Ngày mai là một ngày mới

Cẩm Anh 14/05/2020 14:05

Tôi không nghĩ dịch bệnh làm chúng ta thay đổi quá nhiều, kinh tế sau khủng hoảng rồi sẽ được vực dậy, du lịch rồi sẽ trở lại và các bác sĩ rồi sẽ được trở về nhà.

Ngày mai là một ngày mới

G. thân mến!

Những ngày ở nhà của đợt cách ly xã hội, chúng ta làm gì? Sau đợt nghỉ ở Việt Nam tôi thấy người ta hay hỏi nhau câu đó. Căn cứ những gì người ta thể hiện trên mạng xã hội thì phụ nữ phần đông là nấu ăn, cắm hoa, dọn dẹp nhà cửa. Thoạt đầu thì khoe tài nấu ăn, rồi được độ mươi ngày thì nguy cơ tăng cân trở thành nỗi ám ảnh của các mẹ. Thế là “ghét bếp” lại trở thành trend. Món ăn đưa ra sao cho thật xấu xí để đỡ cảm xúc thèm ăn… Chuyện này rất nhỏ trong vô vàn mối quan tâm của xã hội trong những ngày dịch bệnh nhưng không hiểu sao, nhìn vào những biểu hiện tưởng nhỏ nhặt và vô thưởng vô phạt ấy trên mạng xã hội, không hiểu sao lại luôn khiến tôi nghĩ rằng nó đang phản ánh tâm thế xã hội. Đời sống của chúng ta suy cho cùng đang ngày càng trở lên nhạt, tới mức ngay cả cảm xúc cũng trở nên giống nhau. Chúng ta người nọ trông người kia khoe lọ hoa mới cắm, món ăn mới chế biến và cái váy mới mua để học nhau mà làm, tới mức cảm tưởng có ngày nhà nào cũng ăn cùng nhau món bánh cuốn buổi sáng. Điều này không dở tí nào vì suy cho cùng đó là những cảm xúc lành mạnh nhưng nhìn sâu vào bên trong, cả tôi và G. – những người vừa post lên facebook khoe đĩa bánh cuốn tự làm lại đang thấy trống rỗng, vì có gì đã bày ra hết cả rồi…

G. ạ, ở Việt Nam thật mừng vì nhịp sống đã trở lại gần với bình thường. Công cuộc chống đại dịch Covid-19 của Chính phủ và nhân dân Việt Nam có kết quả tốt đẹp. Những mặt hàng không thiết yếu cũng đã được phép hoạt động trở lại. Một số bạn bè tôi đã rủ nhau trở lại spa chăm sóc sắc đẹp. Chao ôi, sự phân cấp xã hội rất dễ hình dung qua mùa dịch. Với người này là thất nghiệp, là không kiếm đủ tiền nhà trọ, tiền gạo, tiền thịt mỗi ngày. Với người khác là tiệm gội đầu không mở, là không có người chăm sóc móng chân móng tay, là không được đi massage body chẳng hạn…

Trưa nay ngồi ở quán café, một cô bạn tôi than thở không ngừng về dịch bệnh đã khiến bao nhiêu kế hoạch tan vỡ. Trong đó là những chuyến đi đến các vùng đất trên thế giới mà cô bạn vẫn đặt ra mỗi năm. Tình hình thế này chắc hết năm nay không còn tính được việc gì nữa. Nhưng du lịch nội địa thì đang rất rộn ràng với nhiều gói kích cầu được tung ra rất hấp dẫn, chưa bao giờ có những mức giá như vậy. Chúng tôi nói cùng nhau điều ấy rồi cùng nhìn ra đường, góc phố Lý Thường Kiệt chang chang nắng, nhưng thỉnh thoảng có gió nên không khí vẫn còn khá dễ chịu. Cữ này mọi năm trẻ con đã chuẩn bị nghỉ hè. Còn năm nay, cả chặng đường học hành vẫn ở phía trước. Dịch bệnh làm đảo lộn hết cả. Bọn trẻ con sau này trong hành trang lớn lên sẽ nhớ một mùa hè đi học bù cho thời gian nghỉ dịch, nhớ một trận đại dịch quy mô toàn cầu khủng khiếp. Mà ơn giời, các biện pháp chống dịch ở Việt Nam khiến cho chúng nó, những đứa trẻ con của ngày hôm nay chỉ bị ảnh hưởng vì phải ở nhà mất mấy tháng, chứ chưa phải chứng kiến những đau thương như nhiều quốc gia khác. Thử hình dung trong một quốc gia mà mấy nghìn ca tử vong một ngày thì nỗi mất mát lớn đến thế nào và ký ức ấy sẽ đeo bám mỗi người chúng ta không biết còn đến bao giờ. Mấy hôm nay những đứa trẻ đã tung tăng trở lại trường, tôi nhìn chúng nó hồn nhiên mà thấy thật là may mắn. Chúng ta đã đi qua một chặng đường đầy may mắn, cho cả hiện tại và tương lai đất nước sau này. Một phần ký ức về cuộc đời của chúng ta có những tháng năm này, hốt hoảng, bàng hoàng khi dịch mỗi lúc một lan rộng và quả cảm đi qua nó, trong sự bình tĩnh, chủ động để đi hết một chặng đường, nhận ra chúng ta đã bình an. Điều này, có thể gọi tên gì khác đâu ngoài việc định danh nó là một giá trị sống của một quốc gia đặt tính mạng và sức khỏe người dân lên trên hết. Trong ký ức của chúng ta khi già đi và ký ức những đứa trẻ khi lớn lên sẽ không quên những ngày mà số người chết trên thế giới được cập nhật là những con số khủng khiếp. Trong một thế giới toàn cầu hóa, dù tai họa xảy ra ở đâu thì cũng là nỗi đau chung của nhân loại. Chúng ta chỉ may mắn hơn những người sống ở nơi khác là dịch bệnh không làm chúng ta rơi vào thảm họa, nhờ vào sự chủ động và quyết liệt, sự sát cánh đồng lòng của Chính phủ và người dân. Ký ức trẻ thơ, nhờ thế mà vẫn giữ được sự hồn nhiên khi đi qua những ngày bão tố!

Dịch bệnh có làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta? Đấy là điều mà nhiều người nói đến vào giữa những ngày dịch đang ở đỉnh điểm. Có lúc người ta đã cảm thấy chỉ cần được sống đã là may mắn lắm rồi. Nhiều giá trị được nhận diện lại. Lòng nhân ái và ý thức cộng đồng được đề cao, lan tỏa.

Giữa những ngày cách ly, tôi giở những cuốn sách cũ ra đọc lại, xem lại nhiều bộ phim cũ. Và nhận ra rằng không phải cuốn nào, dù được xếp vào hàng kinh điển, đến thời điểm này mình vẫn thấy nó còn hay nữa. Nhận thức của chúng ta đã thay đổi rồi. Cái cảm xúc ngày xưa đã không còn nữa. Có những bộ phim xem lại bỗng thấy một mối tình khiến mình thổn thức ngày xưa giờ bỗng sến làm sao. Trong số những cuốn sách đọc lại sống động nhất vẫn là hình ảnh cuối cùng của cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”, nàng Scarlett đầy cương nghị đứng trước thềm Tara ngập nắng với câu tiếp sức mạnh quen thuộc của mình: “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới”. Chúng ta đã đi qua một chặng đường đầy khó khăn và chắc chắn mỗi người đều nghĩ như nàng, ngày mai là một ngày mới. Ý nghĩ ấy giúp chúng ta đến được những ngày mùa hè ngập nắng hôm nay. Chúng ta không so sánh khó khăn của cuộc nội chiến trong Cuốn theo chiều gió với những ngày dịch bệnh khó khăn này, nhưng niềm tin thì giống nhau, ở mọi thời điểm, bao giờ cũng là sức mạnh tinh thần vô giá.

Tôi không nghĩ dịch bệnh làm chúng ta thay đổi quá nhiều, kinh tế sau khủng hoảng rồi sẽ được vực dậy, du lịch rồi sẽ trở lại và các bác sĩ rồi sẽ được trở về nhà. Xã hội bao giờ cũng gồm những tốt xấu đan xen. Bằng chứng là có hàng triệu tin nhắn ủng hộ công cuộc phòng chống Covid-19 thì vẫn có kẻ lợi dụng chống dịch để trục lợi cả từ việc mua thiết bị y tế. Những kẻ trục lợi không hiểu trong đầu có nghĩ đến những y bác sĩ mấy tháng chưa được về nhà, nghĩ đến những cụ già tóc bạc chống gậy đi ủng hộ vật chất cho đội ngũ chống dịch không? Có những thứ thuộc về con người mà nếu không tai nghe mắt thấy, đôi khi ta không hình dung nổi. Cho nên, tôi cũng không lạc quan nghĩ rằng sau dịch bệnh, khi chúng ta thực sự đối mặt với thảm họa, với sự sống và cái chết, thì xã hội còn lại toàn điều tốt đẹp. Tốt xấu vẫn tiếp tục đan xen như một câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh thôi: “Cái thiện nắm tay cái ác/ Cả hai cùng cười đi về tương lai…”

Nhưng tôi có một niềm tin, là ngày mai là một ngày mới!

Chào G. nhé, hẹn trong lá thư sau chúng ta sẽ có thể cùng nhau nói tiếp về một ngày mai, khi dịch bệnh đã có thể về cơ bản được kiểm soát trên toàn thế giới. Sự sống, vẫn luôn luôn là điều diệu kỳ!

Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày mai là một ngày mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO