Nữ danh ca Pháp Edith Piaf (1915-1963): Chết với tình yêu

Huyền Anh 18/10/2019 09:05

Nữ danh ca huyền thoại của nền thanh nhạc Pháp thế kỷ XX Edith Piaf (tên thật Edith Giovanna Gassion, một nghệ danh khác là La Môme Piaf) lưu duyên hậu thế không chỉ qua những bài hát bất hủ như “La vie en rose”, “Non, je ne regretted rien”, “Hymne a l’amour”, “Mon legionnaire” hay “Milord” mà còn bởi những huyền tích về sự đỡ đầu đối với hàng loạt giọng hát trẻ… Một năm trước khi qua đời, ở tuổi 47, Edith Piaf đã cử hành hôn lễ trước bàn thờ đạo Chính giáo, mặc dù bà là một tín đồ Thiên chúa giáo, với chàng trai Hy Lạp kém bà tới hai mươi tuổi…

Nữ danh ca Pháp  Edith Piaf (1915-1963): Chết với tình yêu

Edith Piaf đã có một số phận theo đúng kiểu “ma đưa lối quỷ dẫn đường, lại tìm những bước đoạn trường mà đi”, cả lúc còn hàn vi lẫn khi đã vươn lên tới đỉnh cao sự nghiệp…

Tháng 10/1949, sau hơn một năm thắm đượm lửa tình với Marcel Cerdan, một người đàn ông đã có vợ, võ sinh quyền Anh lừng lẫy từng đoạt danh hiệu vô địch hạng nhẹ thế giới, bất ngờ nữ danh ca lại phải chứng kiến một sự mất mát to lớn. Khi ấy, Edith Piaf đang làm ca sĩ phòng trà (rất được hâm mộ) ở New York, Cerdan đã bị chết bất ngờ trong một tai nạn hàng không khi bay từ Paris sang New York để gặp người yêu. Edith Piaf đã bị rơi vào một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng và bắt đầu dùng morphine liều cao. Trong cơn bi phẫn, nữ danh ca đã cho ra đời một tác phẩm bất bủ: Hymne a l’amour và có lần đã bị ảo giác trầm trọng tới mức suýt nữa thì lao mình qua cửa sổ…

Trở về Paris, Edith Piaf lại ra phố hát như lúc còn lận đận, khoác lên mình những bộ y phục nhem nhuốc, làm ca sĩ lang thang khắp “kinh đô ánh sáng” và khi đêm về, thường dan díu với những người đàn ông chỉ toàn là “sơ kiến tân giao”. Nhiều người khi ấy đã nghĩ rằng, bi kịch đó có lẽ đã vĩnh viễn xô nữ danh ca xuống vực thẳm nhân tình, không gì có thể đưa trở lại sàn diễn chính thức và cuộc sống như xưa. Tuy nhiên, người đàn bà bé nhỏ này vẫn tìm lại được trong mình đủ độ ấm của tài năng để lại biểu diễn trong nhà hát và buộc công chúng phải trầm trồ không chỉ với giọng hát mà còn bởi một ý chí tuyệt vời bất khả chiến bại.

Trong những năm 1950, Edith Piaf lại liên tiếp bị hai vụ tai nạn giao thông, làm kiệt quệ sinh lực. May mắn thay, đúng ở thời điểm bĩ cực đó, trong cuộc đời của Edith Piaf đã xuất hiện ngôi sao hạnh phúc tuyệt vời mới: một chàng trai người Hy Lạp, làm nghề cắt tóc, đẹp như thần Apolon và tràn đầy khát khao trở thành ca sĩ, tên là Theofanis Lamboukas. Đây là tình yêu cuối cùng của Edith Piaf, mang đến người chồng chính thức thứ hai của nữ danh ca.

Edith Piaf đã nhìn thấy Lamboukas khi anh tới bệnh viện thăm. Anh mang theo một con búp bê Hy Lạp nho nhỏ mà theo tín ngưỡng, có thể giúp con người nhận nó gặp những điều may mắn. Sau lần quen đầu là những cuộc thăm viếng khác, lần nào anh cũng mang cho nữ danh ca những món quà nhỏ mà người nhận rất thích thú. Rồi một ngày kia, Theo tỏ tình với người phụ nữ gần gấp đôi tuổi mình…
Dĩ nhiên là nữ danh ca 47 tuổi đã từ chối lời cầu hôn ngọt ngào của chàng trai trẻ, thậm chí còn không thể hình dung ra cảnh ở tình huống lúc đó, liệu bà còn có thể yêu thêm ai được nữa không để cho họ bước vào cuộc đời mình, một phụ nữ đã bị những tai họa làm cho gần như tàn phế ở sát ngưỡng vực thẳm thời gian…

Tuy nhiên, Adith Piaf chỉ cự tuyệt lời tỏ tình chứ không xua đuổi Theo, vì thế chàng trai đã có thể ngồi lì hàng giờ gần cây dương cầm của bà và nghe bà chơi đàn. Chàng trai không hề cảm thấy cấn cá gì với khoảng cách tuổi tác gần hai thập niên giữa họ cũng như những chứng bệnh mà Edith Piaf đang mắc phải (ở thời điểm đó, các bác sĩ đã chuẩn đoán bệnh viêm khớp nặng; một thời gian sau thì phát hiện ra bệnh ung thư gan ở Edith Piaf).

Nữ danh ca Pháp  Edith Piaf (1915-1963): Chết với tình yêu - 1

Theo Lamboukas và Edith Piaf.

Có lẽ Edith Piaf đã nhìn thấy ở Theo hình ảnh một cậu con trai hơn là một ý trung nhân và cũng như khi bà còn trẻ hơn, đã muốn hỗ trợ cho anh thợ cắt tóc có giọng hát khá tốt này trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, như đã từng giúp nhiều tài năng trẻ khác… Ở giữa những năm 1950, chính Edith Piaf đã từng đưa ra bàn tay hào phóng dắt lên sân khấu lớn những giọng ca trẻ như Yves Montand, Eddie Constantine và đặc biệt là Charles Aznavour. Năm 1951, nữ danh ca đã chọn Aznavour làm trợ lý, viết riêng cho bà những ca khúc biểu diễn… Chính bà đã là người sớm nhìn ra một tài năng thanh nhạc đặc sắc ở chàng thanh niên gốc Armenia này, giúp đỡ anh cả về vật chất, thậm chí còn cho anh tiền để phẫu thuật thẩm mỹ lại cái mũi, vì như bà từng nói trêu Aznavour: “Với cái mũi này thì cậu không thể nào vươn lên được”. Aznavour đã gìn giữ những lá thư mà Edith Piaf từng viết cho ông như những kỷ vật quý giá nhất của đời mình…

Một khi đã định giúp ai thì Edith Piaf sẽ giúp ngay mà không hề suy tính thiệt hơn. Có lần, bà còn cứu cho phòng hòa nhạc Olympia lừng danh ở Paris khỏi nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, trong trường hợp với Theo Lamboukas. Edith Piaf đã không làm được việc gì đáng kể để anh trở thành một ca sĩ thực thụ - công chúng đã rất lạnh lẽo khi nghe anh hát! Gần như cả Paris đã bịt mũi cười trước cặp tình nhân lệch tuổi này vì cho rằng Theo chỉ là kẻ đào mỏ. Thực ra, Theo đã đến với nữ danh ca với một sự ngưỡng mộ đích thực và thực sự coi bà là thần tượng của mình.

Khi đã cho Theo lại gần mình rồi, Edith Piaf cũng đã không vội bước lên xe hoa, dù ở bên cạnh anh, bà cảm thấy rất hạnh phúc. Chính bà đã nghĩ cho anh nghệ danh Sarapo, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là: Em yêu anh! Nữ danh ca đã phân vân khá lâu trước khi quyết định nhận lời cầu hôn của Theo, về mặt nguyên tắc, bà không thích những cuộc hôn nhân lệch tuổi. “Hãy thử nghĩ mà xem, - bà tự nói với mình, - sau mười năm ta đã 57 tuổi rồi, mà chàng ta mới chỉ 27 tuổi, một người đàn ông đang thời kỳ sung mãn nhất. Khi ấy thì ra sẽ là gì đối với chàng ta?”.

Thế rồi một hôm, Edith thấy một giấc mơ tương tự như một số giấc mơ mà bà từng thấy trước đó, như những điềm báo trước sẽ phải chia lìa những người yêu dấu. Lần này, bà mơ thấy mình nghe rất rõ giọng hát của Theo qua ống nghe điện thoại. Thế là sáng hôm sau trở dậy, bà đã đồng ý để trở thành vợ của Theo…

Nữ danh ca vốn là một người mê tín và sau khi Marcel Serdan tử nạn, đã trở nên nghiện môn thông linh luận và đi đâu cũng mang theo mình cái bàn xoay kỳ diệu mà nhờ nó, dường như bà có thể liên hệ được với những người đã khuất. Bà từng kể cho mọi người nghe là cái bàn đó đã có lần cứu bà thoát chết, khi bà đi du diễn cùng nhóm của mình bằng máy bay từ thành phố này sang thành phố khác. Khi chuẩn bị bay từ Chicago tới San Fransisco, những vong linh thông qua cái bàn xoay đã nói với bà: “Ngày 22-3 tới, máy bay sẽ bị rơi, mọi người sẽ tử nạn”. Thế là bà đã hủy vé ngay và sáng hôm thì hay tin, máy bay đã bị rơi, tất cả hành khách có mặt trên chuyến bay đó đều tử nạn…

Và rồi đám cưới đã diễn ra trong nhà thờ Chính giáo theo đúng tín ngưỡng của chú rể. Cả Paris ồn ào lên án Theo tham tiền tham danh… Ít ai biết rằng, ở thời điểm đó, nữ danh ca gần như khánh kiệt, mọi tiền của đã trôi đi theo ma túy, những trò vung tay quá trán và cuối cùng là các loại thuốc chữa bệnh mà Edith Piaf cần để duy trì sự sống cho thân thể đã kiệt quệ của mình…

Người chồng trẻ đã phải rất cố gắng để giúp vợ duy trì sinh lực: anh săn sóc bà một cách rất tận tụy, bón cho bà ăn, đọc sách cho bà nghe, tặng bà những món quà dễ thương để bà lấy đó làm vui trong những ngày cuối đời… Cứ như thế suốt 11 tháng sau khi cưới, cho tới khi Edith Piaf trút hơi thở cuối cùng. Lúc hấp hối, nữ danh ca thốt lên: “Tôi không xứng đáng với Theo nhưng tôi đã được có chàng”…

Tiễn bà tới nơi an nghỉ cuối cùng có hàng triệu người Pháp. Bà được mai táng tại nghĩa địa Pere - Lachaise, trong cùng một ngôi mộ với cha và con gái bà. Nhà thờ Thiên chúa giáo đã từ chối cử hành tang lễ cho bà với lý do là bà đã “sống trong tội lỗi”. Lễ cầu nguyện cho bà trong nhà thờ đã chỉ diễn ra sau khi Edith Piaf qua đời nửa thế kỷ, vào tháng 10/2013!

Theo, người chồng từng bị vô số thị phi, chỉ nhận được sau khi vợ chết món nợ tới 7 triệu quan mà nữ danh ca để lại. Anh đã biết về món nợ này khi ngỏ lời cầu hôn với bà, và vì thế anh đã bán luôn căn hộ mà hai vợ chồng từng chung sống để trả nợ cho vợ…

7 năm sau khi Edith Piaf mất, năm 1970, Theo cũng đã chết trong một tai nạn giao thông. Khi đó, anh mới 34 tuổi. Anh đã được mai táng trong ngôi mộ chung với Edith Piaf..

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nữ danh ca Pháp Edith Piaf (1915-1963): Chết với tình yêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO