“Tôi đã trở về trên núi cao” (Liên Việt - NXB Hội Nhà văn, 2018), tác phẩm mới nhất của Đỗ Bích Thúy là một cuốn sách không có chỉ dẫn về thể loại. Thúy để mặc, đúng hơn là buông ngỏ nó, cái việc gọi tên thể loại tác phẩm, cho độc giả của mình. Người ta có thể đọc cuộc “trở về trên núi cao” của Thúy như đọc một tập tản văn đẹp, giàu cảm xúc, “chạm tới hết thảy những tha thiết trong ta về một tình yêu rộng lớn với con người, cuộc sống.
Tình với cha, với mẹ, với bạn, với người có khi ta chưa từng biết tên…” như nhà báo Cao Hải Giang từng chia sẻ. Và người ta cũng có thể đọc nó như đọc một tự truyện, dù có những nét khá đặc biệt, nhưng vẫn cứ đúng là một “chuyện đời tự kể”. Tôi chọn cách đọc sau.
Là bởi, nghịch với nhan đề cuốn sách, cuộc “trở về trên núi cao” của Thúy lại khởi đi chính từ núi, từ rừng - nơi Thúy sinh ra, lớn lên, thực hiện đoạn đầu cuộc làm người của mình trong cõi nhân gian - và chạm đích tại Hà Nội phồn hoa, nơi Thúy đã sống suốt hai chục năm qua, như một thiếu nữ, rồi như một thiếu phụ với bao trải nghiệm cả ngọt ngào lẫn đắng đót, và bây giờ là một nhà văn nữ thành danh. Cái nhìn như thế là cái nhìn hồi cố, mang tính biên niên về một chặng của cuộc đời, và hồi cố không phải để kể chuyện “người ta”, mà chỉ để kể chuyện mình, như nó thực đã xảy ra, thì đấy chính là tự truyện.
Nhưng điều lạ là tự truyện của Thúy rất ít neo bám vào yếu tố “truyện”, thậm chí có thể nói là dường như không có chuyện gì đáng để kể hết. Quãng hơn bốn mươi năm cuộc đời đã qua của Thúy, như nó được kể lại trong “Tôi đã trở về trên núi cao”, nhìn từ con mắt chuyên chú tìm kiếm các “biến cố” hoặc “sự kiện”, cho người ta cảm nghĩ về một cái gì đấy thật yên ả bình lặng. Đọc một vài tự truyện được xuất bản trong khoảng vài mươi năm trở lại đây, như “Hồi ký Phạm Duy” của nhạc sỹ Phạm Duy, “Lê Vân, Yêu và sống” của nghệ sỹ múa Lê Vân và Bùi Mai Hạnh, “Cát bụi chân ai” của Tô Hoài, “Cuối rễ đầu cành” của Vũ Bão v.v… rồi đặt tự truyện của Thúy vào giữa dòng mạch ấy, ta sẽ chứng kiến sự đối lập giữa một bên là những phong nhiêu ngồn ngộn đầy thông tin, đầy kịch tính, thậm chí đầy chất giật gân, đủ sức thỏa mãn thói hiếu kỳ hoặc lòng ham hiểu biết của nhiều tầng lớp độc giả, với một bên là sự giảm trừ đến tối đa cái mà người ta thường mong nhận được khi đọc/ khám phá một tự truyện. Trong một tiểu luận gần đây về thể tự truyện (Tự truyện và giông bão dư luận), tôi từng nhấn mạnh vào “khát vọng được thành thực” và nhu cầu “tự thú nhận” của các tác giả tự truyện. Khát vọng ấy, nhu cầu ấy, như một vài tự truyện gây đình đám cho thấy, có khi mạnh mẽ đến mức khiến các tác giả tự truyện đã bất chấp hậu quả để quyết định bạch hóa mọi sự thật về cuộc đời mình, trong đó có những sự thật lẽ ra cần phải được giấu nhẹm, vì chúng là những “sự thật thối tha”, những sự thật mang sức tàn phá giông bão với cả người kể và những người được kể. Ở “Tôi đã trở về trên núi cao” của Thúy tuyệt không có những sự thật như thế. Có thể đơn giản là vì chúng vốn không hề tồn tại trong đời Thúy, cũng có thể vì Thúy không có nhu cầu “tự thú nhận” trước thế giới về những sự thật loại này. Nhưng “khát vọng được thành thực” thì có, và có rất mạnh.
Với cái “khát vọng được thành thực” ấy, tự truyện của Thúy đưa người đọc về với một miền tuổi thơ đã một đi không trở lại. Miền tuổi thơ nằm trọn trong một không gian rừng núi được bao phủ bàng bạc chất màu của cổ tích. Từ cỏ cây, hoa lá, sông suối, cá thú, chim muông, cho đến tia nắng sớm, màn sương hay ngọn khói bếp ban chiều v.v… đều thấm đẫm chất sống và đều là hình ảnh sinh động của cái sống. Trong thế giới ấy, cô bé Thúy đã sống, trước hết, để mơ mộng: “Từ nhà tôi, mùa đông, nhìn lên những dãy núi giăng bốn phía như tường thành thường thấy mịt mờ mây mù giăng kín. Những đám mịt mờ ấy nặng trĩu, đặc quánh, che kín hết phần chóp nhọn của dãy núi. Tôi luôn thường trực một câu hỏi: Nếu leo lên đỉnh núi ấy, thì mình có thể ngồi lên đám sương mù được không?” (Ngồi trên những đám mây, tr18). Quê hương tuổi thơ của Thúy còn có những khu rừng mả, phần đất của người chết nhưng lại liền kề với không gian sinh tồn của người sống và luôn bừng bừng những biểu hiện tự nhiên của cái sống. Nó sớm khiến cô bé Thúy chạm đến những suy niệm về sự sống chết của đời người: “Tôi cứ lẩn thẩn trong khu rừng mả mướt mát tối tăm u tịch ấy suốt những năm tháng tuổi thơ. Từ khu rừng ấy, tôi đã không còn buồn khi nghĩ về cái chết. Chết, rốt cuộc cũng chỉ là một giấc ngủ dài, và hồn thì mải chơi lang thang không về mà thôi. Điều thú vị là, hồn không về, nhưng hồn không chết mà sẽ bay nhảy khắp nơi trên bầu trời hay dưới mặt đất” (Chết chỉ là một cuộc rong chơi, tr43). Chưa hết, khi quê hương tuổi thơ ấy thu lại vào vườn rau của mẹ, với những mướt mát xanh của rau ngót, rau đay, bắp cải, su hào, xà lách, cải thìa, cải canh… nó đã khiến trong cô bé Thúy bật ra những ý tưởng thật bất ngờ, rằng “mọi cây cỏ đều biết vui và biết buồn. Khi bị bỏ quên, chúng héo rũ không phải vì thiếu nước mà vì buồn. Cắt những cây rau ở vườn mang ra cầu ao để rửa, lúc nào cũng lẩm bẩm: Hôm nay mày tặng mày cho tao nhé rau. Và từ đấy, từ cái lúc cắt cây rau mà bảo nó trao tặng mình ấy, đứa bé con là tôi đã nghĩ: Trao tặng là một niềm hạnh phúc. Trao tặng đúng nơi đúng chỗ đúng người, càng là niềm hạnh phúc” (Cây cỏ vui buồn, tr107).
Giao đãi với tự nhiên đã thế, sống với con người lại càng thế. Tự truyện của Thúy kể với người đọc rằng cô bé Thúy được sinh ra, lớn lên, sống trọn tuổi thơ của mình trong một gia đình đặt căn bản tồn tại trên tình yêu thương và sự đùm bọc lẫn nhau. Nhìn ra xung quanh, khi không ít bạn bè của Thúy (cái G, cái Yên, cái Hiền…) đã mất tuổi thơ vì bị bỏ bê, bị đánh đập, thậm chí bị gả bán sớm, Thúy nhận thấy mình may mắn. May mắn nhất là Thúy có một người cha tuyệt vời, người sinh thành, nuôi dưỡng, người bảo vệ và hướng đạo tinh thần cho Thúy, quan trọng hơn, người giúp Thúy phát hiện được cái phần âm bản đáng ghét của không ít đàn ông khi họ làm cha: “Quả thực, trên đời này có những người đàn ông không biết yêu thương là gì. Trái tim họ đã hoai mục đi vì một điều tồi tệ nào đó” (Ký ức đôi guốc đỏ, tr90). Nhưng thú vị hơn cả về tương tác người – người trong tuổi thơ của Thúy, hẳn phải là bà già người Tày chuyên phơi lá thuốc. Bà đã già đến mức “không thể già hơn được nữa”. Bà hầu như không nói được tiếng Kinh, đã thế lại nghễnh ngãng, nên cơ bản là Thúy với bà “chưa bao giờ hiểu người kia nói gì”. Ấy thế mà bà già Tày ấy, cái người dưng ấy, lại cho cô bé Thúy sự thức nhận tuyệt vời, được phát biểu như một nghịch lý: “Nhưng nhờ bà, tôi luôn tin rằng trong cõi nhân gian này, người có thể yêu người mà không nhất thiết phải nói gì với nhau” (Người có thể yêu người, tr31).
Những việc những người mà Thúy đã trải qua, đã gặp và kể lại ấy, xin được tái lặp, nếu nhìn ở giác độ của những “sự kiện” hay “biến cố” đời sống thì quả chỉ là những chi tiết rất li ti vặt vãnh. Nhưng nếu nhìn chúng như những “sự thật của tâm hồn” đang tha thiết đòi được giãi bày, tôi tin rằng, ta sẽ có một đáp án khả thể cho câu hỏi: Làm thế nào, và bắt đầu từ đâu, để một ai đó trở thành một nhà văn? Từ mơ mộng. Tất cả những ví dụ dẫn trên đều là sản phẩm của mơ mộng, nhờ mơ mộng mà thành. Bản thân Thúy cũng nhận thấy và xác quyết: “Thực tế thì tôi không chọn, mà là bằng một cách nào đó, văn chương đã nắm lấy tay tôi. Và có một điều tôi tin chắc rằng, sự mơ mộng là cái dấu son đỏ đầu tiên số phận chấm vào những đứa bé sau này sẽ trở thành nhà văn” (Ngồi trên những đám mây, tr22). Mơ mộng ở tuổi ấu thơ, và mơ mộng còn đeo bám Thúy cả ở tuổi trưởng thành, khi đã rời rừng núi xuống thủ đô, đã từng trải, chín chắn nhiều hơn sau bao năm ma chiết với cuộc đời nơi kinh kỳ gió bụi. Nhập cuộc Hà Nội, bằng mắt quan sát sắc sảo và óc phán đoán tinh tế, Thúy biết rằng Hà Nội ầm ào suốt đêm ngày đó vẫn có những phần “đứng yên”, những góc “bị bỏ quên”, chính là những cái khiến cho Hà Nội mới thật là Hà Nội. Và rằng sống ở Hà Nội thì phải biết cách “vừa vặn ở trong nó. Vừa vặn bằng một thái độ thân thiện, cởi mở, độ lượng. Không phải thỏa hiệp. Chắc chắn không phải là thỏa hiệp, mà là luôn mở lòng mình ra” (Một chỗ vừa vặn, tr132). Đấy là câu chuyện của lý trí. Thế nhưng, vào một trong những ngày tuyệt vọng nhất, khi Thúy bị “cái cảm giác trống rỗng kinh hồn” chiếm ngự - lại một lần nữa, thậm chí “sự kiện” còn không được kể - thì không phải lý trí, óc phán đoán, nghị lực hay bất cứ thứ gì tương tự cứu giúp, mà là mơ mộng. Mơ mộng sinh sôi từ một cái cây cổ thụ: “Không biết cây đã đứng ở đó bao nhiêu năm, so với cái hồ hàng nghìn tuổi... Và cũng chính nó, bằng sự tĩnh lặng độ lượng, bằng hàng triệu những ánh nhìn từ mắt lá trong cái vòm tối sẫm ấy, đã khiến tôi an yên trở lại” (Sống để biết ơn, tr114).
Dĩ nhiên, không ai có thể trở thành nhà văn chỉ bằng mơ mộng. Trong tự truyện, chỗ này hay chỗ khác, Thúy cũng chỉ rõ những điều kiện cấu thành con người nhà văn của mình (những cuốn sách, những người thầy người bạn, những thôi thúc nội tâm, những quan niệm về sống và viết v.v…) nhưng có lẽ với văn lộ của Thúy, “khởi thủy là mơ mộng”. Và cội nguồn của mơ mộng-Thúy thì chính là rừng núi, quê hương và quê hương tinh thần mà Thúy, dù ở bất cứ đâu, cũng luôn lưu giữ trong tâm hồn mình, luôn nhận được từ nó những năng lượng tích cực để có thể sống và có thể viết. Như thế, “Tôi đã trở về trên núi cao” của Thúy mang ý nghĩa là một cuộc trở về thường hằng, liên tục…