Thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với một đất nước, một dân tộc, một con người là chiến tranh. Dân tộc ta đã từng trải qua thời chiến với nhiều vinh quang và cũng quá nhiều mất mát, hi sinh.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh.
PV:Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh, trong những ngày cả nước căng mình chống dịch Covid-19, hình ảnh người lính với những lều lán dã chiến dọc dài biên giới đã gợi cho ông cảm xúc đặc biệt nào?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Người lính thì lúc nào cũng thế. Tôi có cảm giác như thấy tuổi hai mươi của mình đang hiện ra. Vất vả. Gian lao. Thiệt thòi. Mất mát. Hy sinh tính mạng, hy sinh cả tình cảm cá nhân.
Những ngày này, nhân loại có tới 2 tỷ người không dám ra khỏi nhà; đất nước ta cách ly hoàn toàn xã hội, nhà nọ không sang nhà kia, thôn nào ở yên thôn đó, xã nào ở xã đó, huyện nào ở huyện đó, tỉnh nào ở tỉnh đó, thì những người lính biên phòng lại phải đến chốt chặn kiểm soát kiểm dịch phòng chống virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Xa trung tâm thị tứ, thị trấn, nhiều tổ, chốt chặn biên phòng xa nơi dân cư. Chỗ thì giá rét, nơi thì nắng nóng. Đồng không mông quạnh. Rừng núi hoang vu. Lúc mưa, mưa lắm, sạt núi lở đồi. Khi nắng, nắng quá, cỏ cây héo queo, ngựa thở hồng hộc. Ở lều bạt dã chiến, lều cỏ, mắc võng ngủ rừng. Tất cả, cũng vì sự an toàn, trật tự, bình yên suốt dọc dài biên ải Tổ quốc.
Bằng những trải nghiệm của mình, ông đánh giá thế nào về những chốt chặn nơi biên cương trong cuộc chiến chống lại Covid-19 lần này?
- Rất cần thiết. Rất hiệu quả. Và không thể không làm. Nhiệm vụ của họ là chốt chặn kiểm soát người qua đường biên cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, và đưa về khu cách li phòng chống virus SARS-CoV-2.
Hãy hình dung: Biên giới nước ta với ba nước bạn núi liền núi, sông liền sông, đồng ruộng liền ruộng đồng, ngoài cửa khẩu chính, đường tiểu ngạch, thì còn hàng vạn lối đi, đường mòn, thậm chí chẳng cần lối đi cũng có thể đi bộ sang được. Khi nước ta kiểm soát được dịch Covid-19, đặc biệt số người chữa khỏi ngày càng tăng và đến lúc này không có người nào chết, thì người Việt xa xứ có nhu cầu tìm về quê hương rất đông, vừa là nhu cầu an toàn sức khỏe, vừa là nhu cầu sưởi ấm tình cảm người thân lúc dịch bệnh.
Nếu không tuần tra, chốt chặn, những người nhập cảnh trái phép sẽ giấu mình, lặng lẽ, âm thầm hòa lẫn vào cộng đồng. Vô tình phát tán virus Corona, nếu như họ dương tính, mà chính họ cũng không biết. Các tổ tuần tra, chốt chặn sẽ kiểm soát, yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt, và đưa họ về khu cách li theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp. Kiểm soát dịch từ xa, từ biên giới thì hạn chế lây nhiễm cộng đồng, an toàn sức khỏe càng cao.
Thưa ông, nhiều người lính, vì nhiệm vụ được giao, đã không thể về nhà trong suốt thời gian qua. Thậm chí, có người, con ốm, vợ đẻ, cha mất cũng không kịp về nhà, mẹ nhập viện cũng không về chăm sóc được?
- Vâng! Ở chốt chặn số 3 xã Thạnh Trị (Kiến Tường, Long An), trung úy Nguyễn Đình Thông bố mất không về được.
Ở chốt chặn Hong Lúa thuộc đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập - Sơn La, thiếu úy biên phòng Bùi Quang Huy đang ngủ thì giật mình thức giấc. Linh tính chẳng lành, gọi điện thoại về nhà thì mẹ bảo: “Huy ơi, con ơi, ba mất rồi”. Anh cũng không về chịu tang cha được.
Binh nhì Trần Đức Chung ở Đại đội 4 - Trung tâm huấn luyện Bộ đội Biên phòng đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, cha mất cũng không về được.
Bàn thờ vọng cha được đồng đội lập tạm giúp họ ngay nơi đang công tác. Khăn tang xé từ vải quân y. Bát hương. Hoa tươi. Khói nhang nghi ngút. Nghẹn ngào. Tưởng nhớ. Họ không thể về nhìn mặt cha lần cuối. Thời bình, người lính vẫn chịu những thiệt thòi, hi sinh cá nhân thầm lặng như thế!
Từ góc nhìn của nhà văn, ông có thể nói gì về những hi sinh thầm lặng ấy?
- “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”. Tôi đã từng trải nghiệm nỗi đau buồn khi cha mẹ mất, thấm cái cô đơn trơ trọi lắm. Cha mẹ mất chấn động tư tưởng, tình cảm đời sống lắm. Lúc bình thường, mải làm ăn, công tác, hoặc do điều kiện công tác ít khi nghĩ đến, hoặc nghĩ đến cũng ít có điều kiện quan tâm chăm sóc người sinh thành nuôi dưỡng mình. Cán bộ chiến sĩ biên phòng ở biên ải xa nhà thì lại càng không có thời gian chăm sóc cha mẹ. Lúc cha mẹ chết là mất mát chia ly hiện hữu. Lúc đó, mới thấy mình mồ côi. “Nghĩa tử là nghĩa tận” hiểu theo cái nghĩa là dịp cuối cùng biểu hiện hành động và tình cảm với người vừa khuất thì ai cũng muốn về nhà. Vậy mà, không được về chịu tang, không được nhìn mặt cha mẹ lần cuối do nhiệm vụ. Ai đã từng không ở bên cha mẹ khi mất, thì mới chia sẻ được!
Trong hơn 3 tháng chống dịch Covid-19 vừa qua, chỉ riêng lực lượng biên phòng còn có hơn 30 cán bộ hoãn cưới vợ và hơn 20 người không về được nhà lúc vợ vượt cạn. Sự hi sinh tình cảm cá nhân này to lớn, rất khó đong đếm được.
Chuẩn bị bữa cơm chiều ở Đồn Biên phòng Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai).
Thưa ông, sự hi sinh của những người lính, ở chiến trường tiếng súng và ở chiến trường chống dịch có gì giống và có gì khác?
- Giai đoạn chiến tranh, có thời gian tiền tuyến với hậu phương đều là chiến trường. Bom Mỹ táng khắp nơi ở miền Bắc. Hậu phương cũng máu đỏ, cũng ác liệt như phía trước. Chỉ có điều người lính ở chiến trường thì trực tiếp đánh nhau, và gian khổ ác liệt triền miên. Cái chết nhìn thấy hàng ngày. Người lính để tồn tại, không còn thời gian để suy bì so sánh cái sự gian khổ, ác liệt, hi sinh của mình với bạn bè phía sau.
Thời bình, người lính đi chống dịch thì ác liệt, hi sinh không bằng người lính thời chiến. Nhưng, nơi ở là xa vắng, heo hút, hoang vu, rừng núi âm u, nhiều tổ, chốt chặn không có điện, tối om. Mưa nắng thất thường. Lều bạt, lều cỏ. Điều kiện ăn ở rất khó khăn. Còn phía sau là cuộc sống thường nhật, đèn sáng trưng, là cuộc sống đầy đủ, dù toàn xã hội cách li, nhưng nhu yếu phẩm, và ti vi, internet vẫn thông suốt, vẫn sống đời sống hiện đại văn minh. Người lính có cái để mà suy bì, so sánh, mà tủi thân, mà tự hào. Nếu không vững vàng, không vượt qua thử thách này thì sẽ dễ bị cám dỗ, dễ từ bỏ vị trí chốt chặn...
Trên báo và mạng xã hội vừa rồi cũng xuất hiện hình ảnh về lều lán đơn sơ, bữa cơm của những người lính thời chống Covid-19 cũng rất đạm bạc khiến nhiều người xúc động. Ông có thể nói gì về sức chịu đựng của người lính, về tính kỷ luật và tinh thần vượt khó?
- Người lính được chọn lọc và được rèn luyện để chịu đựng gian khổ, để vượt qua thử thách ác liệt hi sinh. Mỗi thời có cách rèn luyện thể lực cũng như ý chí khác nhau, nhưng về cơ bản đều phải rèn luyện để khi có chiến tranh xảy ra thì người lính đáp ứng được, thích nghi được. Điều lệnh. Rồi huấn luyện. Rèn ruyện thể lực. Mang vác. Hành quân dã ngoại đường dài. Vượt chướng ngại vật. Tuần tra. Mắc võng ngủ rừng... Một, hai tháng đầu có thể căng thẳng, áp lực lớn đối với bất cứ người nào. Đang thanh niên ở nhà với mẹ sinh hoạt tùy tiện, thích ăn thì ăn, thích thức đến nửa đêm thì thức, chín giờ sáng dậy thì dậy. Nhưng vào đơn vị phải theo các chế độ trong ngày, giờ nào thức dậy, giờ nào ăn sáng, giờ nào ra thao trường, giờ nào đi ngủ... nhất nhất theo hiệu lệnh. Chỉ 3 tháng, từ một thanh niên dân sự đã trở thành một người lính rắn rỏi, không còn bỡ ngỡ nữa. Sau 6 tháng thì đã nhiều trải nghiệm, ra dáng lính cũ, có thêm tinh thần kỷ luật thép rồi. Cho nên, các hình ảnh ở trong lều bạt, lều cỏ, mắc võng ngủ trong rừng, bữa cơm dã chiến đạm bạc..., người lính đều chấp nhận và đón nhận được hết.
Góp sức vào cuộc chiến cả nước chống Covid-19 lần này còn có lực lượng quân đội. Hình ảnh của “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn tiếp tục được nhắc tới, khẳng định. Ông có tin tưởng sức mạnh người lính trong mặt trận mới này không?
- Thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với một đất nước, một dân tộc, một con người là chiến tranh. Dân tộc ta đã từng trải qua thời chiến với nhiều vinh quang và cũng quá nhiều mất mát, hi sinh. Chúng ta có kinh nghiệm tổ chức cuộc sống thời chiến, mà chống dịch như chống giặc, thì có thể đưa kinh nghiệm tổ chức hậu cần, quân y trong chiến tranh vào công cuộc chống đại dịch thế kỷ này. Một cuộc hành quân di chuyển cả sư đoàn hàng vạn binh lính, thậm chí hành quân cơ động bằng máy bay, tầu hỏa, ô tô chở cả quân đoàn đều nằm trong phương án tác chiến khi chiến tranh xảy ra. Tổ chức hậu cần, quân y bảo đảm cho hàng vạn quân cũng là công việc của người chỉ huy. Người lính vốn được rèn luyện, khi đất nước, nhân dân cần, có thể dồn quân vào ở cùng đơn vị khác, hoặc có thể ra rừng lập lán trại dã chiến, nhường chỗ ở, nhường doanh trại cho công việc cách li.
Thực tế, trong thời gian qua, quân đội đã chủ động tham gia cách li hàng vạn người trong doanh trại nhà binh, mà vẫn “thông đồng bén giọt”, như không hề có trục trặc, trắc trở. Với hệ thống bệnh xá quân y từ cấp trung đoàn, sư đoàn, và bệnh viện từ quân chủng binh chủng... thu dung điều trị hàng vạn giường bệnh đang tham gia chương trình quân dân y kết hợp, cũng đang sẵn sàng chờ lệnh. Có thể khẳng định: Năng lực, năng lượng quân đội tham gia phòng chống dịch Covid-19 còn gấp nhiều hơn thế.
Xin cảm ơn ông!
Bàn thờ vọng cha được đồng đội lập tạm giúp họ ngay nơi đang công tác. Khăn tang xé từ vải quân y. Bát hương. Hoa tươi. Khói nhang nghi ngút. Nghẹn ngào. Tưởng nhớ. Họ không thể về nhìn mặt cha lần cuối. Thời bình, người lính vẫn chịu những thiệt thòi, hi sinh cá nhân thầm lặng như thế!