Người đàn bà đi trên cát

Mỹ Trân 01/02/2020 09:55

Vào những ngày cuối cùng của năm, nhà văn Trần Thị Trường mở cuộc triển lãm tranh tại tầng 2, Nhà triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Thật bất ngờ, sau 30 năm không cầm cọ, khi cảm hứng hội hoạ đến thì ào ạt, bùng nổ dạt dào. Chị vẽ suốt ngày đêm, mê mải, say đắm với khung vải, toan màu. Những tĩnh vật qua bàn tay nữ nhà văn lại trở nên biến ảo kì lạ, đẹp đến không ngờ.

Ngoài 70 tuổi, trên gương mặt vẫn vương vấn nét yêu kiều diễm lệ của một thời khuynh đảo, nghiêng ngả đấng mày râu. Chị đến với văn chương khá muộn, bắt đầu bằng một cuốn tiểu thuyết khi tuổi đã 40. Và, cuộc đời chị cũng là một cuốn tiểu thuyết với những chương, hồi trường đoạn ít ai ngờ.

Người đàn bà đi trên cát

Ảnh: Kỳ Lan

Nứt mắt ra, tí tuổi đầu đã “hư” sớm, 20 tuổi lấy chồng làm dâu nhà người ta, sinh hai con, có nếp có tẻ. Tưởng người con gái đất Tuyên ấy chịu yên bề gia thất, trồng rau, cầy cuốc như những cô thiếu nữ chốn thôn quê, thì đằng này lại tung tẩy học đòi vẽ tranh. Sinh sang thằng bé thứ hai, chả hiểu sao hội hoạ cứ âm thầm thúc giục, gọi mời đến độ nhất quyết phải thi vào Đại học Mỹ thuật. Trời ạ! Mà cũng lạ, ăn phải bùa bả gì, cả hai vợ chồng cùng nhau điên cuồng thích vẽ. Vợ chồng cùng rủ nhau đi thi. Chồng vẽ đẹp hơn thì rớt, vợ vẽ xấu hơn lại đỗ. Oái oăm, chồng phải ở nhà chăm hai con cho vợ đi học. Mới hơn hai mươi tuổi, da dẻ mướt mát, mắt môi lúng liếng, thầy chết, trò chết như ngả rạ. Chồng ở nhà ôm hai đứa nhỏ, hết ra lại vào, nhà có bông hoa đẹp, chỉ sợ thằng cha nào hái trộm thì mất như chơi. Nhiều người ở lứa tuổi của chị hoặc trên chị vẫn kháo nhau rằng, thời đó Trường trẻ tuổi lại kinh qua hai lần sinh nở, đẹp ở độ vừa chín tới làm nhiều anh trồng cây si ở quán nước trước cổng trường. Hôm nào chồng đến đón cũng thấy mấy ông đàn ông xoắn suýt tít mù bu xung quanh vợ mình. Chồng chị ghen lắm, đèo vợ về cả đoạn đường chẳng nói năng gì đến khi về đến nhà mới đá thúng, đụng nia, lắm khi bát đĩa, xô chậu kêu loảng xoảng. Người chị lắm khi cũng bị những vết bầm dập. Cứ như thế ghen tuông rồi lại làm lành không biết bao nhiêu bận. Bệnh ghen ăn vào máu, bệnh chiếm hữu ăn vào tim.

Đêm xuống hai vợ chồng chui vào mùng, ngày bao cấp, mùa hè thì thiếu quạt, hai vợ chồng giữa đêm dậy dội nước lạnh cho mát, tắm xong chị quấn khăn hờ hững trên tấm thân đàn bà tròn lẳn. Mùa đông lạnh cắt da tím thịt, nhà lại thiếu chăn, hai vợ chồng cứ co ro cúm rúm, nằm sát sàn sạt để hơi ấm phả vào nhau cho đến khi nhiệt độ cơ thể nhích dần lên, vì thế mà họ duy trì được tình yêu, không thể buông bỏ.

Cuộc sống thời bao cấp khốn khó, gia đình chị phải chạy ăn từng bữa. Không có tiền, chẳng thể mơ mộng trăng sao, cái đói, cái nghèo đeo bám tâm hồn vốn đa cảm, việc học phải gác lại, chị xin đi làm nhân viên trong Sở xây dựng Hà Nội. Có thời kì người ta đua nhau đi xuất khẩu lao động, chị cũng muốn sang Tây vài năm để khi về có tí vốn. Rồi chị đi Bungari, hành lí mang sang 2 chiếc vali với 50 kg, trong đó, có cả tấn son gió của Thái, áo cành mai...những thứ có thể bán được kiếm chút lời. Ở xứ người, chị năng động, có bao nhiêu vốn liếng dốc ra mua liền ba máy may, một máy dùng để vắt sổ, một máy để may hàng nhẹ, một máy để may hàng nặng. Ngày làm 8 tiếng thợ hàn, tối đến lại kì cạch cắt may để kiếm thêm thu nhập, tích được đồng nào chị gom góp gửi về cho chồng nuôi con. Tiêu chuẩn công dân đi xuất khẩu lao động mỗi tháng được ra bưu điện gửi về nước 1 kg hàng. Tháng nào cũng vậy, chị tranh thủ mua 1 cân vải kẻ Bungari, đóng gói cẩn thận gửi về nước cho chồng, bán ăn tiền chênh.

Ở nước bạn, tuy ăn bánh mì và uống sữa, không khí tưng bừng nhưng nhiều khi cứ chạnh lòng nhớ nhà thương con. Chị nhớ những bữa cơm chỉ có rau muống luộc, với quả cà pháo, đĩa lạc rang, chị nhớ hôm trời nồm, không khí ẩm thấp của những ngày xuân mưa phùn gió bấc, mùi của quê hương cứ dậy lên, như con sóng cuộn trào trong lòng người đàn bà đa cảm.

Mặc dù, nhan sắc thế kia thiếu gì đàn ông vây xung quanh săn đón, có cả giai tây, giai ta sẵn sàng quỳ gục nhưng rồi sự thức tỉnh của người đàn bà mách bảo mọi sự cũng phải có điểm dừng, ở quê nhà còn có hai đứa con đang ngày đêm ngóng đợi mẹ. Ngày thường đã nhớ nhà, nhưng cứ đến dịp Tết nguyên đán thì càng nhớ da diết hơn. Có lẽ, chẳng ai không bị mê hoặc bởi Tết cổ truyền của người Việt, “cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” không khí người đi chợ quê sắm Tết, xếp hàng mua từng cân thịt lợn, lít nước mắm, tí dầu, tí muối, tí mì chính... Và, vào những ngày giáp Tết, nhà nào nhà nấy ra vòi nước công cộng rửa lá dong để gói bánh chưng. Đêm 29 Tết, ở những khu tập thể, trẻ em người lớn quây quần bên nồi bánh chưng dưới ánh lửa bập bùng. Chiều 30 nhà nào nhà nấy cúng bữa cơm chiều rồi bầy mâm ngũ quả, sang giờ khắc giao thừa đến ngày mồng 1 tiếng pháo Bình Đà nổ vang rền, xác nhuộm hồng khắp xóm. Ở nước bạn xa xôi, chị cũng phải làm một cái gì đó cho có không khí. Bên này gà đông lạnh thì nhiều, gà trống thiến thì hiếm, hiếm mà có thì mới hay. Một lần sau khi mua được một con gà trống chị bỏ vào trong làn mây, cố gắng đậy thật kĩ, chèn mấy quá táo lên trên trước khi mang lên xe buýt. Chị ngồi trên xe, con gà cứ lục đục suốt cả chặng đường đi, khiến đôi trẻ bên cạnh không khỏi tò mò, họ hỏi chị: “Trong làn là cái gì thế?”, chị đáp: “Có một con gà trống”. Họ ngạc nhiên quá đỗi bảo: “Phải mở ra thì gà mới thở được, không nó sẽ chết mất”. Chị bỏ khăn ra, để mấy quả táo sang một bên, con gà nhìn thấy ánh sáng tưởng lúc nãy là đêm bây giờ là sáng liền cất tiếng gáy dõng dạc ò ó o rõ to. Cả nhóm người tây trên xe buýt bật cười. Bungari 7 giờ tối là 12 giờ đêm, thời khắc nhích sang năm mới, trong khu nhà trọ, chỉ cần một người khóc là những người khác lại khóc theo, tiếng thút thít, sụt sùi, đôi mắt ầng ậc nước. Họ nhớ chồng, nhớ con, nhớ đến nao lòng hương vị ngày Tết quê nhà.

Xong thời gian đi xuất khẩu chị quay trở về khi đã vào tuổi gần 40, ở tuổi này người đàn bà đủ độ chín đằm và chị chuyển hướng sang một lãnh địa khác mà bản thân cũng không ngờ. Thật ra, ngay từ nhỏ chị đã yêu văn chương, nhưng việc đó phải gác lại cho đến khi chị đến với văn chương như một lẽ tự nhiên của cơ duyên. Và không phải là thơ hay truyện ngắn mà chị ra mắt lần đầu bằng một cuốn tiểu thuyết. Rồi từ đó, người ta quen thuộc với danh xưng nữ nhà văn Trần Thị Trường. Chị vốn là một người năng động, xông xáo, nên không bao giờ làm hết việc, ông nhạc sĩ Phó Đức Phương đích thân đánh tiếng mời về làm cố vấn cho Trung tâm Bản quyền Âm nhạc Việt Nam. Chị ngoại ngữ nói như gió, lại nhanh nhậy, thức thời, tinh thông việc đối nội, đối ngoại và niềm vui của chị cũng chính là công việc.

Thường đi vào cuối chặng đường người ta thường hoài niệm quá khứ. Sau hơn một năm nghỉ ở Trung tâm Bản quyền Âm nhạc Việt Nam, chị quay trở lại với hội hoạ. Thật chẳng thể ngờ, 30 năm không hề cầm đến cây cọ, tưởng đã quên rồi, vậy mà, sự trở lại này nhiều người nhận xét tranh của Trường còn ấn tượng hơn cả văn của Trường, khá hấp dẫn và đặc biệt rất văn minh. Bảng màu bắt mắt, bố cục hợp lý, nét vẽ uyển chuyển thể hiện sự tinh tế của người cầm cọ. Người ta thường thấy trong tranh chị hay có ngọn đèn dầu. Ngọn đèn của ánh lửa trong tâm thức, ngọn đèn của sự thức tỉnh, ngọn đèn của hoài niệm quá khứ xa xăm. Chị hay vẽ hoa hồng, loài hoa nồng nàn, kiêu sa, lộng lẫy. Loài hoa của tình yêu lúc cháy bỏng, đam mê, dữ dội, khi trong trắng, thuần khiết tất cả điều đấy cũng là do bàn tay ma thuật biết biến hoá màu sắc, và cả sự tưởng tượng hoang dại.

Giờ, một mình người đàn bà hoang hoải trong căn phòng rộng với bốn bề là tranh, làm gì tuỳ thích, nghĩ gì tuỳ ý. Người chồng nhiều năm nay đã đi về nơi xa lắm, ở một cõi nào đó khác với chúng ta. Hai con của chị, con gái lớn định cư và lấy chồng ở Mỹ, còn con trai sống và làm việc tại Pháp. Chị bảo, đêm 30 Tết cả nhà đón Tết kết nối qua mạng internet để cả mấy mẹ con bà cháu nhìn thấy nhau. Không còn nồi bánh chưng xanh, không còn đủ 6 món ăn của mâm cỗ bàn ngày Tết, một mâm cỗ tinh thần sẽ phù hợp hơn... Tôi nhìn người đàn bà, trước mắt là cả rừng hoa hồng bằng tranh nhẩy nhót trên tường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đàn bà đi trên cát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO