Ngày nay, mỗi thành quả công việc cùng những hoạt động xã hội của các nhà chuyên môn có tiếng tăm đều được biết đến rộng rãi thông qua mạng toàn cầu Internet. Trường hợp của GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là một minh chứng.
Nghiên cứu sinh trẻ Nguyễn Xuân Hãn đang bảo vệ luận án tiến sĩ toán lý tại Viện Liên hợp hạt nhân Dubna, Liên Xô (1976).
Tháng 10/2019 trên tạp chí The European Physical Journal C đăng công trình “Đóng góp của hấp dẫn lượng tử hiệu dụng cho tán xạ năng lượng cao trong khuôn khổ của lý thuyết nhiễu loạn cải biến và gần đúng một vòng” của ông cùng hai học trò Đỗ Thu Hà và Nguyễn Như Xuân, lập tức có những lời bình luận, hưởng ứng của các đồng nghiệp gần xa. GS-TSKH Andrej phó giám đốc phòng vật lý lý thuyết mang tên Bogoliubov thuộc Viện Liên hợp hạt nhân Dubna, Nga và GS-VS Nguyễn Văn Hiệu liền gửi lời chúc mừng nồng nhiệt cho những khám phá mới; GS-TS Nguyễn Anh Kỳ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam viết email: “Rất khâm phục anh, ở tuổi 70 mà vẫn còn làm được những công trình chất lượng cao và thuộc về lĩnh vực khó”; GS-TS Lê Văn Hoàng, Đại học Sư phạm TP.HCM: “Chúc mừng thầy với bài báo hay công bố trên tạp chí uy tín hàng đầu trong chuyên ngành. Hướng nghiên cứu về lý thuyết trường hấp dẫn không được chú trọng đúng mức ở Việt Nam và thầy Hãn là một chuyên gia rất hiếm hoi. Chúc thầy sức khỏe và tiếp tục có công bố tốt”...
Một trường hợp khác, cũng liên quan đến GS Nguyễn Xuân Hãn. Khi bài báo về hấp dẫn lượng tử của một nhóm nhà khoa học Mỹ -Trung Quốc làm việc ở Geneva vừa xuất hiện trên mạng toàn cầu, tạp chí JMP mời phản biện và vị giáo sư của Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã hoàn thành công việc này trong 2 tuần một cách khẩn trương và hoàn hảo. Năm 2007, Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Việt Nam có ý định ấn hành cuốn sách của GS-VS Đào Vọng Đức về một chuyên nghành rất hẹp và sâu, ở Việt Nam ít người nghiên cứu Lý thuyết siêu dây lượng tử và người được mời thẩm định nội dung trước khi xuất bản, không ai khác lại là GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn...
Vậy GS Nguyễn Xuân Hãn là người thế nào? Người viết bài này từng có thời gian dài làm báo và hay quan tâm đến những sự kiện cùng nhân vật khoa học công nghệ nước nhà xin có đôi lời về người bạn học thời phổ thông ở những năm 1960 - Nguyễn Xuân Hãn.
Nguyễn Xuân Hãn sinh năm 1947 tại Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) cùng quê với những nhà nho nổi tiếng như Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Bằng Đoàn... Gia đình anh nghèo lại đông (14 người con), thời niên thiếu Nguyễn Xuân Hãn theo người nhà lên sống ở tỉnh miền núi Hòa Bình và học trường phổ thông cấp 2-3 Hoàng Văn Thụ, ngôi trường soi bóng xuống dòng sông Đà. Ngày ấy anh làm đủ nghề như vắt bún, kiếm củi, lấy nứa... vừa làm vừa học. Do phải kiếm sống vất vả mà anh chưa phải học sinh xuất sắc nhất trường, nhưng dưới con mắt đánh giá của các thầy giàu kinh nghiệm như thầy Cường, thầy Hào đều người Hà Nội, thì cậu học trò bé nhỏ hay bẽn lẽn ấy nhiều triển vọng nhất ở môn toán. Đáng lẽ tốt nghiệp phổ thông năm 1965 được chọn du học Liên Xô thì do một “trục trặc” nhỏ mà anh bị ách lại đến năm sau mới được đi. Ngôi trường mới anh học ở nước bạn là Đại học Tổng hợp Minsk thuộc nước Cộng hòa Belarut. Bắt đầu từ đây, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Hãn phải thực sự vật lộn với hai môn có sở trường là toán - lý và anh đã thể hiện một ý chí, nghị lực cao làm các bạn đồng môn bất ngờ, chỉ sau 2 năm đã hoàn thành toàn bộ chương trình 5 năm của trường. Lúc đó ở Viện Liên hợp hạt nhân Dubna (Liên Xô) có những nhà khoa học Việt Nam xuất sắc đang làm việc như Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Hiệu, anh đã lọt vào “mắt xanh”, để rồi các ông tìm mọi cách đưa Nguyễn Xuân Hãn trở về môi trường học thuật cao hơn, sẽ “bay cao, bay xa” hơn. Và năm 1971 anh đã có bằng đại học tại trường danh tiếng nhất Liên Xô là MGU.
5 năm sau anh hoàn thành luận văn phó tiến sĩ toán lý (nay là tiến sĩ) với đề tài: Phương pháp tích phân phiếm hàm trong lý thuyết Trường lượng tử. Anh về nước, có thời gian ngắn công tác tại Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, trợ lý cho người đứng đầu, người thầy của nhiều thế hệ khoa học Việt Nam, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Sau đó anh làm việc cho đến ngày hôm nay tại trường Đại học Tổng hợp, tiền thân của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Giảng dạy và nghiên cứu được 10 năm, đến 1988 anh trở lại Viện Liên hợp hạt nhân Dubna với danh nghĩa “thực tập sinh”, nhưng anh lại làm điều bất ngờ mới là bảo vệ thành công luận văn TSKH về lĩnh vực chuyên sâu của vật lý lý thuyết: Lượng tử hóa Trường chuẩn. Như vậy, ở tuổi “vàng” của đời mình, Nguyễn Xuân Hãn đã đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp khoa học. Thời kỳ này anh đã có 65 công bố khoa học, trong đó chủ yếu đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín. Trong vòng 20 năm trở lại đây anh đã mạnh bạo đi vào nghiên cứu hấp dẫn lượng tử, được coi là mặt trận nóng bỏng và tiền đồn đột phá của nhân loại. Với đối tượng nghiên cứu ở kích thước Planck siêu nhỏ (10 mũ trừ 33 cm) trong thời gian siêu nhanh (10 mũ trừ 42 giây), đây là dạng vật chất chỉ dành cho những người có một trí tưởng tưởng tượng tuyệt vời, làm chủ được công cụ toán hiện đại sắc bén để khám phá nó. Và bài báo mới nhất của anh đăng ở The European Physical Journal C kể trên thuộc về lĩnh vực này, cũng lý giải vì sao các công trình những năm gần đây của anh về Hấp dẫn lượng tử thường được nhiều đồng nghiệp thán phục.
Nhiều năm anh là Chủ nhiệm bộ môn Vật lý lý thuyết của Đại học Khoa học Tự nhiên và là Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về vật lý lý thuyết của Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh còn là thành viên khoa học liên kết của Trung tâm Vật lý lý thuyết Trieste Italy từ năm 1990 đến nay; Viện Vật lý lý thuyết, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc từ 1999 đến 2003 và là cộng tác viên khoa học trong nhiều năm của Viện Liên hợp hạt nhân Dubna. Năm 1991, khi thành lập Hội Vật lý toán Việt Nam, anh được bầu là Tổng thư ký và từ năm 2008 anh là Phó chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Vật lý ngày nay. Anh còn là Chủ nhiệm của 12 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ đã được nghiệm thu; chủ biên 6 giáo trình, sách chuyên khảo. Hiện đã có 5 nghiên cứu sinh anh hướng dẫn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về vật lý lý thuyết, sau này họ hầu hết đều trở thành nhà khoa học đầu ngành, được phong hàm giáo sư, phó giáo sư.
Năm 1998 GS Nguyễn Xuân Hãn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt bổ nhiệm là Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, từ đây, vai trò người thầy, nhà giáo dục tâm huyết của anh bắt đầu nổi trội, anh có thêm một biệt danh mới “Người phản biện ngành Giáo dục đào tạo”. Bao giờ anh cũng có tiếng nói mạnh mẽ về cải cách giáo dục trong các hội nghị, hội thảo và anh còn có nhiều bài báo rất bộc trực, thẳng thắn có lý có tình trên các diễn đàn báo chí trong nước.
Để khắc phục việc học chay, đói sách, anh còn học theo cách làm của GS Tạ Quang Bửu, tập hợp bạn bè là các chuyên gia đầu ngành, liên kết với nhiều trường để biên soạn những sách dùng chung, như bộ sách Toán cao cấp dưới dạng bài tập và bài giảng, gồm 4 tập, dày 1.300 trang, Vật lý đại cương anh biên soạn cũng dày ngót 1.000 trang, Vật lý đại cương dưới dạng bài tập và bài giảng tới 3.000 trang. Anh chủ tâm biên soạn sách theo tư duy mới, khắc phục sự quá hàn lâm của sách Liên Xô trước đây, có thêm nhiều thí dụ minh họa sinh động giống như của sách giáo khoa phương Tây. Anh còn luôn trăn trở về khó khăn in sách cho học sinh, sinh viên. Gần đây, trên phương tiện truyền thông anh đã gây chấn động dư luận xã hội khi nêu nhiều bất cập của ngành Giáo dục đào tạo, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề sách giáo khoa. Anh đã đặt ra các vấn đề hệ trọng như: Năm nào cũng in lại sách giáo khoa, chưa rõ Bộ GDĐT vô tình hay hữu ý làm giàu cho Nhà xuất bản Giáo dục với siêu lợi nhuận? Việc biên soạn sách giáo khoa nước ta chưa tìm được chuẩn kiến thức - tương tự như cái “thước tre” mà người nông dân sử dụng để làm nhà, tình trạng làm sách giáo khoa mà như xây nhà mà không “thước tre” thì nguy hại không chỉ trước mắt mà di hại lâu dài đến các thế hệ sau. Anh còn khẳng định cụ thể, ở bậc phổ thông đã nhiều năm nay mặc dù đã tiêu tốn hàng tỷ USD, hàng trăm triệu bản sách xuất bản mỗi năm, nhưng vẫn chưa có được chương trình và sách giáo khoa chuẩn, nếu thay đổi tư duy, với con người và tổ chức mới, trên cơ sở phát huy nội lực, chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng, thời hạn 1 năm là có thể lo được bộ sách giáo khoa chuẩn không chỉ ở bậc phổ thông, mà còn ở cả bậc đại học...
Con người GS Nguyễn Xuân Hãn là thế: nghị lực phấn đấu rất cao, say sưa nghiên cứu những vấn đề “mũi nhọn” trong chuyên môn của mình và đã gặt hái được không ít thành tựu; thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của một người thầy tận tụy vớisự nghiệp “trồng người”. Ở tuổi ngoại 70 hôm nay anh còn sung sức, tràn đầy năng lượng sống. Xin được chúc mừng anh!