Thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng: Không ngừng chống quân xâm lược

Nguyễn Túc 03/04/2019 09:15

Thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng sinh năm 1915 trong một gia đình trung nông tại xã Định Mỹ, huyện Huệ Đức, tỉnh An Giang. Thuở nhỏ chăm ngoan, học giỏi, lớn lên, là một thanh niên yêu nước và ý thức dân tộc cao, có nhiều hoạt động phản kháng những bất công dưới chế độ thực dân Pháp, ông là một trong những nhân vật tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam.

Thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng: Không ngừng chống quân xâm lược

Một đoạn kênh Thoại Hà chảy qua xã Định Mỹ, quê hương Thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng.

Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, trong các ngày từ 22 đến 25/2/1943 Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp và quyết định những vấn đề trọng đại có liên quan đến vận mệnh của đất nước, trong đó đưa ra nguyên tắc để lập Mặt trận với các tổ chức, đảng phái và cá nhân nhằm thu hút quần chúng nhân dân tham gia. Được những người cộng sản tuyên truyền, vận động, thuyết phục, Huỳnh Thanh Mừng gia nhập đội ngũ nội ứng nghĩa binh Cao Đài chống thực dân Pháp với vỏ bọc là công nhân đóng tàu cho hãng Nitinan của Nhật tại Cầu Rạch Ông (nay thuộc quận 8 TPHCM), sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.

Ngày 9/3/1945, Nhật lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương, Huỳnh Thanh Mừng đã hoàn thành xuất sắc vai trò nội ứng để nghĩa binh Cao Đài đảo chính thực dân Pháp ở Sài Gòn. Sau sự kiện trên, Cao Đài hình thành quân đội riêng và anh tham gia quân đội Cao Đài để cùng toàn dân chống thực dân Pháp.

Phát xít Đức đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng Minh, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã điểm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi: Toàn dân tộc hãy đứng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

11h đêm ngày 13/8/1945, trước giờ Nhật đầu hàng Đồng Minh, Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa được công bố, tín đồ Cao Đài đã cùng nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền. Chỉ trong vòng gần hai tuần lễ, chính quyền của địch hoàn toàn sụp đổ, các Ủy ban Nhân dân lâm thời được thành lập. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền non trẻ của nhân dân ta lúc đó đứng trước vô vàn khó khăn: Nạn đói đe dọa sinh mệnh hàng triệu đồng bào miền Bắc; quân Anh được phái vào tước vũ khí của quân Nhật ở miền Nam lại tiếp tay cho thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai từ ngày 23/9/1945.

Trước sự tồn vong của dân tộc, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu làm nô lệ, không chịu mất nước” các tín đồ Cao Đài đã cùng quân dân đoàn kết chiến đấu chống thực dân Pháp vào mọi lúc, ở mọi nơi. Chiến tranh lan rộng, Pháp chiếm Tây Ninh. Huỳnh Thanh Mừng theo lực lượng quân đội Cao Đài Tây Ninh ra Giồng Năng, Voi Da, Chuối Nước huyện Bến Cầu xây dựng phòng tuyến chống Pháp. Cầm cự được một thời gian, lực lượng võ trang Cao Đài phái Tây Ninh do Nguyễn Văn Thành, Trịnh Minh Thế chỉ huy theo lệnh của Trần Quang Vinh, kéo quân về Tòa thánh đầu hàng và hợp tác với Pháp. Phục vụ trong quân đội Cao Đài, Huỳnh Thanh Mừng đã lần lượt được phong tới chức thiếu tá, tiểu đoàn trưởng danh dự bảo vệ Bộ Tổng tham mưu quân đội Cao Đài.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 20/7/1954 với hai điểm rất quan trọng, đó là:

1. Các nước công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quy định sẽ Tổng Tuyển cử tự do trong cả nước vào tháng 7/1956 để thống nhất đất nước.

2. Trong khi chờ đợi tiến hành Tổng Tuyển cử hòa bình thống nhất đất nước, hai bên ngừng bắn, chuyển quân tập kết về hai miền Bắc và Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời.

Thế nhưng, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký, những cuộc trả thù dã man những người kháng chiến diễn ra ở nhiều nơi; địch càn quét sâu vào các căn cứ, bắn giết, cầm tù nhiều cán bộ và đồng bào yêu nước. Từ miền Tây Nam bộ cho đến rừng núi Tây Nguyên, chúng vừa tàn sát, vừa dồn dân lập khu dinh điền, khu trù mật, ấp chiến lược, giam hãm cả xã, cả buôn làng vào những khu tập trung… Đối với các tôn giáo, Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách phân biệt đối xử, quốc gia hóa các lực lượng giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên để chống Cộng. Với Cao Đài Tây Ninh, chúng mua chuộc Nguyễn Thành Phương, Trịnh Minh Thế, bọn phản Đạo phản quốc này kéo quân về đầu hàng và gia nhập đội quân của Diệm. Hàng ngũ quân đội Cao Đài bị phân hóa.

Trước tình hình đó, Hội pháp Phạm Công Tắc kêu gọi các sĩ quan, binh lính quân đội lựa chọn hai con đường: Về mặt đời cần tiếp tục sự nghiệp; về mặt đạo, hãy trở về quê lo tu tâm, dưỡng tính. Lời kêu gọi đó càng làm cho quân đội Cao Đài đã phân hóa càng thêm phân hóa: một số ít đi theo Nguyễn Thành Phương, còn đa số bỏ hàng ngũ về gia đình và kéo nhau vào rừng lập thành những đơn vị độc lập tác chiến chống lại âm mưu quốc gia hóa.

Thực hiện âm mưu của Diệm, Nguyễn Thành Phương lập Ban Thanh trừng đạo, đưa ba đại đội bao vây nội ô Tòa thánh nhằm khống chế Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng chỉ huy tiểu đoàn từ Giang Tân kéo vào, không cho lực lượng Ban Thanh trừng vào nội ô Tòa thánh. Vì lực lượng đối địch đông gấp bội, thiếu tá bị thương, được tín đồ và chức sắc hết lời ca ngợi. Ông cũng là người đầu tiên được Hộ pháp Phạm Công Tắc cấp Huân chương vì đã có công giải vây, bảo vệ Người.

Năm 1956, lực lượng của thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng đã hộ tống Hộ Pháp Phạm Công Tắc từ Tòa thánh xuống Gò Dầu để lên Phnôm Pênh tị nạn chính trị rồi kéo cả tiểu đoàn ra rừng ở Phạm Xoài (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh) để chống chính quyền Diệm.

Căn cứ vào Cương lĩnh Hòa bình chung sống của Hộ pháp Phạm Công Tắc, thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng tham gia vận động, lôi kéo các cựu sĩ quan quân đội Cao Đài và các chức sắc không đi theo Mỹ - Diệm. Do những hoạt động chống “chính thể Việt Nam Cộng hòa”, ông bị cảnh sát ngụy bắt và tra tấn hết sức dã man, bị giam trong suốt hai năm 1958 và 1959 hết ở nhà giam Tây Ninh, khám Chí Hòa rồi quận Thủ Đức Sài Gòn. Mãn tù, ông ra núi Bà Đen tiếp tục hoạt động cho tổ chức Hòa bình chung sống.

Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng tỉnh Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, dân tộc, tôn giáo và đảng phái đã họp Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ra Tuyên ngôn và chương trình hành động 10 điểm. Sự kiện trọng đại đó đã tác động mạnh mẽ đến thiếu tá Mừng.

Tháng 5/1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Tây Ninh được thành lập. Đạo nhân Lê Văn Buội được cử làm cố vấn và giáo hữu Thượng Thâu Thanh được cử làm Chủ tịch Mặt trận tỉnh đã làm thay đổi cách nghĩ của Huỳnh Thanh Mừng và ông quyết định đi theo Mặt trận, theo cách mạng. Tháng 8/1962, Mặt trận khu miền Đông Nam bộ mở Đại hội, ông tham gia và được cử làm Ủy viên Ủy ban khu.

Tháng 3/1963, ông cùng đạo nhân Lê Văn Buội, giáo hữu Thượng Thâu Thanh và một số chức sắc quyết định thành lập Ban Củng cố Hòa bình chung sống với nội dung tích cực phối hợp hành động với Mặt trận Dân tộc Giải phóng chống Mỹ - Diệm. Đạo nhân Lê Văn Buội được cử làm Trưởng ban, thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng được cử làm Phó ban kiêm Chỉ huy trưởng quân đội thống nhất toàn lực lượng quốc gia với lá cờ đề chữ “Tận Trung Báo Quốc”. Ban Củng cố Hòa bình chung sống ra tờ báo “Nước Vinh, Đạo sáng” tuyên truyền cổ vũ cho mục tiêu liên hiệp hành động với Mặt trận Dân tộc Giải phóng đấu tranh cho dân tộc độc lập, cơm áo, hòa hợp dân tộc và dân chủ, tự do, tín ngưỡng. Qua những năm hoạt động, thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nhiều buổi họp mặt thân mật tại các địa phương thuộc miền Đông Nam bộ nhằm thu hút các chức sắc, chức việc sống trong các vùng tạm chiếm ra chiến khu để hiểu rõ chính sách tôn giáo của Mặt trận.

Tháng 3/1965, đoàn đại biểu Ban Củng cố Hòa bình chung sống do thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng làm Trưởng đoàn được mời tham dự Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương đoàn kết chống Mỹ ở thủ đô Phnôm Pênh. Uy tín của Ban Củng cố Hòa bình chung sống ngày càng được nâng cao, thu hút các chức sắc, viên chức, tín đồ Cao Đài phái Tây Ninh hướng về cách mạng, đặc biệt lớp thanh niên có đạo tham gia bộ đội chống Mỹ cứu nước ngày càng nhiều.

Tại Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam năm 1969, thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng được cử làm Ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Do lâm bệnh nặng, ông đã từ trần ngày 28 tháng Chạp năm Đinh Dậu tức ngày 3/1/1970.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng: Không ngừng chống quân xâm lược

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO