Như cái câu văn của ông nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thời sinh viên chúng mình vẫn nhắc nơi cửa miệng, máu nông dân chảy trong huyết quản, kiểu gì rồi cũng phải trở về, chả đâu bằng đất mẹ, chả đâu bằng quê hương!
G. thân mến!
Nhân việc vừa rồi tham gia một khoá học nghiệp vụ mấy ngày, tôi vừa gặp lại một người bạn cũ lớp mình. Bạn ấy giờ phụ trách một trung tâm đào tạo ở một cơ quan quản lý nhà nước và trở thành giáo viên chủ nhiệm lớp học của tôi. Nhân đó mà tôi nhận ra một việc, dù ở cương vị nào, bạn cũ vẫn là mối quan hệ thú vị và hầu như không thay đổi. Mặc dù phải thú nhận rằng, thời gian nghiệt ngã, hơn 20 năm đã khiến một hoa khôi của lớp mình ngày ấy trở thành một thiếu phụ đã mang dấu ấn của thời gian, không thể nào tránh khỏi. Nhưng mà tôi tin, cuộc đời dù xoay chuyển thế nào, thì cái tình của những người bạn cũ như chúng mình vẫn không xoay chuyển theo, nó chỉ khiến ta nhớ về một vùng ký ức xa xôi.
Cái hồi ấy, chúng ta đều mê tít văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Và những sinh viên non nớt, bỗng mở miệng ra là trích dẫn ông Thiệp, có lẽ là để làm dáng nhiều hơn, cho ra vẻ cũng am tường văn chương chữ nghĩa và hễ nói là như một triết gia. Ví dụ như là đứa nông thôn đứa thành phố mà đều mở miệng là nói giống nhau: “Tôi sinh ra ở nông thôn/ Mẹ tôi là nông dân”. Nghĩ lại buồn cười. Nhưng hơn 20 năm sau thì đã hiểu trong máu mỗi người dân xứ mình, hình như đều có chút máu nông dân cựa quậy, có dịp là lại lộ ra. Ở cách ăn, cách mặc, cách cư xử, ở cái tâm lý thích tậu nhà, tậu đất. Suy cho cùng thì sau những sơn hào hải vị, bữa ăn rồi vẫn rau muống luộc, canh cua, cà muối và thịt rang là lâu bền hơn cả. Suy cho cùng thì vẫn là thích tích cóp tiền bạc của nả rồi biến thành đất, thành nhà…
G. thân!
Hà Nội vừa qua những ngày nắng nóng kinh điển. Nắng lắm! Nhiệt độ ngoài trời có những hôm lên tới 45 độ C. Nhưng sáng sáng, khi tôi đi dọc theo đường ven hồ Tây, dọc Phan Đình Phùng, xuôi theo phố Hàng Lược… để đến cơ quan, tôi lại nhìn thấy một Hà Nội càng nắng, càng nóng, càng trở lên rực rỡ. Trên thảm lá vàng vỉa hè phố Phan Đình Phùng, những thợ chụp ảnh lại kiên trì chăm chút từng shoot hình cho các chị em. Hà Nội đã bắt đầu vào mùa sen. Năm nay có tháng tư âm lịch dư. Nhiều người chọn tháng này để làm những việc hệ trọng vì theo quan niệm dân gian, tháng dư thì làm gì cũng may mắn cả. Thời buổi này người ta hay thích chơi chội, kiểu của ngon vật lạ trái mùa. Nhiều người khoe những bó sen đầu mùa, nhưng mà sen, đẹp nhất lại phải chờ đến giữa hạ. Lúc lúa trên đồng đã vàng trĩu bông được gặt về và đồng thơm mùi rơm mới, sen mới thật là đượm nhất.
Mấy hôm nay, tôi lại bắt đầu thấy các bà các cô các chị các em lại rực rỡ váy áo chụp ảnh với sen ở dưới đầm hay ở trên phố. Những chuyến hàng hoa trên xe đạp dọc phố Hàng Lược mỗi sáng mùa hè luôn luôn gợi thật nhiều cảm xúc.
Tôi vừa đọc được ở đâu đó, một ai đó nuối tiếc những mùa sen Tây Hồ. Búp to, nhiều cánh, lớp dày, đượm và ngát hương. Giờ vẫn còn sen Tây Hồ, ở những cái đầm cho các bà các cô chụp ảnh, ở những bông hoa làm trà cũng chủ yếu để post hình. Chứ mà tôi chắc ngay cả ở chợ hoa Quảng Bá, cũng phần lớn là sen ở nơi khác về, tất đất đất vàng quanh đấy, còn đâu nhiều chỗ cho sen.
Tôi cũng đọc được ở nhiều diễn đàn, người ta tranh luận phân biệt sen với quỳ, phân biệt sen Tây Hồ với sen Thường Tín, Hưng Yên… Thôi, cũng là phận hoa cả, đẹp cao sang hay đẹp quê mùa còn tuỳ ở người thưởng thức, vạch vòi nhau làm gì. Chen nhau đi chụp ảnh với hoa mà mấy người biết thương phận hoa sen, nở rực rỡ một đêm rồi tàn, rực rỡ nốt cả lúc tàn…
G. yêu quí!
Những ngày vừa rồi, có rất nhiều chuyến bay đón người Việt từ nhiều quốc gia trở về. Vẫn còn nhiều người muốn về mà chưa đến lượt. Bạn tôi có con du học ở Mỹ, cháu vừa được đón về, hiện đang đi cách ly. Và tôi nhìn lịch trình của mẹ cháu, hóng theo lịch trình của con mỗi ngày trong những ngày gần về, tôi cũng thấy căng thẳng hệt như người trong cuộc vậy. Tôi không biết đến khi nào mới đón hết những người Việt Nam đang sinh sống ở nhiều quốc gia đang có nhu cầu trở về. Chúng ta cũng chẳng biết thế giới khi nào mới được công bố hết dịch Covid-19. Quả là một hành trình còn vô vàn mệt mỏi!
Hà Nội đang nắng, nóng và bình yên! Người ta ở ngoài vỉa hè đã bàn đến chuyện khác rồi, cứ như chuyện Covid đã là cái gì đó xa xôi lắm. Nhưng sự thật là vẫn có những chuyến bay trở về, vẫn có những người đang lo cho những người trở về ở khu cách ly, vẫn có những y, bác sĩ đang tiếp tục điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid trong số những người trở về.
Nhà là nhất, con trai bạn tôi bày tỏ trên chuyến bay trở về với mẹ.
Thì đấy, như cái câu văn của ông nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thời sinh viên chúng mình vẫn nhắc nơi cửa miệng, máu nông dân chảy trong huyết quản, kiểu gì rồi cũng phải trở về, chả đâu bằng đất mẹ, chả đâu bằng quê hương!
Tạm biệt G yêu quí!
Hẹn ở thư sau!