Những trạng thái tâm hồn nghệ sĩ

Đinh Quang Tốn 01/01/2020 18:30

Phải chăng bản chất của văn nghệ sĩ là cô đơn? Văn nghệ sĩ muốn sáng tạo thì phải hiểu thấu mọi điều từ nội tâm con người đến mọi sự việc hành động của toàn xã hội. Anh cô đơn, không hòa đồng với mọi người thì làm sao hiểu được họ?

Những trạng thái tâm hồn nghệ sĩ

Ồn ào và lặng lẽ

Tôi thường thấy một số người viết: "Bản chất của văn nghệ sĩ là cô đơn". Hình như mọi người muốn nhấn mạnh quá trình tự mình sáng tạo của văn nghệ sĩ. Thì đúng rồi, tác phẩm nghệ thuật là đơn chiếc, không thể làm tập thể được. Văn nghệ sĩ có thể giúp đỡ nhau, có thể được độc giả, khán giả, thính giả và cả xã hội cổ vũ, nhưng sự cổ vũ ấy cũng chỉ ở vòng ngoài, còn khi sáng tạo thì không ai tham gia cùng anh được. Tuy nhiên, cũng có những công trình nghệ thuật là công sức tập thể, nhưng phần mà mỗi nghệ sĩ tham gia thì vẫn phải độc lập.

Phải chăng bản chất của văn nghệ sĩ là cô đơn? Văn nghệ sĩ muốn sáng tạo thì phải hiểu thấu mọi điều từ nội tâm con người đến mọi sự việc hành động của toàn xã hội. Anh cô đơn, không hòa đồng với mọi người thì làm sao hiểu được họ? Những điều anh viết ra sao có được hơi thở cuộc sống? Những điều anh bịa ra rất dễ quái đản! Không, văn nghệ sĩ - trong đó có các nhà thơ nhà văn - phải có một tâm hồn lộng gió thời đại thì mới mong có được những tác phẩm có sức sống. Đừng hiểu thô thiển khi Tam nguyên Yên Đổ ngồi lặng lẽ bên ao thu câu cá mà tâm hồn ông không lộng gió thời đại! Khi Ức Trai tiên sinh thốt lên: "Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng/ Hoa thời hay héo, cỏ thường tươi" không phải là ông cô đơn cô độc. Tôi đồng ý với NSƯT Quốc Anh, người đóng vai Nguyễn Trãi trong vở kịch "Oan khuất một thời" nói rằng: "Dựng Nguyễn Trãi mà bi thảm là thất bại!". Bởi vì đó chỉ là hiện tượng bề ngoài, chưa phải là bản chất của sự việc.

Mà văn nghệ sĩ phải từ những sự việc, hiện tượng để nói lên bản chất của vấn đề. Khi văn nghệ sĩ tham gia những cuộc vui đông người thì anh ta cũng chỉ sống với một nhóm người, một ít người thân cận. Khi nhà văn sống một mình, chính là khi anh ta sống với nhiều người nhất, sống với cả thế giới. Cho nên khi các văn nghệ sĩ thích thường xuyên xuất hiện trước công chúng, thích những cuộc vui ồn ào liên tiếp, những tác giả trẻ thích lớn tiếng tuyên ngôn thì ta đừng chờ mong gì ở những tác phẩm của họ. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã phải thốt lên: "Tôi phải trốn các cuộc vui để viết, nếu không chẳng mấy chốc đã về Văn Điển!". Đối với các văn nghệ sĩ sáng tác rất cần sự lặng lẽ để sinh thành tác phẩm. Sự tĩnh lặng cho anh ta sống sâu sắc với nhiều người, mới ngộ ra nhiều điều mà sự ồn ào thường xóa mất. Cuộc sống ồn ào thường tỉ lệ nghịch với sự chiêm nghiệm, sự lắng đọng, sự sâu sắc. Sự tĩnh lặng gần hơn với những điều kiện để có được sự xuất thần, xuất hiện những yếu tố để tác phẩm có chất lượng, có điều kiện liên kết, giao cắt, đột khởi. Khi thi sĩ Tố Hữu viết bài thơ dài "Nước non ngàn dặm" chính là khi ông đang nghỉ dưỡng ở Tam Đảo, để nhớ về những chặng đường hào hùng mà đất nước đã trải qua. Lúc nhà thơ Chế Lan Viên viết trước khi từ biệt cõi đời, tin tưởng mình sẽ trở lại "như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên", thì đâu phải là ông sám hối như ai đó muốn gán cho ông, mà là ông đã vượt lên một nấc mới, vượt lên trên những chiêm nghiệm bình thường với quá nhiều sự ồn ào mà cuộc đời ông đã trải qua. Những giờ phút lặng lẽ như thế các nhà văn, nhà thơ mới cho ra đời những tác phẩm gan ruột nhất, đó là "máu chữ" mà thành lời. Lặng lẽ nhưng không cô đơn, lặng lẽ mà tâm hồn lộng gió thời đại.

Vì vậy, đã đi theo nghiệp văn thì các nhà văn phải biết xử lý các mối quan hệ, các trạng thái ồn ào và lặng lẽ. Nhà văn cần nhiều thời gian lặng lẽ để chiêm nghiệm, để sáng tạo, nhưng cũng cần phải sống một cuộc sống bình thường. Có một số văn nghệ sĩ muốn sống một cuộc sống lập dị, mà tưởng rằng có lập dị trong cuộc đời thì mới mong có sự khác lạ trong tác phẩm. Đấy là một sự lầm lẫn lớn. Lập dị chỉ là hình thức của cuộc sống, còn tác phẩm lại đòi hỏi ra đời từ bản chất của tâm hồn. Phải có một tâm hồn lộng gió thời đại thì mới mong tác phẩm ra đời mang tầm thời đại. Mọi tác phẩm đỉnh cao xưa nay, tâm hồn tác giả đều đẹp và sáng, đều vời vợi thẳm sâu, đều yêu thương rộng lớn. Khi đại thi hào Nguyễn Du thốt lên: "Đau đớn thay phận đàn bà!" thì đó là nỗi đau của thời đại, chứ đâu phải là sự cô đơn của riêng ông.

Day dứt và tiếc nuối

Văn nghệ sĩ là những người sống luôn luôn trăn trở cho sự sáng tạo. Họ không thể sống bình yên lâu dài được. Nếu chúng ta nhìn thấy một nhà văn, một nghệ sĩ đích thực nào đó có vẻ thanh thản thì có lẽ chỉ là vẻ bề ngoài, còn trong tâm hồn họ vẫn luôn luôn xao động, trăn trở về cuộc sống và về văn chương nghệ thuật. Khi nghe nhạc Bethôven, nhà thơ Bằng Việt đã nói về tâm hồn người nhạc sĩ thiên tài như một sự tiêu biểu của tâm hồn người nghệ sĩ: "Trái tim không bình yên, không một phút bình yên"...

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng day dứt về trách nhiệm của mình và các văn nghệ sĩ thời kỳ trước cách mạng: "Đất nước sắp đổi thay rồi mà tôi chẳng biết/ Người thay đổi đời ta đã về kia, ta vẫn không hay/ Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết/ Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày...". Nhà thơ Nguyễn Đình Thi thì sâu lắng trong tình yêu của người chiến sĩ ngay từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp: "Mỗi vết bùn ta mang trên mặt/ Trong mắt người yêu đọng thành nước mắt" và "Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm Người!". Nhà thơ Bằng Việt ngay từ trong cuộc chiến đấu chống Mỹ đã "Nghĩ lại về Pautốpxki": "Không phải thế đâu, không phải thế đâu cuộc đời không phải thế/ Giọt nước soi trên bàn tay không cùng màu sóng bể/ Bể mặn mà sôi sục biết bao nhiêu...". Cậu bé Trần Đăng Khoa từ khi chỉ hơn chục tuổi, giữa những năm tháng bom đạn giặc Mỹ trút xuống quê hương, những câu thơ em viết trăn trở, có sức nặng:

“Cao hơn trang thơ, hơn cả cuộc đời
Là Tổ quốc đang một còn một mất...
Đêm em nằm thức với quê hương
Mỗi vì sao gợi một miền Đất nước
Các anh đi quét sạch quân xâm lược
Em ở nhà, lòng bứt rứt sớm trưa
Biết bao điều em không nói được bằng thơ”...

Những nhà thơ tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc luôn day dứt, trăn trở về đất nước, về con người và tình yêu sâu nặng đến như vậy, sao ai đó nỡ nhận định thơ văn thời kỳ ấy chạy theo phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, cổ động hô hào mà chưa có chiều sâu, chưa có sức nặng? Đánh giá một nền văn học nghệ thuật là đánh giá ở những tác giả tiêu biểu, những đỉnh cao, chứ không nên thông qua một nền rộng ở tầm trung bình! Tất nhiên là tôi hiểu mối quan hệ biện chứng giữa nền và đỉnh. Nhưng việc xác định đâu là nền cũng là một công việc đòi hỏi sự khách quan, khoa học, không phải ai cũng làm được.

Day dứt, trăn trở là trạng thái có tính chất đặc trưng của tâm hồn văn nghệ sĩ. Còn sự nuối tiếc thì ở một cấp độ, một tầng nấc khác. Thơ tình yêu của nhân loại có thể xếp cao như núi, nhiều như nước biển, nhưng viết về sự nuối tiếc của nàng Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã có một câu thơ thiên tài độc đáo: "Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung". Một câu thơ thanh nhã mà hiện đại, đặc sắc chưa thấy ở nền thơ của nước nào? Trong thơ ca dân gian, tôi thấy sự nuối tiếc cũng được đề cập đến, đặc biệt là sự nuối tiếc trong tình yêu:

“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà
hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi
anh tiếc lắm thay....;
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi,
những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra”...

(Có thuyết cho rằng đây là thơ của Đào Duy Từ trả lời chúa Trịnh khi chúa Trịnh mời ông hợp tác, khi ông vừa vào Nam được chúa Nguyễn trọng dụng). Văn học dân gian còn có một sự nuối tiếc đặc biệt khác, mà tôi thấy vô cùng độc đáo: "Tưởng giếng sâu, anh nối sợi dây dài/ Nào ngờ giếng cạn, anh tiếc hoài sợi dây!". Thì ra, nuối tiếc không chỉ là nuối tiếc những điều không thể làm lại, mà còn nuối tiếc cả những điều có thể làm lại. Làm lại được mà vẫn nuối tiếc thì đấy là sự nuối tiếc có chiều sâu hơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những trạng thái tâm hồn nghệ sĩ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO