Một lần lầm bước, còn mãi nỗi đau

Phạm Huy 18/10/2019 14:05

Trung tuần tháng 9/2019, trả lời phỏng vấn cho kênh Bihus.info, vị Tổng thống đầu tiên của nước Ukraina thời hậu Xôviết Leonid Kravchuk đã tiết lộ rằng: ở thời điểm năm 1991, khi Liên bang Xôviết đang sát kề bờ vực tan vỡ, đại đa số cử tri Ukraina trong quá trình trưng cầu dân ý đã ủng hộ việc duy trì liên minh trong một quốc gia với nước Nga. Cuộc trưng cầu dân ý đó diễn ra ngày 1/12/1991 với mục đích nhận được sự ủng hộ cho “Tuyên bố về nền độc lập của Ukraina”. 90,32% số người tham gia đã bỏ phiếu cho văn kiện này.

Một lần lầm bước, còn mãi nỗi đau

Leonid Kravchuk, Stanislav Shushkevich và Boris Yeltsin.

Sự phân tích muộn màng

Ông Kravchuk đã phân tích kết quả trưng cầu dân ý đó: “Mọi người đều bỏ phiếu nhưng suy nghĩ lại theo những cách khác nhau. Tôi đã có lần tự hỏi: Liệu quý vị có khách quan không khi bỏ phiếu? Và họ đã trả lời: Chúng tôi đã nghĩ rằng Ukraina sẽ độc lập nhưng trong liên minh cùng với nước Nga”. Người Ukraina khi đó ủng hộ việc có được một sự độc lập lớn hơn về kinh tế và xã hội của Ukraina, nhưng không thể hình dung ra mình như một nhà nước độc lập nằm ngoài nước Nga: “Họ đã không nhìn thấy nền độc lập như một quốc gia riêng biệt, cần phải thấy rõ điều này. Nhưng những gì chúng tôi đã nghĩ và quyết định ở khu rừng Belovezh – đó là việc chúng tôi đã nói tới một quốc gia riêng”.

Những tiết lộ mới của ông Kravchuk đã gây nên những dư luận khác nhau ở Ukraina về sự kiện lịch sử đã diễn ra vào tháng 12/1991. Vladimir Oleinik - cựu nghị sĩ Ukraina, một nhà chính trị học nổi tiếng ở nước cộng hòa này - đã đưa ra những phân tích rất đáng chú ý với Hãng tin Liên bang (FAN): các cử tri Ukraina khi ấy muốn ủng hộ cho một quốc gia mang tính Liên bang rộng rãi hơn giữa các nước cộng hòa. Tuy nhiên, đã xảy ra sự đánh tráo khái niệm trong quá trình tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý. Thoạt tiên, ở cuộc trưng cầu dân ý cấp Liên bang Xôviết, cử tri bỏ phiếu cho một quốc gia thống nhất, một Liên Xô thống nhất, rồi sau đó mới bỏ phiếu cho nền độc lập. Có nghĩa là các cử tri muốn có sự độc lập lớn hơn đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô, nhưng họ vẫn muốn bảo tồn quyền tự do đi lại trong khuôn khổ một Liên bang thống nhất chứ không muốn có những đường biên giới ở bên trong Liên bang. Cựu nghị sĩ Oleinik cho rằng: ở thời điểm đó, các cử tri đã không hiểu rõ là người ta muốn hỏi họ điều gì và những hệ lụy nảy sinh từ các cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập: “Nếu bây giờ ta hỏi người dân Ukraina thì họ sẽ đáp rằng, họ đã không muốn như thế. Khi đó đã xảy ra việc đánh tráo khái niệm: mọi người muốn sống trong một quốc gia mang tính liên bang nhưng với sự tự lập lớn hơn của các nước cộng hòa thành viên vì thực sự xuất hiện nhu cầu cần phải cải tổ Liên Xô. Nhưng cũng cần giữ lại tất cả những gì tốt đẹp nhất đã tồn tại ở Liên bang Xôviết”, đó là sự phân công hợp tác về kinh tế giữa các nước cộng hòa trong thành phần Liên bang và ảnh hưởng vô cùng to lớn của Liên Xô trên trường quốc tế, cũng như nhiều yếu tố tích cực khác. “Chính ở trong kho báu đó là sức mạnh của chúng ta, chứ cứ như bây giờ thì quá đau đớn. Giống như khi vợ chồng li dị nhau. Con cái thì được lợi gì trong chuyện này? Không lợi lộc gì cả. Vợ chồng cũng có vui vì thế hay không? Không! Họ đã làm đứt gãy mọi thứ, các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa”…

“Tuyên bố về nền độc lập Ukraina” được thông qua ngày 24/8/1991 tại phiên họp của Xôviết Tối cao nước cộng hòa Xôviết Ukraina. Ủng hộ cho tuyên bố này tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/12/1991 có 90,32% số người tham gia bỏ phiếu, tức là vào khoảng 76,02% toàn bộ dân số Ukraina. Trước đó, tháng 3/1991, tại Liên Xô đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, 76,4% số người thạm gia bỏ phiếu đã ủng bộ cho việc duy trì một Liên bang đổi mới. Trên cơ sở kết quả của cuộc trưng cầu dân ý toàn Liên bang, đã bắt đầu việc chuẩn bị cho một Hiệp ước Liên bang mới nhằm thành lập Liên bang Các quốc gia có Chủ quyền (SSR). Việc ký hiệp ước này đã được dự định vào ngày 20/8/1991 nhưng sự kiện này đã không diễn ra được do cuộc chính biến quân sự bùng nổ từ ngày 19 tới 21/8/1991 ở Moskva. Sau khi cuộc chính biến thất bại, nước Nga, Ukraina và Belarus ngày 9/12/1991 đã cùng nhau xây dựng hiệp ước ly khai tại trung tâm Viskuli thuộc khu công viên quốc gia Belovezh (Belarus). Ba nhà lãnh đạo các nước cộng hòa trên là Boris Yeltsin (Nga), Leonid Kravchuk (Ukraina) và Stanislav Shushkevich (Belarus) đã ký tên vào cái gọi là Hiệp ước Belovezh lừng danh để chính thức về mặt pháp lý chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Xôviết và thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG).

Liên bang Xôviết chính thức không còn nữa vào ngày 25/12/1991, khi vị Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó là Mikhail Gorbachev tuyên bố rời bỏ chức vụ của mình.

Tội đồ là Gorbachev

Cũng chính ông Kravchuk trong bài trả lời phỏng vấn ngày 19/8/1991 của FAN đã cho rằng, trách nhiệm chính về việc Liên Xô tan rã là ở Mikhail Gorbachev: “Ông ấy khởi xướng perestroika, nhưng lại không đưa ra những mục tiêu, những mô thức, những bước đi thực tế cần thiết để perestroika có thể phát huy tác dụng và cho những kết quả giúp mọi người sống tốt hơn, cảm thấy được sự dân chủ và tự do hơn. Nếu được như thế thì mọi người hẳn đã ủng bộ ông ấy. Thế nhưng ông ấy thực ra lại đi theo con đường bình mới rượu cũ. Vì thế nên tội lỗi của ông ấy là tất nhiên”.

Còn trong một bài trả lời phỏng vấn trước đây cho phóng viên tuần san Nga Itogi, ông Kravchuk tiết lộ rằng, ông đã được nhìn thấy ông Gorbachev từ khi ông này còn là Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS) phụ trách về nông nghiệp. Khi đó, bản thân ông Kravchuk cũng mới chỉ ở cấp Trưởng ban Tuyên huấn của Đảng Cộng sản Ukraina. Một lần, ông Gorbachev đã có cuộc gặp với Bí thư thứ Nhất Đảng Cộng sản Ucraina, Volodymyr Vasylyovych Shcherbytsky và ông Kravchuk đã chứng kiến cảnh ông Gorbachev bước chân vào trụ sở BCH TƯ ở Kiev. Nhưng khi đó ông chưa “đủ tuổi” để được giới thiệu với ông Gorbachev. Chỉ sau này, lên những vị trí cao hơn, ông Kravchuk mới được lại gần hơn với ông Gorbachev. Ông kể: “Rồi sau đó diễn ra hội nghị mà tại đó, ông Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư. Ông Shcherbytsky ở thời điểm đó đang đi công tác ở nước ngoài nên về mặt hình thức đã không bỏ phiếu cho ông Gorbachev, nhưng với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị đã chuẩn y quyết định của hội nghị - thủ tục thời đó là như thế.

Rồi toàn bộ các hệ thống đảng ở các nước cộng hòa – việc này như lễ cầu nguyện – phải tiến hành các hội nghị của mình tiếp nhận các kết quả của từng hội nghị BCH TƯ KPSS với chương trình nghị sự rập khuôn nhau: về “những nhiệm vụ nảy sinh”. Và thế là chúng tôi phải ngồi với bản báo cáo sao chép bản chính mà tôi, với cương vị Trưởng ban đã phải dúng tay vào và chờ đợi những gì mà ông Shcherbytsky sẽ nói. Mà ông ấy thì không hiểu vì sao lại cứ đinh ninh rằng tất cả những từ ngữ mạnh và những lập luận mạnh trong đó đều là do tôi bày đặt. Không thể nào thuyết phục được ông ấy tin rằng mọi thứ đều được lấy từ trên báo chí. Và hôm đó, ông ấy đã nheo mắt nhìn tôi và bảo: “Anh đọc những thứ mà các anh đã viết ra đi”. Thì là tôi đọc. Tất nhiên, câu đầu tiên là về việc ở trong nước đã bắt đầu công cuộc perestroika. Tôi chỉ vừa mới đọc câu này, ông Shcherbytsky đã cắt ngang: “Anh Kravchuk, anh hãy nói cho tôi biết, thằng ngốc nào đã bịa ra cái từ perestroika này?” Ông ấy đã không có mặt tại hội nghị BCH TƯ KPSS nên không biết gì cả... Tất cả đều ngồi im và ông Shcherbytsky nói tiếp: “Việc gì chúng ta lại phải cải tổ cái này hay cái khác? Anh cũng biết rằng sửa nhà phức tạp hơn là phá đi xây lại. Chẳng lẽ mọi sự của chúng ta đều tồi tệ đến mức phải cải tổ ư?”. Ông ấy cứ nói một thôi một hồi cho tới lúc tôi không nhịn được nữa và trả lời thẳng: “Thưa đồng chí, đó là lời của Tổng Bí thư Gorbachev”. Thế là ông ấy im bặt. Ông Shcherbytsky dĩ nhiên là phải tìm cách nào đó để “chữa cháy”. “Thực tình thì, - ông ấy nói tiếp với vẻ mềm mỏng hơn, - đó tất nhiên là một từ không đạt lắm... Việc gì chúng ta phải cải tổ. Chúng ta cần xây dựng chứ không phải cải tổ”. Tuy nhiên, ngay cả một giọng điệu mang tính hòa giải như thế cũng không thể che giấu được thái độ thực sự của ông Shcherbytsky đối với ông Gorbachev”.

Theo ông Kravchuk, ông Shcherbytsky đánh giá ông Gorbachev là một người hời hợt, dễ dãi trong việc tiếp nhận những gì đang diễn ra. Nhưng dù sao cũng phải công nhận rằng, ông Gorbachev đã nắm bắt vấn đề rất nhanh: “Tôi có thể nói hơn nữa: Gorbachev, đó là vị thủ lĩnh trên những cự ly ngắn. Tất nhiên là đã cần phải cải tổ, và ông ấy đã nắm lấy vấn đề cốt lõi – tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhưng rồi sau đó... Ông ấy nói, kêu gọi, nhận ra rằng công việc bị đình trệ nhưng lại đưa ra một quyết định khác: tiến hành hội nghị về công tác cán bộ. Với lập luận rằng mọi việc đều do con người quyết định, mọi việc đều do cán bộ quyết định. Và công việc lại bị đình trệ... Và cứ luôn luôn như thế: lúc nào cũng với mới nới cũ, để mặc những việc đã bắt đầu dở dở dang dang”...

Ông Kravchuk nhận xét tiếp về ông Gorbachev:

“Tôi có cảm giác như ông ấy đã sống trong một hệ quy chiếu khác. Thí dụ, cuốn sách đầu tiên mà ông ấy xuất bản, có nhan đề “Perestroika và tư duy mới đối với đất nước chúng ta và đối với toàn thế giới”. Cứ làm như ông ấy đã là con người của thế giới, một lãnh tụ quy mô toàn cầu! Cái đó phải chăng là: Perestroika “đối với toàn thế giới”? Chẳng lẽ thế giới có yêu cầu anh phải vẽ ra toa thuốc Perestroika cho nó ư? Vậy mà những điều ở ngay dưới chân thì ông ấy lại không nhìn ra.

Tôi nhớ lần ông Gorbachev cùng vợ tới Kiev. Người ta đã tổ chức cho ông ấy một cuộc gặp với người dân thành phố trên quảng trường Bessarabska. Tại đó có mặt những người dân được đặc biệt tuyển chọn, có mặt ban lãnh đạo nước cộng hòa, tôi cũng có mặt ở đó vì khi ấy tôi đã là Ủy viên dự khuyết BCT Đảng Cộng sản Ukraina. Và Gorbachev bắt đầu: “Thế nào, các công dân thành Kiev, quý vị đang sống ở khu nghỉ mát đấy nhỉ?” Người dân tất nhiên là không đáp gì. Và ông Gorbachev, không hề chờ phản ứng đáp lại, đã tiếp tục câu chuyện. Ông ấy nói tràng giang đại hải, đầy những tập hợp từ phức tạp lặp đi lặp lại... Rồi bỗng nhiên lại tuyên bố: Perestroika đang diễn ra không tốt lắm và chính những người dân Ukraina có lỗi trong việc đó, bởi đã không gây sức ép đối với “ban lãnh đạo của mình”. Ông ấy bảo: “Quý vị cứ gây sức ép từ dưới lên, còn chúng tôi sẽ gây sức ép từ trên xuống... Ông Gorbachev cho tới ngày cuối cùng ngồi trên ghế Tổng thống Liên bang Xôviết vẫn bám lấy đường lối tân trang hình thức. Nói chung, toàn là chuyện bám lấy đuôi mèo... Sau này giữa hai chúng tôi đã có không ít những cuộc trò chuyện thẳng thắn và tôi đã nói với ông ấy rằng mọi người đã mệt mỏi bởi cảnh ba hoa xích tốc, rằng uy tín của Tổng Bí thư ở Ukraina đang trên đà suy giảm... Ông ấy vì sao đấy luôn luôn nghĩ rằng tôi lúc nào cũng muốn xúc phạm tới ông ấy. Và dù chúng tôi có nói với nhau bao nhiêu điều thì cũng chẳng khi nào đạt được cái gì chung từ những cuộc đối thoại đó”…

Một lần lầm bước, còn mãi nỗi đau - 1

Cựu Tổng thống Ukraina Leonid Kravchuk.

Ai người cố đấm ăn xôi

Mùa xuân năm 1991, Tổng thống Liên bang Xôviết Gorbachev cùng các nhà lãnh đạo các nước cộng hòa thành viên thảo luận Hiệp ước Liên bang mới ở Novo-Ogarevo (khu lâu đài cổ được xây dựng từ thế kỷ XIX, trong thời Xôviết được dành cho lãnh đạo tối cao và từ năm 2000, đã trở thành dinh thự chính thức của Tổng thống LB Nga). Ông Kravchuk kể: “Liên tục trục trặc. Liên tục va vấp. Gorbachev luôn chỉ nói về những quyền huyễn tưởng nào đó của các nước cộng hòa thành viên chứ trong thực tế không cho một quyền nào cả. Ông ấy nói về những cơ hội to lớn tận dụng các nguồn lực nội tại, nhưng làm thế nào mà tận dụng được khi mọi động lực đều nằm trong tay Trung ương? Chúng tôi nêu ra đề nghị: Hãy chuyển cho các nước cộng hòa mọi việc, ngoại trừ quốc phòng và quan hệ quốc tế. Ông ấy làm như điếc. Và thế là Yeltsin lên tiếng: “Mikhail Sergeyevich, sẽ thế nào nếu thay vào Liên bang, chúng ta sẽ xây dựng một Liên hiệp?” Gorbachev lập tức giật mình: “Thế ai sẽ làm Tổng thống?”. Ông Yeltsin đáp: “Sao lại là ai? Thí dụ như ở Thụy Sĩ, một Liên bang được tổ chức theo hình thức Liên hiệp, quyền lực tối cao được thực hiện theo nguyên tắc quay vòng”. Và phản ứng đã xuất hiện ngay lập tức: “Không, như thế không được”.

Đó là phản ứng của con người đã tin rằng, ông ta đã là lãnh tụ, rằng chỉ ông ta mới được trên phú cho quyền cấp cho chúng ta tự do theo từng khẩu phần một. Nhưng đến một giai đoạn nhất định nào đó, hàng triệu người đã được lay chuyển và không thể chỉ dùng một cái phẩy tay mà ngăn họ lại được. Nhất là khi đã xóa bỏ điều thứ sáu trong Hiến pháp (về vai trò lãnh đạo mặc nhiên của KPSS) và BCH TƯ KPSS từ thời điểm đó không còn vai trò như cũ nữa”.

Phóng viên: Tức là Liên bang Xôviết đã cùng đường?

Ông Kravchuk: Chính Gorbachev đã gọi những gì đã diễn ra là cuộc duyệt binh chủ quyền. Nhưng ông ấy đã không làm bất cứ việc gì để ngăn chặn hoặc chí ít thì cũng điều chỉnh quá trình. Trong khi đó thì tôi đã không chỉ một lần nhắc đi nhắc lại: cần những bước đi bất thường, mạnh mẽ, thí dụ như lập Liên hiệp. Cần để Trung ương chỉ quản lý hai ba vấn đề thôi. Thí dụ như lãnh đạo chung, quan hệ quốc tế, quốc phòng và bảo vệ biên giới, còn tất cả những việc khác cứ giao cho các nước cộng hòa. Nếu làm như thế thì không loại trừ rằng, bây giờ chúng ta vẫn còn sống trong cùng một quốc gia. Chính những người Thụy Sĩ đã không hề bị cơ chế Liên hiệp ngăn cản được ở cùng nhau. Và cùng thịnh vượng.

Nhưng Gorbachev đã như bị hóa ngộ với tư tưởng đổi mới Liên bang của mình. Ông ấy hỏi: “Liệu các vị có muốn sống trong một Liên bang đổi mới, nơi mọi quyền con người đều được tôn trọng?”. Hỏi thế mà cũng đòi hỏi! Nào, làm gì có ai không muốn sống ở nơi mà mọi quyền con người đều được tôn trọng? Tất cả đều muốn, chỉ có thằng ngốc mút mùa mới không muốn! Nhưng về bản chất thì đó chỉ là câu nói suông, chẳng có ý nghĩa gì hết. Vì thế nên nhiều nước cộng hòa ngày 17/3/1991 đã chối bỏ hoàn toàn việc tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý về việc tiếp tục duy trì Liên bang Xôviết. Thí dụ như vùng ven Baltik, hay tỉnh Lvov ở nước cộng hòa chúng tôi.

Tới thời điểm đó cả nước Nga lẫn Ukraina đều đã thông qua tuyên bố về chủ quyền quốc gia. Và không thể nào không tính tới yếu tố này được.

Tan đàn xẻ nghé

Sau khi nhân dân Ukraina trong cuộc trưng cầu dân ý bỏ phiếu cho nền độc lập và ngày 1/12/1991, ông Kravchuk được bầu làm Tổng thống và nhậm chức ngày 5/12/1991. Sớm hiểu rõ những sự có thể xảy ra, ông đã tìm ra cớ để không ký tên vào Hiệp ước Liên bang được chuẩn bị ở Moskva. Ông nói, nếu đồng tình với Điện Kremli, “thì tôi sẽ đành phải từ bỏ mọi phận sự của một Tổng thống và tuyên bố rằng, tôi từ nay sẽ đứng về phía nhân dân chứ không đứng cùng Gorbachev nữa. Và tôi cũng đã nói những lời tương tự như thế với ông Yeltsin ở Belovezh, khi ông ấy nhân danh ông Gorbachev hỏi rằng, liệu tôi có ký vào Hiệp ước Liên bang không? Cũng từ đó mà mọi sự đã bắt đầu trong những ngày tháng chạp đó ở Viskuli. Vừa ngồi vào bàn, Yeltsin đã lên tiếng ngay: “Leonid Makarovych, tôi có một nhiệm vụ từ ông Gorbachev”...

Hóa ra là ông Yeltsin tới Viskuli là theo nhiệm vụ mà ông Gorbachev giao cho? Vậy tại sao ông Gorbachev lại gọi thỏa ước Belovezha là âm mưu bí mật?

- Gorbachev đã biết trước tất cả! Nhưng giờ thì lại lải nhải rằng dường như là ông Yeltsin đã xin ông ấy cho tới Belorus để thuyết phục tôi đồng ý ký vào Hiệp ước Liên bang. Ông Yeltsin thì việc gì mà phải xin ai để đi. Ông ấy đã tới Minsk trong khuôn khổ một chuyến thăm chính thức và khi kết thúc chuyến thăm thì như chúng tôi đã thỏa thuận trước, rẽ về Viskuli. Nhưng nhiệm vụ thì quả thực đã có... Khi ấy, ông Yeltsin đã nói: “Ông Gorbachev hỏi rằng không rõ ông có ký vào Hiệp ước Liên bang không nếu sẽ bổ sung vào văn bảo những gì mà ông cho là cần thiết?”

Và ông đã trả lời sao?

- Ở đây thì cần biết cả câu chuyện đã diễn ra trước đó. Tháng 11/1991, tôi không có mặt tại Hội đồng Nhà nước và không ký vào văn bản dự thảo Hiệp ước Liên bang mà cả Yeltsin, cả Nazarbayev (Tổng thống nước cộng hòa Kazakhstan từ ngày 24/4/1990) và Shushkevich (Chủ tịch Xôviết tối cao Belarus trong giai đoạn từ ngày 9/9/1991 tới ngày 26/1/1994, một chuyên gia về vô tuyến điện) đều ký. Khi đó, tôi đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới và cử Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Tối cao Ivan Plyushch đi thay mình nhưng không cho quyền được ký bất cứ thứ gì. Và khi đó Gorbachev đã thốt ra những lời lịch sử: “Không có Ukraina thì không có Liên bang!”

Thế tại Viskuli ông đã trả lời ông Yeltsin câu gì?

- Tôi đáp lại bằng một câu hỏi khác: “Boris Nikolayevich, một khi người dân Nga đã bỏ phiếu cho nền độc lập thì liệu ông có ký vào Hiệp ước Liên bang không?”. Chúng tôi ngồi, nhìn thẳng vào nhau trong bầu im lặng tuyệt đối... “Thôi, Leonid Makarovych! – ông Yeltsin đáp. – Tất nhiên là không!”. Tôi phải kiềm chế lắm mới không hỏi tiếp, vậy thì ông việc gì mà lại phải đưa ra những câu hỏi ngốc nghếch thế! Ông Yeltsin nhắc lại câu nói của ông Gorbachev rằng, không có Ukraina thì không có Liên bang, rồi đề nghị bắt tay vào công việc...

Dẫu sao thì để có cuộc gặp ở Viskuli, đã cần phải thỏa thuận trước. Đã có ai đó từ Moskva đến chỗ ông để làm việc này?

- Trước đó, tôi chỉ gặp độc một người – đó là Quốc vụ khanh Nga Gennady Burbulis (đây là chính trị gia duy nhất có chức danh này dưới thời Tổng thống LB Nga Yeltsin). Sau chính biến, ông ấy có tới Kiev, nhưng chúng tôi chỉ nói với nhau về những việc đang làm – khi đó mọi chuyện đều bị đình trệ, đất nước đã bị dắt vào ngõ cụt. Còn về cuộc gặp mới thì chúng tôi đã thỏa thuận với nhau từ lúc ở Novo-Ogarevo, khi cùng chuẩn bị văn bản Hiệp ước Liên bang. Nhưng đã không nói gì tới Viskuli, mà chỉ thỏa thuận rằng cuộc gặp sẽ diễn ra ở Belorus.

Ở Novo-Ogarevo công việc đã không trôi chảy và các ông đã nhìn sang hướng khác?

- Đó là một nơi tốt, có nhiều phòng, đồ ăn ngon. Và tôi nhớ là chúng tôi còn uống cả rượu bằng bát charka... Nói chung rất tiện nghi, nhưng về thực chất thì chẳng được việc gì cả. Và một lần, khi chúng tôi đi dạo cùng nhau, ông Yeltsin đã buông lời: “Ông hãy nghe này, có lẽ cần phải thỏa thuận một cách nghiêm túc. Chính ông cũng thấy rằng chúng ta đang rơi vào ngõ cụt, làm việc gì cũng không được.

Tôi nghĩ rằng, tôi với ông cần thỏa thuận với nhau mà không có mặt Gorbachev. Tại đây ông ấy sẽ không cho chúng ta đàm phán một cách nghiêm túc”. Tôi ủng hộ ý tưởng này và ông Shushkevich cũng như ông Nazarbayev thì không phản đối. Mọi người đều nhìn thấy rằng ông Gorbachev đang làm đình trệ cả tiến trình, chỉ nghĩ đến độc bản thân mình và đang tìm mọi cách để tham quyền cố vị. Cái gọi là Liên bang đổi mới đối với ông ấy là phương án duy nhất có thể chấp nhận được và ông ấy đã cố thủ nó. Đây là một thí dụ. Khi đó ở Novo-Ogarevo, theo tôi đã có 9 nhà lãnh đạo các nước cộng hòa tham dự, hình như chỉ trừ các nhà lãnh đạo vùng ven Baltik và Armenia cùng Azerbaijan, hai nước đang tham chiến vì vùng Karabakh. Chúng tôi đã thảo luận cùng nhau, thêm một ngày kết thúc chẳng được việc gì cả. Sáng ra, tới phòng họp, thấy đông chật người. Hóa ra, trong đêm, Gorbachev đã triệu tập tất cả các vị Chủ tịch các thực thể tự trị và số lượng những người dự họp đã không còn là 9 nữa mà là 13 hoặc hơn nữa. Trong khi đó thì tất cả đều hiểu rõ rằng, tất cả các nước cộng hòa tự trị và các khu tự trị đều ủng hộ hình thức Liên bang mới. Tức là ông Gorbachev định dùng số lượng để áp đảo.

Ông Yeltsin ngay khi bước vào cửa đã “nổ” ngay: “Ai đã mời họ tới hả? Tôi không biết những người này. Họ đại diện cho những thực thể Liên bang nào ở đây? Họ là gì, có phải họ tạo nên Liên bang à?”. Tôi nhìn thấy trong phòng họp có Nikolai Bagrov, Chủ tịch Xôviết tỉnh Krym. Tôi tới chỗ ông ấy: “Nikolai Vasylevych, ông làm gì ở đây thế?”. “Ông Gorbachev mời tôi tới”, - ông ấy trả lời. Tất nhiên là tôi đã nổi giận. Hóa ra là có người bắt đầu lãnh đạo Ukraina sau lưng tôi, thậm chí không buồn cho tôi biết điều đó. Chống lại việc này một cách kịch liệt là ông Nazarbayev và Karimov (Tổng thống nước cộng hòa Uzbekistan từ 24/3/1990) cùng tất cả các nhà lãnh đạo các nước cộng hòa có các thực thể tự trị đó. Công việc chuẩn bị cho Hiệp ước Liên bang thực tế đã bị đình trệ.

…Chính khi ấy trên một con đường đi dạo ở Novo-Ogarevo, chúng tôi mới tìm cách thỏa thuận với nhau về một cuộc gặp không có Gorbachev. Ông Yeltsin đã cảnh báo ngay: “Không nên ở Moskva! Vì người ta sẽ nói rằng Moskva lại lãnh đạo. Chúng ta sẽ gặp nhau ở Ukraina, ở Kiev”. Tôi không phản đối: “Tất nhiên là có thể ở Kiev, nhưng chúng tôi là nước cộng hòa lớn thứ hai nên cũng có thể nảy sinh những trách móc. Theo tôi, tốt nhất là chọn Belorussia của những người du kích, nước cộng hòa từng bị thiệt hại nhất vì chiến tranh. Việc này sẽ mang tính biểu tượng”. Và chúng tôi đã thỏa thuận như thế. Chúng tôi cũng thống nhất được với nhau về thời gian – đó là khi ông Yeltsin tiến hành chuyến thăm chính thức Belorus.

Quả thực là, gần cuối chuyến thăm chính thức của ông Yeltsin ở Minsk, ông Shushkevich đã gọi điện thoại cho tôi: “Leonid Makarovych, ông có nhớ những gì chúng ta đã thỏa thuận với nhau ở đấy không? Bây giờ, ông Boris Nikolayevich đã đồng ý ở lại thêm một ngày để chúng ta gặp lại nhau”. Và thế là tôi bay tới Viskuli.

Một lần lầm bước, còn mãi nỗi đau - 2

Kravchuk và Gorbachev.

Nỗi đau còn mãi

Trung tâm Visuli là một dinh thự nằm giữa rừng, kín đáo, cách biệt với bên ngoài. Ở đó, Tổng Bí thư KPSS Leonid Brezhniev từng tập hợp các Bí thư thứ Nhất của các đảng anh em từ các nước trong khối Hiệp ước Warszawa. Vì thế ở đây có đủ mọi điều kiện để làm việc và để nghỉ ngơi. Trước hết là để đi săn.

Ông Kravchuk kể: “Và khi ông Shushkevich đón tôi ở Viskuli, ông ấy nói: “Ông Yeltsin còn đang ở Minsk, ông ấy chưa xuống đây ngay đâu. Vậy nên ta cùng đi săn nhé?”. Ngày hôm đó, 7-12-1991, trời băng giá và tuyết rơi rất nhiều, và tôi ăn vận thì không thích hợp lắm với việc đi săn. Nhưng người ta cũng kiếm cho tôi được bộ đồ thích hợp và ông Shushkevich đã thuyết phục được tôi đồng ý. Chúng tôi ngồi vào xe và đi vào rừng. Trời tối đen như mực. Bỗng thấp thoáng bóng một chú lợn lòi. Tôi chuẩn bị bắn thì ông Shushkevich ngăn tôi lại, bảo nên tới gần hơn cho chắc ăn. Tóm lại là tôi quên mất nguyên tắc đi săn là không bao giờ được nghe lời ai khuyên cả nên rốt cuộc, chú lợn lòi đó đã biến mất. Chúng tôi đã bị rét cóng, tất nhiên là thế nhưng ông Yeltsin vẫn chưa xuất hiện và như thông báo, còn lâu mới tới. Vì thế nên chúng tôi đã không chờ nữa mà ngồi vào bàn luôn. Một cách tự nhiên, không tuân thủ các quy tắc lễ nghi, ai có mặt thì đều ngồi vào, cả bác sĩ, cả trợ lý...

Một thời gian sau ông Yeltsin mới tới từ Minsk cùng Vyacheslav Kebich, Thủ tướng Belorus. Yeltsin ngay lập tức lên tiếng chúc mừng tôi đã được bầu làm Tổng thống Ukraina, - trước đó ông ấy đã không có điều kiện để làm việc này – rồi ngồi vào bàn, đối diện với tôi. Bữa tối tiếp tục diễn ra. Chúng tôi uống rượu Belovezh, một loại rượu vodka rất ngon. Món mỡ muối của người Belorus cũng rất không tồi. Rồi chúng tôi cùng đi dạo...

Ông Shushkevich đề nghị vào xông hơi. Tôi đồng ý nhưng ông Yeltsin viện cớ mệt nên cùng bầu đoàn của mình đi nghỉ. Chúng tôi xông hơi xong rồi cũng đi nghỉ. Chỉ vậy thôi! Không có cuộc gặp nào sau bữa tối cả, không có những tâm sự nào hơn và không có ai say xỉn nằm lăn dưới bụi cây như một số người gần đây mô tả một cách ngu xuẩn nhất... Dẫu rằng, ông Yeltsin sáng ra sau cuộc tổng kết kết quả ở Minsk và bữa tối hôm trước ở Viskuli tỏ ra rất vui tính. Không hẳn ông ấy còn ngây ngây mà chỉ phiêu phiêu một chút... Cần phải đánh giá đúng ông ấy, rất biết cách “chịu” rượu! Ông Yeltsin thì là một chiến binh! Đó là thủ lĩnh! Ông ấy có thể chịu được tất cả mọi thứ…

Bây giờ tôi sẽ kể mọi sự đã diễn ra theo đúng trình tự. Sáng ra, trở dậy, chúng tôi ngồi vào bàn và ông Yeltsin đã lại đặt cho tôi câu hỏi cũ – liệu tôi có thể ký vào Hiệp ước Liên bang với những điều chỉnh hay không?

Rõ rồi, thuyết phục ông ký vào Hiệp ước Liên bang là một việc làm vô ích. Thế còn với ông Yeltsin và ông Shushkevich thì sao?

- Hai người này thì việc gì phải thuyết phục? Yeltsin và Shushkevich cho tới thời điểm đó thì thực tế là đã ký vào Hiệp ước Liên bang. Và tôi đoan chắc rằng, nếu khi ấy ở Viskuli họ thuyết phục được tôi thay đổi ý kiến thì đã không có Hiệp định Belovesh nào hết.

Hóa ra ông có thần kinh thép?

- Đó không phải là ý chí của tôi mà là của nhân dân: tôi đã dựa vào kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ở Ukraina về nền độc lập. Cả ông Yeltsin lẫn ông Shushkevich đều không có được điểm tựa này, họ đã không tiến hành trưng cầu ý dân ở nước của họ. Còn tôi thì đã hiểu rõ rằng: nếu chúng tôi không tiến hành trưng cầu ý dân thì người ta sẽ không thả chúng tôi ra khỏi Liên bang Xôviết. Cuộc trưng cầu ý dân tất nhiên là đã làm thay đổi cán cân lực lượng.

…Nói chung, mọi việc đã trở nên rõ ràng rằng, tôi sẽ không ký bất cứ một Hiệp ước Liên bang nào cả. Chúng tôi đã bắt tay vào việc soạn thảo văn bản của Hiệp ước Belovesh tương lai. Ông Yeltsin hỏi: “Ai sẽ khởi thảo đây?”. Tôi nói luôn: “Vì tôi đang cầm cây bút rất tốt nên hãy để cho tôi viết luôn”. Công việc thực sự đã bắt đầu từ trang giấy trắng.

Trợ giúp cho chúng tôi là nhóm thư ký của ông Yeltsin, những người đã tháp tùng ông ấy trong chuyến thăm chính thức Minsk, nói chung khoảng 100 người. Những điều chúng tôi viết trong phòng họp xong rồi thì họ biên tập rồi chuyển lại cho chúng tôi, rồi chúng tôi lại bổ sung, thay đổi... Toàn bộ dây chuyền này được điều hành bởi ông Burbulis.

Sau một thời gian, ông Yeltsin lên tiếng: “Có cái gì đó chưa ổn. Thôi này, khi nào chúng ta viết xong khổ thứ nhất, chúng ta hãy cùng uống một nửa cốc champagne cái đã!”

Và quả thực là sau khi viết xong khổ thứ nhất – một khổ rất nặng nề – chúng tôi đã uống mỗi người một nửa cốc champagne. Và chỉ thế thôi! Mặc dù có người khẳng định rằng khi ngồi bên bàn làm việc lúc nào chúng tôi cũng đã nốc hết cốc này tới cốc khác. Thực sự là ở đó, ngoài các chai nước lọc đã không hề có gì hơn nữa trước mặt chúng tôi. Và khi chưa viết xong thì chúng tôi chưa đứng dậy khỏi bàn. Tôi nhớ là chúng tôi đã bắt đầu từ 10 giờ sáng và tới 2-3 giờ chiều thì mọi việc đã sẵn sàng.

Như vậy là chính ông đã viết dòng đầu tiên của Hiệp ước Belovezh?

- Dòng đầu tiên cho chính tôi viết. Còn lập luận về việc “Liên bang CHXHCN Xôviết như một chủ thể của luật pháp quốc tế và một thực thể địa chính trị chấm dứt sự tồn tại của mình” là do Burbulis đưa ra... Chúng tôi đã mất một tiếng rưỡi để vật lộn với nó. Nhưng khi ghi vào những chữ “chấm dứt sự tồn tại của mình” thì thực khó có thể diễn tả lại những gì mà chúng tôi đã cảm thấy khi đó! Đấy, người ta nói, “một sự kiện lịch sử”! Có nghĩa đó là lịch sử... Nhưng khi ta là người tham dự những sự kiện như thế? Đâu có dễ dàng khi viết ra những từ này?

Cảm giác sợ hãi?

- Cái gì là sợ hãi? Khi ta đi vào rừng, ta có thể cảm thấy sợ chó sói, sợ gấu, sợ bọn cướp hay gì gì nữa. Nhưng khi ta làm những việc quy mô như thế thì ta không nghĩ gì về nỗi sợ hãi cả. Khi ta làm một cuộc đảo lộn quy mô như thế... Tôi từng nghiên cứu lịch sử và tôi biết rằng, đó là một cuộc đảo chính đầu tiên trên thế giới có quy mô như thế đã được thực hiện một cách hòa bình – không có đụng độ và đổ máu! Hãy thử tưởng tượng mà xem: một lực lượng vũ trang khổng lồ, các nhà máy điện nguyên tử, vô số tên lửa – chỉ riêng ở Ukraina đã có tới 165 tên lửa chiến lược, hơn 6.000 đầu đạn… Nếu có chuyện xảy ra thì tất cả chúng ta hẳn đã chết dưới những đổ vỡ đó, đơn giản là biến mất hẳn…

Đó là ngày 8/12/1991.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một lần lầm bước, còn mãi nỗi đau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO