Bảo tồn văn hóa dân tộc ở dạng nguyên gốc, từ chùa đình làng cho đến tà áo dài truyền thống là việc mà Nguyễn Đức Bình và nhóm “Đình làng Việt” với số lượng hơn 14.500 thành viên tham gia đang tích cực làm. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình trò chuyện cùng PV Tinh hoa Việt:
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình: Hiện nay giá trị truyền thống đang bị đảo lộn, đánh tráo. Trong bối cảnh đó, nhiều người rất mơ hồ, chính vì lẽ đó, việc quay về giá trị gốc, giá trị ban đầu của truyền thống là điều cần làm, tất nhiên không hề dễ dàng.
Kiến trúc đình làng đã trải qua nhiều thay đổi, từ kiến trúc dành cho cộng đồng để sinh hoạt văn hóa, hội họp, biểu diễn nghệ thuật, thực hiện tín ngưỡng của dân làng, sau này, dần thành nơi chủ yếu thờ cúng, và bây giờ đình đã chuyển hóa thành ngôi đền. Các giá trị văn hóa của ngôi đình cũng biến mất, chiếu chèo sân đình hầu như không còn, tục Hát cửa đình (gốc của ca trù) đã mất, các sinh hoạt gắn kết cộng đồng cũng dần bị mang ra ngoài, do đó đình làng hoang phế và cũng xuống cấp nhanh. Không phục hồi công năng của đình làng, đưa nó về gốc thì chúng ta sẽ mất rất nhiều thứ.
Với áo dài nam cũng vậy. Những người đàn ông mặc áo dài kiểu mới mà gọi là cách tân, chẳng mấy ai từng mặc áo dài truyền thống? Nhưng đáng buồn là hầu hết những người đó, kể cả các nhà thiết kế, muốn ly khai với kiểu dáng truyền thống. Khi tiếp cận trang phục áo dài nam của ông cha, tôi đã nhận ra rằng: giá trị, tinh hoa mà các cụ để lại trên áo dài thực sự rất tinh tế, và hiểu sâu sắc về các giá trị ấy thì mọi người sẽ biến hóa, cách tân sang dạng thức khác được. Cho nên, Đình làng Việt chúng tôi đang cố gắng khôi phục việc may, mặc áo dài nam truyền thống. Chúng tôi đang muốn đi từ gốc truyền thống để tự tin bước ra bên ngoài với không gian đương đại.
PV:Trên thực tế, làm thế nào để anh có được nguyên mẫu chính xác từ kiến trúc đình chùa làng cho đến áo dài truyền thống?
- Việc xác định nguyên gốc là cả quá trình, đặc biệt với những người làm mỹ thuật. Chúng tôi phải tiếp cận nhiều hiện vật, so sánh phong cách nghệ thuật, chắp ghép nó lại để xác định. Với kiến trúc truyền thống bị nhiều thay đổi, hầu như không còn kiến trúc nguyên vẹn như khi khởi dựng. Nhưng với ngôi đình làng, thông qua các chi tiết thì vẫn có thể hình dung ra nguyên mẫu để soi chiếu, đánh giá.
Với áo dài nam thì không khó, bởi trang phục này có từ thời Chúa Nguyễn và sau này là thời Nhà Nguyễn, cách đây khoảng hai thế kỷ, vẫn được lưu giữ trong gia đình, bảo tàng…
Anh có thể chia sẻ về những công việc thực tế và quá trình đưa các thông tin để những nhà chuyên môn cũng như công chúng tiếp nhận, qua đó bảo tồn được các giá trị truyền thống?
- Nhóm Đình làng Việt chúng tôi từ ngày thành lập đến nay đã phối hợp, trợ giúp nhiều cá nhân, đơn vị, đặc biệt là giúp các cơ quan truyền thông. Nhờ có mạng lưới các thành viên ở nhiều lĩnh vực chuyên môn nên chúng tôi bổ trợ cho nhau. Như vấn đề tu bổ di tích, trong thời gian mấy năm trước vấn nạn tu bổ đình chùa bị sai, hỏng diễn ra khá nhiều nơi. Chúng tôi thường có những chuyến đi khảo sát trước đó, cho nên những gì không đúng về trùng tu, chúng tôi đều có hình ảnh so sánh. Những thứ chúng tôi đưa ra, ngoài vấn đề liên quan đến học thuật, thì các chứng cứ đều thuyết phục. Không những thế, vấn đề về Luật Di sản, chúng tôi cũng phải nắm rõ để tư vấn, tháo gỡ cho mọi người làm đúng.
Còn khi mặc một bộ áo dài nam truyền thống, chuẩn mực sẽ là như thế nào?
- Áo dài nam truyền thống nếu mặc thì sẽ tạo cho người ta vẻ khoan thai, tự tin, khiêm nhường, kín đáo và thoải mái. Các đặc điểm đó đều xuất phát từ kiểu dáng trang phục. Ví dụ như khi ngồi xuống ghế, tà áo phải che kín đầu gối, phải tạo sự lịch sự với người đối diện. Khi đứng hoặc đi, áo tạo ra vẻ oai vệ, linh hoạt, sang trọng.
Các anh đã tổ chức để có thể may mặc những bộ áo dài ấy như thế nào? Làm sao thuyết phục được nhiều cá nhân và đoàn thể mặc chúng?
- Đầu tiên là bản thân mình may và mặc, phải tìm hiểu những đặc điểm hay, những giá trị về tạo hình, về cách mặc trang phục này, như vậy thì mới thuyết phục được mọi người. Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức các hoạt động như tọa đàm, trình diễn, gặp gỡ trao đổi với mọi người về áo dài, đi chơi, đi dự các sự kiện văn hóa, chúng tôi đều mặc áo dài. Dần dần thu hút được mọi người đồng hành may và mặc. Chúng tôi phải đi tìm các đầu mối nghệ nhân may áo dài đúng truyền thống, phải đi kiếm vải để mọi người may.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình và hình ảnh những chiếc áo dài nam truyền thống.
Rõ ràng từ đình chùa miếu đền đến áo dài của Việt Nam đều mang phong cách hoàn toàn riêng có?
- Đó là điều chúng tôi quan tâm, bởi đó là bản sắc văn hóa Việt Nam được hun đúc qua nhiều đời mới tạo ra. Như chúng ta thấy, Việt Nam là đất nước nằm ở ngã ba đường, bên cạnh các nền văn minh lớn như Ấn Độ, Trung Hoa, trong kiến trúc, mỹ thuật, hay cụ thể hơn là trang phục không khỏi ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những nét văn hóa mang bản sắc khác biệt với các nền văn hóa khác. Như kiến trúc truyền thống của Việt Nam khác với Trung Quốc, Ấn Độ hay Khmer. Tượng Phật của người Việt tưởng giống với tượng Phật của Trung Quốc hay Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng không phải vậy. Cách tạo tác tượng Phật của nghệ nhân Việt Nam hoàn toàn khác, mang yếu tố dân gian và gần gũi hơn với tượng Phật các nước khác. Với trang phục cũng vậy. Áo dài nam của đàn ông Việt không thể giống với áo trường sam của đàn ông Trung Quốc, tà áo Việt ngắn hơn, tạo hình áo Việt có những đường nét rất cầu kỳ, dáng áo hình chữ A rất oai vệ, nam tính, vạt áo Việt rộng kín đáo, che khuất những nhược điểm của người đàn ông, khuy cài áo Việt sáng mầu (của Trung Quốc khuy bện vải), cổ áo Việt cao, vuông… Tôi cho rằng trang phục đàn ông Việt rất tinh tế, như: phải mặc áo trắng bên trong, nếu vải áo dài ngoài mầu sắc rực rỡ thì phải mặc lớp sa hoặc the phủ ra ngoài, chứ không ai mặc áo để lộ mầu sắc hoa văn rực rỡ.
Việc cách tân áo dài liên tục đang làm cho bản sắc Việt riêng có ấy mất dần đi?
- Đúng vậy. Áo cách tân hôm nay hoàn toàn ly khai với áo dài ngũ thân truyền thống. Ví dụ các nhà thiết kế may tà áo rất hẹp, thân bó sát, cách may này rất giống với áo nữ. Khi ngồi ghế, đàn ông bao giờ cũng dạng chân rộng hình chữ V, như vậy tà áo cách tân hẹp không thể che được gối. Nếu mặc áo cách tân tiếp khách thì rất bất tiện và thiếu lịch sự bởi tà trước của áo sẽ xô lệch, nhăn nhúm. Đặc biệt, với khẩu hiệu “cần tiện lợi khi mặc”, các vị cách tân hiện nay cho người mặc chỉ có áo mà không có quần mặc đồng bộ, không có áo lót trong… chỉ khoác vội là xong. Điều này cho thấy sự giản tiện một cách thái quá. Theo tôi biết, trang phục dân tộc, hay lễ phục của các nước đều cầu kỳ trong cách may và mặc. Chính sự cầu kỳ ấy chứa đựng tinh hoa, thể hiện cách ứng xử thận trọng, thể hiện sự chỉn chu của người mặc trước khi gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người. Thể hiện phong thái và lịch sự trong quan hệ - đó chính là bản sắc văn hóa.
Còn dự định mới về nghệ thuật và văn hóa của anh nói riêng và nhóm Đình làng Việt nói chung?
- Chúng tôi đã và đang thực hiện bảo tồn không gian văn hóa đình làng, chúng tôi đã có một khẩu hiệu “Của dân gian trả về cho dân gian”. Những vấn đề bảo tồn âm nhạc truyền thống như ca trù, chèo… phải được bảo tồn trong cộng đồng, bảo tồn và phát huy ngay trong không gian nó sinh ra là ngôi đình làng. Chính vì lẽ đó chúng tôi tiếp tục phục dựng các chiếu chèo tại sân đình, những canh Hát cửa đình phục vụ cộng đồng, và chúng tôi mong muốn qua mỗi lần như vậy chúng tôi sẽ lôi kéo được cộng đồng thêm yêu văn hóa truyền thống, yêu mái đình, tạo ra những ký ức đẹp cho cộng đồng về biểu tượng văn hóa của làng mình.
Chúng tôi đang trong quá trình tìm kiếm tài năng âm nhạc truyền thống nằm ở các địa phương (cả chuyên và không chuyên), gắn kết với họ để trao đổi, giao lưu nhằm động viên họ trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã gắn kết được nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ và hoạt động có hiệu quả. Tôi nghĩ đây là cách làm chúng tôi cần đẩy mạnh hơn.
Chúng tôi đang thực hiện dự án xuất bản sách “Đình làng Việt” là bộ sách có nội dung liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc, mỹ thuật của đình làng do nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng chủ biên, các thành viên tham dự đều là những nhà nghiên cứu thành viên Đình làng Việt. Dự kiến tháng 8-2020 sách sẽ hoàn thành.
Xin cảm ơn anh!