Người Anh hùng Điện Biên ba lần được gặp Bác Hồ

Phùng Văn Khai 14/05/2019 09:01

Một mái đầu trắng tinh sương lấp láy cặp mắt tinh anh tỏa lên vầng trán cương nghị khe khẽ nhướn đôi lông mày trắng rậm cong vút như tiên ông. Bộ quân phục trắng điểm rực rỡ huân, huy chương lấp lánh. Tiếng cười phát ra sang sảng.

Người Anh hùng Điện Biên ba lần được gặp Bác Hồ

Tác giả và anh hùng Phùng Văn Khầu tại lễ trao thưởng cho các cháu đỗ đại học tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Mưa bụi bay mờ mịt trong khuôn viên Văn Miếu. Đất trời dường như thanh sạch hơn trong buổi sương sớm khu vườn Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Những tán cây cổ thụ thâm thẫm sáng dần, văng vẳng tiếng gà đâu đó của cư dân buổi sớm mai quanh bờ tường gạch vồ phủ rêu xám đậm hằn dấu tích thời gian. Một mái đầu trắng tinh sương lấp láy cặp mắt tinh anh tỏa lên vầng trán cương nghị khe khẽ nhướn đôi lông mày trắng rậm cong vút như tiên ông. Bộ quân phục trắng điểm rực rỡ huân, huy chương lấp lánh. Tiếng cười phát ra sang sảng.

Tôi bước nhanh về phía tiếng cười, chìa hai bàn tay nắm chặt bàn tay ấm nóng của người anh hùng Điện Biên năm xưa. Những giọt nước đọng từ mưa xuân ban đêm rơi tách tách lên mái đầu phơ trắng. Ông là anh hùng Phùng Văn Khầu.

Đã nhiều năm nay, cứ mồng 6 tháng giêng, sáu rưỡi sáng, khi trời đất còn nhọ nhẹ mặt người, Anh hùng Phùng Văn Khầu đã có mặt trong sân Văn Miếu. Năm tháng, thời gian, tuổi tác, kể cả thời tiết càng gần đây càng không mấy dễ chịu nữa dường như không ngăn được bước chân ông. Có năm rét lắm, chỉ năm, sáu độ dương, khi chúng tôi còn lười nhác đùn đẩy ở trong chăn, người lính già đầu bạc đã hành quân từ Sơn Tây xuống. Tôi thán phục sự chính xác của ông. Đã hẹn là có mặt, luôn luôn đến sớm hơn vài phút. Dù mưa tuyết hay bão lốc, người lính ấy đều đến đúng giờ, tươi cười trong bộ quân phục chỉnh tề huân huy chương lấp lánh. Cuộc đời ông luôn là một tấm gương.

Tôi và ông bước một vòng quanh hàng bia tiến sĩ ở Văn Miếu. Ông rất thích thú điều này. Người dân tộc Nùng, quê ông ở Trùng Khánh, Cao Bằng trước cách mạng mù chữ nhiều lắm. Không có ăn, không có manh áo ấm nói gì đến học hành, đến cái chữ, càng xa lắm để có được tự do, hạnh phúc ở đời.

Phùng Văn Khầu tham gia cách mạng rất đơn giản. Ông vào Việt Minh để được ăn no, được đánh giặc. Không được để thằng Tây hà hiếp dân mình, cướp thóc gạo, ngô sắn, bắt giết con gái, con trai Nùng, Tày, Mông, Thái, Mường… Phải vào đội ngũ Việt Minh để đánh đuổi chúng, nếu không chúng sẽ giết mình hết. Mười tuổi theo Việt Minh, mười chín tuổi trở thành bộ đội của đơn vị chủ lực. Đó là số phận diệu kỳ của chàng trai dân tộc Nùng Phùng Văn Khầu.

Tôi thấy ông cứ vân vi, đăm đắm nhìn các dòng chữ bên hàng bia tiến sĩ. Ừ, mấy ai biết được ông khi vào bộ đội vẫn chưa biết chữ bởi ông chưa kịp học và cũng chưa có người dạy chữ cho, ngày ấy, đánh giặc cần kíp hơn, sát sườn hơn. Nhưng ước mơ có được cái chữ sao mà cháy bỏng, luôn luôn thôi thúc người chiến sĩ.

Nhiều lần, Anh hùng Điện Biên chợt như lặng phắc, khuôn mặt tươi tắn của ông khẽ sững lại giây lâu. Tôi tiến sát ông, cảm thấy rất rõ một luồng ấm nóng truyền từ đôi bàn tay, ánh mắt, vẻ mặt của người đi trước, của cả đồng đội ông nữa, những người lính nằm lại trên đất Điện Biên, nằm lại trong những cánh rừng, sông biển mọi miền Tổ quốc để chúng tôi có được cuộc sống thanh bình hôm nay.

Tôi như lý giải được một phần tại sao những ngày đầu xuân, trong 1 lễ trao thưởng cho các cháu đỗ đại học tại nhà Bái Đường và nhà Thái Học ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, ông đều đến rất sớm, đều lặng lẽ một mình hoặc cùng tôi đến bên hàng bia tiến sĩ. Những điều ấy, tuy ông không nói ra nhưng tôi hiểu là rất lớn lao, biểu đạt một tâm tư, một khát vọng cũng là lẽ sống ở đời. Sống ở đời phải biết lễ nghĩa, phải biết hiếu học, đặc biệt là phải biết trân trọng chữ nghĩa, kiến thức của bậc thánh hiền.

Mưa bụi vẫn bay mờ mịt. Lác đác có những cô cậu sinh viên đến sớm, họ đã phát hiện ra ông, họ ùa lại như bầy chim non mừng nắng mới. Khuôn mặt ông chợt bừng sáng, mái tóc bạc rung rung. Thì đấy, những hi sinh máu xương ngày nào đã nảy ra chồi non lộc biếc. Ánh mắt ông lấp lóa, như là có những giọt nước rịn ra, nhỏ thôi nhưng tôi đã thấy ông chấm chấm mắt. Mưa xuân đậu lên tóc, lên cặp lông mày trắng. Mấy ông cháu dắt nhau đi vào sân nhà Bái Đường. Phía bên kia là nhà Thái Học nằm trầm mặc, chất chứa nhiều điều. Từng hàng gạch Bát Tràng cổ tăm tắp đón bàn chân mấy thế hệ người lính, sinh viên các dân tộc Kinh, Nùng, Tày, Dao, Mông của các vùng quê Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Sơn La, Lào Cai… trong buổi sáng mưa bụi trắng xóa.Ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Phùng Văn Khầu được cử lên Chiến khu Việt Bắc gặp Bác Hồ để báo công. Ông vẫn còn nhớ như in những xúc cảm của mình: “Bao nhiêu năm chiến đấu, ước mơ được gặp Bác Hồ đã trở thành hiện thực. Những anh em đi với tôi ai cũng vui mừng. Bác gắn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên cho tôi, ôm hôn tôi, dặn tôi chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, chiến sĩ Điện Biên phải luôn luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành; phải luôn trung thực, thật thà, thẳng thắn học hỏi để tiến bộ...”.

Ngày 31/8/1955, Phùng Văn Khầu lại được gặp Bác Hồ lần thứ hai. Đó là dịp ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng. Người Anh hùng xúc động nói: “Cũng như lần trước, Bác Hồ lại trực tiếp gắn Huân chương Quân công hạng Ba và trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tôi. Rồi Bác cũng dặn dò không được tự kiêu, tự mãn, luôn khiêm tốn, thật thà, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm...”.

Tháng 7/1965, khi lên thăm Khu Tự trị Việt Bắc, Bác Hồ đã đến thăm gia đình Phùng Văn Khầu, khi ấy ông đang chiến đấu ở chiến trường Huế -Trị Thiên. Bác Hồ chia bánh kẹo cho hai con gái ông, gửi lời thăm Phùng Văn Khầu và dặn vợ ông - cô Cay phải “nuôi con khỏe, dạy con ngoan, để chồng yên tâm chiến đấu ở chiến trường”.

Người chiến sĩ Điện Biên thủ thỉ nhưng rành rẽ từng tiếng một: “Bác Hồ dành cho tôi và gia đình rất nhiều tình cảm. Đó là thứ quý giá, vô cùng thiêng liêng mà không phải ai cũng có. Suốt đời chiến đấu, công tác, lúc nào tôi cũng luôn nhớ lời Bác dặn dò”.

Năm nay, người Anh hùng Điện Biên đã bước sang tuổi tám mươi tám. Ngót một thế kỷ cầm súng, cầm cuốc cày, đánh giặc, học chữ, học làm người, ở nơi đâu và lúc nào, ông vẫn luôn luôn giữ được sự khiêm nhường, giản phác, an nhiên của người từng vào sinh ra tử. Ông giờ đã như vầng mây trắng thanh thản trên bầu trời Điện Biên xuân thu nhị kỳ trò chuyện cùng đồng đội, những người còn sống, cả những liệt sĩ có danh và khuyết danh đã yên nghỉ vĩnh hằng dưới cỏ xanh. Điều gì đã tôi rèn nên thế hệ các ông, những người từng lầm than nô lệ, thiếu đói, thất học vùng lên làm chủ cuộc đời mình, Tổ quốc non sông mình? Điều đó chỉ có thể lý giải là khí phách Việt Nam, truyền thống quật cường tổ tiên bao đời hun đúc đã truyền lại.

Năm nào, người anh hùng cũng lên Điện Biên, ông chứng kiến những đổi thay của vùng đất lịch sử. Chiến thắng Điện Biên Phủ, một đỉnh cao chói lọi, một chiến công hào hùng của thời đại Hồ Chí Minh trong những chiến công oanh liệt như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... Điện Biên Phủ hôm nay ấm no, hạnh phúc, an lành. Đó cũng là mong ước của Bác Hồ, của những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc.

Sân Văn Miếu trầm mặc. Bên hàng bia tiến sĩ, trời càng ngày càng hửng nắng. Đất trời cũng như đang mở ra ngắm nhìn người Anh hùng. Mấy vị khách du lịch người nước ngoài cũng bước tới bên các sinh viên đang ríu rít nơi các hàng bia. Các thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, Pháp, Trung, Hàn… khẽ vang lên. Họ nhìn vào mắt nhau, ấm áp, tự tin, cởi mở. Tri thức luôn luôn đưa mọi người xích lại gần nhau, không phân biệt màu da, biên giới.

Những câu hỏi bằng nhiều thứ tiếng vang lên. Các sinh viên trong đó có không ít cô cậu khá thông thạo ngoại ngữ trò chuyện cùng các vị khách ngoại quốc.

Đến với Văn Miếu Quốc Tử Giám, từ bia đá bảng đồng đến cỏ cây, gạch ngói đang như vọng ra những thì thầm rất nhỏ từ từng mạch đất. Những tiến sĩ được vinh danh ở nơi đây, với những người lính - trong đó có người anh hùng Điện Biên - vẫn là những cái gì rất thiêng liêng.

Ông thong thả bước vào nhà Bái Đường. Rất nhiều người đến chào người chiến sĩ Điện Biên quân phục chỉnh tề huân huy chương lấp lánh. Có nhiều giáo sư, tiến sĩ lừng danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội bắt tay ông. Nhưng đông nhất, vây lấy ông nhiều nhất vẫn là các cháu sinh viên. Ông đang hòa vào những nụ cười, giọng nói trẻ trung trong nắng sớm mùa xuân ở nhà Thái Học…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Anh hùng Điện Biên ba lần được gặp Bác Hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO