Mười năm nhớ Hữu Loan

Đỗ Anh Vũ 04/04/2020 14:52

Trong những thi sĩ thuộc thế hệ kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan có lẽ là một trong những người đặc biệt nhất, đặc biệt từ cuộc đời cho tới thơ. Và chính sự đặc biệt ấy làm cho hậu thế không thể quên ông. Đến nay, vừa tròn 10 năm ngày Hữu Loan giã từ cõi thế.

Mười năm nhớ Hữu Loan

Về đời

Hữu Loan xuất thân Tú tài Tây học, nhận bằng năm 1941. Về chức vụ, ông từng làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa huyện Nga Sơn, Uỷ viên văn hóa tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban Tuyên huấn của Sư đoàn 304, làm đến chủ bút của báo Chiến sĩ ở Huế, được mời làm Trưởng ban biên tập cho báo Văn nghệ khi hoà bình lập lại, tiếp quản Thủ đô (1954). Thế mà rồi ông từ bỏ tất cả để trở về Nga Sơn, hàng ngày sinh sống bằng nghề khai thác đá, thồ đá đi bán. Từ trước đến nay, chúng ta thường hình dung các thi sĩ là những người ít quen với công việc lao động chân tay, vậy mà Hữu Loan đã chở hàng nghìn tấn đá suốt mấy chục năm ròng, bám đá mà sống để nuôi vợ con, gia đình mình. Thử hỏi trong tất cả các thi sĩ Việt Nam hiện đại, có người nào làm được như ông? (Một số thi sĩ cũng lao động chân tay như Thanh Tùng, Chu Hoạch nhưng mức độ nặng nhọc không thể bằng được Hữu Loan).

Hữu Loan có lẽ cũng là thi sĩ Việt Nam hiện đại đông con nhất. Người vợ đầu của ông là bà Lê Đỗ Thị Ninh mất sớm, chưa kịp sinh cho ông người con nào. Nhưng người vợ thứ hai là bà Phạm Thị Nhu đã sinh cho nhà thơ tới 10 người con đủ cả trai lẫn gái, trong đó người con thứ 8, anh Nguyễn Hữu Đán là người thành đạt nhất, hiện là chủ tịch hội đồng Công ty cổ phần bảo tồn văn hóa di sản kiến trúc Việt.

Trong các thi sĩ thời kháng chiến, Hữu Loan nằm trong số những người có số lượng tác phẩm ít nhất nhưng mức độ truyền tụng và các giai thoại xoay quanh lại ở vị trí hàng đầu. Thi phẩm lừng danh “Màu tím hoa sim” được ông viết năm 1949, truyền tay đọc khắp nơi gần 10 năm trời rồi mới in lên báo Trăm hoa do Nguyễn Bính chủ biên. Điểm độc đáo nữa mà không thi phẩm nào bằng được, đó là bài Màu tím hoa sim có rất nhiều bản phổ nhạc mà hầu hết các bản trong số đó đều gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng nghe nhạc. Có thể kể đến các bản điển hình: “Áo anh sứt chỉ đường tà” (Phạm Duy phổ nhạc), “Những đồi hoa sim” (ZDũng Chinh phổ nhạc ), “Chuyện hoa sim” (Anh Bằng phổ nhạc), “Màu tím hoa sim” (Duy Khánh phổ nhạc), “Màu tím hoa sim” (Thương Linh phổ nhạc). Đó là còn chưa kể đến các ca khúc được gợi cảm hứng từ bài thơ như “Tím cả chiều hoang” của Anh Bằng hay “Tím cả rừng chiều” của Thu Hồ. “Màu tím hoa sim” cũng là bài thơ lập kỷ lục với giá 100 triệu đồng tiền bản quyền khi Công ty cổ phần Công nghệ Việt mua vào tháng 10/2004.

Về thơ

Tập thơ duy nhất của đời thơ Hữu Loan in năm 1990 với nhan đề “Màu tím hoa sim” (NXB Hội Nhà văn) gồm đúng 10 bài, trở thành một trong những thi tập mỏng nhất, có số lượng bài thơ ít nhất trong lịch sử xuất bản của Việt Nam thời hiện đại. Mười bài thơ đó theo thứ tự in trong sách gồm: Ngày mai, Màu tím hoa sim, Những làng đi qua, Hoa lúa, Phương gió, Tò he, Nếu anh không đi, Đèo Cả, Quách Xuân Kỳ, Yên Mô. Sau này, có thêm 7 bài thơ khác của ông được tìm thấy, bao gồm: Tình thủ đô, Hữu Loan khóc Nguyễn Sơn, Thánh mẫu hài đồng, Chuyện tôi về, Cùng những thằng nịnh hót, Đêm, Ôm Tết vào lòng. Như vậy, tất cả những sáng tác của Hữu Loan (không tính những bài thơ dịch) vỏn vẹn chưa tới 20 bài. Nhưng chỉ cần như vậy thôi đã đủ để dựng lên một giọng điệu của riêng ông, và điều độc đáo đầu tiên nằm ở chỗ tất cả các bài thơ đều được viết với hình thức bậc thang và hầu hết là thơ tự do. Tôi cứ hình dung hình thức bậc thang ấy như một ngụ ngôn đầy ẩn ý về chính con người ông, không bao giờ muốn bị câu thúc trói buộc vào những khuôn khổ, những gò ép. Cuộc đời thăng trầm mà vẫn luôn ngẩng cao đầu kiêu hãnh, không van xin không quỵ lụy. Thơ tự do bậc thang của ông mang cho người đọc cảm giác phóng túng, phóng khoáng, câu thơ vẫn có nhạc tính trầm bổng mà trường độ thì co duỗi nhịp nhàng. Ta vẫn có thể bắt gặp những nhịp 5 chữ, 7 chữ đều đặn trong thơ ông hoặc những câu lục bát vẫn xuất hiện trong cả một bài thơ dài: Khi nắng chiều tắt thở/ Trên hàng cau úa vàng/ Bóng từng đoàn nạng gỗ/ Đi kêu trên đường làng (Ngày mai); Ta đi đầu sát bên đầu/ Mắt em thăm thẳm đựng màu trời quê (Hoa lúa); Người đi gối súng dài đêm lạ/ Mắt mẹ xa vời bóng xám sân (Phương gió); Em đi tím đất chiều hoang/ Ta như mất mẹ khóc tang hai lần (Thánh mẫu hài đồng).

Những câu thơ hay nhất, làm lay động lòng người nhất của Hữu Loan, theo tôi đều được viết ra trong thi pháp của một sự phi lý, bất thường. Câu chữ rõ ràng chẳng có gì đặc biệt, mà sao chạm thẳng vào tim người, chinh phục chính người đọc bằng sự phi logic ấy. Chẳng hạn một câu trong bài “Màu tím hoa sim”: Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc/ Biết tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng. Theo logic thông thường, sự kiện nào xuất hiện trước sẽ được thông tin cho mọi người biết trước, nhưng ở đây ta thấy sự ngược lại. Chính cái ngược đời đầy bất thường ấy làm câu thơ chạm vào tim người, thể hiện được nỗi đau xót đến cùng cực mà không cần dùng thêm bất kỳ một từ hoa mĩ nào nữa. Vẫn trong bài “Màu tím hoa sim” còn có những câu thơ xúc động khác, cũng được viết nên trong cảm quan của một sự bất thường: “Nhưng không chết người trai khói lửa/Mà chết người gái nhỏ hậu phương/ Tôi về không gặp nàng/Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối/ Chiếc bình hoa ngày cưới/ Thành bình hương tàn lạnh vây quanh”. Chỉ mấy câu thơ thôi mà có tới bốn cặp tương phản lớn lao: tiền phương sống mà hậu phương chết, người già khóc người trẻ, bình hoa thành bình hương, tuổi xuân thành bóng tối.

Trong nhiều bài thơ khác của Hữu Loan, ta tiếp tục bắt gặp những câu thơ thật hay, đều được viết trong cảm quan của một sự bất thường. Cũng là viết về cái chết, nhưng khác với bài “Màu tím hoa sim”, ở bài Hữu Loan khóc Nguyễn Sơn, cái chết của một dũng tướng được Hữu Loan tạc bằng những nét bi tráng, oai hùng: “Một đám tang đã diễu hành/ Một đám tang cờ đỏ liệm quan tài/ Nấc lên màu huyết/ Một đám tang đi/ Không bao giờ tới huyệt”. Sự phi lý ở chỗ “không bao giờ tới huyệt” ấy bày tỏ được hết nỗi tiếc thương của người đang sống với người đã khuất, nó còn như ngụ ý về một sự nghiệp đang lẫy lừng, còn nhiều hứa hẹn bỗng chốc thành dang dở.

Thơ phương Đông truyền thống thường mạnh về diễn đạt cái tình cảm và diễm lệ chứ ít bài thể hiện được cái vĩ đại. Thế nhưng “Đèo Cả” của Hữu Loan theo tôi là một trong những ngoại lệ khi thể hiện được cái tráng khí và cốt cách của người lính. Những câu cuối cùng trong bài là những câu được nhớ nhiều nhất: “Người hái cam rừng ăn nheo mắt/ Người vá áo thiếu kim mài sắt/ Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu/ Suối mang bóng người soi những về đâu?!” Tôi thích cái ngạo nghễ của hình ảnh “đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu” và cho rằng đây là một câu thơ đẹp lộng lẫy bởi sự bất thường mà chỉ Hữu Loan mới tạo ra được.

Người đọc còn có thể tìm thấy nhiều câu thơ hay khác nữa của Hữu Loan với những thi ảnh cực kỳ sáng tạo, gây ấn tượng và lay động mạnh mẽ. Chỉ có Hữu Loan mới tả vầng trăng trong thời chiến như thế này: “Canh làng du kích Yên Mô/ Nửa đêm trăng mọc đỏ như cháy đồn” (Yên Mô). Khác với ánh trăng lãng mạn trong thơ Chính Hữu cùng thời chống Pháp: “Đầu súng trăng treo” (Đồng chí), càng khác với những ánh trăng vàng lung linh như trong thơ cổ điển hay lãng mạn (Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi), trăng trong thơ Hữu Loan là ánh trăng của lửa, của sự báo động, của những giọt máu đã đổ xuống và hứa hẹn những dữ dội sẽ còn tiếp diễn của cuộc kháng chiến trường kỳ.

Tất cả những bất thường, khác thường mà Hữu Loan tạo ra trong thơ in dấu cá tính sáng tạo của riêng ông, cũng là phẩm chất cốt cách của con người ông, như chính ông đã tự bạch khi ví mình là môt cây gỗ vuông, không bao giờ chịu để cho người khác đẽo tròn tùy tiện: “Tôi, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời/ Đã làm thất bại mọi âm mưu/đẽo tròn/ để muốn tùy tiện/ lăn long lóc/thế nào thì lăn lóc/ Chân lý đấy/ hỡi rìu bào phó mộc”.

Thơ ca của Hữu Loan cũng chính là nhân cách quật cường bất khuất của ông. Tôi tin không chỉ hôm nay, mười năm sau khi ông qua đời, mà còn muôn sau nữa, người yêu thơ vẫn còn đọc lại nhiều lần những tác phẩm của ông, đọc lại những câu chuyện về cuộc đời ông để thầm cảm phục một tráng nhân thi sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mười năm nhớ Hữu Loan