Nhạc sĩ Quốc Long: Làm thế nào để con phát triển được tiềm năng?

Việt Quỳnh (thực hiện) 24/11/2019 12:58

Từ khi có bộ trống, Sò tự nghiên cứu tìm tòi trên Internet, Youtube và tự học. Đến năm 9 tuổi, bố mẹ đã phải suy nghĩ lại về niềm đam mê của con và quyết định mua tặng con bộ trống chuyên nghiệp, điều này đã tạo động lực cho Sò phát triển theo con đường âm nhạc.

Nhạc sĩ Quốc Long: Làm thế nào để con phát triển được tiềm năng?

Phạm Duy Anh (tên thường gọi là Sò, sinh năm 2004), là con trai của nhạc sĩ Quốc Long và BTV Phương Hiền (VOV). Năm 2016, Phạm Duy Anh cùng ban nhạc ASCENDIO đến từ trường Vinschool đạt giải Nhất Wellspring Avatar Plus Young Hit Young Beat; năm 2019 cùng ban nhạc VAKE đến từ Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội đạt huy chương Vàng Liên hoan các ban nhạc toàn quốc; giải Nhất song tấu Trống (bảng thi Duo) tại cuộc thi Drum-Off Global 2019 do Singapore tổ chức.

Nhạc sĩ Quốc Long nhớ lại: Phạm Duy Anh bắt đầu cầm đàn guitar khi con 3 tuổi, đồng thời say sưa xem các chương trình mà bố cậu làm trên VTV, các chương trình ca nhạc, rồi đánh đàn và hát theo. 5 tuổi, theo bố làm chương trình “Trò chơi Âm nhạc”, cậu bé được ngồi chơi bộ trống trong suốt thời gian ghi hình. Suốt năm cấp 1, hộp bút, thước kẻ của Sò thường méo mó do cậu gõ suốt ngày trong lớp và bị thầy cô giáo thường xuyên nhắc nhở. Nhiều khi, bố kiểm tra cặp sách thì toàn là hộp bánh, kẹo, đũa ăn, băng dính… Sò mang đến lớp để tự thiết kế bộ trống và chơi. Ở nhà, nhiều khi Sò lấy nồi, chảo hay bất cứ cái gì có thể kêu được làm bộ trống rồi chơi không biết chán. Bạn bè của bố mẹ khi nhìn thấy Sò như thế khuyên mua cho con bộ trống ngay. Nhạc sĩ cũng mua một bộ trống nhỏ để cho con thoả niềm đam mê.

Từ khi có bộ trống, Sò tự nghiên cứu tìm tòi trên Internet, Youtube và tự học. Đến năm 9 tuổi, bố mẹ đã phải suy nghĩ lại về niềm đam mê của con và quyết định mua tặng con bộ trống chuyên nghiệp, điều này đã tạo động lực cho Sò phát triển theo con đường âm nhạc. Bố quyết định gửi cháu đến bác Hoàng Long - giảng viên bộ môn trống của trường ĐH Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, và là thầy giáo chuyên môn của Sò bây giờ - nhờ giúp đỡ dạy cho Sò cơ bản và năm 14 tuổi, Sò đã thi đỗ vào trường nhạc.

Nhạc sĩ Quốc Long nói: “Ban ngày, ngoài những buổi học chuyên môn còn phải học các môn kiến thức cơ bản khác về âm nhạc như xướng âm, ghi âm, lịch sử, lý thuyết âm nhạc, những lúc thời gian được nghỉ học sáng hay chiều thì con phải tập bài chuyên môn và tham gia tập band cùng các bạn. Cũng may trong trường có dạy cả văn hoá nên gia đình chuyển cho cháu vào trường học văn hoá luôn từ lớp 9 và thời gian bắt đầu từ 18-21 h mỗi tối. Đối với trẻ em, âm nhạc có thể được ví như nguồn sữa nuôi dưỡng tinh thần của các em ngay từ khi lọt lòng mẹ. Học âm nhạc có thể giúp trẻ phát triển nhận thức, ngôn ngữ, hòa nhập được với thế giới bên ngoài từ gia đình, cộng đồng, nhà trường và xã hội. Và điều quan trọng nữa, học âm nhạc tạo cơ hội cho trẻ em được thể hiện cảm xúc của mình và kích thích sự hiểu biết văn hóa của các vùng miền trên thế giới…

Ngoài chơi trống, Sò cũng tự học thêm cả Guitar, Bass, Keyboard. Ngay khi bắt đầu vào cấp 2, gia đình cũng tạo điều kiện cho Sò có những buổi biểu diễn tại sân khấu của trường, các cuộc thi band của quận. Ngoài những cuộc biểu diễn nhỏ, gia đình còn tạo điều kiện cho Sò tham gia những cuộc thi âm nhạc do Bộ Văn hoá tổ chức, các cuộc thi âm nhạc quốc tế chuyên cho bộ môn trống tại Singapore, giúp Sò có mục tiêu phấn đấu và phát triển rất nhanh về mặt kỹ thuật cũng như bản lĩnh sau mỗi cuộc thi, được giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ các bạn bè cùng trang lứa. Chính vì vậy, các gia đình hãy tích cực hướng cho các con vào các hoạt động lành mạnh như những buổi biểu diễn hay các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ Quốc Long: Làm thế nào để con phát triển được tiềm năng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO