Nhà văn Đoàn Tuấn: Cúi xuống cuộc đời

Cẩm Thúy (thực hiện) 13/08/2019 09:08

Nhà văn Đoàn Tuấn được biết đến ở nhiều “vai”, ông viết văn, làm thơ, viết kịch bản điện ảnh, viết lý luận phê bình điện ảnh, giảng dạy ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và làm báo … Nhắc đến ông là nhắc đến những câu thơ, những trang văn thấm đẫm tình yêu Tổ quốc, tình yêu và món nợ nghĩa tình với đồng đội, với những người lính không trở về sau chiến tranh.

Ông từng có 5 năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia và viết những câu thơ về những người lính hy sinh ngoài biên giới đầy xúc động: “Nằm bên ngoài Tổ quốc dưới mưa rơi/ Tôi không thể sống thiếu người đã mất/ Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi”… Họ đã hoá thành đất, đất bên ngoài Tổ quốc: ‘’Tổ quốc nặng sâu hơn bởi tình yêu mảnh đất/ Đất bên ngoài Tổ quốc! Việt Nam ơi!’’. Đặc biệt là cuốn tiểu thuyết “Mùa chinh chiến ấy” của ông – một cuốn sách vừa bi tráng vừa hào hùng về số phận những người lính Việt Nam trên chiến trường Campuchia trong những năm 1978 – 1983 khốc liệt, được viết bằng những trang văn đẹp, chân thực và sống động. Nhà văn Đoàn Tuấn cho rằng thơ văn hay điện ảnh về những hiện thực dữ dội thì phong cách thể hiện vẫn phải là những trang viết đẹp, hình ảnh đẹp. Mà sự thật thì tự thân nó đã tạo ra vẻ đẹp.

Nhà văn Đoàn Tuấn: Cúi xuống cuộc đời

PV: Thưa ông, có ám ảnh quá không khi chúng ta vẫn tiếp tục kể những câu chuyện về chiến tranh?

Nhà văn Đoàn Tuấn: Ngay cả trên thế giới, chúng ta xem thì thấy mỗi năm các nước phương Tây vẫn làm 7,8 phim về chiến tranh. Vừa mới năm 2017, cô đạo diễn người Mỹ Sofia Coppola làm bộ phim về chiến tranh dựa theo cuốn tiểu thuyết được dịch ra tiếng Việt bằng cái tựa đề rất sến là Những kẻ khát tình, (The Beguiled) đã được giải đạo diễn xuất sắc ở Liên hoan phim Cannes. Đề tài chiến tranh không bao giờ cũ, quan trọng là kể thế nào.

Vâng, tự mình ông có thể nói về cách kể của mình? Có phải sự sống động và chân thực trong “Mùa chinh chiến ấy” là bởi vì nó được kể bằng góc nhìn của một nhà văn ở trong cuộc chiến ấy, đi ra từ cuộc chiến ấy?

- Tôi chỉ kể sự thật. Tôi là một người lính đã từng ở chỗ tận cùng của chiến tranh. Tôi nhìn chiến tranh của người đã từng chạm vào máu, chạm vào cái chết, chạm vào vết thương, chạm vào những con giòi trên vết thương, chạm vào từng mảnh thịt đồng đội lúc nhặt nhạnh, sắp xếp lại… Đấy là hiện thực chiến tranh chứ không phải chiến tranh như nhiều người miêu tả, với cách nhìn của người đứng từ trên cao nhìn xuống. Tiểu thuyết của tôi có độ chân thực, có nhiều chi tiết. Chi tiết và chân thực làm nên sức sống, cái hồn của tác phẩm. Khi viết tôi không né cái gì cả, nhiều người viết còn né cái này cái nọ. Mình né là có lỗi với đồng đội, là mình trở thành người hèn. Tôi là người học về điện ảnh và những bài học về điện ảnh nhắc tôi về sự dũng cảm của người viết, tôn trọng hiện thực, tôn trọng sự thật. Chính sự thật tạo ra vẻ đẹp, chứ viết giả dối thì dù có khéo thế nào thì người ta vẫn nhận ra. Chỉ có vẻ đẹp của sự thật tỏa ra mới có sức thuyết phục rất mạnh mẽ.

Vâng, nhưng làm thế nào để những trang văn về chiến tranh đủ sức lôi cuốn bạn đọc của ngày hôm nay?

- Một câu chuyện hay, một tác phẩm hay là phải tìm ra cái nhạc điệu trong câu văn, nhịp điệu của giọng văn lôi người đọc vào câu chuyện này. Đồng thời nó phải phù hợp với thời đại, không khí và sức sống của hôm nay. Tiểu thuyết về chiến tranh mà lại vẫn phải là hơi thở và sức sống của hôm nay. Trong viết văn, giữa những dấu chấm phải có nhạc điệu, giai điệu của câu văn. Viết về chiến tranh bây giờ phải khác văn học chống Pháp, chống Mỹ, nghĩa là vẫn phải đủ sự trẻ trung, hấp dẫn. Nhịp điệu của trận đánh, của tiếng súng nổ, của rừng núi của địa hình, của giao thông hào, đồi núi sông suối đều có nhịp điệu riêng… phải làm cho ra tất cả, tất cả những cái đó đều là âm nhạc. Tiếng súng nổ, tiếng hô xung phong, bước chạy, bước ngã đều là nhịp điệu của trận đánh. Mà trong chiến tranh thời tiết nắng mưa cũng là âm nhạc. Tôi thấy mừng vì các bạn trẻ vẫn đọc tác phẩm của tôi. Vừa mới sáng nay có một bạn trẻ đã gọi điện nói rằng bạn ấy đã đọc “Mùa chinh chiến ấy” và thấy rất hấp dẫn.

Cho đến nay, ông cảm thấy rằng còn nhiều điều chưa viết hết không, nghĩa là vẫn còn mắc nợ đồng đội mình?

- Tôi đã viết ra được những điều mình cảm nhận, những điều mình nhìn thấy bằng mắt, những hiện thực mà mình đã trải qua. Nhưng vẫn còn có những câu chuyện phấn đấu bao nhiêu năm trời vẫn chưa viết ra được. Chiến tranh là 1 vòng tròn, mỗi con người trong cuộc chiến ấy cũng đều là những vòng tròn, những vòng tròn có một điểm đồng tâm là những suy nghĩ của con người trong chiến tranh nó phức tạp lắm. Đồng đội của tôi có những người vào lính tới 30 năm mà phía sau họ là gia đình cho tới tận ngày hôm nay vẫn còn đói nghèo. Thử hỏi họ suy nghĩ gì? Những người lính tuổi quân bằng tuổi đời của tôi mà vị trí của họ vẫn rất thấp, họ nghĩ gì. Trong chiến tranh còn có cả những người đào ngũ, những người tự sát... Một cuộc chiến không phải người lính chỉ đối diện với quân thù, họ đối diện với phía sau, với chính họ nữa. Tôi nghĩ rằng mình vẫn phải có trách nhiệm viết, mình không viết thì ai viết.
Rồi vấn đề hậu chiến. Những người lính trở về, nhưng vì họ lớn lên trong rừng, trưởng thành trong lòng đất, sống cuộc sống trong chiến tranh trái ngược với đời thường, cả tuổi trẻ trui rèn trong lửa đạn, nên đến lúc về đời thường bỡ ngỡ. Họ hay bị đứt gãy, họ hay gặp bi kịch.

Cũng là một người lính trở về, khi ngồi giữa những người đồng đội, ông có tự thấy mình là người may mắn không?

- Vào các buổi tối, bạn bè vốn cùng đi lính cũng đến nhà tôi chơi. May mắn nhất của tôi là được sống và kể lại cho mọi người những câu chuyện về bạn bè mình, đồng đội mình, cuộc đời họ đẹp thế kia mà. Mà kể làm sao, làm rõ từng cuộc đời một cách sâu hơn, cảm động hơn, rõ ràng hơn. Tôi thích lời một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Cúi xuống cuộc đời cúi xuống thật gần…. Tôi không thích kể về cuộc đời một cách đại khái qua loa. Đối với một đất nước có hàng nghìn người lính hy sinh nhưng với mỗi gia đình thì mỗi một người lính hy sinh là cả một nỗi đau rất lớn.

Tôi đã viết một câu chuyện nhỏ “Dưới nấm mồ kia không chỉ có một người”. Chuyện kể về câu chuyện gia đình bạn tôi ngay ở phố Đồng Nhân. Khi anh ấy hy sinh, vài tháng sau vì đau buồn quá mà ông bố qua đời. Bà mẹ lúc đã 80 tuổi vẫn ước vọng đưa được hài cốt con về. Tôi đi quyên góp được 50 triệu, đưa bà mẹ đi đưa hài cốt con về. Khi vào đến biên giới Tây nam, bà cụ khi nhìn thấy mộ con đã quỳ xuống mà khấn thế này: Con ơi, từ khi con hy sinh, các em con hư hỏng cả… Đau lắm. Các em anh ấy đứa thì nghiện hút, đứa vào tù… Một người hy sinh không chỉ một người nằm đấy mà cả gia đình nằm ở dưới nấm mồ ấy.

Thưa ông, với tư cách một người đã đi qua chiến tranh, tư cách của một nhà văn, ông nghĩ gì về chủ quyền đất nước những ngày này?

- Sáng nay tôi mới viết thế này. Hải quân Việt Nam chưa thực sự mạnh như chúng ta mong muốn. Một đất nước có bờ biển dài như nước ta phải có một hạm đội hải quân lớn hơn nữa. Muốn chống chiến tranh thì phải chuẩn bị chiến tranh, là xây dựng một quân đội vững mạnh, hải quân vững mạnh. Chủ quyền đất nước phải được giáo dục bằng những bài học lịch sử, kể cho thế hệ trẻ những câu chuyện hay về lịch sử. Nếu chúng ta không tự kể thì đã tự làm cho những bài học lịch sử trở nên nghèo nàn đi, học sinh chán học lịch sử. Đặc biệt, lịch sử Việt Nam rất hay, rất hấp dẫn nhưng chúng ta chưa biết kể lịch sử. Lịch sử là những câu chuyện, có tình tiết, có cao trào v.v…. Nhưng chúng ta chỉ nhăm nhăm liệt kê...

Là một nhà biên kịch đã từng học điện ảnh ở Liên Xô (cũ), điện ảnh có ảnh hưởng như nào trong phong cách viết truyện ngắn và tiểu thuyết của ông?

- Tôi luôn thích những câu chuyện có cái kết bất ngờ. Chính điện ảnh dạy tôi về cái kết bất ngờ. Cả truyện ngắn mình dồn câu chuyện đi một hướng, đến lúc kết thì theo một hướng khác. Ở Việt Nam tôi đã đọc được cái kết bất ngờ trong truyện ngắn “Tình nghĩa giáo khoa thư” của nhà văn Sơn Nam... Ở nước ngoài nhiều nhà văn viết theo phong cách này như truyện ngắn của Maupassant, O’Henry... đều gây cho người đọc bất ngờ. Chính điều đó là chất liệu rất tốt cho điện ảnh. Cái kết của cả truyện ngắn và của từng đoạn làm nên vẻ đẹp của câu chuyện, điện ảnh dạy cho tôi làm sao mình phải viết mà người đọc tin được, cảm thấy có mình trong đó.

Làm nhiều công việc khác nhau ông tự thấy mình hợp và xuất sắc hơn cả ở vai trò nào?

- Dù làm gì thì tôi vẫn thích viết văn nhất. Nhưng khi làm mỗi công việc tôi đều cố gắng tìm ra đặc trưng của từng thể loại. Khi tôi viết báo khác, khi làm phê bình khác, khi là nhà biên kịch cũng khác… Nhưng đồng thời những công việc ấy cũng giao thoa bổ sung cho nhau. Tôi thích viết văn vì mình có thể viết ra những câu chuyện đẹp bằng một thứ văn chương chân thực, dù có gồ ghề đi chăng nữa…

Trong lúc nói chuyện ông có nhắc đến nền điện ảnh của chúng ta còn kém. Nhưng riêng ở lĩnh vực điện ảnh, thì phải nói thẳng thắn là ông cũng có ít nhiều trách nhiệm đối với nền điện ảnh nước nhà, vừa ở góc độ là người thầy đào tạo ra những lứa sinh viên điện ảnh vừa là trách nhiệm của một người làm lý luận phê bình điện ảnh, lại là Phó Tổng biên tập một tờ tạp chí chuyên ngành. Tôi nghĩ rằng trong cái sự được hay không được của nền điện ảnh, không thể nói là ông “vô can”!?

Đó là cái buồn của tôi. Tôi làm công tác giảng dạy mấy chục năm nay nhưng tôi không thể làm được gì nếu sinh viên không chịu đọc, không chịu xem, không có đủ kiến thức nền tảng cần thiết. Sinh viên phải đọc nhiều, xem nhiều rồi mới lĩnh hội được những thứ chúng tôi dạy. Vì nghệ thuật điện ảnh sinh sau đẻ muộn, nó tiếp thu những tinh hoa của văn học, sân khấu, hội họa… rất nhiều. Sinh viên hiện nay không đọc, không xem, không có nền tảng kiến thức cần thiết. Họ không thể làm được một bộ phim theo đúng nghĩa là phim, mà chỉ làm ra những thứ na ná như phim, kể cả trong lĩnh vực phim tài liệu, hoạt hình …

Ồ thầy Đoàn Tuấn, thầy có bi quan quá không khi nói về lớp trẻ? Thực ra tôi thấy cũng đã xuất hiện những lớp thế hệ trẻ làm điện ảnh tạo được dấu ấn. Nhất là trong các dòng phim độc lập?

- Những lớp trẻ mà chị nói đến ấy, đúng là khi làm phim thì họ rất thông minh. Nhưng hay copy của nước ngoài, những cảnh, những đoạn, rồi cả cốt truyện nữa... Phần lớn là những cái phim mang tính chất giải trí. Còn nếu đích thực là điện ảnh nó phải nói gì? Nó phải là những bộ phim toát lên được vẻ đẹp con người Việt Nam, vẻ đẹp văn hóa Việt Nam. Và mang những câu chuyện này đi khoe với thế giới về con người Việt Nam đẹp thế này đây, hay thế này đây… Những phim có chiều sâu văn hóa thì họ không làm được. Phần lớn họ làm những bộ phim thị trường thôi. Mà mỗi người ấy cũng chỉ được 1, 2 phim rồi họ lại tắt ngấm, vì họ không có chiều sâu văn hóa. Thực sự người làm phim họ phải có kiến thức về âm nhạc, về điện ảnh, tạo hình, về cấu trúc… những kiến thức rất lớn. Của mình không có một đạo diễn trẻ nào đủ tầm như vậy cả. Vì họ không chịu học, học khó quá. Họ học không vào.

Chẳng lẽ trong số những người làm phim hiện nay, ông không thấy được một vài gương mặt thực sự nổi trội hay sao? Chúng ta có thể kể ra vài cái tên đạo diễn cứ tạm gọi là trẻ đi đã từng có phim được giải quốc tế.

- Thực ra tôi thấy 1 hãng phim muốn tồn tại được phải có thời gian ít nhất là 20 năm. Một đạo diễn muốn tồn tại được, đánh giá được và đứng được phải có ít nhất hơn chục phim. Của mình thì không có. Họ làm được 2,3 phim rồi không tiến lên được nữa. Tại vì thế này, tôi lấy kinh nghiệm của thế hệ trước, khi làm phim thì đồng thời họ làm tiền, họ nghĩ đến kiếm tiền nhờ vào dự án phim. Rất nhiều người họ dùng điện ảnh như cái phao để bơi qua dòng sông kinh tế của họ, chứ họ không đủ tâm huyết để sống chết với nó.

Nhà văn Đoàn Tuấn: Cúi xuống cuộc đời - 1

Thời buổi này sự nổi tiếng nó dễ hơn thưa ông. Người ta hầu như không phải đợi lâu. Ví dụ như một đạo diễn thời nay có khi chỉ làm một bộ phim là họ đã trở nên nổi tiếng và từ sự nổi tiếng ấy, họ bám vào đó để làm những dự án kinh tế khác, có khi không liên quan đến điện ảnh. Với lại với dòng phim độc lập để có một dự án phim được thực hiện rất khó vì vấn đề kinh phí nên chắc rất khó để thời nay có một đạo diễn có thể được làm tới hàng chục bộ phim. Nhưng còn sự đánh giá của quốc tế thì sao, theo ông những giải thưởng quốc tế mà một số bộ phim Việt Nam giành được vừa qua nó có ý nghĩa như thế nào?

- Thực ra trào lưu làm phim như của một số đạo diễn trẻ ở Việt Nam rồi mang đi dự giải quốc tế như vừa qua xuất hiện ở Trung Quốc nhiều lắm. Một số nhà tài trợ phương Tây họ tài trợ cho những người trẻ làm phim để nói về mặt trái đất nước cộng sản này, để mang đi thi quốc tế cho họ. Tức là những nước phương Tây họ rất cần các đạo diễn ở những nước phương Đông làm những bộ phim về góc khuất của những xã hội ở đó. Đấy cũng là trường hợp của rất nhiều đạo diễn ở Nga, Sec, Rumania… Những bộ phim có tính chất tố cáo xã hội như thế đều được phương Tây đánh giá cao. Tức họ cho tiền làm để phơi bày những hiện thực xã hội. Nên đừng ảo tưởng khi phương Tây họ cho mình cái gì. Cũng đừng ảo tưởng mình nói hiện thực như thế là tốt đâu. Không phải. Cái tốt là cái gì? Là con người Việt Nam đẹp, vô cùng đẹp. Phải có văn hóa đẹp. Chẳng hạn phim “Đường về nhà” của Trương Nghệ Mưu. Cô gái cầm bát bánh chạy đi theo người yêu của mình, giữa đường bị ngã vỡ bát. Cô nhặt từng mảnh vỡ về. Người bà gọi ông thợ đến hàn cái bát này lại. Và cái bát mang một vẻ đẹp mới. Họ khoe cái gì, khoe nghề thủ công Trung Quốc, khoe họ tiết kiệm thế này, thế kia. Chi tiết nghệ thuật này còn hàm ý thông báo cho người xem, rằng tình yêu của đôi trẻ này sẽ có hậu. Đạo diễn bậc thầy là người ta làm phim ca ngợi người Trung Quốc đẹp thế cơ mà. Sao mình không làm được? Cái mặt tốt đẹp nó bị bao phủ nhiều thứ lắm, phải làm ra được cái phần cao đẹp ấy. Tôi đi rất nhiều địa phương, gặp rất nhiều nhân vật, họ đẹp vô cùng. Điện ảnh hay văn học phải nói về cái đẹp đấy.

Đến đây thì tôi tò mò là một người duy mỹ như ông, trọng cái đẹp, thì tình yêu có vai trò như thế nào trong sáng tác?

- Anh muốn thay đổi thế giới, thì anh hãy về yêu vợ con anh. Anh muốn trở thành người vĩ đại, anh phải trở thành ông bố tốt của đứa con anh đã... Đấy tôi quan niệm về tình yêu như thế. Còn tình yêu hiện nay tôi có cảm giác người ta hay đơn giản hóa nó đi. Thực ra để yêu được một người, yêu gia đình, yêu cuộc sống thì cái điều quan trọng là phải hy sinh cho nhau nhiều. Mình phải chấp nhận tất cả những cái xù xì ngoài cái hồng hào, mình phải tìm được cái gì là nguyên nhân xù xì, những cái khúc mắc của sự xù xì này, và mình làm sao nhìn nó bằng cặp mắt khoan dung độ lượng. Thì như thế, mọi chuyện đều chấp nhận được. Ngay bông hoa cũng thế, khi rụng xuống rồi mình cũng nhìn thấy vẻ đẹp của nó trong sự tàn úa.

Ông có sống khác với xung quanh không, khi mặc nhiên trong quan niệm về nhiều nghệ sĩ hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, người đời luôn nghĩ họ phải yêu thật nhiều?

- Không. Không phải tôi không rung động trước những vẻ đẹp. Nhưng tôi nhìn cái cây rất nhiều hoa, tôi phải tìm xem tại sao cái hoa này đẹp thế này? Nó có một bộ rễ, tại sao nó hút đất ở đâu mà nó đẹp thế, và mình thấy là những cái rễ tự nó ra trong đất thì nó mới đẹp thế này. Nghĩa là một bông hoa đẹp thì nó phải có cái gì đó thật sâu sắc. Phải nhìn thấy vẻ đẹp của nó bắt nguồn từ đâu. Tôi cũng hay ngồi nghĩ về cái cây, con người, bông hoa, vẻ đẹp… thì chính những cái nó ở tận cùng lặn lội trong đất làm nên vẻ đẹp này. Và trong cuộc sống của con người, trong một gia đình chẳng hạn thì tình yêu ở trong bếp. Hiểu được điều này, thì sẽ thấy người phụ nữ hy sinh nhiều lắm.

Có một câu chuyện ngụ ngôn tại sao thượng đế không lấy xương đầu làm Eva, vì người phụ nữ không lãnh đạo đàn ông được. Tại sao không lấy chân tay được? Vì người phụ nữ không thể làm nô lệ đàn ông được. Tại sao lại lấy xương sườn? Vì người phụ nữ luôn cần được che chở. Bà thủ tướng cũng cần một ông chồng che chở chứ? Thì trong gia đình, người đàn ông phải che chở cho người phụ nữ.

Ở các nhà cổ ngày xưa, giường của người vợ ở đằng sau, giường ông chồng ngủ ở lối ra vào để ngăn những điều xấu vào trong nhà mình, và ngăn những điều trong nhà mình ra ngoài. Tình yêu nó có từ nghìn năm nhưng nó phải nối tiếp, có được nhìn nhận đó thì nó dễ chịu hơn, và thông cảm với nhau hơn, chứ không phải đòi hỏi. Tình yêu trong gia đình là phải hy sinh cho nhau rất nhiều.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Đoàn Tuấn: Cúi xuống cuộc đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO