Tương tự Huế và Đà Lạt, người Trà Vinh có lẽ cũng là những con người hiền lành nhất Việt Nam. Họ sống và sinh hoạt bằng sự mặc nhiên dân dã, như không màng tới thế sự sôi động ở bên ngoài khu vực mà họ sinh sống.
Khung cảnh Trà Vinh. (Ảnh: Mạnh Hiệp).
Về mặt này họ mang hơi hướng những người dân bên Lào.Ghé Trà Vinh (Trah Păng), một tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, mới thấy không khí cuộc sống ở nơi đây khác hẳn Sài Gòn. Tuy khoảng cách từ Trà Vinh tới Sài Gòn chỉ khoảng 130 km nhưng cuộc sống náo nhiệt, hối hả ở Sài Gòn như không hề chạm tới không khí yên tĩnh, êm đềm và chậm rãi ở những địa danh Tiểu Cần, Cầu Kè, Cầu Quan... của tỉnh Trà Vinh.
Là một tỉnh duyên hải vùng Đồng bằng sông Cửu Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre -Vĩnh Long - Sóc Trăng, Trà Vinh có bao gồm thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và các huyện Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải. Diện tích tự nhiên 2.341 kilômét vuông, dân số trên 1,1 triệu người với 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm 29% dân số. Với trị trí tiếp giáp biển Đông chiều dài 65 km bờ biển, Trà Vinh gồm vùng đất châu thổ lâu đời, bên cạnh vùng đất trẻ mới bồi và mạng lưới sông ngòi chằng chịt mang nặng phù sa, bồi đắp cho những vườn cây ăn trái. Trà Vinh là tỉnh mưa thuận, gió hoà, nhiệt độ trung bình khoảng 26-27 độ C, hiếm khi có bão, vì thế bất cứ mùa nào trong năm du khách cũng có thể đến miền Duyên hải này.
Tuy số người Kinh ở Trà Vinh đông đảo, chiếm 69% dân số, nhưng khắp nơi đây đều phảng phất văn hóa Khmer. Các ngôi chùa Khmer rải rác khắp trong tỉnh, có những chỗ đi vài đoạn lại gặp một ngôi chùa Khmer. Điều thú vị và rất đáng khích lệ là tôi đã bắt gặp nhiều lớp dạy tiếng Khmer ở trong chùa do các nhà sư đứng lớp và cả ở trong trường học chính quy - một trong những điều rất nên làm đối với các dân tộc thiểu số khác để lưu giữ ngôn ngữ, văn hóa của bản sắc dân tộc. Nhìn quang cảnh lớp học đơn sơ, yên tĩnh, sự hiền lành, ngoan ngoãn hiện rõ trên khuôn mặt các em nhỏ với nước da ngăm ngăm đen. Khi tôi đi vãn cảnh các ngôi chùa Khmer trong vùng, gặp các em chơi đùa, đạp xe, nô rỡn trong sân chùa, trong lòng tôi lâng lâng một cảm giác vui vui của sự an nhiên, mộc mạc, đồng thời tôi cũng có cảm giác man mác buồn khi những khung cảnh như vậy đã và đang dần biến mất, và ở các vùng thành thị phát triển thì khung cảnh ấy hầu như đã biến mất hoàn toàn. Các em ngạc nhiên, thích thú với sự xuất hiện của một du khách lạ trong sân trường, sân chùa. Các em háo hức đi theo sau khi tôi ngó nghiêng chụp các góc ảnh trong ngôi chùa. Các em bật cười khúc khích và ngộ nghĩnh khi thấy giọng của tôi khác với giọng của các em. Và, một cách hồn nhiên, các em bật ra ngôn ngữ giao tiếp với nhau bằng tiếng Khmer, chỉ khi tôi hỏi những điều muốn biết thì các em mới rụt rè, lễ phép nói bằng tiếng Việt.
Trong vùng, ngoài các chùa Khmer rất nhiều, cũng có những nhà thờ công giáo to lớn và đẹp. Số lượng người dân theo đạo cũng rất đông và các giáo dân chăm chỉ đi lễ nhà thờ vào các khung giờ đã định trước: giờ lễ cho người lớn tuổi, giờ lễ cho thanh niên và giờ lễ cho các em nhỏ. Tôi không phải là một người theo đạo nhưng ở những nơi đi qua, tôi rất thích được quan sát giờ lễ và nghe giọng hát đồng ca của ca đoàn hoặc tiếng đồng thanh đọc lễ của các giáo dân. Một thứ âm thanh cộng hưởng vang vọng trên mái vòm nhà thờ mang tới cảm giác tôn nghiêm, chân tín, rất cuốn hút. Có lẽ, bầu không khí sinh hoạt tôn giáo hướng tới lòng nhân ái của văn hóa Khmer hiền hoà đã tạo nên tính cách thiện lành của người Trà Vinh.
Ban ngày, từ sáng sớm, trong cảnh tụ tập ở các quán cà phê, cửa hàng, cửa tiệm; cảnh tấp nập ở chợ búa đều hiện lên những nụ cười chất phác, thương mến. Họ giao lưu sinh hoạt qua những cử chỉ, thái độ thân thiện và gần gũi. Mỗi lần gặp người quen ở chợ hay trên đường đi, họ thường níu đứng lại hỏi han, chuyện trò thân mật như là lâu lắm mới gặp nhau, thái độ thể hiện đầy tình thương mến. Trong các xóm ở vùng ngoại ô hay nông thôn thì sự ngăn cách giữa các nhà chỉ là những bờ rào mang tính ước lệ, hoặc không có ranh giới rõ ràng. Những bụi cây nhỏ, những hàng rào, đám cỏ, bờ mương là những ranh giới giữa nhà nọ với nhà kia mà họ có thể bước qua, chui qua dễ dàng để thăm nhau. Ban ngày họ thường tụ tập sang một nhà ai đó, hầu như các nhà đều có ghế đá hoặc võng ở hiên, và họ trò chuyện cả buổi.
Ao Bà Om hay chùa Hang là những địa điểm nổi bật của Trà Vinh, nhưng tới thăm tận nơi thì không thấy gì đặc sắc lắm. Chỉ thấy ở đây có những cây to khác lạ, gốc cây hay rễ cây là những cục u nổi lên hoặc dâng cao trên mặt đất cả mét. Có những chỗ mà rễ thân cây tạo ra những lỗ trống có thể chui qua được. Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer cũng khá đìu hiu, vắng vẻ. Toàn là nhà hai - ba tầng nhưng không lớn, bên trong trưng bày các hiện vật, tranh vẽ đánh dấu nền văn hóa Khmer đã từng hiện diện ở nơi đây, nhưng đã hầu như mai một, mất mát khá nhiều. Hẳn là chỉ có không gian yên tĩnh, cảnh quan đặc trưng của văn hóa Khmer là điều hấp dẫn đối với khách lạ viếng thăm vùng này.
Hoa Ngọc Kỳ Lân là thứ hoa chỉ gặp ở một số nơi ở Sài Gòn như chỗ lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, thì ở Trà Vinh hầu như có thể gặp ở khắp các sân chùa. Có một số bài viết cho rằng nhiều người bị nhầm hoa Ngọc Kỳ Lân với tên gọi Sala hoặc cây Vô Ưu. Thực ra hoa Sala và hoa Vô Ưu là hai loài khác với hoa Ngọc Kỳ Lân. Vỏ cây, lá cây và hoa Ngọc Kỳ Lân đều có thể sử dụng để làm thuốc bởi chúng có tính chất chống vi khuẩn, giúp kháng khuẩn, sát trùng và giảm đau. Vì được trồng rất nhiều trong chùa nên Ngọc Kỳ Lân còn có một tên khác là hoa của nhà Phật. Nhưng loài hoa này có vẻ ít gặp ở miền Bắc.
Về mặt lịch sử, dân tộc Khmer vốn có nguồn gốc từ người Phù Nam (Văh Năh), là vương quốc đầu tiên hình thành ở khu vực Đông Nam Á đã tồn tại và phát triển từ thế kỷ VI trở về trước. Sau đó, tới thế kỷ VII, Phù Nam đã bị Chân Lạp, vốn là một chư hầu, thôn tính và đồng hóa trong suốt mười thế kỷ. Chân Lạp đã xâm chiếm toàn bộ Phù Nam, chiếm toàn bộ dân cư của Phù Nam nhưng lại hấp thu nền văn hóa Phù Nam. Đến thế kỷ XVII thì khu vực này thuộc về lãnh địa Việt Nam qua việc mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn, nên kể từ đó tộc người Khmer trở thành một trong cộng đồng các dân tộc Việt.
Dưới thời nhà Nguyễn, sau khi vua Minh Mạng lên nối ngôi, việc cai trị ở trấn Vĩnh Thanh vẫn giữ nguyên trạng. Đến năm 1832 mới đổi tên lại là Vĩnh Long Trấn. Vĩnh Long có tên từ đấy và chia đất ra thành 4 phủ: Định Viễn, Hoằng An, Hoằng Trị và Lạc Hóa. Phủ Lạc Hóa gồm 2 huyện: Tuân Nghĩa có 5 tổng 76 xã; huyện Trà Vinh có 6 tổng và 70 xã. Sau khi Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng Trấn Gia Định Thành và chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh trực thuộc triều đình Huế: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên (Trà Vinh vẫn là phủ Lạc Hóa thuộc tỉnh Vĩnh Long). Đầu tỉnh là Tuần phủ, phụ tá có các quan Án sát, Bố chánh, Lãnh binh để lo các việc hành chánh và quân sự. Trong toàn tỉnh Vĩnh Long có 3 quan ải để thu thuế, một ải tên là Ải Thiện Mỷ ở bên tả ngạn sông Trà Vinh. Năm Minh Mạng thứ tư (1823) nhận thấy thôn Vĩnh Trường quá gần sông lớn và biển tuy có lợi thế về giao thông, buôn bán, thu thuế nhưng không thuận lợi về mặt phòng thủ của một thủ phủ, triều đình cho dời lỵ sở Trà Vinh về Sóc Thanh Sái, (Sóc/ Srok là thị trấn lớn có nhiều người Miên quần tụ) cũng là một con giồng cao ráo rộng lớn, dễ đi lại, cách Vàm Trà Vinh khoảng 2 cây số. Ngày nay Sóc Thanh Sái được đổi tên lại là Thanh Lệ. Ngôi đình Thanh Lệ là một kiến trúc cổ kính vẫn còn tồn tại.
Nói chung người Trà Vinh mang chất văn hóa Nam Bộ, ảnh hưởng văn hóa Khmer và Phật giáo Nam tông dòng Khmer nên tính tình hiền lành, chất phác. Cuộc sống không giàu có nhưng họ không có mưu cầu gì nhiều, dễ hài lòng với cuộc sống và luôn cảm thấy vui vẻ. Và do có dòng văn hóa tương đồng, tôn giáo cùng phái hệ Nam tông, nên chúng ta sẽ thấy sự rất gần gũi của những người dân Trà Vinh với dân Lào và dân Cao Miên.
Nguyễn Mạnh Hiệp