Phẩm chất phụ nữ Việt Nam đảm đang, nhân ái không phải chỉ có trong lịch sử, không phải chỉ là câu chuyện của bà, của mẹ hôm qua. Giữa đời sống hiện đại, ở những nơi xa bên ngoài Tổ quốc, vẫn nguyên vẹn nồng nàn những tấm lòng người phụ nữ Việt Nam giàu tình thương yêu con người và không bao giờ quên hướng về đất mẹ.
Phụ nữ người Việt ở Đức tham gia may khẩu trang chống dịch.
Những phụ nữ gốc Việt sinh sống, học tập, lao động, định cư ở nhiều nước trên thế giới đã thành lập các tổ chức phụ nữ dưới nhiều hình thức như hội phụ nữ, câu lạc bộ phụ nữ để giao lưu tình cảm, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và cùng hướng về quê hương đất nước.
Nhiều tổ chức hội đoàn phụ nữ gốc Việt đã có hàng chục năm hoạt động quy củ như Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, Câu lạc bộ Vinaphunu tại Berlin (Đức)...
Kể từ khi thành lập, Hội phụ nữ là nhân tố tích cực trong các hoạt động của cộng đồng Việt tại Ba Lan. Nhiều hoạt động của Hội trở thành hoạt động truyền thống hàng năm như: Kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, tổ chức các chuyến tham quan du lịch. Ngoài ra Hội đã tích cực cùng các tổ chức cộng đồng khác tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, từ thiện, đối ngoại. Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan đã được Bộ ngoại giao và Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen vì những hoạt động kết nối cộng đồng.
Ở nhiều nước, chị em phụ nữ Việt xa xứ có nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, không chỉ liên kết gắn bó trong hội đoàn của mình mà còn cả trong cộng đồng, như tham gia tổ chức các buổi lễ, Tết truyền thống, tổ chức lớp học tiếng Việt; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chị em qua các buổi sinh hoạt văn nghệ, nói chuyện chuyên đề về sức khỏe, hôn nhân gia đình, hoặc các hoạt động nhân đạo, từ thiện…, hay góp phần xây dựng quê hương qua việc đóng góp nguồn lực tài chính, chất xám, phổ biến kiến thức, tay nghề, cũng như tăng cường hội nhập với cộng đồng sở tại. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thạch, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan chia sẻ: “Phụ nữ ở đâu cũng là trung hậu đảm đang, trước ở Việt Nam thì giỏi việc nước đảm việc nhà, xa quê hương thì cuộc sống bươn chải, nhiều vất vả nhưng chị em cũng vẫn đảm việc nhà giỏi việc kinh doanh. Và chị em kinh doanh cũng là đầu tư về trong nước, đặt hàng ở trong nước.”
Trong những ngày cả châu Âu đóng băng vì đại dịch Covid-19, con số người nhiễm bệnh tại Đức đã vượt qua 56 nghìn ca. Dù được chuẩn bị khá chu đáo nhưng nước Đức vẫn gặp phải những tình huống phát sinh không lường trước, ví dụ như việc thiếu khẩu trang tại các bệnh viện, viện dưỡng lão. Nhiều bệnh viện Đức đã kêu gọi hỗ trợ khẩu trang.
Việc may khẩu trang chống dịch ban đầu xuất hiện lẻ tẻ trong cộng đồng rồi được lan tỏa thành phong trào khi hàng loạt bệnh viện, cơ sở y tế đều có nhu cầu khẩu trang mà không còn. Tại thành phố Dressden, chị Võ Thiên Nga và hội phụ nữ đã kêu gọi mọi người trong cộng đồng cùng góp sức may khẩu trang chống dịch. Cùng lúc đó, phong trào lan rộng tại nhiều vùng của nước Đức như công ty BmB EU của chị Ngọc Mai, Hội phụ nữ Đồng Xuân Berlin, hay chị Hà Nails Berlin… đều dành tâm nguyện đóng góp, kêu gọi và ủng hộ cho những nơi cần. Giá một chiếc khẩu trang vào khoảng 3-5 €. Nhưng người góp công, người góp của, không quản ngại mệt nhọc, những chiếc khẩu trang vải của người Việt được gửi tới những người trên tuyến đầu chống dịch.
Khẩu trang tự may có một phần đạt tiêu chuẩn khẩu trang y tế, phần còn lại được may bằng vải cotton theo quy trình hướng dẫn tuy không thể sử dụng trong phòng cấp cứu hay phòng điều trị, nhưng với tình trạng khan hiếm hiện nay, đó là sự hỗ trợ to lớn cho các điều dưỡng viên trong trại dưỡng lão, cho những nhân viên vòng ngoài và bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện – những người không biết phải mua khẩu trang ở đâu.
Ngày càng có nhiều hơn những chị em từ mọi miền của nước Đức cùng tham gia vào hoạt động đầy ý nghĩa này. Những dòng trạng thái, những tin nhắn được chia sẻ, những bài viết về vật liệu, cách chọn, cách mua hay mẫu cắt may khẩu trang được gửi cho nhau trên facebook, những nhóm làm chung được thành lập. Một ngọn nến thắp lên khởi đầu cho hàng loạt những ngọn nến cùng sáng.
Trên toàn nước Đức những lời kêu gọi may khẩu trang được đăng tải trên các trang của cộng đồng người Việt và đã có tới hàng ngàn chị em cũng tham gia, với tinh thần đồng cảm, sẻ chia, với tình yêu thương gắn bó giữa người với người, như Chế Lan Viên đã viết “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.
Tại Đài Loan, tuy chưa có một Hội Phụ nữ Việt trên toàn xứ đảo này, nhưng có hàng chục câu lạc bộ do các cô dâu hoặc người lao động Việt tụ họp, để có một nơi sinh hoạt chung, cũng như vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Ngoài việc giúp đỡ lẫn nhau, chị em phụ nữ Việt Nam tại Hungary vẫn tiên phong trong các hoạt động hướng về nước bạn nhằm nâng cao vị trí của cộng đồng ở nước sở tại, từ những hoạt động ấm áp tình người. Như thành công của cuộc thi vẽ “Việt Nam hôm nay trong con mắt trẻ thơ” với sự tham gia của hơn 800 thiếu nhi Hung năm 2007, buổi hoà nhạc từ thiện của các cháu thiếu nhi Việt Nam ủng hộ cho trẻ em tàn tật Hungary... Rồi các thành viên của hội cũng ủng hộ về quê nhà trong những đợt kêu gọi của các Hội đoàn cộng đồng và trong nước. Bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary cho biết: “Đặc điểm của những người tham gia công tác Hội ở Hungary đó là đa số các chị em rất bận rộn làm ăn, nhưng cũng rất hết mình khi tham gia công việc chung, tập hợp nhau để gắn bó, đoàn kết và giáo dục văn hóa Việt Nam cho con cháu”.
Đặc biệt các hoạt động của chị em phụ nữ Việt kiều trong nhiều năm qua đã được kết nối với phong trào phụ nữ trong nước, với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary là những tổ chức Hội đầu tiên được Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam biểu dương, trao tặng Kỷ niệm chương cho những chị em có thành tích xuất sắc trong các hoạt động hướng về Tổ quốc. Nhiều nữ chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt ở nước ngoài đã giúp kết nối Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, qua đó vận động sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho các hoạt động của phụ nữ trong nước.
Là hạt nhân gắn kết, gây dựng hạnh phúc trong gia đình, những người phụ nữ Việt ở nước ngoài, cùng nhau quy tụ trong những tổ chức tương thân tương ái cũng thực sự trở thành những hạt nhân gắn kết keo sơn trong cộng đồng, thắp sáng tình người Việt ở nơi xa xứ.