Nhiệm kỳ của những doanh nhân

Thanh Hà 10/01/2018 10:00

Chỉ còn khoảng 3 tháng, nhiệm kỳ VII Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ chính thức khép lại khi đại hội VIII diễn ra. Nhiệm kỳ VII khép lại cũng là lúc dư luận có những đánh giá, nhận xét về những đóng góp, những điều chưa làm được của các doanh nhân khi ngồi vào ghế lãnh đạo.

Nhiệm kỳ của những doanh nhân

Bầu Tú trong ngày chính thức làm Chủ tịch HĐQT VPF.

“Cả thèm chóng chán”

Nhiệm kỳ VII VFF được đặt dấu ấn bằng việc lần đầu tiên, người đứng đầu bộ máy lãnh đạo của tổ chức điều hành bóng đá Việt là một doanh nhân thay vì người Nhà nước như những nhiệm kỳ trước đây.

Khi nhậm chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 2014-2018, ông Lê Hùng Dũng vẫn đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank. Cùng với ông Dũng, bầu Đức cũng chính thức tham gia chính trường bóng đá Việt Nam với chức danh Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Bộ đôi ông bầu quyền lực này được đặt kỳ vọng lớn để đưa bóng đá Việt Nam phát triển, đặc biệt là việc thay đổi trong tư duy quản lý, định hướng cho hợp xu thế, thời đại.

Lên nắm quyền, chủ tịch Lê Hùng Dũng đã tuyên bố sẽ đưa bóng đá Việt Nam đi theo con đường của bóng đá Nhật Bản. Chính việc đưa ra quan điểm hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật đã khiến VFF thời điểm đó thu được một số gói tài trợ đến từ các đối tác Nhật Bản. LĐBĐ Nhật Bản cũng đã giới thiệu HLV Miura dẫn dắt ĐTQG và U23 Việt Nam theo lời đề nghị của VFF. Bên cạnh đó còn có những người Nhật khác từng làm việc ở Việt Nam là HLV Norimatsu Takashi ở tuyển nữ, chuyên gia Tanaka Koji làm Trưởng BTC V.League 2014 hay như chuyên gia Kazuyoshi Tanabe từng làm cố vấn cho VPF.

Thế nhưng chỉ mới làm được nửa nhiệm kỳ, Chủ tịch Lê Hùng Dũng vì lý do sức khoẻ đã rút lui vào hậu trường, giao mọi công việc cho cấp phó.

Cũng từ thời điểm đó, bầu Đức cũng không còn “tâm huyết” như ban đầu. Ông thường xuyên vắng mặt ở VFF vì lý do bận việc và không dành nhiều cho VFF cũng như bóng đá, trong đó có lý do có nhiều việc về tài chính ở VFF ông chẳng biết, đến mức ông bực bội đòi huỵch toẹt mọi thứ. Chính tại Hội nghị thường niên VFF khóa VII năm 2017, trong phần phát biểu của mình, bầu Đức đã thẳng thắn chia sẻ khoảng thời gian muốn bỏ bóng đá “HAGL được LĐBĐ Việt Nam và HLV trưởng triệu tập lên đội tuyển tới 10 người. Tôi cho đó là thành tích đáng nhớ, nhưng tôi lại thành tội đồ. Người có công đóng góp số tuyển thủ lớn nhất cũng thành có tội. Họ tưởng tượng tôi đi lobby, đưa người vào được đội tuyển. Tôi cho rằng đó là một nỗi nhục. Tôi rất khó chịu, chán nản và muốn bỏ bóng đá vì tiền mất tật mang, thật vô lý. Bỏ tiền túi ra xây dựng mười mấy năm, được bao nhiêu con người đâu, đóng góp như thế, không vinh quang, lại bị bôi nhọ”. Theo lý giải của bầu Đức, việc ông đưa ra quyết định xin rút lui là ông không muốn dư luận cho rằng ông “hứa lèo” sau khi đội tuyển U22 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ của HAGL đã thất bại tại SEA Games 29 chứ không phải do bất cứ nguyên nhân nào khác. Dù vậy, khi không nhận được sự chấp thuận của gần như toàn bộ các ủy viên BCH VFF, ông sẽ tiếp tục đảm trách vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính cho đến hết nhiệm kỳ này dự kiến đến tháng 3/2018.

Đến thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” này, người ta còn chứng kiến một ông bầu khác cũng xin rút lui khỏi công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam -VPF. Đó chính là bầu Thắng. Bầu Thắng ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT VPF sau khi bầu Kiên quyết thay đổi bóng đá Việt với việc cho “quả bom” phát nổ ở lễ tổng kết mùa giải 2012 rồi cầm cờ trong cuộc cách mạng với cái nền VPF. Trong khi bầu Đức sẽ ở lại thì bầu Thắng đã rời ghế Chủ tịch HĐQT VPF với lý do quá bận rộn với công việc kinh doanh và cá nhân ông mong muốn có sự thay đổi tại VPF sau 2 nhiệm kỳ ông làm Chủ tịch HĐQT.

Trong suốt thời gian làm quan, cả bầu Đức lẫn bầu Thắng đều có lúc thấy mình rất lạc lõng vì khác về quan điểm, tư tưởng lẫn cách làm cũng như cái tâm với bóng đá. Ông Thắng làm chủ tịch VPF nhưng mọi hoạt động của công ty này dường như vẫn bị người của VFF chi phối quá lớn.

Sự rút lui của bầu Đức và bầu Thắng là một nỗi hụt hẫng vì không phải dễ tìm ai khác có tâm, có tầm ảnh hưởng lên thay thế một cách tròn trịa. Cũng có ý kiến chê hai ông bầu này ít xuất hiện cho những việc làm cụ thể nhưng không ai dám phủ nhận về sức đóng góp của họ cho bóng đá Việt Nam suốt gần 2 chục năm qua và nhất là cả hai ông bầu này đều không chút vụ lợi khi ngồi ghế lãnh đạo.

Nhiệm kỳ mới: Chờ cơn gió lạ?

Chưa thể biết chủ tịch mới của VFF có là người của giới doanh nhân tiếp tục điều hành hay không? Thế nhưng, việc một ông bầu tiếp tục cầm cờ điều hành giải bóng đá quốc nội đã chứng tỏ bóng đá Việt vẫn rất cần những ông bầu doanh nhân. Đó là bầu Tú, người vốn quá nổi tiếng khi làm ủy viên Thường trực VFF nhiệm kỳ VII phụ trách mảng futsal. Thành tích “vàng” ông Tú đem về cho futsal chính là giúp Việt Nam lần đầu tiên dự Futsal World Cup 2016, một kỳ tích lịch sử đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội. Trong suốt thời gian vừa qua, bầu Tú không chỉ lo phần lớn kinh phí cho hoạt động của ĐT futsal Việt Nam mà còn vận động tài trợ cho các giải đấu trẻ và bóng đá nữ do VFF tổ chức trong thời gian vừa qua. Tại Đại hội cổ đông thường niên VPF nhiệm kỳ III (2017-2020) vừa diễn ra, ông Tú đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay thế ông Võ Quốc Thắng. Đây là bước ngoặt lớn trong việc đưa bầu Tú chính thức dấn thân vào con đường làm bóng đá chuyên nghiệp. Với kinh nghiệm, bầu Tú được tín nhiệm sẽ đưa VPF tạo nên nhiều đột phá trong công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vào thời gian tới.

Ngay sau khi ngồi vào ghế chủ tịch VPF, bầu Tú đã cho rằng “V-League đang bị xói mòn niềm tin rất nhiều. Chúng tôi là người mới tại VPF phải làm thật tốt để lấy lại niềm tin cho bóng đá Việt Nam”. Cùng với đó, tân Chủ tịch HĐQT VPF cũng sớm đưa ra những đề xuất đầu tiên “Bản thân chúng tôi cũng đã nghĩ đến phương án đề xuất Ban Kỷ luật và Ban Trọng tài trở thành một tiểu ban trong BTC giải bóng đá chuyên nghiệp. Chúng tôi khi đó sẽ nắm được án kỷ luật, làm cho nó công minh, kịp thời. Đồng thời, vấn đề trọng tài cũng sẽ được kiểm soát. Trước đây, những bộ phận này không thuộc BTC. BTC cũng không kiểm soát được nhiều án kỷ luật và các trọng tài. Dĩ nhiên, chúng tôi không có quyền biến các ban này nằm dưới sự giám sát ngay mà phải thông qua BCH VFF. Đề xuất này tôi nghĩ nó cũng theo quy luật của các giải đấu quốc tế khi mà tiểu ban kỷ luật, trọng tài đều thuộc BTC”.

Cùng với việc bầu Tú góp mặt ở VPF, không người hâm mộ nào phủ nhận tâm huyết của bầu Đức với bóng đá Việt Nam và muốn ông vẫn tiếp tục trong cương vị lãnh đạo ở VFF. Không ai quên, ông chủ đội bóng phố Núi đã chăm bẵm lứa U19 một thời đình đám ra sao, để giờ những tuyển U sau này đã có nhiều sự quan tâm từ người hâm mộ, từ người có trách nhiệm. Và thành quả cho đến giờ là một hệ thống đội tuyển trẻ của Việt Nam đang có thành tích. Thế nên, việc bầu Đức rời VFF thực sự khiến nhiều người tiếc nuối. Họ hy vọng bầu Đức vẫn sẽ tiếp tục ở lại đội ngũ lãnh đạo VFF bởi có ông thì sẽ còn có tiếng nói phản biện để thay đổi cho tốt hơn. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ những gì bầu Đức lên tiếng với câu chuyện trọng tài, ở thời diểm mà vua sân cỏ làm náo loạn V-League. Là người không ngán ngại dư luận, lại từng ăn ngủ cùng bóng đá, hết lòng với đứa con tinh thần của mình nên họ hy vọng ông sẽ tiếp tục đồng hành trong bộ máy lãnh đạo VFF nhiệm kỳ tới.

Nhiệm kỳ VII của VFF khép lại với những doanh nhân ở vị trí lãnh đạo có thể phần nào đó chưa thành công ở góc độ quản lý, định hướng cũng như vạch chiến lược cho bóng đá Việt Nam hướng đến lâu dài. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, họ vẫn mang lại những thành công nhất định. VFF ở nhiệm kỳ VIII, nếu lựa chọn doanh nhân tiếp tục cho vị trí chủ tịch chưa hẳn đã là phương án đã được gạt đi. Bởi lẽ, người mới hoàn toàn có thể thành công nếu nhìn ra được những bài học từ nhiệm kỳ VII. VFF nhiệm kỳ VIII cần hội tụ những cá nhân tiêu biểu, doanh nghiệp tiêu biểu và cần những lựa chọn đúng đắn để nơi đây không phải là “bãi đáp” của những cán bộ, doanh nhân về hưu, hay hết tầm ảnh hưởng.

Mong rằng chủ nhân mới của VFF, VPF sẽ có những cái mới khác, mang đến những sự tích cực lẫn thay đổi vì bóng đá Việt thực sự cần những đàu tàu dẫn dắt để vượt khó. Và điều quan trọng là làm sao phải có cái tâm và cái tầm trong bối cảnh bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều điều chưa chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiệm kỳ của những doanh nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO