Người phụ nữ nhiều 'vai'

Hạnh Nguyên 18/09/2019 09:15

Chị Từ Thị Hòa - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - 11 năm làm công tác Mặt trận, đã nếm đủ đắng, cay, ngọt, bùi nhưng chị chưa bao giờ sờn chí. Cuộc sống, công việc, môi trường khắc nghiệt càng làm chị rắn rỏi hơn, hoàn thành tốt tất cả những vai trò đang gánh – “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Người phụ nữ nhiều 'vai'

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê Từ Thị Hòa tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Giỏi việc nước

Sinh ra và lớn lên trên quê Bác (Nam Đàn, Nghệ An) nhưng sự nghiệp của chị Từ Thị Hòa (sinh năm 1971) lại bén duyên ở vùng đất “chảo lửa, túi mưa” Hương Khê, Hà Tĩnh. Ở cái nơi “mưa úng đất, nắng nẻ trời” này, chị thành người đàn bà cứng cỏi khác thường. Có lẽ định mệnh khiến chị phải thế…

Chị Hòa học ngành sư phạm, ra trường về làm giáo viên tiểu học ở miền sơn cước Hương Khê. 14 năm, trong đó có 8 năm làm giáo viên, 6 năm giữ chức hiệu trưởng, đã tôi luyện chị trở thành người phụ nữ mẫu mực, chỉn chu nhưng rất đỗi gần gũi, chân thành. Nhận thấy người phụ nữ này có tố chất quản lý, năm 2005, Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Khê điều động chị về công tác ở Ban Dân vận, sau đó là Ban Tổ chức Huyện ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hương Khê khóa 28, nhiệm kỳ 2010-2015, Từ Thị Hòa được bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy. Giữ chức quyền Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy 1 năm, tháng 10-2011, chị được cử làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê khi vừa tròn 40 tuổi. “Làm Mặt trận không bó hẹp trong một khuôn khổ nào và cũng không có bất cứ trường lớp nào chỉ dạy. Không gian mở, đầu việc nhiều, tất cả hoàn toàn dựa vào năng lực bản thân và kinh nghiệm thực tiễn, điều này thực sự là thử thách đối với tôi khi mới bước vào nghề Mặt trận” – chị Hòa chia sẻ.

Dẫu vậy, với bản tính thích tìm tòi sáng tạo đã thôi thúc chị không ngừng học hỏi, nghiên cứu, trang bị kiến thức, kỹ năng “nghề” cho mình. Vốn có tố chất sư phạm nên công tác tuyên truyền, vận động trở thành “điểm cộng” của nữ Chủ tịch Mặt trận Từ Thị Hòa. Từ thế mạnh đó, chị từng bước “mở khóa” tất cả các điểm “nghẽn” ở cơ quan khối dân của huyện Hương Khê. “Tôi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê trong giai đoạn khá rối rắm. Vai trò, vị thế của MTTQ chưa được nhìn nhận đúng. Nhận diện được những tồn tại này tôi đã trăn trở rất nhiều, cuối cùng cũng từng bước tìm ra cách để tháo gỡ” – chị Hòa bày tỏ.

Để tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện Hương Khê như ngày hôm nay, chị Từ Thị Hòa vừa phải quyết liệt, vừa mềm mỏng trong cách làm, cách sắp xếp, phân công, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ. Để minh chứng, chị Hòa cho hay: Xã Hương Vĩnh giai đoạn nước rút về đích nông thôn mới 2018 có rất nhiều việc phải làm. Trong lúc xã đang rối bời, đích thân Chủ tịch MTTQ huyện đã “cầm tay chỉ việc”, yêu cầu Mặt trận và 5 tổ chức đoàn thể cấp xã nhận “đỡ đầu” các thôn. Chị Hòa còn phân chia cụ thể: Hội Nông dân làm hàng rào xanh; Hội Phụ nữ tập trung chỉnh trang vườn hộ, dọn dẹp nhà cửa; Cựu chiến binh trồng, bảo vệ cây xanh; Đoàn thanh niên đắp lề đường… Kết quả, Hương Vĩnh về đích nông thôn mới một cách ngoạn mục. Từ “sáng kiến” ở Hương Vĩnh, MTTQ huyện Hương Khê đã nhân rộng mô hình này sang các xã khác và đều phát huy được hiệu quả tích cực.

Sự liên kết của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể Hương Khê còn thể hiện rõ sau trận lũ vừa xảy ra từ ngày 2 đến 5/9. Lũ rút, Chủ tịch MTTQ huyện Hương Khê chủ trì họp các tổ chức đoàn thể triển khai huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ nhân dân dọn rửa, khử trùng, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, hàng nghìn thanh niên, hội viên các Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, bộ đội, công an… tỏa về các thôn, xóm, đến từng hộ dân dọn lũ.

Trong chiến dịch “giải cứu” bưởi, Huyện đoàn Hương Khê hết sức tích cực. Toàn bộ lực lượng thanh niên trên toàn huyện đến tận từng vườn hộ mua bưởi, nên sau Đoàn thanh niên, Mặt trận huyện yêu cầu các Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, các tổ chức công đoàn cùng tham gia chiến dịch “giải cứu” hữu ích này. Kết quả là hàng chục nghìn quả bưởi Phúc Trạch vượt nước lũ đến tay người tiêu dùng.

“Suốt 8 năm làm công tác Mặt trận, với hàng trăm đầu việc không tên, làm ngoài giờ, làm ngày nghỉ cũng thường xuyên, vậy có khi nào chị muốn buông xuôi không?” – PV hỏi, chị Từ Thị Hòa trầm tư trong giây lát rồi kể: Năm 2016 là thời điểm chị luôn phải quay cuồng trong công việc. 365 ngày không có ngày nào chị được nghỉ ngơi thực sự. Đầu năm, chị phải gồng mình trong đợt vận động bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân. Cá nhân chị được giao vận động ở xã “nhạy cảm” nhất huyện, nhưng nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi nên tỷ lệ cử tri đi bầu cử của huyện đạt đến 99,61%.

Tháng 10 năm đó lại xảy ra trận lũ lịch sử, huyện Hương Khê chìm trong nước lũ cả tháng trời, thiệt hại không thể đo đếm xuể. Chỉ trong vòng 3 tháng, chưa tính cá nhân, có tới 1.340 đoàn đến cứu trợ, tổng số tiền và hàng hơn 71 tỷ đồng, trong đó tiền mặt gần 50 tỷ đồng. Tất cả được Ban Cứu trợ huyện phân phối, điều chỉnh đồng đều, không để lại bất cứ sai sót nào. Các đoàn sau khi cứu trợ trở về đều có ấn tượng tốt đối với sự tiếp đón của huyện. “Thời điểm đó, hầu như ngày nào cũng vậy, khi tôi về đến nơi thì nhà nhà đã lên đèn. Nhiều lúc tôi thấy rất mệt mỏi, gần như kiệt sức nhưng chưa có phút giây nào tôi có suy nghĩ là sẽ buông xuôi” – chị Hòa khẳng định chắc chắn.

Sau những vất vả, lo toan, người Mặt trận đều nhận được tình cảm yêu quý của bà con nhân dân. Điều tâm đắc nhất đối với chị Từ Thị Hòa khi làm Mặt trận đó là tấm lòng của bà con dành cho mình. “Làm Mặt trận được hỗ trợ, sát cánh, vực dậy nhiều cảnh đời và đổi lại là tình cảm, sự yêu mến, tin tưởng của bà con, đó là cái được lớn nhất của người Mặt trận. Với tôi, đó còn là động lực để mình phấn đấu” – chị Hòa chia sẻ.

Đảm việc nhà

Xuất thân trong gia đình công nhân, chị Từ Thị Hòa được kế thừa đức tính cần cù, chịu khó của bậc thân sinh. Chị còn là vợ của bộ đội biên phòng, thường xuyên phải công tác xa nhà nên thời gian dành cho bản thân là thứ xa xỉ. Chồng chị là Trung tá Trần Thanh Tịnh, Tổ trưởng tổ công tác bản Rào Tre (dân tộc Chứt ở xã Hương Liên, Hương Khê), Đồn biên phòng 575, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh.

Do đặc thù công việc, công tác ở bản Rào Tre cách nhà 60 km nên có khi cả tháng anh Tịnh không được về thăm nhà. 11 năm qua, ngày lễ, Tết và các sự kiện trọng đại của gia đình đều vắng bóng anh. Tất cả việc lớn hay nhỏ trong gia đình đều một tay chị lo toan, đảm nhiệm vai trò của một người chồng, người cha. Chị nhớ nhất là mỗi khi lũ lụt kéo về, đường sá bị chia cắt, chồng không về được, một tay chị phải chăm sóc 2 đứa con nhỏ dại, đỡ đần bố mẹ già yếu và còn phải chống chọi với thiên tai. Định mệnh khiến chị rắn rỏi khác thường là bởi vậy.

Để có thời gian cống hiến cho nghề Mặt trận và chăm sóc chu đáo cho gia đình, chị Hòa đành phải gác lại niềm đam mê làm đẹp của người phụ nữ. 2 đứa con của vợ chồng chị giờ đã lớn, đứa con trai đầu học xong đại học và đã đi làm, con gái út đang học đại học năm thứ hai.

Con cái trưởng thành tưởng như chị có thời gian cho bản thân nhiều hơn nhưng một mùa mưa lũ nữa lại đến, chị lại tất bật, sốt sắng thực hiện khâu kết nối, phân phối hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người phụ nữ nhiều 'vai'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO