Làm công việc gì cũng cần phải đam mê, nghĩa là dồn hết tâm trí của mình vào đấy. Có dồn hết tâm trí thì mới "Hiểu biết, khám phá và sáng tạo" (Phạm Văn Đồng) được những cái lớn, cái mới. Sáng tạo văn học nghệ thuật lại càng cần đam mê và tỉnh táo.
(Minh họa: François Schuiten).
Cách đây bốn thập kỷ, khi tôi mới là sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, thầy chủ nhiệm khoa Lê Trí Viễn đã nói với chúng tôi rằng: "Các anh các chị học văn phải say như mê gái ấy". Đấy là thầy chân tình và nói nôm vậy. Chúng tôi hiểu, đã bước vào thế giới văn chương thì phải đam mê. Tình yêu trai gái quả là một sự đam mê đặc biệt. Đại văn hào Nga Lev Tolstoy đã nói: "Kìa, hãy nhìn những người yêu nhau, họ là những thiên tài". Mặt tích cực của tình yêu làm người ta thông minh, giàu sáng tạo hơn nhiều lúc bình thường. Không có tình yêu đối với đối tượng sáng tác thì làm gì có cảm hứng sáng tạo văn chương.
Chính sự đam mê trong sáng tạo văn chương sẽ dẫn dắt người sáng tác đến những thành công bất ngờ làm chính nhà văn nhà thơ nhiều khi cũng ngỡ ngàng là mình có thể viết được như thế. Vì vậy, có người lại quá nhấn mạnh là những trang viết trong vô thức thì mới hay. Chúng ta không phủ nhận giá trị của những yếu tố từ vô thức, nhưng tôi cho rằng nếu hoàn toàn vô thức thì dễ dẫn đến sự mê muội. Những sáng tạo xuất thần phải chăng là phút thăng hoa ở giữa hai bờ ý thức và vô thức? Có nghĩa là từ sự sáng tạo của trí tưởng tượng bay bổng nhưng vẫn có sự dẫn dắt của lý trí. Chỉ đam mê sẽ lệch lạc, chỉ tỉnh táo sẽ khô cứng. Tác phẩm văn chương phải được ra đời từ cả sự đam mê và tỉnh táo. Khi nhà thơ Chế Lan Viên viết: "Hỡi sông Hồng, tiếng hát bốn nghìn năm/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?", phải là từ sự đam mê lớn, nhưng cũng phải tỉnh táo thấu suốt lịch sử... Viết tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” dày hơn 2.000 trang sách, L. Tolstoy cũng phải đam mê trong một thời gian dài. Ông đắm mình vào thế giới nhân vật.
Quá trình phát triển, nhiều nhân vật đã có suy nghĩ và hành động khác với ý định ban đầu của ông. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là những nhân vật "nổi loạn". Có phải như vậy chăng? Nhân vật chính là những đứa con của nhà văn. Mọi suy nghĩ và hành động của nhân vật đều từ nhà văn mà ra. Nhà văn phải để nhân vật phù hợp với lôgíc khách quan. Nhà văn phải đắm mình sống cuộc đời nhân vật thì nhân vật mới có sức sống. Thi sĩ Tố Hữu viết: "Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều" là vì vậy. Chứ làm gì có nhân vật vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhà văn? Nhà văn vừa đam mê, vừa tỉnh táo để sáng tạo nhân vật của mình một cách tự nhiên và khách quan. Không thể có sự mâu thuẫn giữa nhân vật và nhà văn, nếu có thì đấy chỉ là sự đấu tranh trong chính nhà văn để lựa chọn sự đúng đắn nhất khi thể hiện.
Viết phê bình văn chương cũng phải đam mê như thế. Tức là nhà phê bình phải nhập vào tác phẩm, sống với hình tượng thơ, hình tượng nhân vật của tác giả. Phải tìm hiểu, phải khám phá thế giới hình tượng, thế giới nhân vật. Có thế mới sáng tạo nên những tác phẩm phê bình có sức sống, có sức thuyết phục đối với nhà văn và độc giả. Chứ đâu phải cứ đọc xong là phán. Nhà phê bình Hoài Thanh là một mẫu mực khi ông đắm mình vào những hình tượng thơ trong tác phẩm “Điêu tàn” của Chế Lan Viên: "Tôi cầm bút viết bài này thì văng vẳng bên tai tôi giọng ca Nam Bình đưa sang từ nhà bên cạnh. Giọng ca âm thầm ai oán, mỗi lần tôi nghe lại khiến lòng tôi bồn chồn, chân tay tôi rời rã"... Đấy là đoạn mở đầu. Còn đây là phần cuối: "Cái mạnh mẽ, cái to lớn ấy, những đau thương vô lý mà da diết ấy, cái thế giới lạ lùng và rùng rợn ấy, ai có ngờ ở trong tâm trí một cậu bé mười lăm mười sáu tuổi? Cậu bé ấy đã khiến bao người ngạc nhiên. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở giữa thế kỷ hai mươi, nó đứng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật"...
Đam mê và tỉnh táo luôn đi liền với nhau là yêu cầu đối với mọi văn nghệ sĩ. Tất nhiên không phải lúc nào đam mê và tỉnh táo cũng ở trong trạng thái thăng bằng. Sự cân bằng thái quá và nghiêm chỉnh thái quá thì đâu còn nghệ thuật. Nhưng những năm gần đây, quan sát những tác phẩm văn chương mới ra đời, xu hướng tỉnh táo có phần lấn át sự đam mê. Đó là một điều đáng lo ngại. Tức là sự khô khan, tỉnh táo của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng đến sáng tác văn chương, mà đáng lẽ quy luật sáng tạo văn chương là phải ngược lại: đam mê nhiều hơn tỉnh táo.
Không còn thủ pháp
Xuất phát từ quan niệm con người là vĩ đại, nên một số người khi bình giảng, phân tích tác phẩm thường đề cao thủ pháp nhân cách hóa, tức là thủ pháp so sánh sự vật sự việc với con người để đề cao sự vật đó. Chẳng hạn, trong các truyện cổ tích có những con vật biết nói năng và suy nghĩ như người, thần Kim Quy thì trò chuyện và nhận kiếm từ đức vua Lê Lợi... Còn cho rằng vật cách hóa thì ngược lại, là để hạ thấp những kẻ có nhân cách và hành động thấp hèn. Chẳng hạn khi nhà thơ Tố Hữu viết về kẻ thù: "Đàn tép mà ép biển khơi/ Quạ đen che ánh mặt trời được chăng?".
Thực ra, nhân cách hóa hay vật cách hóa chỉ là một thủ pháp nghệ thuật. Nhân cách hóa cũng có thể không phải để đề cao. Ví như, truyện rắn báo oán, hay hành động của đại bàng cướp công chúa... Còn vật cách hóa cũng không phải chỉ để hạ thấp, mà vẫn dùng để đề cao, ca ngợi. Vấn đề là nhà văn, nhà thơ sử dụng thủ pháp đó như thế nào. Và đôi khi hai thủ pháp nghệ thuật này được trộn lẫn, tạo nên hình tượng nghệ thuật có sức mạnh khác hẳn, ấy là khi người đọc không còn thấy thủ pháp nghệ thuật nữa, như ông vua thi sĩ Trần Nhân Tông viết: "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông vạn thuở vững âu vàng". Nhà thơ Chế Lan Viên viết: "Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng". Rồi thi sĩ Tố Hữu viết về Bác Hồ: "Như đỉnh non cao tự giấu hình" và "Bác sống như trời đất của ta"... Như vậy, khi bình giảng, phân tích mà cứ gò các hình tượng nghệ thuật thuộc về một thủ pháp nào đó thì vô tình đã hạ thấp hình tượng đẹp đẽ đó. Những hình tượng nghệ thuật đẹp thường vượt lên trên, vượt ra ngoài các thủ pháp. Có lẽ vì điều này mà một số nhà thơ, nhà văn cho rằng thơ văn hay thì không thể phân tích được, chỉ biết nói là nó hay, nó đẹp mà thôi. Thực ra thì không hoàn toàn như vậy. Tác phẩm nghệ thuật hay cũng như người đẹp, như ngọc quý vẫn có thể nhận xét, bình giá. Vấn đề là phải có một tài năng phê bình tương xứng thì mới gọi được hồn của tác phẩm. Như Kim Thánh Thán bình bài thơ "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu; Hoài Thanh phê bình Thơ Mới; Xuân Diệu phân tích đánh giá ba thi hào dân tộc Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương...
Khi viết, các nhà thơ nhà văn không ai lại chú ý đến các thủ pháp nghệ thuật cả. Hình tượng cứ tự nó đến và trào ra theo cảm hứng. Tùy thuộc hồn thơ hồn văn của từng người mà hình tượng ra đời hoàn mỹ đến mức nào. Còn ai phải tìm thủ pháp nghệ thuật để biểu hiện thì chỉ là thợ viết. Đã là thợ thì không thể hoàn hảo dẫu tay nghề có cao và khéo đến đâu. Cho nên đối với văn nghệ sĩ, vấn đề quan trọng nhất là việc bồi dưỡng tâm hồn mình, tức là thế giới quan, tình yêu con người và cuộc sống cùng hệ thống thẩm mỹ, chứ không phải là việc luyện tập, rèn luyện kỹ năng.
Nghệ thuật không thể rèn luyện mà có được. Sự rèn luyện có thể giảm bớt sự thô vụng, nhưng trước hết nghệ thuật phải phát ra từ hồn. Khi đã có tâm hồn nghệ sĩ thì môi trường để rèn luyện lại chính là cuộc sống chứ không phải chỉ ở trong các nhà trường, học viện. Tuy nhiên các nhà trường, các học viện không phải là không cần thiết, bởi muốn trở thành một nghệ sĩ lớn và sống lâu dài với nghệ thuật thì không thể chỉ là năng khiếu tự phát thuần túy, mà phải có những kiến thức, hiểu biết cơ bản, hệ thống về các phương diện của nghệ thuật. Đây lại là một sự đòi hỏi nghệ thuật nữa, sự hài hòa giữa tài năng thiên phú và sự tự đào tạo bồi dưỡng sẽ cho cây phát triển lớn cao. Tôi rất tâm đắc phương châm đào tạo của Bộ Giáo dục cách đây bốn chục năm là "biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo". Có lẽ đây cũng là phương châm thích hợp nhất cho tất cả các văn nghệ sĩ. Quá trình ấy, có thể qua trường lớp, nhưng phải là quá trình tự đào tạo suốt cuộc đời của mỗi nhà thơ nhà văn. Tức là tâm hồn mỗi nghệ sĩ phải luôn có sự cộng hưởng tư tưởng thời đại, hiện thực cuộc sống và rung động của cá nhân mình.