Việc ngoại tình, việc ghen tuông thời nào cũng có, nó tỉ lệ thuận với việc các đương sự vợ/chồng có biết được việc đó hay không. Thời công nghệ này tưởng kín đáo mà hóa ra tơ hơ, dễ phát hiện nhất. Và cũng là cách dễ nhất để bày tỏ thái độ- Nhà văn Y Ban
Nhà văn Y Ban.
PV: Quan điểm của chị thế nào về việc công khai mọi chuyện đời tư, gia đình lên trên mạng xã hội?
Nhà văn Y Ban: Có lẽ khi người ta không còn muốn giữ cái gọi là gia đình đó nữa. Các cụ có câu: Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Nếu chúng ta cứ đứng trên hoàn cảnh nhà mình để phán xét gia đình người khác thì sẽ trật lơ. Khi người ta đã phải công khai ra mọi nhẽ như thế có nghĩa là bước đường cùng rồi.
Thường thì khi viết ra một câu chuyện của mình, một nỗi bức xúc của mình lên Fb chị có thấy giải tỏa, nhẹ nhõm được nhiều không?
- Sự việc nào cũng có hai mặt, tấm huân chương cũng có hai mặt mà. Khi viết được hoặc nói được ra vấn đề bức xúc thì sẽ nhẹ lòng. Nhiều người không thể nói ra được lâu dần sẽ tích tụ thành một khối ung nhọt dẫn đến sự phức tạp hơn. Tuy nhiên nếu không chọn được sự chia sẻ thế nào cho phù hợp, hoặc cứ nói cho hả cơn giận thì chính là con dao hai lưỡi, gậy ông đập lưng ông, sẽ làm cho vấn đề phức tạp hơn, tổn thương người khác hoặc tổn thương chính mình. Vì đằng sau các status là các comment, mà mỗi comment là mỗi người khác nhau trên đời, người thông cảm được với mình, người không thông cảm và có khi giận dữ, họ sẽ nói lại, nói qua nói lại sẽ thành một cuộc chửi nhau thật sự chứ không chỉ là tranh luận.
Tôi thường chọn lối viết hài hước vừa giải tỏa được bức xúc lại nhận được sự đồng cảm
Từ đó, nhìn ở quan điểm đàn bà, chị có chia sẻ như thế nào với những người phải đem chuyện nhà “cơm không lành, canh không ngọt” lên mạng xã hội?
- Tôi đã nói rồi, mỗi người có một cách chia sẻ. Nếu là khi họ đã nói hết ra mọi thứ như thế có nghĩa là họ đã chấp nhận một sự thất bại và không còn muốn giữ gìn nữa. Giống như hất toẹt bát nước xuống đất.
Đó liệu có phải là một thái độ sống nên thực hiện trong thời đại mà công nghệ đã hỗ trợ chúng ta rất nhiều không?
- Việc ngoại tình, việc ghen tuông thời nào cũng có, nó tỉ lệ thuận với việc các đương sự vợ/chồng có biết được việc đó hay không. Thời công nghệ này tưởng kín đáo mà hóa ra tơ hơ, dễ phát hiện nhất. Và cũng là cách dễ nhất để bày tỏ thái độ. Tôi biết một điều: khi đã nhờ vả đến công nghệ như một thái độ sống như bạn đặt câu hỏi thì chỉ thấy phần nhiều là chia lìa chứ chả thấy hàn gắn.
Là một nhà văn viết nhiều về thân phận đàn bà, trước đây khi chưa có mạng xã hội chị có bao giờ nghĩ ra tình huống là có một cách khác để những người đàn bà giải quyết chuyện ghen tuông với nhau như bây giờ họ đang làm là công khai những câu chuyện của mình trên mạng xã hội, tạo ra những hội, những group chửi bới nhau, “bóc phốt” nhau? Những cuộc đánh ghen trên mạng mà người trong cuộc là những người nổi tiếng thì thường được lan truyền rất nhanh. Nhưng nói gì thì nói, trong lúc nóng giận mất khôn, lựa chọn việc bày ra công khai chuyện riêng, chửi bới cãi cọ người khác - chưa bàn ở khía cạnh pháp luật là không được xúc phạm, thóa mạ danh dự người khác - thì việc này có những ảnh hưởng như thế nào ở góc độ xã hội?
- So với việc cắt tóc bôi vôi, thả bè nứa trôi sông của ông bà ta ngày xưa thì mấy cái trò trên mạng nhằm nhò gì. Mua vui cũng được một vài trống canh, tại sao tôi gọi nó là trò mua vui? Thì chính xác nó chỉ là một trò vui trong muôn vàn trò vui của những người gọi là nổi tiếng kia, để đánh bóng tên tuổi, để PR cho một việc gì đó… Theo cá nhân tôi nó cũng chả ảnh hưởng gì nhiều lắm đến xã hội. Thường khi có vụ nào đấy thì các chiến binh trà lá vỉa hè sẽ rôm rả, rồi thì Fb ngập tràn những lời dạy dỗ… Ha ha…
Ở một khía cạnh nào đấy, trong những trường hợp đánh ghen trên mạng, đàn bà bất kể là đang đúng hay đang sai, có phải cũng đều rất đáng thương không chị? Có lúc nào chị đã nghĩ rằng: hỡi những người đàn ông, họ đã ở đâu khi những người đàn bà lao vào làm tổn thương nhau như thế?
- Đấy chính là sự ngu dốt của chị em nhà Ê-va chúng ta. Thay vì hợp tác với nhau để chống lại thủ phạm thì lại lao vào cắn xé nhau.
Từ những câu chuyện đánh ghen trên mạng, cần đặt ra những vấn đề gì về đạo đức và lối sống của thời buổi hiện đại này trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình?
- Có nhẽ tôi đã thuộc vào hàng ngũ âm lịch rồi nên rất khó đưa ra một nhời nào chính xác cho việc này. Bởi bây giờ các bạn ấy có kiểu sống không giống chúng tôi ngày xưa. Nhưng tôi nghĩ có thứ mà mãi mãi có giá trị, ấy là tình yêu hay hạnh phúc phải có sự vun đắp từ cả hai phía, bên nhiều hơn một ít và bên ít hơn cũng một ít thôi. Chứ cứ một bên bồi một bên lở thì chỉ như hai bên bờ của một dòng sông, chẳng bao giờ gặp được nhau. Có một điều tôi cũng cần cảnh báo: lãnh đủ nhất trong gia đình tan nát ăn miếng trả miếng nhau chính là những đứa con. Khi chúng nó trở nên hư rồi thì đến lượt cha mẹ lãnh đủ. Vì chúng ta là cha mẹ của chúng. Nếu có sự lo ngại vào về sự bất ổn của xã hội, thì đây chính là điều tôi lo ngại nhất.
Chị có định lúc nào đó viết một tác phẩm về chủ đề này không?
- Hiện tại thì chưa.
Xin trân trọng cảm ơn nhà văn!