Niềm tự hào Văn hóa Đông Sơn

Thiên Phương 13/11/2019 14:27

Văn hóa Đông Sơn được phát hiện khá sớm và thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học. Nền văn hóa này có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử – văn hóa dân tộc, là nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như văn minh Đại Việt sau này.

Niềm tự hào Văn hóa Đông Sơn

Phối hợp khai quật, nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn giữa Việt Nam và Hàn Quốc tại di chỉ Đình Tràng (Đông Anh, Hà Nội), năm 2010.

Sớm được phát hiện, nghiên cứu và định danh

Trong số các nền văn hóa cổ trên đất nước Việt Nam ngày nay, Văn hóa Đông Sơn sớm được phát hiện, nghiên cứu và định danh. Năm 1924, ở làng Đông Sơn (Thanh Hóa) bên hữu ngạn sông Mã, cách cầu Hàm Rồng ngày nay khoảng 1 km về phía thượng nguồn, người ta ngẫu nhiên phát hiện một số đồ đồng. Ngay sau khi được phát hiện, nhiều học giả nước ngoài như L. Pajot, Olov Janse… đã có các cuộc khai quật di tích này. Đến năm 1934, nhà khảo cổ học R. Heine-Gheldern đề nghị gọi tên nền văn hóa này là Văn hóa Đông Sơn, có niên đại khoảng từ thế kỷ VII TCN đến thế kỷ I - II sau Công nguyên. Hàng trăm di tích, hàng chục nghìn di vật đã được phát hiện; nhiều Hội nghị, Hội thảo Quốc gia và quốc tế về nền văn hóa này đã được tổ chức; nhiều ấn phẩm được xuất bản... Với sự góp sức của ngành Bảo tàng học và hệ thống bảo tàng cả trong và ngoài nước, Văn hóa Đông Sơn không chỉ được biết đến qua các công trình nghiên cứu mà đã dần hiển hiện với công chúng qua những chứng cứ vật chất có thể tiếp cận chiêm ngưỡng tận mắt.

Những kết quả nghiên cứu đã khẳng định rằng: Đỉnh cao của Văn hóa Đông sơn là nghề luyện kim, đúc đồng phát triển rực rỡ. Rất nhiều bằng chứng về việc đúc đồng tại chỗ của cư dân Đông Sơn đã được tìm thấy. Đó là những chiếc khuôn đúc đồng bằng đá cát, đất nung và nồi nấu đồng bằng đất sét trộn vỏ trấu, bã thực vật. Một loại dụng cụ khác là những quả cân, được dùng trong sinh hoạt, giao thương buôn bán, nhưng có vai trò quan trọng trong nghề đúc đồng, giúp cho những người thợ Đông Sơn cân đong chuẩn xác tỷ lệ các thành phần hợp kim đúc đồng. Theo những phân tích hóa - lý của các nhà khoa học: thời Đông Sơn, kỹ thuật luyện kim đã có sự đột biến, thể hiện trong việc sử dụng chì để tạo nên một hợp kim có nhiều ưu việt, có thể đúc các vật lớn như trống, thạp đồng và quan trọng hơn là giúp cho các đường nét hoa văn được điền đầy, sắc nét. Những di vật của nền văn hóa này được phát hiện, nghiên cứu đã trở thành những tư liệu sống động phản ánh cuộc sống sôi động, hào hùng của con người trên mảnh đất Việt từ hơn hai nghìn năm trước. Đây cũng chính là cơ sở để cha ông ta phục hưng văn hóa dân tộc sau khi giành lại được độc lập tự chủ trong thế kỷ thứ X.

Những nét nghệ thuật và những bộ công cụ đặc sắc

Nói đến văn hóa Đông Sơn là nhắc đến trống đồng với những nét nghệ thuật đặc sắc. Trống đồng Đông Sơn (còn gọi là trống H1 theo phân loại của F. Heger) là biểu hiện cao nhất minh chứng công nghệ đúc đồng của người Việt cổ. Từ một nhạc khí quan trọng, trống đồng dần dần đã trở thành biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh Đông Sơn, là biểu tượng tồn vong của cộng đồng cư dân Lạc Việt. Trên mặt, tang và lưng trống trang trí dày đặc hoa văn hình mặt trời nhiều tia, các đề tài hiện thực và các motiv hình học. Cho tới nay, hàng trăm chiếc trống đồng Đông Sơn đã được tìm thấy trong phạm vi phân bố của Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Đây cũng là những chiếc trống đẹp nhất trong số hàng nghìn trống đồng được tìm thấy.

Ở Văn hóa Đông Sơn còn một loại nhạc khí được dùng phổ biến là chuông nhạc được thể hiện qua những hình trang trí trên đồ đồng Đông Sơn và được tìm thấy khá nhiều trong các địa điểm khảo cổ học. Chuông gõ có kích thước khá lớn, hình nửa bầu dục dẹt hoặc hình thang cân, dùng dùi gõ vào chuông để phát ra âm thanh. Chuông lắc thường có kích thước nhỏ, nhưng khá đa dạng về hình dáng, còn được gọi là quả nhạc.

Người Đông Sơn có cả một bộ nông cụ chuyên dụng, phù hợp với từng công đoạn của quy trình làm nông. Để chặt cây, khai hoang có các loại rìu, dao. Để đắp bờ, mở thửa, làm đất có các loại cuốc, xẻng, mai, thuổng, lưỡi cày… Đặc biệt, họ đã chế tạo được nhiều chiếc liềm, một loại công cụ tiên tiến giúp cho việc gặt hái nhanh hơn, cho năng suất cao hơn. Người Đông Sơn cũng đã tạo ra bộ công cụ làm mộc, có cấu tạo và chức năng gần như bộ công cụ làm mộc hiện đại, để dựng nhà sàn, đóng thuyền và chế tác các loại vật dụng sinh hoạt… gồm có các loại đục vũm, đục bẹt với nhiều kiểu dáng dài ngắn, thích hợp với từng kỹ thuật đục chạm khác nhau, hoặc các loại rìu xéo dùng để tu chỉnh sản phẩm mộc. Ngoài ra còn những loại hình công cụ dùng để đánh cá như lưỡi câu, chì lưới…

Những chiếc thạp lớn nhỏ để cất trữ lương thực, thực phẩm là loại di vật khá điển hình của Văn hóa Đông Sơn, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật tương tự như trống đồng. Cũng với chức năng là đồ đựng, còn có các loại thố, bình, lọ, âu, vò, bát, đĩa... Cuộc sống thời Đông Sơn được mô tả qua các hình tượng người và và thế giới động, thực vật gần gũi: voi, hổ, hươu, chó, gà, cóc, nhái, chim, rùa, rắn, quả bầu, bông lúa… Những loại di vật độc đáo khác là muôi, ấm và đèn. Trên cán muôi thường được gắn tượng trang trí hoặc tạo hình rất sinh động. Chiếc muôi đồng tìm được ở di chỉ Việt Khê, có cán gắn tượng người thổi khèn. Chiếc ấm tìm thấy ở di tích Đông Sơn, có vòi gần giống đầu của một loài chim, lại được gắn thêm tượng ba người đang ngồi cưỡi. Những chiếc đèn dùng để giữ lửa phục vụ đời sống sinh hoạt của người Đông Sơn cũng thể hiện khiếu thẩm mỹ rất cao, khi phần lớn được gắn tượng trang trí hoặc tạo theo hình thức tượng tròn. Đáng chú ý trong đó là những cây đèn hình người, hình các loài động vật như voi, hươu, bò…

Tài liệu khảo cổ học cũng đã chứng minh, trong bối cảnh văn hóa Đông Sơn, đã phát sinh xung đột xã hội, chiến tranh. Tỷ lệ vũ khí tìm thấy luôn chiếm khoảng 50% số lượng hiện vật trong mỗi di tích. Sưu tập vũ khí Đông Sơn vừa phong phú về loại hình, kiểu dáng vừa đa dạng về tính năng sử dụng: giáo, dao găm, kiếm ngắn, rìu chiến, qua, các loại lao, mũi tên, lẫy nỏ, những tấm che ngực (hộ tâm phiến) hình vuông, hình chữ nhật trang trí hoa văn đẹp, được gắn khuyên hoặc khoan lỗ ở 4 góc để xâu dây buộc trước ngực…

Khẳng định sự hiện diện của nhiều trung tâm cư dân

Hệ thống các di tích khảo cổ học từ giai đoạn tiền Đông Sơn đến giai đoạn Văn hóa Đông Sơn, đã khẳng định sự hiện diện của nhiều trung tâm cư dân thời Đông Sơn ở các vùng Phú Thọ, Cổ Loa, Đông Sơn... Các cư dân “thời Vua Hùng” đã có nhiều mối giao lưu. Thời đại kim khí, trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, ba nền văn hóa Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Đồng Nai cùng tồn tại và phát triển rực rỡ. Người ta tìm thấy những chiếc trống đồng Đông Sơn điển hình có mặt trong Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, ở khu vực Tây Nguyên, Văn hóa Đồng Nai ở Đông Nam Bộ. Trống đồng Đông Sơn còn được tìm thấy xa hơn về phía nam ở các nước Đông Nam Á, về phía bắc ở các tỉnh phía nam Trung Quốc như Vân Nam, Hồ Nam, hạ lưu sông Trường Giang. Theo chiều giao lưu ngược lại, nhiều hiện vật có nguồn gốc bên ngoài như đồ trang sức của Văn hóa Sa Huỳnh, một số hiện vật của Văn hóa Điền, Văn hóa Hán cũng có mặt trong các tầng Văn hóa Đông Sơn. Con mắt nhìn so sánh của các nhà khoa học cũng chỉ ra những tương đồng và khác biệt của Văn hóa Đông Sơn và Văn hóa Đồng Nai - hai nền văn hóa, hai trung tâm văn minh lớn - đã chứng minh cho sự đa dạng của văn hóa tiền - sơ sử Việt Nam.

Theo chiều dài lịch đại, trong nhiều thế kỷ tiếp theo, sự bảo lưu truyền thống Văn hóa Đông Sơn đã chứng minh sức sống mạnh mẽ tiềm tàng của nền văn hóa bản địa trước những âm mưu đồng hóa. Đây chính là cơ sở để cha ông ta phục hưng văn hóa dân tộc sau khi giành lại được độc lập tự chủ trong thế kỷ thứ X. Số lượng hiện vật, tư liệu có được từ những cuộc khai quật khảo cổ nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn rất phong phú đã cho cái nhìn nhiều chiều về Văn hóa Đông Sơn, cho phép mường tượng phần nào cuộc sống của những cư dân thời tiền - sơ sử trên mảnh đất Việt ngày nay. Chỉ riêng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang bảo quản, lưu giữ hơn 10.000 hiện vật văn hóa Đông Sơn. Nhiều hiện vật văn hóa Đông Sơn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia: Trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh, v.v...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm tự hào Văn hóa Đông Sơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO