Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy...

Đỗ Ngọc Quang 18/11/2019 08:45

Cùng với lịch sử đất nước thì lịch sử giáo dục Việt Nam cũng ghi dấu qua những trang vàng rực rỡ. Nền giáo dục ấy tự hào về những nhà giáo lỗi lạc và cũng tự hào về truyền thống kính trọng nhà giáo của người Việt Nam ta: Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay lại đến, cũng là dịp để truyền thống ấy phát huy, “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”…

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy...

1. Nền giáo dục phong kiến hàng ngàn năm của đất nước đã xuất hiện nhiều nhà giáo lỗi lạc. Họ không chỉ là người dạy chữ, mà trước hết đó là dạy người. Phẩm chất thanh cao, tinh thần khẳng khái, trí tuệ trác việt của những bậc tiên hiền đến nay vẫn là bài học cho tất cả những ai làm thầy.

Không thể kể hết những bậc danh sư, nhưng chúng ta mãi tự hào về Chu Văn An (1292-1379), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Lê Quý Đôn (1726-1784), Nguyễn Thiếp (1723-1804), Võ Trường Toản (không rõ năm sinh, cụ mất năm 1792), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)… Những bậc danh sư ấy sống ở những thời đoạn khác nhau, chịu ảnh hưởng khác nhau từ điều kiện xã hội đương thời, tuy nhiên các vị đều nêu tấm gương sáng cho đời sau về đức độ, sự thanh liêm, tài năng và nghĩa khí. Các vị đều là những danh sĩ có ảnh hưởng rất lâu dài.

Nhà giáo Chu Văn An, bậc học rộng tài cao, khi trẻ ông không làm quan mà mở trường dạy học ở làng. Sau này, không chỉ đào tạo cho đời những người tài giỏi, ông còn nổi tiếng với “Thất trảm sớ” yêu cầu vua Trần Dụ Tông chém đầu bảy tên gian thần, song bị vua từ chối. Cáo lão, về ở ẩn gần núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), ông tiếp tục làm nghề dạy học cho đến khi qua đời.

Nhà giáo, nhà bác học Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhân vật nổi tiếng thời kỳ Lê - Mạc với tính tình cương trực, mạnh mẽ, không sợ cường quyền. Ông không tha thiết với chốn quan trường dù từng đỗ Trạng nguyên dưới thời vua Mạc Đăng Doanh và từng dâng sớ hạch tội 18 tên gian thần nhưng bị từ chối. Giống như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan về ở ẩn, trở thành một nhà giáo lỗi lạc. Học trò của ông trong thời điểm đó có những người rất nổi tiếng như Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan…

Nhà giáo, nhà bác học Lê Quý Đôn kiến thức uyên thâm, tài trí hơn người. Qua sự dạy dỗ với những bài học về kiến thức, đạo đức làm người, học trò của ông có rất nhiều người đã thành tài và làm quan lớn trong triều đình, như Bùi Huy Bích, Bùi Bích Tựu…

“La Sơn Phu Tử” Nguyễn Thiếp cũng là một danh sĩ, một trong những nhà giáo nổi tiếng nhất đời hậu Lê và Tây Sơn. Vua Quang Trung từng 3 lần mời Nguyễn Thiếp đến bàn quốc sự nhưng ông đều từ chối, đến lần thứ 4, cảm sự chân tình của vị Hoàng đế áo vải, ông nhận lời gặp và dâng lên một bản tấu bàn về 3 vấn đề: Một là “Quân đức” (khuyên vua nên theo đạo Thánh hiền để trị nước); hai là “Dân tâm” (khuyên vua nên dùng nhân chính để thu phục lòng người), và ba là “Học pháp” (khuyên vua chăm lo việc giáo dục). Bản tấu của ông được Quang Trung - Nguyễn Huệ chấp thuận, làm theo.

Thời cận đại, không thể không nhắc tới tấm gương khác biệt của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, một trong những nhà thơ, nhà văn hóa lớn thế kỷ XIX với cuộc đời long đong lận đận. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo tưởng như vô vọng đã xuất hiện nhà giáo - nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Đình Chiểu. Không chỉ để lại cho đời tác phẩm “Lục Vân Tiên”, mà dân gian còn lưu truyền “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” thể hiện rõ tinh thần yêu nước, lòng căm thù thực dân Pháp xâm lược của một bậc hiền nhân.

2. Tiếp nối truyền thống của các bậc tiên hiền trong lịch sử, nền giáo dục cách mạng Việt Nam (kể từ mùa thu tháng Tám năm 1945 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay) cũng có nhiều nhà giáo xuất sắc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của người thầy giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều này thể hiện qua những chỉ bảo ân cần của Người tại lớp học chính trị của giáo viên (năm 1959): “Các cô, các chú đều biết, giáo viên ngày nay không phải là “gõ đầu trẻ kiếm cơm”, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang. Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ, nếu không thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con em”. Theo quan điểm của Bác: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”…

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hiện thực hóa bằng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Giáo dục, về Nhà giáo. Đó cũng là tiếp nối truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Từ đó, nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã có nhiều thế hệ nhà giáo mẫu mực với nhiều Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và kể cả những nhà giáo chưa được nhận danh hiệu cao quý đó.

Tới nay chúng ta vẫn tự hào về những người thầy giáo trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ thể bằng chương trình Bình dân học vụ. Từ một nước hơn 90% dân số mù chữ, nhờ được những người “anh hùng vô danh” hết lòng vì đồng bào của mình, mà tới năm 1954 phần đông dân ta đã biết đọc biết viết, từ đó hình thành nên một nền giáo dục độc lập không phụ thuộc ngoại bang: Nền giáo dục cách mạng, vì đất nước, vì dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước kéo dài tới 21 năm (1954-1975) đã xuất hiện biết bao nhà giáo thầm lặng đóng góp công sức, đào tạo ra những thế hệ công dân hữu ích phục vụ công cuộc đấu tranh và kiến thiết nước nhà. Ở miền Bắc, đó là những “cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” đến với đàn em còn thiếu cơm thiếu áo, là những lớp học dưới giao thông hào mà hình ảnh chiếc mũ rơm tránh mảnh bom mảnh đạn vẫn đẹp mãi tới bây giờ. Cũng những năm tháng ác liệt ấy, nhiều thầy giáo đã tạm biệt mái trường, tạm xa đàn em thân yêu để lên đường vào tiền tuyến. Trong số họ, có những người đã hy sinh anh dũng, có những người trở về với thân thể không lành lặn, những thầy giáo thương binh đi trên đôi nạng gỗ để cho “những dấu chân son vây quanh vết chân tròn”… Còn ở miền Nam, nơi chiến trường ác liệt, những lớp học trong rừng sâu vẫn được mở ra bất chấp những đợt càn quét. Ngọn lửa tri thức bùng cháy bất chấp hiểm nguy, bất chấp cái chết có thể đến bất cứ lúc nào… Họ thật xứng đáng với danh hiệu “những anh hùng vô danh”, tô thắm lịch sử tốt đẹp của giáo dục nước nhà.

3. Hôm nay, sứ mệnh của giáo dục Việt Nam thật hệ trọng: đào tạo những công dân yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, chuẩn bị nguồn tri thức lớn để đất nước tăng tốc phát triển, để đất nước hội nhập cùng cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cùng chúc các nhà giáo “chân cứng đá mềm”, làm tốt nhiệm vụ “trồng người”, xứng với vai trò “Giáo dục là Quốc sách”. Xã hội trông chờ, kỳ vọng vào đội ngũ các nhà giáo, trông chờ vào sự đổi mới mạnh mẽ của nền giáo dục. Những gì làm hoen ố sự nghiệp giáo dục của chúng ta cần sớm được lợi bỏ, khắc phục triệt để.

Chính vì thế, nhìn thẳng, nhìn thật vào những hạn chế, tiêu cực là điều rất cần thiết. Chỉ có như vậy chúng ta mới xây dựng được một nền giáo dục tiên tiến, cung cấp nguồn nhân lực dồi dào để xây dựng đất nước mạnh giàu.

…Những ngày này, chúng ta bồi hồi nhớ lại Thư Bác Hồ gửi học sinh ngày khai trường năm 1945, năm đầu tiên nước nhà giành được độc lập. Trong thư, Người viết: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.

Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để giành lại nền độc lập cho nước nhà”.
Thư của Người gửi học sinh cũng chính là lời dạy dỗ ân cần của Người với nền giáo dục cách mạng, với những người làm thầy trong một sứ mệnh thiêng liêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO