Nhà báo Mỹ Larry King: Trái tim không bình yên

Phương Bắc Giang 09/09/2019 16:27

Chuyện li hôn của các nhà báo thường không phải là tin quá nóng nhưng việc Larry King ngày thứ ba 20/8 vừa qua đệ đơn ra tòa án Los Angeles xin bỏ vợ đã khiến các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới phải đồng loạt đưa tin.

Nhà báo Mỹ Larry King: Trái tim không bình yên

Lý do không chỉ ở sự nổi tiếng của người dẫn chương trình này mà còn là ở chỗ, năm nay, Larry King đã 85 tuổi, từng 8 lần cưới vợ và đây là lần thứ 7 ông phải ra tòa để li dị “một nửa” của mình (có một bà vợ ông đã cưới hai lần và cũng đã hai lần li dị).

Đời tư sôi nổi

Larry King làm quen với người vợ hiện nay, Shawn Shouthwick, từ năm 1997. Nơi họ bị tiếng sét ái tình đốn ngã là một tiệm kim hoàn ở Los Angeles và như sau đó King tuyên bố, cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời ông. Hai người đã ngay lập tức tổ chức đám cưới trong năm 1997 tại Beverly Hills. Tới chung vui với họ toàn những ngôi sao thượng thặng bạn bè, như Jane Fonda, Ted Turner, Al Pacino...

Shawn Shouthwick kém King tới 26 tuổi. Đây không chỉ là một phụ nữ đầy ma lực mà còn rất tài năng – trước khi trở thành phu nhân của MC hàng đầu nước Mỹ, bà đã nổi tiếng với tư cách một người mẫu, ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, người dẫn chương trình và nhà sản xuất...

Trong hơn hai mươi năm hôn nhân, Shouthwick đã sinh cho chồng hai cậu con trai, Chance (1999) và Cannon Edward (2000). Cannon Edward là con út của King và là người con thứ năm trong gia đình. Khi cậu chào đời, cha cậu đã có mặt trong phòng sinh và đây là lần duy nhất ông trực tiếp chứng kiến cảnh con mình cất tiếng khóc chào đời. Lúc đó ông đã ở tuổi 66!

Cũng phải nói rằng, trong cuộc hôn nhân hiện nay của King không phải mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ. Năm 2010, những việc đá thúng đụng nia đã khiến hai vợ chồng định đưa nhau ra tòa xin li dị nhưng may thay, sau ba tháng họ làm lành được với nhau và đồng ý tiếp tục chịu đựng nhau... Cho tới mùa thu năm nay...

Larry Kinh từng 8 lần tổ chức đám cưới, với 7 người phụ nữ. Người vợ đầu của ông là một nữ sinh viên, Freda Miller. Khi đó King mới 19 tuổi. Hai người chỉ sống được với nhau một năm rồi chia tay vì cha mẹ Freda kiên quyết không công nhận cuộc hôn nhân này.

King lên xe hoa lần thứ hai sau khi cuộc hôn nhân đầu kết thúc mười năm, với Annette Kaye. Tuy nhiên, ông đã bỏ vợ rất nhanh khi vợ đang mang bầu và về sau, ông đã không công nhận đứa con được sinh ra là con mình.

Người vợ thứ ba của King là cô người mẫu của tạp chí Playboy, Alene Akins. Hai người chung sống được một năm rồi chia tay. Tuy nhiên, vài năm sau đó, họ lại tái hôn và sinh được một cô con gái. Cả cuộc hôn nhân “rổ rá cạp lại” rất độc đáo đó cũng chỉ kéo dài được thêm ba năm. Ở thời điểm đó, khoảng thời gian này cũng là kỷ lục đối với King...

Giữa hai lần bỏ rồi cưới lại Akins, King đã kịp gặp và cưới Mickey Sutphin. Cuộc hôn nhân này cũng chỉ kéo dài chưa đầy một năm nên hầu như không có thông tin gì về người vợ này của mình, ngoài việc cô đã sinh cho ông một cô con gái...

Một năm sau khi chia tay vĩnh viễn với Akins, King đã gặp Sharon Lepore và ngay lập tức cưới cô làm vợ. Lepore là một giáo viên dạy toán với ngoại hình rất ấn tượng. Người dẫn chương trình lừng danh đã chung sống được với mỹ nữ mắt xanh da trời này được 7 năm nhưng rồi cũng lại li dị.

Sáu năm sau đó, năm 1989, King đã gặp một nữ doanh nhân tên là Julie Alexander ở Washington và đã kết hôn với cô ngay trong năm đó. Tình yêu mới làm ông rất phấn chấn và đã nhiều lần ông khoe rằng Alexander là “người phụ nữ định mệnh”, chạy trời không khỏi nắng!

Tuy nhiên, rốt cuộc King cũng lại chia tay với Aleander năm 1992....

Như đã rõ, phần lớn các cuộc hôn nhân trước đây, ngoại trừ trường hợp với Shawn Shouthwick, đều không kéo dài quá hai năm. Khi King làm lễ thành hôn với Shouthwick, mọi người đã hy vọng rằng đó là đám cưới cuối cùng trong đời người dẫn chương trình lừng danh và ông sẽ sống với người vợ này tới phút cuối của cuộc đời mình... Hiện vẫn không rõ lý do dẫn tới việc King quyết định bỏ vợ thêm một lần nữa...

Nhà báo Mỹ Larry King: Trái tim không bình yên - 1

Larry King và Shawn Southwick.

Nỗ lực vượt khó

Cha Larry King vốn là người Do Thái di cư sang Mỹ từ miền tây Ukraina sau chiến tranh thế giới thứ nhất, định cư ở Brooklyn, New York. Mẹ ông tới Mỹ từ Áo. Người cha chỉ là một công nhân quèn. Một gia đình tùng tiệm trên mọi phương diện và không hề có một tiền đề gì đáng kể báo trước việc sinh ra một ngôi sao truyền hình thượng thặng.

Tên thật của Larry King là Lawrence Harvey Zeiger. Ông sinh ngày 19/11/1933. Tuổi thơ trôi qua không có gì đặc biệt. Người cha khi rảnh rỗi thường hay dẫn cậu con trai đi xem bóng bầu dục. Trong lúc mọi đứa bé ở lứa tuổi đó đều mơ ước trở thành cầu thủ bóng bầu dục và ra sức tập ném bóng thì riêng Lawrence lại thu mình vào trong phòng riêng và mong có ngày mình phải theo được nghề làm bình luận viên.

Sau này, King rất tự hào về nguồn gốc Do Thái của mình, thậm chí đôi khi ông còn tự xưng là một “siêu Do Thái”! Theo chính lời ông nói, ông là một người Do Thái đích thực, thích đồ ăn Do Thái, tính hài hước, nền văn hóa. Ông rất mê việc người Do Thái luôn đặt gia đình và tri thức lên những vị trí hàng đầu...

Việc người cha bất ngờ qua đời vì một cơn đột quỵ ở tuổi 44 đã khiến Lawrence cảm thấy choáng vàng cực độ, đến mức sau khi tốt nghiệp trung học, chàng trai đã không thi vào đại học và từng phải kiếm kế sinh nhai bằng nhiều công việc khác nhau.

Khi Lawrence tròn 18 tuổi, chàng trai lên Maiami và vào làm tại đài phát thanh nhỏ WAHR “vô danh tiểu tốt” với tư cách... một người quét dọn. Thỉnh thoảng, chàng trai mới được những nhà báo ở đó giao cho làm vài việc phụ. Rồi một dịp may tới, có lần một phát thanh viên của đài không tới làm việc và Lawrence đã được đề nghị vào thế chỗ. Ngày thứ hai 1-5-1957, chương trình đầu tiên với Lawrence trên sóng phát thanh đã diễn ra ở Miami Beach. Ấn tượng đối với thính giả rất tốt nên lãnh đạo đài đã đề nghị chàng lao công chuyển hẳn sang nghề làm phát thanh viên. Chính khi ấy, Lawrence đã phải đổi họ. Theo ý kiến của các đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm, cái họ Zeiger khó nhớ và khó phát âm. Chàng trai đã xưng danh là Larry King. Về sau, ông kể là khi đó , tự nhiên ông nhìn thấy tấm ảnh quảng cáo rượu “King's Wholesale Liquor” nên đã chọn cho mình cái họ King...

Để có thêm thu nhập, Larry King đã phải tham gia cả các chương trình thời sự và tin tức thể thao. Càng làm, càng trở nên điệu nghệ, tới năm 1960, Larry King bắt đầu trở thành người dẫn chính cho chương trình riêng thường kỳ vào ngày chủ nhật “Dưới mái nhà Miami” trên kênh truyền hình WTVJ. Vốn giàu tính sáng tạo, Larry King đã không chỉ bó mình trên màn ảnh nhỏ mà còn trở thành cây bút quen thuộc trên các chuyên mục thường kỳ ở các tờ báo in, trong đó có The Miami Herald…

Nổi tiếng nhưng mọi sự trong đời Larry King không mấy suôn sẻ. Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Larry King đã bị dính dấp tới một vụ tai tiếng tài chính do lỗi của một đối tác và đã bị tống giam. Không những thế, sau khi ra khỏi nhà đá, ngôi sao truyền hình tương lai còn bị cấm cửa truyền hình và trong mấy năm liền buộc phải “bách nghệ cầu thực”, từ việc làm phát thanh viên ở trường đua Louisiana tới việc bài cho tạp chí Esquire. Trở về Miami, Larry King lại vào làm ở đài phát thanh WAHR và tới năm 1978 đã mở ra được chương trình riêng ở trên sóng Mutual Broadcasting Network, phát trực tiếp hàng tuần từ ngày thứ hai tới ngày thứ sáu. Trình tự show này diễn ra như sau: thoạt tiên Larry King phỏng vấn khách của chương trình rồi đặt ra các câu hỏi cho những thính giả gọi điện thoại tới từ các thành phố khác nhau và sau đó cùng thảo luận xung quanh chủ đề của chương trình. Phong cách riêng biệt mà giàu chất đại chúng của MC Larry King đã ngày một lôi cuốn thính giả và chẳng bao lâu sau, chương trình đã được chuyển tiếp trên sóng của hàng trăm đài phát thanh ở khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, những cơ cực vẫn không ngừng đeo bám Larry King. Năm 1978 tới New York, ông đã buộc phải tuyên bố mình là kẻ phá sản và nhờ thế, mới thoát khỏi những nợ nần mà lúc đó, ông không thể lấy gì mà thanh toán được. Những món nợ đã được xoá tuy không lớn nhưng vẫn là chủ đề để những người ác ý với Larry King đàm tiếu. Theo thông tin của tờ The Miami Herald, ông vẫn còn nợ DisneyLand, nơi mà ông đã đưa con cái tới chơi. Ông vẫn nợ người vợ cũ đã từng cho ông vay tiền mua thuốc lá (đã có thời không phút nào King rời miệng khỏi điếu thuốc, ngay cả khi đang dẫn chương trình trực tiếp trên sóng CNN). Năm 2004, một nhà sử học địa phương ở bang Florida đã xuất bản một cuốn sách nói về những danh nhân bản địa, trong đó có Larry King. Theo tư liệu của cuốn sách này, một chủ khách sạn ở đây đã nhớ lại về King như sau: “Không ai ngờ được cái gã ba hoa đó lại làm nên một sự nghiệp lớn lao như vậy… “Ông ta thuê phòng của cha mẹ tôi - chủ một cửa hàng thời trang ở Miami kể. - Rồi nợ tiền thuê mấy tháng và chuồn mất…”. Một hồi ức khác: “Một lần Larry tới chỗ tôi hỏi rất trịnh trọng: “Tớ còn nợ câu bao nhiêu tiền?”. Có gì đâu, chỉ 5 nghìn USD thôi, tôi mừng rỡ nói. Hoá ra tôi ngốc thật, Larry tới hỏi thế không phải để thanh toán nợ nần cho tôi mà là để thống kê tiền nợ cho giấy tuyên bố phá sản. Số tiền đó nhà nước phải chấp nhận xoá cho ông ta…”. Larry King không bình luận gì về những lời buộc tội như thế tới từ bang Florida. Chỉ có một lần ông buột miệng nói: “Trình tự tuyên bố phá sản được nghĩ ra để tạo ra cho con người cơ hội thứ hai làm lại cuộc sống. Tôi không thấy có cái gì đáng xấu hổ trong chuyện đó cả”.

Nhà báo Mỹ Larry King: Trái tim không bình yên - 2

Đạp mọi chông gai

Tiền vẫn thiếu nhưng tài năng không thiếu. Năm 1985, hữu xạ tự nhiên hương, Larry King nhận được lời mời cộng tác từ hãng CNN và bắt tay vào thực hiện chương trình tương tự của mình trên sóng truyền hình Larry King Live. Từ đó đến nay, chương trình này đã mời được rất nhiều các chính khách hàng đầu của nhiều quốc gia (không ít các vị nguyên thủ quốc gia khi sang thăm Mỹ đều muốn có một lần trò chuyện với Larry King trên sóng CNN để tiếp cận đầy đủ và chân thực nhất với các công dân Mỹ). Rất nhiều ngôi sao trên mọi lĩnh vực cũng muốn có được những cuộc trò chuyện với King trên sóng CNN để công chúng có cơ hội hiểu biết họ nhiều hơn và đúng hơn. Một kỷ lục của Larry King mà cho tới bây giờ vẫn chưa ai phá được: chương trình do ông dẫn với sự tham gia của Al Gore, lúc đó là Phó Tổng thống Mỹ và ứng cử viên Tổng thống Mỹ, tỉ phú Ross Perot đã có tới 16,3 triệu khán giả xem… Nhờ việc tiếp sóng quốc tế nên danh tiếng của Larry King ngày càng vang dội trên khắp thế giới. Tại Mỹ, ông được đánh giá như một trong những MC truyền hình nặng ký nhất (bản thân ông chỉ tự gọi mình là người đi phỏng vấn). King đã được ghi tên vào Phòng Vinh quang phát thanh trong Viện bảo tàng Phát thanh Quốc gia và đã nhận hàng chục giải thưởng của truyền hình cáp Mỹ (Cable ACE Awards). Không chỉ tung hoành trên màn ảnh nhỏ, trong những năm từ 1982 tới 2001 King còn chủ trì một chuyên mục thường kỳ trên tờ USA Today. Ông cũng đã xuất bản nhiều sách best-seller, thí dụ như “Hãy kể chuyện đó với King”, “Những câu chuyện tình yêu của chiến tranh thế giới thứ hai”, “Những gì tôi đã được biết từ các quý ông học giả, chính trị gia và Tổng thống” hay “Để trò chuyện với ai cũng được, lúc nào cũng được và ở đâu cũng được”…

Có thể kể mãi không hết về những việc mà King đã từng làm rất thành công với vai trò một người dẫn chương trình trên màn ảnh nhỏ. Đó là MC của một chương trình có thời gian tồn tại dài nhất tên TV Mỹ. Một cựu chiến binh của hậu trường chính trị USA, từng trò chuyện với 6 đời Tổng thống Mỹ cùng vợ của họ, thậm chí đôi khi cả với các bạn gái của họ… Một MC truyền hình có tên trong sách Guinness và có một ngôi sao riêng mang tên mình trên Đại lộ Vinh quang ở New York…

Tất nhiên, không phải mọi sự đều dễ dàng đến với Larry King. Có những lúc ông cũng phải “chiến đấu” với chính những người chủ tư bản mà ông phục vụ để gìn giữ vị trí hậu hĩnh mà ông đã giành được bằng tài năng và lao động quên mình. Công chúng đã ngạc nhiên một cách thú vị khi năm 1998 lan truyền thông tin: Larry King là một trong những người dẫn chương trình tin tức được nhận thù lao cao nhất ở Mỹ. Hãng CNN đề nghị ông ký hợp đồng bốn năm với giá tiền 28 triệu USD. Hết thời hạn hợp đồng này, khi King yêu cầu xem xét lại điều kiện cộng tác và không loại trừ việc chuyển sang cộng tác với đối thủ của CNN là CBS, một số người trong ban lãnh đạo CNN đã tính tới chuyện coi ông như quả chanh đã bị vắt hết nước. Tuy nhiên, cân nhắc thiệt hơn, nếu chương trình Larry King Live biến mất, kênh truyền hình CNN có thể sẽ bị mất hẳn những tin tức được thực hiện ở tầm cỡ ngôi sao. Rốt cuộc là, giời không chịu đất thì đất phải chịu giời, các cuộc thương lượng đã mang lại chiến thắng tuyệt đối cho Larry King. Lãnh đạo tổ hợp truyền thống AOL Time Warner, “cha đẻ” của CNN, đã phải tăng thêm 1 triệu USD thù lao cho King cộng thêm với một máy bay riêng và nhiều bổng lộc khác. Các đồng nghiệp tò mò đã tính được rằng, mỗi năm chi phí của CNN dành cho Larry King không dưới 10 triệu USD.

Các con số thống kê cho biết, trong cuộc đời làm phóng viên của mình, Larry King đã thực hiện tới hơn 60 nghìn cuộc phỏng vấn, trong đó với Donald Trump, Bill Clinton, Valdimir Putin...

Từ tháng 7/2012, Larry King đã dẫn chương trình “Larry King Now” trên trang web Hulu và trên kênh RT America.

Năm 2017, MC lừng danh này đã bị các bác sĩ phát hiện ra căn bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên, vì căn bệnh mới ở giai đoạn đầu nên ông đã được phẫu thuật. Các bác sĩ đã cắt khoảng 20% phổi của ông và giúp ông sống sót.

Cũng phải nói rằng, trong suốt cuộc đời mình, chưa bao giờ Larry King sống theo nếp lành mạnh cả. Cứ sau mỗi chương trình, ông lại làm một cốc rượu đầy và mỗi ngày ông hút tới 4 bao thuốc lá...

Chỉ nói giọng của mình

Những người biết rõ về Larry King nhận xét, ông là một người láu lỉnh, tò mò, luôn sẵn sàng mạo hiểm, không sợ bắt đầu mọi sự từ đầu. Và nếu xét về các tiêu chí thanh sắc mà không ít khán giả bình thường vẫn yêu thích, King hình như không đáng được 3 điểm. Vóc dáng gù gù, giọng khàn khàn, cặp kính gọng sừng to tướng, hàm răng lồi ra mà ai cũng biết là giả… Một người đàn ông đứng tuổi không có chút gợi cảm hình thể nào cả. Một MC chưa từng được nhồi nhét vào đầu học vấn gì lớn lao. Một MC không mấy chỉn chu khi chuẩn bị cho chương trình. Một MC thậm chí lắm khi còn không nhớ đủ tên họ của khách mời trong chương trình. King còn bị không ít người gọi là “một gã Thủy Tiên sặc sỡ nói bằng giọng con lạc đà đầy tâm sự”… Thế nhưng, King vẫn là MC mà vô số những khán giả truyền hình muốn được trò chuyện qua điện thoại theo số 1-800-676-2100. Hàng ngày, trong khoảng thời gian từ 9 giờ tối (theo giờ New York), ai muốn lọt vào chương trình truyền hình trực tiếp gặp King qua điện thoại thì đều có thể bấm vào số máy đó. Đặc biệt may mắn là một người tên là Elijah ở bang Georgia, không hiểu bằng cách nào mà tối nào cũng gọi được cho King qua điện thoại. Một số kẻ ác ý cho rằng, Elijah chỉ là một nhân vật “tay trong” của King, có nhiệm vụ “làm đẹp chương trình”…

Larry King đã cố tình không đọc trước các tác phẩm của các vị khách mời. Ông muốn các cuộc trò chuyện với họ được diễn ra theo cách tự nhiên nhất. Câu hỏi mới là câu hỏi được nảy sinh ra từ câu trả lời trước đó của khách... Bí quyết thành công của Larry King tương đối đơn giản: Không bao giờ đặt ra những câu hỏi mà bạn đã biết trước câu trả lời. Hãy đồng cảm với người mà ta đang đối thoại, hãy giúp họ thể hiện góc độ tốt nhất của họ. Thoạt đầu hãy khích lệ và trấn an rồi mới đưa ra câu hỏi hóc hiểm. Hãy hỏi “Vì sao?”. Hãy nhìn thẳng vào mắt. Nào, hãy công nhận đi, thưa ngài Chris Rock, ngài bỏ phiếu cho ông Obama chỉ đơn giản vì ngài cũng là một người da đen?... Nói chung, thành công của King không chỉ nhờ tài năng của một người phỏng vấn chuyên nghiệp. Vấn đề là ở chỗ, chương trình mà ông bắt đầu dẫn trên sóng CNN từ năm 1985 đã là thử nghiệm đầu tiên trong trò chuyện trực tiếp với khán giả truyền hình. Trước King, chưa từng có một MC truyền hình nào trực tiếp trả lời các câu hỏi của các khán giả thường dân. Và trong mọi câu trả lời, King luôn biết cách tỏ ra, ông đang nói đúng điều ông nghĩ, theo cách của riêng ông, có thể đúng, có thể sai nhưng không bao giờ khác với những gì ông tin tưởng.

Những quy tắc của Larry King

* Nói – đó cũng tương tự như chơi golf, lái xe hơi hay bán hàng – càng làm nhiều thì ta làm tốt hơn và càng cảm thấy khoái hơn.
Một số người cho rằng mình có trách nhiệm phải tạo ra tranh luận để những người khác nhớ tới mình: họ sẵn sàng vui đâu chầu đấy. Tuy nhiên, thà làm người chỉ mở miệng khi có thể nói ra một ý kiến có sức nặng hơn là kẻ mồm miệng đỡ chân tay chuyện gì cũng chém gió.

* Muốn làm người dẫn chuyện tốt, cần phải biết lắng nghe.

* Tất cả chúng ta đều có xu hướng luống cuống hay ít ra là gần như bị luống cuống khi chúng ta đối thoại với một người lạ trong lần đầu tiên phát biểu trước công chúng.

* Loại hàng hóa quan trọng nhất mà bạn có thể phải mang đi bán, đó là chính bạn, vì thế cần phải làm việc này đúng cách.

* Nếu bạn thực sự yêu thích công việc của mình và nhiệt huyết của bạn truyền được tới mọi người mà bạn cộng tác thì chắc chắn cơ hội thành công của bạn sẽ gia tăng.

* Hãy nhớ là, bí quyết dẫn chuyện – đó là bí quyết đặt ra các câu hỏi. Tôi rất tò mò đối với mọi sự ở xung quanh.

* “Vì sao”, đó là câu hỏi vĩ đại nhất mà con người đã biết đặt ra từ buổi đầu thời gian cho tới tận cuối cùng vĩnh cửu. Và dĩ nhiên, đặt ra câu hỏi này là cách tốt nhất để duy trì một cuộc đối thoại sống động và thú vị.

* Không nên vì kính trọng những người khác mà đánh mất đi sự tự trọng đối với bản thân mình.

* Người ta bảo rằng phải đi du lịch mới mở rộng được tầm mắt, tuy nhiên, chỉ cần bạn ham hiểu biết đủ độ để lắng nghe những người xung quanh mình nói là bạn có thể thu thập được nhiều hiểu biết mà không cần phải đi đâu cả.

* Những câu hỏi mà có thể trả lời “có” hoặc “không” – đó là kẻ thù chính của một cuộc nói chuyện thú vị.

* Có một quy tắc của ngôn ngữ cử chỉ mà ta cần phải thực hiện để có được một cuộc trò chuyện thành công: hãy nhìn thẳng vào mắt người đối thoại.

* Tất cả chúng ta đều là con người, vậy nghĩa là không cần phải mất tinh thần chỉ vì người đối thoại với ta là một giáo sư có bốn bằng đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Mỹ Larry King: Trái tim không bình yên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO