“Nhà số 4” là một toà biệt thự cổ đẹp vào loại nhất Thủ đô nằm ở đầu “phố nhà binh” phía đường Phan Đình Phùng, bên vườn hoa Hàng Đậu. Toà nhà được xây dựng dưói thời bác sỹ Trần Văn Lai là thị trưởng Hà Nội theo thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp.
Một số nhà, một “văn hiệu”
Phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một phố cổ dài 1.090 m, tính từ phía phố Phan Đình Phùng đến đầu giáp phố Trần Phú. Thời Pháp thuộc phố có tên là phố Tướng Giốp (rue mareschal Joffre), dân gian thường gọi là “phố nhà binh” vì phố này nằm dọc theo tường thành phía Đông của thành Hà Nội đời Nguyễn, một thời là trại lính Tây và hơn 50 năm nay là đại bản doanh của Quân đội Nhân dân Việt Nam (trụ sở Bộ Quốc phòng). Phố có cổng doanh trại quân đội (cũng gọi Cửa Đông vì ở ngay đầu phố Cửa Đông); hai bên có nhiều khu tập thể của các sỹ quan quân đội và trụ sở nhiều cơ quan văn hóa của quân đội như Báo Quân đội Nhân dân, Phát thanh -Truyền hình Quân đội, Điện ảnh Quân đội, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, NXB Quân đội Nhân dân, Thư viện Quân đội... và “nhà số 4”- trụ sở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
“Nhà số 4” là một toà biệt thự cổ đẹp vào loại nhất Thủ đô nằm ở đầu “phố nhà binh” phía đường Phan Đình Phùng, bên vườn hoa Hàng Đậu. Toà nhà được xây dựng dưói thời bác sỹ Trần Văn Lai là thị trưởng Hà Nội theo thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp. Nơi này từng là nơi ở của các sỹ quan Nhật, sau là Pháp. Từ sau ngày Thủ đô giải phóng (10/1954) Nhà số 4 trở thành ngôi nhà của các văn nghệ sỹ quân đội. Theo nhà thơ Thanh Tịnh thì đích thân đại tướng Nguyễn Chí Thanh bấy giờ là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã lệnh cho một số sỹ quan cấp cục của quân đội chuyển đi nơi khác ở nhường toà biệt thự này để làm Trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội xuất bản từ năm 1957 với Ban biên tập đầu tiên là những tên tuổi: Văn Phác và Thanh Tịnh, Vũ Cao và Từ Bích Hoàng, Hữu Mai và Hồ Phương, Nguyễn Thi và Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh và Lưu Trùng Dương, Nguyên Ngọc và Phùng Quán, Mai Văn Hiến (hoạ sĩ) và Đỗ Nhuận (nhạc sĩ), Hà Mậu Nhai và Xuân Thiêm, Vũ Sắc và Phác Văn, Minh Giang và Tạ Hữu Thiện...
Những năm đầu tạp chí ra mỗi tháng một kỳ, phát hành rộng rãi trong toàn quốc và nhiều nước trên thế giới với số lượng lớn 150 - 200.000 bản/ kỳ. Văn nghệ Quân đội có nhiều nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Hữu Thỉnh, Thu Bồn, Xuân Thiều…). “Nhà số 4” lại còn có những nhà văn được mang quân hàm cấp tướng (Văn Phác, Dũng Hà, Hồ Phương, Nguyễn Chí Trung), được gắn tên phố, tên đường, tên trường (Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều).
Văn nghệ Quân đội cũng là tạp chí văn chương đầu tiên được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT và cũng là một trong không nhiều cơ quan báo chí có cán bộ phóng viên được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân - Liệt sĩ Nguyễn Thi (còn có tên gọi khác là Nguyễn Hoàng Ca, Nguyễn Ngọc Tấn).
“Nhà số 4”, kể từ sau giải phóng Thủ đô (10/1954), kể từ khi các nhà văn áo lính dọn đến và treo tấm biển đồng ghi dòng chữ Tạp chí Văn nghệ Quân đội nơi cổng chính đã ngay lập tức trở thành một địa chỉ văn chương. Nơi đây, theo cách nói của nhiều cộng tác viên không chỉ là “mối tình đầu”, là “nơi cất cánh”, là chốn “trường thi”, là “nơi tỷ thí” đối với nhiều lứa những nhà văn trẻ mà còn là diễn đàn của các nhà văn Việt Nam.
Nơi đây còn như là một “quán văn”, là chốn đi về của nhiều tên tuổi. Đỗ Chu khi còn là lính cao xạ, mới có Ao làng, Hương cỏ mật… chưa được gọi là “Pautốpxki Việt Nam” những ngày đầu đến đến đây còn phải làm cái việc... nhặt bóng cho các tay vợt đàn anh Thanh Tịnh, Từ Bích Hoàng, Xuân Sách..., nhưng sau “tự nhiên” như người nhà, có thời gian đưa cả vợ là chị Nhu đến tá túc. Bùi Bình Thi có hôm đến đưa bài, đã dám... quát cả một nhân viên mới về của tòa soạn khi anh này đòi “xuất trình giấy tờ” rằng: “Cậu nên nhớ cho kỹ, tớ đã đi mòn cả cái cầu thang gỗ nhà này hơn 30 năm nay rồi nhé!”… Sinh thời, khi biên tập cuốn Tuổi thơ im lặng (Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật, 2011), nhà thơ Trần Vũ Mai sáng trưa chiều tối đã “chén chú chén anh”, rồi tối đến lại cùng Duy Khán “tại trại”, mà đâu phải một hai ngày mà là cả tuần lễ, cả tháng trời. Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ có đận, chiều nào cũng có mặt ở đây. Chị Quỳnh có lần nêu ý muốn “đầu quân” về Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Vũ Cao nói vui: “Đây là cơ quan quân đội, cô về đây thì làm gì, làm Tổng biên tập nhé?”. Xuân Quỳnh bảo: “Tưởng làm gì chứ làm Tổng biên tập như anh thì dễ quá!”... Và câu “Văn nghệ Quân đội là trụ sở thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam” là chị nói.
Văn nghệ Quân đội thành là tờ báo văn đứng ở “mặt tiền của đại lộ báo chí” nước ta, theo cách nói của nhà báo lão thành tài năng Phạm Phú Bằng…
Những nhà văn miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 như Thanh Tịnh, Nguyễn Thi - Nguyễn Ngọc Tấn, Hà Mậu Nhai, Trần Kim Trắc, Lưu Trùng Dương, Hoàng Việt (nhạc sĩ), Nguyễn Hiêm (hoạ sĩ), sau đó là Thu Bồn, Võ Trần Nhã, Thanh Giang, Nguyễn Chí Trung, Liên Nam…đã qua những “đêm Nam, ngày Bắc”, đã “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân” (câu thơ Thanh Tịnh: Trải qua mấy chục năm trường/ Ăn cơm tập thể , nằm giường cá nhân) nhiều năm ngay tại trại “số 4”. Nơi đây, theo đại tá Khắc Tuế chính là nơi Hoàng Việt đã viết bài Tình ca với tình cảm da diết hướng về Nam... Phùng Quán sau “tai nạn nghề nghiêp” chạy ra nơi “lầu ngắm sóng” bên Hồ Tây cũng nhiều năm tá túc nơi này. Đằng sau toà biệt thự, là khu gia binh, Ấy là những công dân “phố nhà binh” viết, bên cạnh “nhà số 4”, ngay trong “nhà số 4” còn rất rất nhiều những văn nghệ sĩ - chiến sỹ khác từng sống, từng làm việc, đã cư ngụ, sáng tác, trong đó có những tên tuổi Nguyễn Hiêm, Huy Du, Quang Thọ, Nguyễn Đức Toàn, Văn Đa, Vũ Trọng Hối, Dương Viên, Huy Toàn, Phạm Thanh Tâm, An Thuyên, Minh Quang ..và những nghệ sĩ khác ở các cơ quan văn hoá văn nghệ thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
“Nhà số 4” “phố nhà binh” - tức số 4 phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không chỉ là một ngôi biệt thự với những nét kiến trúc độc đáo mang phong cách Á - Âu hài hoà nổi tiếng ở Thủ đô (được xếp hạng di tích kiến trúc) với những vòm mái cong, ô cửa tròn, ống khói lấp ló bên màu đỏ tươi của lớp ngói ống và đôi “cụ” đại già nơi cổng chính đã đi vào thi ca:
Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất
Có ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu
Cái thùng thư mấy lần thay ổ khoá
Bác thường trực già năm cũ giờ đâu?
(Thơ Nguyễn Đức Mậu)
“Sư phụ” Thanh Tịnh (đứng giữa, đội mũ, mặc áo bông cổ lông) và các nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong năm đầu thống nhất đất nước 1976.
“Sư phụ” Thanh Tịnh làm báo Tết
Hôm tôi balô khăn gói từ Sư đoàn bộ binh 301 về “phố nhà binh” nhận nhiệm vụ lên phòng nhà văn Xuân Thiều - người đầu tiên báo cáo lên Tổng cục Chính trị xin tôi về Văn nghệ Quân đội. Ông dẫn tôi sang chỗ nhà văn Nguyễn Trọng Oánh trình giấy tờ và dặn: “ Anh Oánh là Phó Tổng... phụ trách, có gì cứ đề đạt...” (Bấy giờ Văn nghệ Quân đội chưa có Tổng biên tập. Ba ông Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Nguyễn Chí Trung đều là trung tá và cùng là Phó Tổng biên tập. Ông Oánh là Phó phụ trách).
Rồi tôi được anh Oánh dẫn đến chào nhà thơ Thanh Tịnh và giới thiệu: “bác Tịnh là Chủ nhiệm đời thứ hai của Tạp chí ta, sau anh Văn Phác. Muốn thành nhà báo, nhà văn phải năng đến cụ, cụ quý cụ “truyền nghề” cho…”. Mãi về sau khi đã trở thành người “cầm chịch” đời thứ 7 của Nhà số 4, tôi vẫn không quên lần đầu tiên gặp nhà thơ xứ Huế và thầm cám ơn cuộc đời đã cho tôi được gặp ông, được gần ông cả chục năm và học ở ông nhiều điều, trong đó có những bài học về nghề làm báo, viết báo. Hôm ấy, Thanh Tịnh bảo, tôi là đồng hương của ông vì chỉ có người Huế mới có chữ đệm là “Vĩnh”!?.
Tôi không ngờ các thủ trưởng nơi này lại bình dị như vậy!
…Nhớ một lần, tôi được chứng kiến có tờ báo nọ dự định ra số Xuân sớm hơn mọi năm vì quan niệm báo Tết là thứ hàng hóa, phải kịp thời đến tay bạn đọc. Nhưng hiềm một nỗi ông họa sĩ “mi” tính toán số chữ không chính xác nên khi “bông” ra thấy “thủng” rất nhiều chỗ. Đưa ảnh vào cũng được nhưng kiếm không ra, đưa bài khác vào thì đảo lộn hết ý đồ mà cũng chẳng đủ “đất”. Viên thư ký tòa soạn nhanh ý guồng xe đến “cụ” Thanh Tịnh xin vài mẩu chuyện hoặc câu đối để “lấp chỗ trống”.
Năm ấy tuổi đã qua thất thập cổ lai hy nên ông cụ viết lách có phần chậm. Có tý vốn liếng nào cũng “bị” các báo Tết khác nhanh chân hơn đến “chộp” trước mất rồi, vì thế nên khi nghe lời “thỉnh cầu” đầy vẻ S.O.S của người thư ký tòa soạn ông cũng rất lo. Nhưng chỉ một thoáng đã thấy ông hỏi:
- Bản “bông” có đây không?
Người thư ký mở cặp đưa ra cho nhà thơ xem. Quả là bị “thủng” đến mấy chỗ. Dường như không phải suy nghĩ nhiều, nhà thơ cao niên vớ lấy cây bút bi, giương kính lão lên và viết liền vào mấy chỗ trống kia. Chỗ thì chữ “vi nhét”, chỗ thì chữ “hoa đào”. Chỗ “thủng” hơi to thấy ông “lia” vội câu đố:
Phần đầu tôi mệt lắm rồi
Phần đuôi lặng lẽ
giúp người che thân
Nếu ai đem ghép hai phần
Tôi kêu một tiếng xa gần biết tên
Sau đó ghi thêm chữ “là chữ gì?” trong ngoặc đơn và tiếp chữ “xem giải đáp trang...”
Ông lật đi lật lại bản “bông” và tìm ra một chỗ “thủng” khác để “lia” bút viết lời giải đó: Pháo (ph: mệt phờ + áo = pháo).
Đoạn ông bỏ kính, cất bút trao bản “bông” cho người khách và bảo “ổn chưa?” Người nọ chỉ biết “dạ” và guồng xe trở lại nhà in…
Lại lần khác, biên tập viên tờ báo nọ đến đặt Thanh Tịnh viết bài cho số báo tất niên. Anh ta thưa với nhà thơ rằng ông là một tác giả viết nhanh, luôn đúng hẹn, lại là người “sáng lập” ra mục “những đoạn văn ngắn” của tờ Văn nghệ Quân đội và đặt vấn đề với ông viết cho một truyện ngắn. Anh biên tập viên tin rằng với thời gian “cần”, “gấp” nhất định nhà thơ sẽ có truyện ngắn để đăng. Nghe xong Thanh Tịnh bảo: “Sao không đặt mình viết truyện dài?”. Người khách nọ: “Dạ sợ bác không đủ thời gian ạ”. Nhà thơ cười: “Vậy ra, theo anh làm một cái đồng hồ nhỏ và chạy tốt lại dễ hơn làm cái đồng hồ to à?”…
Bắt chước ông, tôi cũng tập tọng viết báo, mà chủ yếu là viết báo Xuân, báo Tết (có lẽ vì nhuận bút khá hơn báo ngày thường). Có năm, dường như tôi góp mặt trên hầu hết các báo Tết từ Bắc vào Nam, từ báo Nhi đồng tới báo… Nhân Dân. Có Tết tôi mang “khoe” với ông cụ có bài cùng nhà thơ lão thành trong một số báo. Tưởng được ông khen, không ngờ ông hạ một câu nhớ đời “Cứ Tý, Sửu, Dần , Mão, Thìn , Tỵ…miết ! Có khi anh là nhà báo của 12 con vật”! Thì ra năm nào, tôi cũng kể chuyện một con vật thật. Năm ấy tôi viết bài “Năm Dần kể chuyện ông Ba Mươi”!
Trong bài “Sư phụ Thanh Tịnh là báo Tết” in trên Văn Nghệ số Tết năm 2000 (Canh Thìn) tôi viết “Ðược ở gần ông ngót chục năm tôi biết ông là một “tỷ phú”, là một người giàu có. Không phải ngẫu nhiên mà anh em báo chí văn nghệ ở “phố nhà binh” gọi ông là “pho tự điển sống” là “bậc huynh trưởng”. Ông không chỉ viết báo Tết, làm báo Tết giỏi mà còn chỉ cho nhiều nhà báo trẻ cách viết báo, làm báo Xuân một cách rất cụ thể, như thầy trò, như bầu bạn như đồng nghiệp… Thanh Tịnh là vậy, làm báo, viết báo, kể cả báo Tết báo Xuân cái gì cũng cứ nhẹ tênh tênh nhưng để theo ông, học ông thật chẳng dễ chút nào. Ðôi khi chỉ là để hiểu ý ông thôi mà mươi năm, mà cả đời người vẫn chưa làm được”.
Cũng quanh chuyện Thanh Tịnh làm báo, tôi nhớ nhà văn hóa Vuơng Trí Nhàn trong bài “Thanh Tịnh - cuộc đời Ngậm ngải tìm trầm” viết: “Năm sớm năm muộn xê xích chút ít nhưng nói chung hàng năm cứ đến khoảng cuối tháng mười một, đầu tháng chạp dương lịch, khi những chiếc lá bàng chuyển dần từ màu xanh sang màu đồng điếu, thời tiết bắt đầu ngả hẳn sang mùa đông, trời đất thấm lạnh đôi khi có thể giá rét thấu xương - thứ rét ngọt như người ta vẫn nói - thì cũng là lúc dân làm báo Hà Nội chúng tôi bắt tay vào một công việc thuộc loại vất vả trong năm là chuẩn bị những số báo Tết.
Ðời làm báo những năm chống Mỹ, dù không tất bật và lúc nào cũng bị ám ảnh bởi một cuộc cạnh tranh sôi động như thời kinh tế thị trường hiện nay, song so với nhiều nghề khác trong guồng máy làm các ấn phẩm có liên quan đến chữ nghĩa thì cũng là bận rộn hơn hẳn. Lo làm dâu thiên hạ mà! Tháng nào tuần nào cũng phải tự trình diện trước dư luận và cấp trên tất cả phong độ của một kẻ đứng đắn và thành thạo trong làm nghề cũng mệt lắm chứ. Nữa đây là báo tết! Ở tạp chí Văn nghệ Quân đội nơi tôi đã công tác những năm ấy, có lệ mỗi lần Tết đến, mọi phóng viên trong tòa soạn phải góp một bài để số báo có chất lượng. Thơ thẩn còn không ngại, chứ đến truyện ngắn và các mục râu ria như giai thoại, thơ vui, câu đối cùng nhiều thể tài gọi là tạp nhạp khác, thì quả thật viết đã khó, mà chạy ra bài lấp đầy các số báo cũng không dễ. Hình như hồi ấy, chúng tôi thường bận tâm vì những suy nghĩ nghiêm trang nên tay nghề xoàng xĩnh và không biết làm hàng như về sau này. Bởi vậy vừa dọn dẹp bài vở cho số Tết, vừa nhăn nhó và cứ nghĩ đến việc phải vẽ vời cho ra được dăm ba bài chọc cười mọi người, nhưng đã thấy lúng túng, bụng bảo dạ mình thì làm cho ai cười được vì có ai làm cho mình cười được đâu…
Mọi người đều khó khăn khi viết …Những lúc ấy nhà văn Nguyễn Minh Châu thường nhìn cánh “trực biên tập” (tức là đang lo dựng các số báo) một cách thương hại và tủm tỉm: “Trông kia kìa chắc cụ Thanh Tịnh đã viết được vài bài rồi, giờ lại đang viết tiếp đấy. Tết năm ngoái đọc sơ sơ các báo, mình đếm chắc chưa đầy đủ mà đã có đến chục bài ký tên Thanh Tịnh. Ở nhà này về khoản làm báo cánh cầm bút lớp sau cứ gọi là xách dép cho cụ Tịnh cũng không đáng”! (Vương Trí Nhàn “Một cuộc đời: Ngậm ngải tìm trầm” tạp chí Diễn Ðàn Văn Nghệ Việt Nam xuân Canh Thìn, 2000)…
Sau khi tác giả “Quê me” trở về yên nghỉ nơi quê mẹ (1988), để tri ân sư phụ tôi có soạn hai cuốn sách về ông. Cuốn “Thanh Tịnh qua giai thoại” (Nxb QĐND, 1991) và cuốn Thanh Tịnh -Văn và Đời (Nxb Thuận Hóa - 1996 ). Sách in ra , tôi lại nghĩ với ông cụ, tri ấn thế vẫn là chưa đủ!
Ngồi góc cây hồng
Ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội ngót ngét 40 năm, tôi qua hầu như tất cả các cấp hàm, từ một anh trung sĩ nhất đến ông đại tá “kịch đường táu”; từ chân “phụ biên tập” (chưa phải Biên tập viên), thư ký Ban biên tập (không phải Thư ký tòa soạn như các nhà văn Hải Hồ, Lê Lựu trước đó) đến Trợ lý Tổng biên tập (cho tướng Dũng Hà)... toàn những chức danh không có trong biểu chức danh của quân đội, không có phụ cấp…rồi cứ thế mà tà tà đi lên! (chứ làm gì có chuyện “đánh đùng một phát”, như nhà thơ đàn anh viết dưới đây!). Năm tôi được Quân đội giao cho việc phụ trách tờ Tạp chí, nhà thơ Trần Nhương có bài thơ vui tặng tôi đăng trên trang trannhương.com - một tờ báo điện tử văn học khá có uy tín và được nhiều người xem khi ấy, sau này được đưa vào tập “Khúc khích với văn nhân “ (Nxb Hội Nhà văn, 2016). Bài thơ có đoạn:
…Nẻo vào văn học nhấp nhô
Dọc đường nhặt những chuyện thơ, chuyện đời
Phê bình văn học khơi khơi
Ăn theo các cụ lên đời quan văn
Tưởng rằng muôn khó ngàn khăn
Đánh đùng một phát yếu nhân nể vì …
Nhà văn đàn anh viết bài thơ có đưa tên một số cuốn sách của tôi (Nẻo vào văn học, 1993; Chuyện nhặt dọc đường văn, 1994; Chuyện thơ, chuyện đời, 2003…) với đầy âm hưởng trào lộng, nhưng tình cảm. Bài thơ có chỗ “chuẩn”, nhưng có chỗ phải thưa lại, nói thêm. Tôi trộm nghĩ, mình chưa bao giờ làm quan (dầu rằng đó là quan văn nghệ!) và cũng chả bao giờ thành được “yếu nhân”! Yếu nhân ở “Nhà số 4”, 60 năm qua có lẽ chắc chỉ có đôi ba người, đâu phải cứ ngồi vào cái ghế Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập là thành yếu nhân ?. Nhưng “ăn theo các cụ” thì quá đúng! Kiểm điểm lại gia tài gần 50 năm cầm bút của minh với dăm ba cuốn sách, mấy mươi bài báo thấy toàn viết về chuyện cũ, người xưa, những nhà văn áo lính có số phận trớ trêu, cay đắng nhiều và thiệt thòi cũng không ít trong chiến trận và trong cả trường văn trận bút! Lắm khi nghĩ lại, thấy mình như một thủ từ trong ngôi đền văn học “Nhà số 4”, lại như một người quan họ quê nhà “ngồi gốc cây hồng” lượm cánh hoa rơi. Tôi có cuốn sách “Chuyện nhặt dọc đường văn” và cuốn “Ngồi gốc cây hồng” mà. Sách toàn những chuyện nhặt được dọc “phố nhà binh”, dưới gốc đại “Nhà số 4” có lẽ là do duyên tiền định của kẻ “ngồi gốc cây hồng”, “ăn theo các cụ” !