Mặt trận Tổ quốc với công tác vận động nhân sĩ, trí thức

Nguyễn Túc 05/10/2019 15:06

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có vai trò cực kỳ quan trọng trong chủ động đề xuất, cùng Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường và điều kiện làm việc cho trí thức.

Mặt trận Tổ quốc với công tác vận động nhân sĩ, trí thức

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có vai trò cực kỳ quan trọng trong chủ động đề xuất, cùng Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường và điều kiện làm việc cho trí thức.

Ông cha ta đã từng tổng kết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Kế thừa và phát huy truyền thống trọng sĩ của dân tộc, ngay khi cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Mặt trận Việt Minh, đã vận động nhân dân hăng hái tham gia cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên của dân tộc. Kết quả: trên 60% số đại biểu trúng cử là nhân sĩ, trí thức, trong đó có những vị tiêu biểu: Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát, Ngô Tấn Nhơn, Đặng Thai Mai, Vũ Đình Hòe, Dương Đức Hiền, Nguyễn Huy Tưởng, Cù Huy Cận, Đỗ Đức Dục, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Xiển, Trần Huy Liệu, Đinh Gia Trinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Công Tường, Cao Triều Phát… Phiên họp đầu tiên của Quốc hội bầu ra Ban Dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm hầu hết là những nhân sĩ, trí thức như: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Văn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Nguyễn Thị Thục Viên…

Khi chính quyền đã về tay nhân dân, Ủy ban nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết được Bác Hồ thành lập, tập hợp những nhân sĩ, trí thức uyên bác như: Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hòe, Hoàng Xuân Hãn, Bùi Bằng Đoàn, Trần Văn Giàu, Đặng Thái Mai, Cù Huy Cận, Nguyễn Trường Long, Đào Duy Ánh, Phạm Thiều, Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Đạo Thúy.

Thực tiễn đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy: Các sĩ phu yêu nước, các nhà lãnh đạo các phong trào, các cuộc khởi nghĩa nhằm giải phóng dân tộc hầu hết là trí thức.

Nhận thức vai trò quan trọng của nhân sĩ, trí thức trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, Tuyên bố của Đảng Lao động Việt Nam nêu rõ: “Đảng Lao động Việt Nam gồm có những công nhân, nông dân, lao động trí óc yêu nước nhất, hy sinh nhất, gồm những người phụng sự nhân dân lao động chí công vô tư, gương mẫu trong công tác kháng chiến, kiến quốc”.

Hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh, nhiều nhân sĩ, trí thức thuộc tầng lớp trên đã hăng hái tham gia kháng chiến; nhiều người đang du học hoặc làm việc ở nước ngoài đã trở về quê hương như: kỹ sư Trần Đại Nghĩa, nhà toán học Lê Văn Thiêm, thạc sĩ văn chương Hoàng Xuân Nhị, luật gia Trần Văn Khương, Phan Anh, các giáo sư Tạ Quang Bửu, Trần Hữu Tước, Võ Qúy Huân, Phạm Huy Thông… Những trí thức yêu nước như Lưu Văn Lang, Trịnh Đình Thảo, Michel Văn Vỹ, Hoàng Quốc Tân (cháu nội Hoàng Cao Khải), Nguyễn Xuân Bái… đã bày tỏ quan điểm rõ ràng: đòi thực dân Pháp phải thương lượng với Chính phủ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số hơn 6.000 nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn ra bưng biền để sát cánh cùng nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược có những nhân vật nổi tiếng như: Đốc Phủ sứ Đô trưởng Phan Văn Chương, Đốc phủ Viễn, Đốc phủ Xuân, đốc phủ Tào, chức sắc có uy tín lớn trong các tôn giáo như cụ Cao Triều Phát, Giáo chủ Nguyễn Ngọc Tương, linh mục Nguyễn Bá Luật… Một số vị đã xung phong tình nguyện xin được ra chiến khu làm việc như: Hồ Thành Biên, Võ Thành Trinh, Trần Quang Nghiêm, Nguyễn Hiến Lê, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Thành Vĩnh…

Ngoài việc củng cố, thành lập Mặt trận Liên Việt, Đảng và Bác Hồ chủ trương vận động tạo điều kiện cho số đảng viên thuộc chi nhánh Đảng Xã hội Pháp là người Việt Nam do ông Phan Tử Nghĩa làm Tổng Thư ký và là thành viên tích cực của Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Dân tộc Thống nhất ở thời kỳ mới giành được chính quyền, vận mệnh của đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, phải hoạt động trong vòng vây thù trong giặc ngoài, với hai hình thức tổ chức Việt Minh, Liên Việt song do một Đảng lãnh đạo đã liên kết rộng rãi nhiều lực lượng, kể cả những người vô đảng, vô phái và đối lập.

Đặc điểm lớn nhất của Cách mạng Việt Nam sau khi ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (từ tháng 9/1954) là đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược nhưng đều có một mục tiêu chung là hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập ngày 10/9/1955 do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Danh dự; Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuyên ngôn của Đại hội “Thiết tha kêu gọi các tầng lớp nhân dân, mọi người Việt Nam không phân biệt trai gái, già trẻ, thành phần xã hội, không phân biệt dân tộc, không phân biệt trước đây đã đứng về phe nào nhưng ngày nay tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ hãy xiết chặt hàng ngũ trong Mặt trận để cùng nhau thực hiện Cương lĩnh của Mặt trận”. Mặt trận đã ban hành chính sách đoàn kết trí thức vùng tự do với vùng mới giải phóng, trí thức cũ với trí thức mới; trí thức được đào tạo dưới thời Pháp thuộc với trí thức được đào tạo dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặt trận nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước chính sách bố trí công việc và đãi ngộ thỏa đáng đối với trí thức tài năng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để trí thức cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước và gắn bó mật thiết với công nông trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Ở miền Nam, ngày 20/12/1960 Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với Lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm” đã dấy lên khí thế chống Mỹ sôi nổi với những khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt”, “Nắm thắt lưng địch mà đánh, đạp lên đầu thù mà diệt”. Phong trào học sinh, sinh viên, trí thức ở các đô thị ngày càng được mở rộng về quy mô và càng mang rõ sắc thái dân tộc.

Với phương châm “Hai chân ba mũi, ba vùng chiến lược”, phong trào đấu tranh ở các đô thị đã thu hút nhiều giai cấp, tầng lớp, trong đó có nhiều nhân sĩ, trí thức, tư sản tham gia. Chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo điều kiện cho một số nhân sĩ, trí thức rời các đô thị ra vùng giải phóng. Ngày 20/4/1968 nhóm Trí thức Giải phóng đã cùng các nhân sĩ, trí thức yêu nước khắp miền Nam mở Đại hội thành lập Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam với sự tham gia của đông đảo nhân sĩ, trí thức, học giả, nhà báo, nhà văn, giáo sư, sinh viên, nhà công thương nổi tiếng. Liên minh ra đời đã đoàn kết và tranh thủ được một bộ phận trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị và một số nhân vật có xu hướng chính trị hòa bình trung lập nhưng chưa tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam từ sau Tết Mậu Thân đã cho ra đời nhiều hình thức tổ chức, mở đầu bằng việc thành lập Lực lượng Quốc gia Tiến bộ do luật sư Trần Ngọc Liễng làm Chủ tịch, luật sư Ngô Bá Thành làm Phó Chủ tịch, bà Trần Thị Lan làm Thư ký và thu hút được nhiều trí thức, nhân sĩ yêu nước, yêu hòa bình, hình thành những phong trào công khai, tạo thành mũi đấu tranh chính trị có tiếng vang lớn, có sức tập hợp nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lực lượng thứ ba.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước chuyển sang một thời kỳ mới, đây là bước chuyển biến to lớn nhất, sâu sắc nhất và triệt để nhất của cách mạng Việt Nam. Đại hội thống nhất các tổ chức thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyết định: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, động viên lực lượng to lớn của mọi giai cấp, mọi tầng lớp nhân dân đồng tâm nhất trí, tự nguyện, tự giác, đem hết tinh thần và nghị lực, trí tuệ và tài năng, tích cực đóng góp vào sự nghiệp chung, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn phát triển rực rỡ của dân tộc”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển và mở rộng Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam có mặt trong mọi hoạt động của mình, phấn đấu thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có vai trò cực kỳ quan trọng trong chủ động đề xuất, cùng Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường và điều kiện làm việc cho trí thức. Trước những ý kiến khác nhau, có khi “trái chiều” về những vấn đề cơ bản, có liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Mặt trận đã nhiều lần kiến nghị với Đảng thận trọng xem xét một cách toàn diện những ý kiến “trái chiều” đó, vì đây là những ý kiến của các nhân sĩ, nhà khoa học có uy tín lớn trong giới trí thức và một bộ phận nhân dân, của những người đã từng giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng và Nhà nước; tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học; khuyến khích tìm tòi, sáng tạo; tạo ra sự đoàn kết và đồng thuận cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận Tổ quốc với công tác vận động nhân sĩ, trí thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO