Nhìn và thấy

Trần Hữu Thăng 14/05/2020 19:20

Hồi tôi còn làm ở tòa soạn báo Khoa học, một đồng nghiệp người Pháp hỏi: “Hôm qua cơ quan chúng tôi đi chơi Bờ Hồ, đợi mãi không đủ người, một chị nói: “Tôi đã nhìn trước nhìn sau nhưng chẳng thấy ai ở cơ quan mình cả”, Vậy nhìn và thấy khác nhau thế nào?”. Cả bọn chúng tôi sôi nổi tranh luận, giải thích, rồi liên hệ sang tiếng Pháp: Nhìn (voir) và Thấy (regarder). Nhưng hình như mọi người chưa thỏa mãn lắm, chưa thông suốt lắm.

Nhìn và thấy

Thực ra nhìn và thấy là một câu chuyện dài, phải có nhiều kinh nghiệm sử dụng chữ nghĩa mới tạm hiểu được.

Theo Từ điển tiếng Việt trang 656 thì: “Nhìn là: 1/ Đưa mắt về một hướng nào đó để thấy. Thí dụ: Nhìn đăm đăm về phía xa. Nhìn tận nơi mới thấy rõ. Nhìn nhau không chớp mắt. “Cơm trắng ăn với chả chim/ Chồng đẹp, vợ đẹp, những nhìn cũng no” (ca dao). 2/ Để mắt tới, quan tâm tới, chú ý tới. Thí dụ: Đi luôn, không nhìn gì đến con cái. 3/ Xem xét để thấy, để biết được. Thí dụ: Nhìn rõ trắng đen. Tầm nhìn rất tốt. 4/ Về phía, hướng về. Thí dụ: Nhìn ra biển cả”.

Cũng theo Từ điển tiếng Việt trang 854 thì: “Thấy là: 1/ Nhận biết được bằng mắt nhìn. Thí dụ: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du). Điều mắt thấy, tai nghe. Tìm chưa thấy. 2/ Nhận biết được bằng giác quan nói chung. Thí dụ: Ngửi thấy mùi thơm. Nói nhỏ quá không nghe thấy gì. Thấy động liền bỏ chạy. 3/ Nhận ra được, biết được qua nhận thức. Thí dụ: Thấy được khuyết điểm. Phân tích cho thấy được vấn đề. 4/ Có cảm giác, cảm thấy. Thí dụ: Thấy vui trong lòng. Thấy khó chịu trong người”.

Thế còn các danh ngôn thế giới nói gì về Nhìn và Thấy?

Nhà triết học Carmotelle (năm 1782) đã khẳng định: “Không phải lúc nào cũng nên tin vào những gì ta nhìn thấy” (Il ne faut pas toujours croire ce que l’on voit). Định đề triết học này quá đúng và quá dễ hiểu. Vài thí dụ thường gặp:

- Nếu ta chọn người yêu qua ảnh chụp thì thật quá nguy hiểm, vì người trong ảnh đẹp gấp nhiều lần so với người thực bên ngoài.

- Trong tập Hồ sơ xin việc, có đầy đủ cả bằng Tốt nghiệp Đại học (Cử nhân, Kỹ sư, Bác sĩ ...), bằng Tiến sĩ. Nhưng khi phỏng vấn trực tiếp, ứng viên tỏ ra quá yếu kém, quá non nớt kinh nghiệm, làm Ban Giám khảo vô cùng thất vọng. Nếu chỉ nhìn vào văn bằng đơn thuần sẽ có những sự nhầm lẫn tai hại.

Chả thế mà người Ả Rập cổ đại đã xác định: “Cái mà ta nhìn thấy không thể lưu giữ lại được” (La vue ne se retient pas). Vì thế, tại đồn công an, ông A tố cáo đã nhìn thấy B đang móc túi ở chợ, thì chả ai dám tin, dù đó có là sự thật đi nữa, vì làm gì có bằng chứng đâu. Nhà văn vĩ đại Tây Ban Nha là Baltasar Gracian (năm 1647) đã viết: “Cái gì nhìn được bằng cặp mắt mở to thì lại không thấy gì, còn cái gì thấy được thì lại không nhìn được” cũng nói được phần nào sự khác nhau của “nhìn được” mà không “thấy được”.

Có một dạo ở một sân bay nọ có nạn móc túi, trộm cắp tràn lan. Cảnh sát mặc thường phục, đóng giả người giầu có thì bắt được một băng nhóm tội phạm ăn mặc rất sang trọng. Nhìn hình thức bên ngoài, nam thì com lê đen, sơ mi trắng, cà vạt đỏ, nữ thì váy len sang trọng khoác măng tô đắt tiền, ai dám bảo đó là băng nhóm trộm cắp. Tại phòng xét hỏi, bọn tội phạm thú nhận là phải đầu tư những bộ cánh sang trọng thì người đứng bên cạnh mới mất cảnh giác, nên việc móc ví và móc túi sách tay mới thành công. Thí dụ trên cũng cho ta biết sự khác nhau giữa “nhìn” và “thấy”.

Trong đời sống hàng ngày, kỹ năng nhìn và thấy cũng hết sức quan trọng. Những ai đã từng học văn học cổ đều thích thú với câu danh ngôn: “Họa hổ họa hình nan họa cốt/ Tri nhân, tri diện bất tri tâm”. Tạm dịch là: Vẽ tranh con hổ, chỉ vẽ được hình dáng bên ngoài chứ có vẽ được bộ xương của nó đâu. Còn nhìn người thì chỉ biết khuôn mặt của người ấy thôi, chứ có biết trong đầu họ nghĩ gì đâu.
Vì thế mới phải thận trọng. Vì thế mới phải cố gắng để từ “nhìn” mà đạt tới “thấy”.

Bằng cách nào để ta “thấy” được từ “nhìn” ?

Không gì hơn phải nhờ vào yếu tố “thời gian”.

Ông bà ta đã dặn dò con cháu: “Thức lâu mới biết đêm dài / Ở lâu mới biết lòng người có tâm”.

Đúng quá còn gì nữa. Ai mất ngủ một đêm mới thấy mấy tiếng đồng hồ ban đêm thật khủng khiếp, mong sao cho nhanh chóng nhìn thấy ánh sáng mặt trời, đêm sao mà lâu thế!

Chơi với một người bạn, năm ba tháng đã đánh giá được chưa? Chưa đâu! Phải đợi đến lúc ta gặp khó khăn mới biết được ai là bạn mình.

Người Anh cổ có dặn dò: “Lúc gặp khó khăn, cần người giúp đỡ mới biết được ai thực sự là bạn mình” (A friend in need is a friend indeed). Ta kết nghĩa chị em với một người ta yêu quý, hết sức đùm bọc, hết sức nâng đỡ mong tạo dựng một quan hệ chị em lâu dài. Nhưng có biết đâu, đến một ngày nọ: “Chị ngã, em nâng/ Đến khi em ngã, chị bưng miệng cười”. Chao ôi, cái giây phút cay đắng ấy đã dạy cho tất cả chúng ta bài học về sự quay lưng, sự phản bội, nhưng tất cả đều đã quá muộn!

Đến đây, có thể tạm nêu các bước sau:

Bước 1: Nghe ngóng, nghe tin, nghe đồn, nghe thông tin...

Bước 2: Nhìn tận mắt, gặp gỡ người thật việc thật.

Bước 3: Trải nghiệm trực tiếp với người và sự việc.

Có qua ba bước nêu trên thì từ “nhìn” mới chuyển sang “thấy” được, vì “thấy” là nhận thức, là kết luận, là quyết định !
Có một số danh ngôn nói rất cụ thể về ba bước nêu trên.

Triết gia cổ đại Héraclite (Thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên) đã khẳng định: “Đôi mắt là những bằng chứng trung thành hơn đôi tai” (Les yeux sont les témoins fidèles que les oreilles). Câu này tương ứng với câu ca dao Việt Nam: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Đúng quá, còn gì phải bàn nữa.

Trong những dịch vụ lấy chồng nước ngoài đã xẩy ra ở những vùng nông thôn Việt Nam, các “cò mồi hôn nhân” giật mình khi thấy các cô gái nông thôn không tin vào ảnh chụp người, chụp cảnh ở xứ “thần tiên” khi nêu câu hỏi: “Thế cái ông đẹp trai này què cụt thì sao?”. “Thế cái nhà này, bộ sa lông này đi mượn thì sao?”. Nên các cô đòi gặp người thật chứ không tin vào ảnh. Điều này rất dễ hiểu, vì những sự thật đau đớn khi lấy phải người chồng tàn tật, già yếu, rồi bị bỏ đói, bị đánh đập, bị bóc lột đã từng xẩy ra ở “xứ sở thần tiên “ rồi.

Khi được gặp cụ thể người thật rồi, cộng thêm cái hoàn cảnh các cô gái nghèo đang gặp phải thì có hai tình huống xẩy ra:

- Thôi đành nhắm mắt theo ông chồng già nua bệnh tật ở nơi đất khách quê người để kiếm ít tiền giúp cha mẹ đang quá khó khăn, nợ nần chồng chất.

- Thôi đành nhắm mắt lấy người chồng trong xóm, trong xã, rồi lại chịu cảnh chồng rượu chè say xỉn, đánh đập vợ con như bao hoàn cảnh khác đã từng xẩy ra trong nhiều thế hệ phụ nữ đi trước.

Phân tích kỹ thêm: Vì sao mắt ta nhìn cụ thể trực tiếp lại có giá trị hơn nghe đồn thổi, tuyên truyền? Người Đức cổ đã nói rất dí dỏm: “Mắt ta nhìn đáng tin là vì của ta. Tai ta nghe ít đáng tin hơn là vì của người khác” (Les yeux se fient à eux mêmes. Les oreilles se fient à autrui).

Nhưng cũng có khi, nhờ có cái tai nghe được các tin đồn, tin đoán trước mà ta đỡ sợ, đỡ lo ngại hơn khi trực tiếp đối mặt với sự thật. Đúng như nhà triết học cổ đại Ê Dốp (Thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên) đã viết: “Bạn sẽ bớt sợ hãi hơn nếu được nghe tin dữ ấy trước khi phải đối mặt với nó” (Ne vous effrayez pas de ce que vous entendez avant de l’avoir vu).

Xin chúc cho mọi điều chúng ta nghe được, nhìn được đều qua bộ lọc kinh nghiệm ở đời mà trở thành “thấy” được!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn và thấy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO