Ngọn lửa bất diệt

Ngọc Anh 10/06/2018 14:00

Ngày 11/6/1963, một chiếc ô tô đã chở Hòa thượng Thích Quảng Đức từ chùa Ân Quang đến ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư phố Nguyễn Đình Chiểu và đường Cách mạng tháng Tám). Tại đây, vị Hòa thượng đã tự thiêu để phản đối chính quyền Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm. Nhưng trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức thì không lửa nào thiêu được.

Ngọn lửa bất diệt

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963. Ảnh: MALCOLM W.BROWNE.

Ở chùa Thiên Mụ (Thành phố Huế) bây giờ vẫn còn trưng bày chiếc ô tô huyền thoại ấy.

Đã 55 năm trôi qua, chiếc xe đã bị boong tróc loang lổ. Không có một lời chú thích nào ngoài 2 chữ: Di vật.

Nhưng những người đến đây đều hiểu, vì xung quanh chiếc xe di vật là những bức ảnh đã từng nổi tiếng, gây chấn động toàn thế giới: Một bức chụp cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức mặc áo cà sa màu vàng đang ngồi kiết già với ngọn lửa dần trùm phủ toàn thân; hai bức còn lại là ảnh trái tim bất diệt và cảnh Hòa thượng đang ngồi viết lời nguyện cầu cho những người còn lại ở cõi thế.

Theo các tài liệu còn lại, đây là chiếc xe của một phật tử, và sau sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, vài năm sau, chủ xe đã cúng dường lại chiếc xe cho chùa Thiên Mụ, và nó được chuyển từ Sài Gòn ra Huế, để giữ lại như một chứng cứ sinh động của một sự kiện lịch sử…

Hòa thượng Thích Quảng Đức sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, xuất gia tu tập từ năm lên bảy tuổi.

Năm 1932, Hòa thượng được Hội tăng già mời chứng minh Đạo sư Chi hội Phật học Ninh Hòa, sau đó được cung thỉnh giữ nhiệm vụ Kiểm tăng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa.

Năm 1953, Hòa thượng được thỉnh cử giữ chức Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội tăng già Nam Việt; trụ trì Chùa Phước Hòa.

Ngày 11/6/1963 (tức ngày 20/4 Âm lịch năm Quý Mão), trong cuộc diễu hành đấu tranh của hàng nghìn tăng ni, phật tử, hòa thượng đã tẩm xăng vào người, châm lửa tự thiêu đòi tự do tín ngưỡng; phản đối chế độ độc tài, chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Năm 1964, Hội đồng lưỡng viện Tăng thống và Hóa đạo suy tôn Hòa thượng Pháp vị Bồ tát. Sau khi đất nước thống nhất, đường phố nơi ngôi chùa Quan Thế Âm do Hòa thượng trụ trì được UBND thành phố Hồ Chí Minh đổi tên thành đường Thích Quảng Đức.

Đó là những dòng ngắn gọn về cuộc đời Hoà thượng Thích Quảng Đức. Nhưng để có thể hiểu đầy đủ thì lại rất dài.

Nhiều tài liệu còn ghi lại giây phút làm cả thế giới chấn động ấy: Bồ tát Thích Quảng Đức khoan thai bước xuống xe, chắp tay xá bốn phương, rồi tĩnh tại ngồi kiết già trên đường, mặt quay về hướng tây, miệng lâm râm niệm Phật.

Khi bàn tay Bồ tát Thích Quảng Đức vừa thả que diêm xuống, ngọn lửa bùng lên rừng rực như bó đuốc khổng lồ bao quanh người. Nhưng người vẫn tĩnh tại ngồi kiết già, tay chắp trước ngực, gương mặt không lộ chút đau đớn.

Tăng ni, phật tử bao quanh ngọn lửa đang bùng lên dữ dội. Nhiều người, kể cả một số cảnh sát của chế độ Việt Nam cộng hoà thời ấy đã quỳ xuống khóc và lạy bồ tát đang vị pháp thiêu thân…

“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, hòa thượng trụ trì chùa Quán Thế Âm Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy nước nhà đương lúc ngả nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo” – đây là những dòng trong bức tâm thư Bồ tát Thích Quảng Đức để lại.

Hành động vị pháp thiêu thân của Hoà thượng diễn ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam cộng hoà Ngô Đình Diệm đang thực thi những chính sách kỳ thị và đàn áp tôn giáo cực kỳ tàn bạo.

Tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân vừa diễn ra vào đúng ngày 20/4 Âm lịch vừa qua, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhắc lại: Cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo miền Nam vào năm 1963 đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo lên cao, tuy tuổi đã cao, ngài vẫn tích cực tham gia.

Chính sách kỳ thị Phật giáo và đàn áp Tăng Ni, Phật tử của Ngô Đình Diệm ngày một nặng nề và khốc liệt. Máu Phật tử đã đổ ở Đài Phát thanh Huế. Chùa chiền bị phong tỏa, Phật tử bị bắt bớ khắp nơi.

Hình ảnh vị Hoà thượng tự thiêu trên đường phố Sài Gòn đã được Malcolm Browne, khi đó là phóng viên 32 tuổi của hãng AP, và ông cũng là phóng viên phương Tây duy nhất ghi lại được.

Bức ảnh sáng hôm sau làm chấn động cả thế giới. Browne đã mất năm 2012 ở tuổi 81, nhưng nhiều năm sau sự kiện mùa hè 1963, ông từng kể lại câu chuyện ông đã chớp lấy khoảnh khắc đó như thế nào: "Sáng ngày 11/6/1963, hòa thượng Thích Quảng Đức, có hai hòa thượng đi theo, ra khỏi chiếc xe ở ngã tư đông đúc giao hai phố chính ở Sài Gòn.

Một trong hai hòa thượng trẻ tuổi đặt chiếc gối nhỏ trên đường và vị hòa thượng 66 tuổi ngồi xuống trong tư thế thiền.

Một vòng tròn các hòa thượng và ni cô đứng xung quanh và tụng kinh.

Hai hòa thượng trẻ tưới xăng lên người Thích Quảng Đức. Ngài châm diêm, ngồi lặng phắc khi lửa bùng lên quanh cơ thể.

Tôi ở đó, phóng viên phương Tây duy nhất chứng kiến và chụp ảnh. Tôi nghĩ là mình đã chụp 6-8 cuộn phim loại 35 mm".

Browne kể tiếp: "Cảnh tượng quá kinh hoàng, ngọn lửa bén lên mặt ông và toàn bộ cơ thể. Ông không gào khóc hay la hét, nhưng bạn có thể thấy vẻ mặt của ông biểu lộ sự đau đớn cực độ, và ông chết ở ngay tại nơi mình ngồi".

Bức ảnh chấn động ấy đã được trao giải Pulitzer năm 1964.

Điều đặc biệt là thi hài Hoà thượng Thích Quảng Đức được các nhà sư mang đi thiêu lần nữa trước khi mang ngài về chùa Xá Lợi làm tang lễ, nhưng theo nhiều nhân chứng kể lại, sau khi nhục thân ngài biến thành tro thì quả tim vẫn còn, trở thành một khối rắn như đá với hình dáng nguyên vẹn một cách lạ thường.

Cũng theo các nguồn tin thì trái tim ngài lúc đầu được gìn giữ ở chùa Xá Lợi, rồi Việt Nam quốc tự, sau đó được gửi vào Ngân hàng Pháp tại Sài Gòn và nay được biết vẫn được bảo mật tại chi nhánh phía Nam của Ngân hàng Nhà nước. Được biết sắp tới xá lợi trái tim Hoà thượng Thích Quảng Đức sẽ được rước về bảo tháp Việt Nam quốc tự để tôn thờ.

Hoà thượng Thích Thiện Nhơn đã phát biểu trong lễ tưởng niệm 55 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân: Sự hy sinh cao cả của Hoà thượng Thích Quảng Đức cho đạo pháp và ngọn lửa thiêng hùng tráng đã để lại “trái tim bất diệt” còn nguyên vẹn dù nung trong 4.000 độ C nhiều giờ liền, và "Lời nguyện tâm quyết” đầy tinh thần từ bi và khoan dung, cầu cho đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Bồ Tát đã dùng nhục thân làm ngọn đuốc phá tan màn vô minh, hắc ám của chính quyền Ngô Đình Diệm, làm chấn động năm châu.

Còn Hoà thượng Thích Trí Quảng - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM trong lời tưởng niệm đã ngợi ca vị Bồ tát: Với tinh thần bất bạo động, vô úy, tình thương và trí tuệ sáng ngời dũng cảm, bằng đức đại hùng, đại lực, đại từ bi của Bồ-tát, ngài đã lấy tình thương xóa bỏ hận thù, lấy tình thương phủ lên sắt thép, lấy tình thương hóa giải bất công, tàn bạo, góp phần thành công cho cuộc đấu tranh đòi bình đẳng, tự do tín ngưỡng.

Chính ngọn lửa thiêng hùng tráng, mầu nhiệm, quả tim bất diệt và sự hy sinh to lớn của Bồ-tát Thích Quảng Đức là nhân tố tích cực, hun đúc tinh thần đoàn kết, quyết tâm của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã tạo thành GHPGVNTN năm 1964; thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước, hình thành GHPGVN năm 1981.

Đã 55 năm trôi qua, tháp chùa Thiên Mụ vẫn in bóng bên dòng sông Hương, chiếc xe ô tô từng chở Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường phố Sài Gòn vẫn còn đó.

Ngài được tôn vinh là Bồ tát, ngài để lại một trái tim hình bông sen bất tử. Ngọn lửa của tinh thần đấu tranh cho Đạo pháp và Dân tộc của Hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn còn cháy mãi như là một biểu tượng sinh động và sâu sắc của tình yêu đất nước, của tinh thần nhập thế trong bản sắc Phật giáo Việt Nam.

Mà GS Trần Văn Giàu đã từng viết: “Nhà sư là một người yêu nước, Quảng Đức yêu nước theo phong cách một nhà sư”.

Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, hòa thượng trụ trì chùa Quán Thế Âm Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy nước nhà đương lúc ngả nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo”

Bồ tát Thích Quảng Đức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngọn lửa bất diệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO