'Ngọn đèn hai trăm nến'

Mai Loan 14/06/2017 14:15

Trong dặm dài hơn nửa thế kỷ, ông đã có những đóng góp to lớn, xuất sắc cho cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những đóng góp đó, lịch sử mãi ghi nhận vai trò to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi cùng với Trung ương Đảng xây dựng đường lối cách mạng miền Nam, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới thắng lợi.

Tổng Bí thư Lê Duẩn, thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng, đại tá Hoàng Phương - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng Không - Không Quân tại Sở Chỉ huy chiến dịch đánh B-52 đặt tại chùa Trầm (Hà Tây).

1. Trong hồi ký mang tên “Nhớ về anh”, ông Ngô Thế Kiên nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Trị Thiên đã kể lại cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư Lê Duẩn- người mà ông vẫn luôn trìu mến gọi bằng Anh Ba với bà con làng Bích La quê hương ông năm 1983. Ông Kiên viết: “Anh Ba là người lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc bấy giờ, nhưng anh đến với dân làng như đứa con đi xa mới trở về, với tất cả tấm lòng kính trọng, chân tình và cởi mở. Anh lo nỗi lo của dân. Anh vui niềm vui của dân. Anh gợi mở công việc làm ăn. Anh khuyến khích nâng cao dân trí. Anh dặn dò giữ gìn đoàn kết, khuyên nhủ làm điều hay lẽ phải. Anh vạch rõ phương hướng rèn luyện con người mới trong chế độ mới”.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907, trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Với 79 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông gắn liền với quá trình cách mạng của dân tộc ta từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Tham gia phong trào yêu nước từ năm 1925, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1928 và đến năm 1930, Lê Duẩn trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Quá trình hoạt động cách mạng của ông diễn ra liên tục, trải dài trên phạm vi cả nước với nhiều trọng trách được Đảng và nhân dân tin cậy, giao phó qua nhiều thời kỳ. Ông từng là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ (năm 1931); Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ (năm 1937); Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (năm 1939); Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1946-1951, 1954-1957), Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951-1954), Ủy viên Bộ Chính trị (từ năm 1951); Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong suốt 26 năm (1960-1986).

Ra đi cứu nước vào cái thời thanh niên sôi nổi, từng bị Tây bắt 2 lần, phải ở tù 11, 12 năm trời nhưng ý chí và bản lĩnh người cách mạng là thứ mà chưa bao giờ Tây có thể dập tắt nơi ông. Bởi, theo như tâm sự của ông sau này: “Người cộng sản không chết, lớp này ngã, lớp khác đứng lên. Người cộng sản vẫn sống, vẫn chiến đấu đến ngày toàn thắng. Sở dĩ làm được như vậy là nhờ có nhân dân, có Đảng. Trong tù, tình Đảng, tình đồng chí mạnh hơn đòn roi, hình phạt của kẻ thù”.

2. Nói đến ông, người ta nhắc nhiều đến một con người hiếm có trong lịch sử Việt Nam hiện đại mà toàn bộ cuộc đời gắn liền với những sự kiện lớn của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Trong dặm dài hơn nửa thế kỷ ấy, ông đã có những đóng góp to lớn, xuất sắc cho cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những đóng góp đó, lịch sử mãi ghi nhận vai trò to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi cùng với Trung ương Đảng xây dựng đường lối cách mạng miền Nam, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới thắng lợi.

Còn nhớ, sau Hiệp định Geneve năm 1954, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm công khai phá hoại Hiệp định, tiến hành đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, bắt bớ hàng loạt các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước, điên cuồng tiến công các cơ sở cách mạng bằng các chiến dịch lớn. Sau này, các nhà nghiên cứu lịch sử giai đoạn ấy ghi lại được, chỉ trong 4 năm (1955-1958), 9/10 số cán bộ, đảng viên đã bị tổn thất. Riêng Nam Bộ chỉ còn 5.000 đảng viên so với 60.000 đảng viên trước đó. Ở đồng bằng Liên khu V, có khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên bị địch giết hại, 12 huyện không còn cơ sở Đảng...

Trước tình hình đó, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, là người lãnh đạo hàng đầu của Đảng bộ miền Nam trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông luôn theo dõi và bám sát thực tiễn tình hình cách mạng ở miền Nam kể từ sau khi Hiệp định Geneve được ký kết; mục đích là để tìm kiếm con đường cách mạng phù hợp cho miền Nam. Rồi, trước đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, bằng sự nhạy cảm về chính trị và với phương pháp tư duy khoa học, tháng 8 - 1956, ông đã hoàn thành bản dự thảo “Đề cương cách mạng miền Nam” với một tư duy chiến lược vượt trội: “Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống Mỹ - Diệm, để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không còn con đường nào khác”. Đề cương cách mạng miền Nam được đánh giá thực sự là một phác thảo quan trọng để giải quyết những vấn đề nóng bỏng của chiến trường miền Nam lúc đó.

Ngay từ thời điểm tháng 8/1956, trong “Đề cương cách mạng miền Nam”, ông đã chỉ rõ nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ cụ thể là đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Riêng với cách mạng miền Nam, nhiệm vụ đó là: “Trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng miền Nam khỏi ách đế quốc phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân”.

Sau này, trên cơ sở những tiền đề ban đầu của “Đề cương cách mạng miền Nam”, Nghị quyết 15 (năm 1959) khẳng định con đường cách mạng để tự giải phóng là tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân như đã từng diễn ra trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nếu trong điều kiện và hoàn cảnh so sánh lực lượng cụ thể mà khởi nghĩa giành chính quyền chưa giành được thắng lợi hoàn toàn thì cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Nghị quyết 15 khẳng định lực lượng cách mạng miền Nam là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc. Đó là lực lượng có tinh thần, quyết tâm chống Mỹ và tay sai giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc. Do vậy, yêu cầu cấp thiết là phải xây dựng ở miền Nam một Mặt trận dân tộc thống nhất riêng... Và, từ thực tiễn sinh động của cách mạng lúc bấy giờ, trong cao trào Đồng Khởi của đồng bào miền Nam, sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (20/12/1960) đã góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. “Đề cương cách mạng miền Nam”; hay Nghị quyết 15 đều ghi dấu ấn không nhỏ của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

3. Nhưng, để đánh Mỹ và thắng Mỹ, nếu chỉ có đường lối thôi thì chưa đủ mà còn cần có chiến lược tổng hợp. Vào thời điểm cam go ấy của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chính ông đã chỉ rõ: “Nắm vững chiến lược tiến công, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kết hợp nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, đánh địch bằng ba mũi tiến công: quân sự, chính trị và binh vận; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị, tiêu diệt địch để thực hiện quyền làm chủ, thực hiện quyền làm chủ để tiêu diệt địch, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn” (Lê Duẩn: Về cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tác phẩm chọn lọc”, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1976,t.2, t.652).

Điều đáng nói là chiến lược tiến công ấy được xây dựng trên quan điểm toàn cục, gắn với các vấn đề của thời đại và những biến động lớn của tình hình thế giới. Bởi vì, với Tổng Bí thư Lê Duẩn, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Trong đó xu thế biến động của cách mạng thế giới sẽ tạo nên một cục diện chung và nhiệm vụ chung; mà cuộc cách mạng ở mỗi nước cần lấy đó làm điểm xuất phát nhằm định ra cho được chiến lược và sách lược của riêng mình. Và, ngay cả khi lực lượng so sánh chưa thực sự có lợi cho ta thì, Đảng ta vẫn kiên trì giữ vững tư tưởng chiến lược chủ đạo là chiến lược tiến công, ngay cả khi Mỹ đưa cả 1,5 triệu quân viễn chinh vào miền Nam chúng ta vẫn giữ vững quan điểm chỉ đạo chiến tranh ấy. Nhờ sự kiên định ấy và cũng xuất phát từ đặc điểm, quy luật riêng của chiến tranh cách mạng miền Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn cho rằng, mục tiêu trong chiến tranh xâm lược của Mỹ khi ấy là: tiêu diệt lực lượng của ta, chiếm đất và giành dân. Giải quyết thành công không để địch có cơ hội thực hiện mục tiêu ấy chính là con đường đi đến thành công của chiến tranh cách mạng ở miền Nam.

Bên cạnh đó, quá trình tiến công địch phát triển theo từng bước tuần tự xen kẽ với các bước nhảy vọt và kết thúc bằng một cuộc tổng tấn công thần tốc đã đem lại thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng, cho công cuộc thống nhất đất nước năm 1975. Trong thắng lợi ấy, Tổng Bí thư Lê Duẩn là người có công lớn với nguyên tắc chỉ đạo rõ ràng, sự sáng suốt về lý luận chính trị; sự tài trí mưu lược trong quá trình vạch ra chiến lược chiến tranh; sự quyết đoán mau lẹ trong chủ trương sách lược- người cách mạng tài trí ấy đã được nhân dân Nam Bộ yêu quý tặng cho biệt hiệu “Ngọn đèn hai trăm nến”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Ngọn đèn hai trăm nến'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO