: Trăn trở nhiều vấn đề dân sinh

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quang Vinh).

1. Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho hay: công tác bảo vệ môi trường trong thời gian vừa qua đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân.

Tại Hà Nội, theo số liệu từ 13 trạm quan trắc, trong thời gian từ ngày 12/9 đến ngày 29/9, chất lượng không khí (AQI) liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tại TPHCM, theo số liệu từ 30 trạm quan trắc chất lượng không khí từ ngày 3/9/2019 đến 20/9/2019 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... trong các ngày 18 đến 20/9. Cao nhất là ngày 20/9, bụi tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần. Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn, PM10, PM 2.5 gia tăng từ 1,9-2,2 lần, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến yếu tố môi trường tăng khoảng 30%. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp phát hiện ung thư. Cũng theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng. Điển hình như vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông sử dụng thủy ngân có độc tính cao hơn so với viên Amalgam. Từ năm 2016, Công ty công bố chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hợp của Hg - Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kilogram.

Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết: công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, lãng phí chưa kịp thời, việc xử lý tham nhũng, lãng phí ở một số nơi chuyển biến chưa mạnh, nhất là ở địa phương, cơ sở; tình trạng nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả, còn để xảy ra tình trạng người vi phạm trốn ra nước ngoài trước khi áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Việc xử lý, thu hồi tài sản bị tham nhũng, theo như đánh giá của MTTQ Việt Nam, mặc dù đã được quan tâm hơn nhưng hiệu quả chưa cao; công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là những vụ án lớn mà Nhân dân quan tâm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.

2. Nhiều dự án ngành Công Thương vẫn tăng lỗ, ngập trong nợ nghìn tỷ - điểm băn khoăn, trăn trở ấy được nêu trong Báo cáo mới nhất của Chính phủ về kết qủa xử lý các dự án này. Báo cáo cho biết: với 6 dự án trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, đến 2018 và 8 tháng đầu năm 2019 đã có 2 nhà máy có lãi là nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung. Trong 3 dự án trước đây bị dừng hoạt động đến nay chỉ có 1 dự án vận hành trở lại. Còn với 3 dự án xây dựng dở dang đều gặp khó khăn. Chính phủ khẳng định Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án. Hiện nay có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án này, tổng dư nợ đến thời điểm 30/6/2019 là 22.423 tỷ đồng. Đi vào từng dự án cụ thể, nhiều dự án vẫn đang tăng lỗ. Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ 208,807 tỷ, tăng lỗ 94,258 tỷ so với cùng kỳ 2018. Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc lỗ 342 tỷ, tăng lỗ 138,928 tỷ. Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất lỗ luỹ kế 3.841,31 tỷ, tăng lỗ 1,4%. Tổng nợ phải trả 6.918,53 tỷ, tăng 1%. Dự án nhà máy sản xuất sơ xợi Polyester Đình Vũ lỗ luỹ kế 5.120,2 tỷ, tăng lỗ 12%. Tổng nợ phải trả 7.806,1 tỷ, tăng 1,56%. Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi lỗ luỹ kế 983.70 tỷ, tăng lỗ 14,8%, tổng nợ 1.304,90 tỷ. Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước lỗ luỹ kế 1.396,64 tỷ, tăng lỗ 14,67%, tổng nợ 1.842,97 tỷ, tăng 3,88%. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam tổng nợ phải trả đến 31/8/2019 lên đến hơn 3.000 tỷ…

Chính phủ cho biết hiện còn nhiều khó khăn vướng mắc tập trung ở ba nhóm vấn đề rất khó giải quyết. Một là xử lý tranh chấp để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án. Hai là vấn đề tài chính để giải quyết khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp. Ba là xây dựng phương án thoái vốn. Đáng chú ý, có 7 dự án phát sinh đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ, một số trường hợp không dàn xếp được phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử. Có 6 dự án còn vướng trong việc quyết toán toàn bộ dự án do chưa xử lý được tranh chấp hợp đồng EPC và định giá tài sản.

Liên quan đến khó khăn tiếp theo, báo cáo nêu rõ: ngoại trừ dự án nhà máy sản xuất đạm ADP số 1 - Hải Phòng và nhà máy Thép Việt - Trung đang có lãi, các dự án còn lại đều thua lỗ hoặc dừng hoạt động nên không nhiều nhà đầu tư quan tâm. Khó khăn chồng chất, song Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (người thừa uỷ quyền Thủ tướng ký báo cáo) khẳng định vẫn đảm bảo hoàn thành việc xử lý các dự án, doanh nghiệp theo đúng yêu cầu, mục tiêu và lộ trình đã đề ra. Tức là đến hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém, đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương.

3. Trong khó khăn chồng chất ấy, Chính phủ vẫn nghĩ đến việc nâng cao mức sống của cán bộ công chức. Cụ thể, Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Thẩm tra báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với dự kiến tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 2020 tăng 113,8 nghìn tỷ đồng (7%) so với dự toán năm 2019. Riêng về chi thường xuyên 2020, Chính phủ lập dự toán chi thường xuyên chiếm 60,5% tổng chi ngân sách nhà nước, giảm dần qua các năm. Riêng về chi cải cách tiền lương, theo báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng, nhưng, để tăng lương thành hiện thực, cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ cần thực hiện các bước đi phù hợp, xác định vị trí việc làm, tính chất phức tạp của nghề nghiệp… để chuẩn bị tiến hành cải cách tiền lương từ năm 2021 theo nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương Đảng. Đối với các khoản phụ cấp và thu nhập có tính chất lương, cần được rà soát theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề và lĩnh vực hoạt động. Nếu mức tăng lương được Quốc hội chấp thuận thì lương cơ sở 2020 sẽ cao hơn mức lương cơ sở hiện tại 110.000 đồng (hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ họp thứ 8 quốc hội khóa XIV: Trăn trở nhiều vấn đề dân sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO