Tiến sĩ Nghệ thuật học - họa sĩ Trần Quang Minh: Trở về với bản thân, hiểu rõ mình hơn

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện) 12/05/2020 15:59

Về mĩ thuật, đã tham gia hơn 30 triển lãm nhóm, cá nhân trong nước và quốc tế; lĩnh vực điện ảnh, thực hiện hơn chục bộ phim với tư cách họa sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất; với nghệ thuật nói chung, đạt rất nhiều các giải thưởng lớn, Tiến sĩ Nghệ thuật học - họa sĩ Trần Quang Minh ngoài ra còn được biết tới là một hành giả Kim Cang Thừa.

Tiến sĩ Nghệ thuật học - họa sĩ Trần Quang Minh: Trở về với bản thân, hiểu rõ mình hơn

PV: Anh có thể chia sẻ về duyên lành đến với đạo Phật, nhân dịp Lễ Phật Đản?

TS Trần Quang Minh: Có lẽ tôi đến với Phật giáo khá sớm và có thể nói là có duyên. Ngay từ khi còn học trên ghế phổ thông tôi đã thích đến những ngôi chùa để chơi, chỉ đơn giản là không khí ở đây thường rất thoáng đãng, yên tĩnh, nhiều cây xanh, đặc biệt là tiếng chuông, tiếng ngân vô cùng đặc biệt và bất ngờ. Nó thường lưu rất lâu trong thinh không và gợi cho ta rất nhiều cảm giác bí ẩn. Đó là sự tiếp cận hoàn toàn mang tính tự nhiên. Khi bước chân vào trường Mỹ thuật, được đi thực tế sáng tác với các thầy như GS - họa sĩ Phạm Công Thành, nhà lý luận phê bình - họa sĩ Nguyễn Quân hay nhà lý luận, phê bình - họa sĩ Phan Cẩm Thượng làm cho tôi quan tâm nhiều hơn với Phật giáo, những giờ ghi chép tỉ mỉ chi tiết tượng Phật và phù điêu làm cho tôi mê mẩn với vẻ đẹp của mỹ thuật Phật giáo. Rồi đến khi học nghiên cứu sinh, những giờ giảng và những lần đi điền dã với GS Trần Lâm Biền là một bước tiến khác về sự hiểu biết khi tôi phải viết bài luận về chùa Việt với các nhà nghiên cứu và đến với các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Sự hiểu biết về chiều sâu Phật giáo nhờ thế cũng tăng lên dù tôi là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về điện ảnh chứ không phải mỹ thuật.

Thời gian đầu tiên khi tiếp xúc với Phật giáo, anh có những suy nghĩ, cảm nhận ra sao?

-Từ tò mò đam mê nghệ thuật Phật giáo đến một Phật tử là một hành trình dài. Trước đây tôi chỉ biết đến Phật giáo Đại thừa thông qua sự nghiên cứu các ngôi chùa ngoài Bắc. Sự đam mê này có thể ví như từ bên ngoài nhìn vào chứ không phải từ nội tại bên trong. Nhưng bước ngoặt của tôi để trở thành một Phật tử lại là một nhân duyên bất ngời hoàn toàn khác. Năm 2005, khi gặp rất nhiều biến cố trong cuộc sống, sức khỏe, sự bon chen, niềm tin đổ vỡ…, thông qua một người bạn, thay vì giấc mơ Tây Tạng, tôi đã có một chuyến đi đến Bhutan, một đất nước được mệnh danh có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Với tôi, lúc đó, khái niệm này rất mù mờ. Đơn giản, tôi cần một chuyến đi vì nó nằm trên dãy Himalaya. Nơi mà tôi luôn muốn đến trong những giấc mơ. Có lẽ đó là một chuyến đi để đời khi nó là một hành trình từ cực tây (nơi du lịch của Bhutan đã khá phát triển) đến cực đông giáp Tây Tạng (nơi hoàn toàn hoang sơ), bạn tôi nói, đây là hành trình của những kẻ điên khi có những cung đường cả ngày đi cheo leo chỉ có núi và núi. Một hành trình quan sát chụp ảnh và chụp ảnh. Những hình ảnh cuộc sống ở nơi đây đã dẫn dắt tôi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác như một tòa nhà bí ẩn nhiều cánh cửa, càng đi càng thấy tò mò và đầy sức cuốn hút. Thế nào là hạnh phúc? Đây là hạnh phúc ư?... Bỏ qua những dải núi tuyết tuyệt đẹp, bỏ qua những cánh đồng vàng bát ngát, bỏ qua những tu viện huyền bí… chỉ bàn về con người với con người, sự đối đãi, ứng xử, không một tiếng nói to, không một lời cãi vã, nụ cười luôn nở trên môi, kiệm lời nhưng tiếng cầu kinh đặc biệt là minh chú lục tự đại minh “Om mani padme hum” không bao giờ ngớt. Một cuộc sống không nệ quá vào kinh tế. Trong mỗi căn nhà khá giả hay đơn sơ không nhiều khác biệt, nơi quan trọng nhất là ban thờ Tam bảo với khoảng tâm linh linh thiêng, với họ, thế là đủ và cũng có thể cũng đã là quá nhiều. Chuyến đi ấy là làm tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về nhân sinh quan và thế giới quan. Tôi đã quyết định thay đổi và từ khóa tra cứu luôn bắt đầu với cụm từ “Kim cương thừa”.

Đó là những điều đã gây ấn tượng sâu đậm để anh bước chân vào thực hành theo những lời Đức Phật đã dạy?

- Đầu tiên chắc chắn không phải là những vị thầy mà là những người dân bình thường, ví dụ như những người dân Bhutan mà tôi đã gặp trên hành trình. Điều gì khiến họ trở nên an nhiên như vậy. Hạnh phúc đích thực nằm ở đâu! Sau đó là sự gặp gỡ với các bậc thầy tâm linh. Những người trực tiếp tác động đến sự thực hành pháp của tôi.

Theo Kim cang thừa, để có thể thực hành, việc đầu tiên là cần có thầy hướng dẫn? Anh tiếp xúc với các sư như thế nào? Các kỉ niệm của anh với các thầy?

- Với Phật giáo đại thừa hay tiểu thừa thì việc có một người thầy tâm linh dẫn dắt là rất quan trọng, nhưng đặc biệt đối với Kim cương thừa, việc có một vị thầy gốc (Đạo sư) là bắt buộc. Trong Pháp tu của Kim cương thừa, vị thầy gốc được coi như Đức Phật bằng xương bằng thịt có nhiệm vụ truyền pháp cho các đệ tử. Vì vậy người trò cũng phải tìm hiểu về người thầy rất kỹ càng. Nói một cách khác “Phật là chúng sinh đã giác ngộ, còn chúng sinh là Phật chưa giác ngộ”. Do vậy, họ phải tìm hiểu về nhau vì nó liên quan đến việc trao truyền những phương pháp tu không thể tiết lộ ra ngoài.

Hiện nay những đệ tử Kim cương thừa đang có những sự hỗ trợ rất nhiều. Khi mà các vị thầy lớn đã bước ra ngoài hoằng pháp và cũng nhiều vị đã phá lệ trao truyền những pháp tu ẩn mật cho đại chúng. Do vậy trong những năm vừa qua tôi đã có nhân duyên được gặp gỡ rất nhiều vị thầy. Đây là những nhân duyên lớn mang tính lịch sử, tôi nghĩ, mình thật hạnh phúc khi đang sống và thực hành Phật pháp ở thời điểm này.

Tiến sĩ Nghệ thuật học - họa sĩ Trần Quang Minh: Trở về với bản thân, hiểu rõ mình hơn - 1

Quá trình thực hành của anh bắt đầu và tiến trình ra sao?

- Bất cứ một Phật tử nào của Kim cương thừa cũng phải qua quá trình thực hành những pháp tu tiên yếu hay còn gọi là pháp tu tiền hành, sau đó mới thực hành các pháp tu chính yếu.

Đây là chìa khóa để mở cánh cửa giác ngộ cho những ai muốn bước vào ngôi nhà Phật pháp. Rất nhiều người cho rằng pháp tu Tiên yếu (Ngondro) là pháp đặc trưng của Kim cương thừa, nhưng thực ra nó bao hàm cả tam thừa Phật giáo là Nguyên thuỷ, Đại thừa và Kim cương thừa. Trong pháp tu mở đầu này thì phần Nguyên thuỷ Phật giáo là phần chúng ta trì giới. Nhờ việc trì giới, chúng ta bảo vệ mình không bị trôi lăn trong luân hồi sinh tử. Bước thứ hai là Bồ Đề Tâm, giúp chúng ta phát triển tình yêu thương, trí tuệ. Nếu chúng ta không phát triển từ bi, trí tuệ thì không thể trọn thành Phật quả. Sau đó chúng ta bước vào tịnh hoá tâm mình. Tâm chúng ta rất nhiều ô nhiễm bởi tham lam, ganh ghét và sân hận. Nếu chúng ta không tịnh hoá tâm mình thì không thể nào tu tập thành tựu Phật quả. Bởi vậy phương pháp tu tập của Kim Cương thừa giúp chúng ta tịnh hoá tâm, thoát khỏi sự chi phối của các xúc tình tiêu cực, sau đó mới nhận ra bản chất của tâm. Bởi vậy nếu chúng ta không tu tập có thứ lớp từ thân, khẩu, ý và tịnh hoá tâm thì không thể đạt đến chứng ngộ Phật quả.
Đây chính là nền tảng căn bản trước khi bước sáng những phương pháp tu cao cấp hay ẩn mật hơn.

Sau một thời gian thực hành, những thay đổi bên trong anh đã diễn ra từ từ như thế nào ạ?

- Nếu chúng ta tu đúng phương pháp và tuần tự, có thể thấy sự thay đổi từng ngày. Mỗi ngày ta sẽ thấy sự an yên rõ nét hơn, ta có thể đối mặt với những vấn đề lớn trong tâm thế bình tĩnh và tỉnh giác.

Sau sự thay đổi của bản thân sẽ đến sự thay đổi của những người xung quanh như một từ trường lan tỏa. Đó là sự kỳ diệu của Phật pháp.

Trong Phật giáo Đại thừa, Bồ Đề Tâm được nhắc tới như một yếu tố chủ chốt và tiên quyết, anh cũng vừa nhắc tới Bồ Đề Tâm?

-Trong Phật giáo, Bồ Đề Tâm được nhắc tới như một yếu tố chủ chốt và tiên quyết. Với Kim cương thừa, Bồ Đề Tâm là tinh túy của con đường tu, quyết định thành tựu của một hành giả.

Đức Dala Lama 14 đã từng nói: “Không có trí huệ nào mạnh hơn Bồ Đề Tâm, không có trí tuệ nào mạnh mẽ hơn Bồ Đề Tâm, không có tâm trí nào hân hoan hơn Bồ Đề Tâm, do đó, nó vô cùng quý giá.” Phật giáo Kim cương thừa chia Bồ Đề Tâm thành hai loại, tương đối và tuyệt đối. Bồ Đề Tâm tuyệt đối là cái nhìn sâu sắc trực tiếp vào thực tại một cách tinh khiết. Đây là tâm của những bậc Thánh đã giác ngộ. Bồ Đề Tâm tương đối là ước muốn đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Phát triển tâm Bồ Đề Tâm giúp chúng ta hoàn thiện tất cả phẩm chất tốt đẹp, giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.

Vậy Bồ Đề Tâm áp dụng trong cuộc sống đời thường như thế nào?

- Khi thực hành Bồ Đề Tâm ta cũng nhìn nó dưới hai góc độ, Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hành. Bồ đề tâm nguyện là việc phát khởi trọn tình yêu thương trong tâm mỗi chúng ta, mở ra không gian bao la trong tâm thức, giúp hành động, suy nghĩ của chúng ta được thấm nhuần từ bi, trí tuệ và hướng đến lợi ích của người khác một cách tự nhiên. Bồ đề tâm hành là lúc bắt đầu dấn thân tiến bước trên cuộc hành trình tu tập công hạnh Bồ tát. Điều quan trọng là hành động chứ không phải kết quả. Chúng ta cần thực hiện những việc làm tốt đẹp trong tâm yêu thương với Giới - Định - Huệ. Ở đây, Giới quan trọng nhất vì chính Giới là nền tảng để phát triển Định và Huệ. Điểm chính yếu của Giới là để ngăn những hành vi làm tổn hại chúng sinh. Khi đã đồng cảm với chúng sinh, ta sẽ thấy trì Giới không còn là điều khó khăn nữa. Khi tâm được an tịnh và hỷ lạc, đó chính là lúc ta bước vào Định và Huệ.

Tiến sĩ Nghệ thuật học - họa sĩ Trần Quang Minh: Trở về với bản thân, hiểu rõ mình hơn - 2

Là một cư sĩ, vừa tu tập, vẫn phải sống giữa đời, anh làm sao để cân bằng được hai việc này?

- Đây là một câu hỏi quan trọng mà những người cư sĩ phải đặt ra hàng ngày, vì chúng ta đang phải sống và làm việc giữa đời thường. Xin được nhắc lại, pháp tu tiên yếu là một pháp tu đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng. Với việc thiền định hàng ngày tư duy về bốn chuyển niệm tâm và thực thành tịnh hóa Kim Cương Tát Đỏa, những người tu tại gia phải điều tiết được cảm xúc của mình, hiểu được bản chất của vũ trụ và tịnh hóa thân khẩu ý hàng ngày.

Việc tu tập đã giúp anh trong đời sống như thế nào?

- Trở về với bản thân, ngày càng hiểu rõ mình hơn.

Còn qua những hoạt động về nghệ thuật sáng tác thì sao?

- Có rất nhiều thay đổi trong quan niệm, ví dụ nếu trong tâm thế của một họa sĩ, sáng tác là một cái gì đó rất ghê gớm, trăn trở, dằn vặt, đôi khi phải hy sinh… Dưới góc độ của một nhà tu hành, vẽ đôi khi chỉ là một một giai đoạn biểu hiện hoặc phát tiết trong quá trình tu hành. Nếu sang một hành trình mới, có thể phương thức biểu hiện cũng sẽ thay đổi. Vì vậy, đôi khi vẽ, thơ, nhạc hay một hành động gì đó chỉ là phương tiện trong quá trình tu hành. Với tôi, đây là sự khác nhau căn bản.

Còn những trải nghiệm thực tế của anh về nhân quả?

- Những điều ta đang gặp phải hôm nay chính là nhân quả của kiếp trước và những việc làm bất thiện vô tình hay ý thức của kiếp này. Ta phải luôn quán chiếu về điều này.

Vậy về luân hồi, không phải chỉ nằm ở kiếp sống, mà còn những sự việc xảy ra, lặp đi lặp lại cho đến khi mình nhìn được bản chất và giải quyết được chúng?

- Chúng ta có thể hình dung bánh xe luân hồi như là một vòng tròn của đời sống của đời người. Trên vòng tròn ấy, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc, và bánh xe ấy cứ quay mãi trong vòng trầm luân của sanh tử khổ đau cho đến khi nào con người tu tập và đạt đến sự giải thoát. Chỉ có thể hiểu được bản chất mới có thể giải quyết được vấn đề. Vì vậy, Tứ diệu đế và Bát chánh đạo luôn là nền tảng cơ bản cho bất cứ dòng tu nào.

Sự vô thường như đức Phật dạy, đã thấm vào anh như thế nào?

- Một vị thầy lớn của tôi, Pháp chủ Drikung Kagyu Chetsang đã từng giảng: “Vô thường không phải là một yếu tố tiêu cực. Thế gian cũng nhờ có vô thường mà nhân loại mới càng chân quý sinh mạng, để cốt sống sao cho phong phú, cho có ý nghĩa. Nhận biết được vô thường thì sẽ không có mất mát. Đối với nhân sinh đó là một giác ngộ quan trọng”. Thực tế cho chúng ta thấy, nói đến vô thường thì người ta hay nghĩ đến cái chết. Nhưng vô thường không chỉ có vậy, con người sinh ra trải qua lão, bệnh, tử… đều liên quan đến vô thường.

Vì vậy việc quán chiếu về vô thường là việc cần làm thường xuyên. Xin lấy một ví dụ về câu chuyện của chính gia đình tôi. Đầu năm ngoái, khi vừa tham gia khóa học về Bát nhã tâm kinh và nhập thất thiền Minh sát tuệ (Vipasana), tôi trở về nhà, sáng hôm sau lại vội vã đến trường giảng dạy thì chuông điện thoại reo lên, con gái tôi trong tâm trạng đầy hoảng hốt nói nhà mình lửa và khói đang bốc lên mù mịt mà con không thể chạy xuống được. Trong lúc chưa hình dung được việc ở nhà đang xảy ra thì tôi vẫn đã giữ được bình tĩnh chỉ cho cô con gái nhỏ đường chạy lên gác thoát hiểm theo cách nào hiệu quả nhất. Khi tôi về được đến nhà, hai xe cứu hỏa đã đứng chờ ở đầu ngõ, xe thứ ba thì đang lao đến, căn nhà tôi cháy rụi tầng một và cháy ám khói một phần tầng hai và ba. Căn nhà ngập nước và mùi khói nồng nặc. Trong đầu chỉ có một ý nghĩ về sự sống của con gái. Tôi chạy theo kiểm tra đúng con đường thoát tôi đã chỉ cho con gái chạy lên thượng, một khoảng hở với hai thanh sắt gãy đủ để một người chui lọt sang sân nhà bên cạnh, tôi thở phào nhẹ nhõm. Những người hàng xóm bên cạnh đã đập gãy những thanh sắt rào cứu con bé. Bình thường trong suy nghĩ, căn nhà tôi không thể cháy, nhiều ngôi nhà lụp sụp gần nhà tôi theo lý thông thường sẽ dễ cháy hơn, nhưng ngôi nhà đã phát lửa và cháy không lý do. Con gái tôi gặp nguy hiểm, nhưng cháu đã thoát hiểm một cách ngoạn mục, đó là vô thường. Kỳ diệu hơn nữa, từ hôm đó, tâm tính cháu đã thay đổi theo hướng tích cực, quan tâm đến người khác hơn, đó cũng là vô thường.

Tiến sĩ Nghệ thuật học - họa sĩ Trần Quang Minh: Trở về với bản thân, hiểu rõ mình hơn - 3

Bản chất của đời người theo anh có phải là tu, sửa những tiêu cực thói quen gây điều xấu trong tính cách của bản thân không?

- Có thể hiểu rằng: Tâm của Phật và tâm của chúng sinh cùng một bản chất, cùng là nước. Nhưng tâm của Phật giống như nước trong văn vắt, trong khi tâm của chúng sinh thì giống như nước bùn đục. Dù là như vậy nhưng bùn đục cũng đâu có nằm ngoài nước, đâu có tách rời khỏi nước? Giống như những xúc cảm ô trược và vọng tưởng cũng không nằm ngoài tâm, không tách biệt khỏi tâm nhưng khi biết cách thanh tịnh hoá thì sẽ theo nguyên tắc nhẹ đi lên, nặng đi xuống! Vì vậy tu chính là quá trình sửa, thanh lọc bản thân. Khi sinh ra chúng ta trong veo, qua quá trình trong cuộc sống tấm thân bị vẩn đục là lại phải thanh lọc để trở về thân trong veo của đứa trẻ. Đó là một vòng tuần hoàn trong một đời người.

Rốt cuộc tận sâu sau những điều sửa chữa ấy, cuộc sống của mình sẽ có những gì, để đạt được những gì?

- “Không có gì, tuy nhiên… để ta nói cho con biết ta đã mất gì: Tức giận, lo âu, trầm cảm, bất an, nỗi sợ già nua và cái chết.” Đức Phật nói hay quá, mình không thể trả lời hay hơn.

Thời gian qua trong khi giãn cách xã hội, anh đã có thời gian cho bản thân như thế nào và những tác phẩm anh sáng tác trong thời kỳ này vì sao cũng mang đậm tính thiền?

- Có lẽ thời gian giãn cách xã hội là khoảng thời gian tuyệt vời. Bàn về thiền lại xin mượn lời một thiền sư: “Nếu bạn cảm thấy không hài lòng ở một nơi, bạn sẽ cảm thấy không hài lòng ở mọi nơi. Chẳng có nơi nào bên ngoài làm bạn khó chịu. Nơi khó chịu nằm bên trong bạn”. Sự tích cực của thiền định nằm ở chỗ nó luôn mang đến cho chúng ta sự tỉnh giác và những cảm xúc tích cực.

Tôi nghĩ về thời gian giãn cách và thực hiện những điều phù hợp với khoảng thời gian giãn cách đó.

Việc thứ nhất tôi dành 12 ngày thanh lọc cơ thể. Năm nào tôi cũng thực hành việc này nhưng thường chọn vào mùa hè, được nghỉ và thời tiết nóng, cơ thể biếng ăn. Nhưng năm nay do có sự giãn cách nên tôi chọn thực hành sớm. Thêm nữa, có một sự khác biệt hơn, tôi kết hợp ba khóa tu Bát Quan Trai (Nyungne) liên tục trong thời gian thanh lọc này. Trong Kim cương thừa việc thực hành Bát Quan Trai giới hay còn gọi là Pháp Nyungne sẽ thực hành trong ba ngày. Ngày thứ nhất, chúng ta sẽ nhịn ăn nửa ngày (thực tế là tôi chẳng ăn gì), nghĩa là không ăn sau 12 giờ. Ngày thứ hai, nhịn trọn vẹn cả ngày không ăn. Ngày thứ ba, không ăn, không uống, không nói. Giữa các khóa tu nghỉ ngơi một ngày. Pháp tu này hành giả phát tâm thọ Bồ đề tâm giới, phát nguyện trưởng dưỡng tình yêu thương, lòng từ bi trí tuệ không chỉ lợi ích cho bản thân mà còn vì sự giác ngộ giải thoát của tất cả chúng sinh. Tu trì nghi quỹ Quan Âm Thập Nhất Diện, thiền định về lòng Đại bi, thực hành nghi quỹ với thân, khẩu, ý giác ngộ của Bản tôn Phật Quan Âm, trì giữ giới nguyện thanh tịnh với bậc Thượng sư giác ngộ. Những gì đạt được sau khi thực hành: Cơ thể được nghỉ ngơi nên nhẹ nhõm. Trạng thái thanh tịnh tràn khắp cơ thể.

Sau đó tôi bắt đầu vẽ với một tư duy liền mạch, không thể tuyệt hơn khi bạn có một thời gian dài không ra khỏi nhà, không bị làm phiền với một trạng thái luôn song song với thực hành thiền định. Với tôi, thiền không phải là một dạng tranh mà là một cách thực hành thông qua bút và màu.

Cảm ơn anh.

Họa sĩ Trần Quang Minh:

Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật Thủ đô (1994)

Bằng danh dự Mỹ thuật ASEAN (1996)

Giải Nhì triển lãm Mỹ thuật Thủ đô (1996)

Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam (1996)

Bằng danh dự Mỹ thuật ASEAN (1997)

Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam (1997)

Bằng danh dự Mỹ thuật ASEAN (1998)

Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam (1998)

Có tranh được lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (1997)

Có tranh được lưu tại Bảo tàng nghệ thuật Olympic Bắc kinh (2008)

Giải: Tặng thưởng Cánh Diều vàng 2009 cho phim ngắn “Hình & Bóng” (2009)

Giải: Phim xuất sắc nhất; Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất; Hiệu ứng quảng cáo tốt nhất (Làm phim 48h - Khu vực Hà Nội) cho phim ngắn “Ngược hướng mặt trời” (2013).

Giải: Cánh Diều bạc 2018 hạng mục lý luận phê bình điện ảnh cho nghiên cứu “Thiết kế mỹ thuật phim truyện điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” (2018).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ Nghệ thuật học - họa sĩ Trần Quang Minh: Trở về với bản thân, hiểu rõ mình hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO