“Tôi thích cái đằm thắm, sôi nổi của Nguyên Hồng, cái sâu lắng trong thơ Huy Cận, bị chất “Tây” của thơ Xuân Diệu quyến rũ. Tôi không chú ý nhiều đến các truyện ngắn của Nam Cao mà tôi cho là đơn điệu, một chiều trong sự kể khổ... Tôi thích văn Đỗ Đức Thu trầm tĩnh, suy tư, đi vào nội tâm”. Nhà văn Bùi Hiển đã nhận xét như thế trong cuốn “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri”(Như Books & NXB Văn học) vừa ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
335 trang sách, gồm những lá thư, bài viết mang tính tự sự, nhật ký cá nhân của nhà văn Bùi Hiển hé lộ nhiều câu chuyện riêng tư của ông với các nhà văn tài danh cùng thời, vừa được công bố trong “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri”, do ba người con của ông là Bùi Quang Tuấn (chủ biên), Bùi Quang Tú, Bùi Thúy Hồng, và cháu gái Bùi Cẩm Hà thực hiện.
Theo lời kể lại của nhà nghiên cứu - tiến sĩ Nguyên An về nhà văn Bùi Hiển: “Dường như Bùi Hiển luôn lắng nghe một cách thật lòng, thật sự. Người ta đồng ý đồng tình với mình, Bùi Hiển cười tủm tỉm, tuổi đã cao cao, mà thoáng chút bùi ngùi, mừng mừng vui vui lại có gì bẽn lẽn nữa thì phải. Người ta có ý tranh cãi, phản biện, ông nhẹ nhàng lắng nghe bằng tai, bằng mắt, bằng cả sự điềm nhiên của dáng ngồi, dáng đứng. Và ông cũng nói lại bằng cách của riêng ông - ít lời thôi, hay kể gợi một mẩu chuyện… thế là xong, là ổn”.
Cuốn sách “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri” được chia ra làm 4 phần: phần 1: “Con đường văn chương và nhật ký”, phần 2: “Ân tình bè bạn”, phần 3: “Gia đình”, phần 4: “Trong ký ức người thân”. Ngoài lời cảm ơn từ gia đình nhà văn, còn bao gồm thêm hai phần phụ là “Niên biểu” và “Danh mục tác phẩm”.
“Con đường văn chương và nhật ký”, bao gồm những ghi chép cá nhân kể lại hành trình văn chương và các cột mốc đáng nhớ của ông, cùng những trang nhật ký (từ năm 1947 đến năm 2000, với khoảng 70 cuốn sổ tay) liên quan đến công việc, đồng nghiệp, sinh hoạt thường nhật và người thân trong gia đình, qua đó thấy được rõ những diễn biến lịch sử, thời đại mà bản thân ông đã trải qua.
Nhà văn Bùi Hiển kể lại thủa ấu thơ, khi ông chưa hề có biểu lộ gì liên quan đến văn chương, khi ấy, bố ông làm nghề bán vé xe cho một hãng ô tô, còn mẹ thì bán tạp hóa gần chợ tại Đồng Hới. Bùi Hiển được gia đình cưng chiều từ bé, và không vì thế mà ông nghịch ngợm ương bướng. “Không khí êm ấm trong gia đình đã ảnh hưởng đến tâm tính tôi” - nhà văn chia sẻ.
Trong thời gian sống đời viên chức, nhà văn Bùi Hiển có dịp đọc và mở rộng những học hỏi, dần dần, ông bắt đầu bộc lộ việc muốn đi vào con đường văn chương qua việc cặm cụi ngồi tập viết truyện ngắn, xoay quanh hai đề tài: “đời sống người dân chài và đời sống viên chức cùng dân nghèo thành thị”. Năm 1940, truyện ngắn “Nằm vạ” của ông được gửi đi và bất ngờ được đăng “với hàng chữ tít khá lớn trên báo Ngày nay (9-1940)”. Bất ngờ hơn với nhà văn Bùi Hiển, dưới chữ tít là lời giới thiệu của nhà văn mà ông ưa thích tác phẩm -Thạch Lam, truyện được họa sĩ Tô Ngọc Vân minh họa và bút họa là Tô Tử. Sau thành công với việc được ký hợp đồng xuất bản với NXB Đời nay, nhà văn Bùi Hiển tiếp tục cộng tác, viết truyện cho “Chủ nhật”, “Hà Nội Tân văn”, “Tiểu thuyết Thứ Bảy”, “Trung Bắc Chủ nhật”, “Thanh Nghị”, “Bạn đường”… Nhà văn Bùi Hiển thời gian đó có quan hệ thắm thiết với nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, nhà văn Vũ Bằng, nhà thơ Thế Lữ.
Tự nhận về mình, nhà văn Bùi Hiển “tự thấy không được trời phú cho óc tưởng tượng dồi dào cho lắm”, ông đưa ra chứng cứ là ông đã không thể viết một bài ký ngắn về con sông, dù khi lên năm, sáu tuổi, ông sống cạnh sông Nhật Lệ ở Đồng Hới. Khi lên 17 tuổi, ông muốn viết một truyện ngắn, bịa ra mối tình lãng mạn dù chưa hề có kinh nghiệm gì về yêu. Truyện này được lấy tên là “Hương tình”, sau có gửi đến tuần báo “Phong Hóa” của Tự Lực Văn Đoàn, để rồi “bị tắt ngấm không một chút âm vang”. Sau khi truyện ngắn “Nằm vạ” được in báo, nhà văn Bùi Hiển mới tự rút ra kinh nghiệm: “việc viết lách chỉ có thể thành công bằng bám sát hiện thực quanh mình”.
Trong những trang nhật ký, có lẽ thú vị nhất là những đoạn nhà văn Bùi Hiển ghi chép lại về sở thích, tính cách, lối sống… của đồng nghiệp. Hầu hết trong các trang nhật ký, nhà văn Bùi Hiển chỉ kể lại chuyện đã diễn ra theo lối ghi chép khách quan, ít khi bình luận, và cũng không biểu lộ nhiều cảm xúc. Hiếm có mới được lời nhận xét như đối với nhà thơ Xuân Diệu. Ngày 23/2/1947, ông dẫn nhà thơ Xuân Diêụ ra chợ. Đúng ngày chợ phiên, người đông, Xuân Diệu vào chợ mua bánh cho cháu. Bùi Hiển viết: “Chàng thi sĩ ta khi yêu thì không mặc cả, không đắn đo, nhưng mua bánh thì đắn đo và mặc cả ghê lắm”.
“Ân tình bè bạn”: bao gồm những lá thư mà các nhà văn Nguyễn Tuân, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Thanh Tịnh, nhà văn Nguyên Hồng, nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Đào Vũ, nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường… gửi tới nhà văn Bùi Hiển, và thư của nhà văn Bùi Hiển viết cho nhà văn Lê Minh, nhà thơ Ý Nhi…
“Anh Bùi Hiển ạ, tôi thoát được chết cũng may lắm. Vì tôi chỉ cách quả bom 1 thước thôi. Chung quanh Tịnh người chết nhiều lắm…” (trích thư nhà thơ Thanh Tịnh gửi nhà văn Bùi Hiển năm 1944)
“Bùi Hiển có nhận thi đua với Nam Cao hay Kim Lân không? Và với Tô Hoài nữa. Có thì gửi chiến thư ra Việt Bắc để anh em họ tiếp chiến.
Một không khí đằm thắm, tin cậy đương sôi nổi trong gia đình Văn nghệ, tôi thấy nghẹn ngào mỗi khi tưởng tới, nhất là nghĩ đến sự có mặt của nhau bằng tác phẩm trong giòng lửa ngùn ngụt, sáng tươi của kháng chiến đương hun đốt chúng ta này.” (trích thư nhà văn Nguyên Hồng gửi nhà văn Bùi Hiển năm 1948).
“Hiển có nhớ rằng chính Hiển “gà” cho mình và yêu tiểu thuyết đầu tiên không? (…). Cho đến lúc đi cùng Hiển, mình xem cách Hiển lấy tài liệu, cách Hiển suy nghĩ, tìm tòi, thì rồi mình mới thấy tiểu thuyết là “người”, “nhân vật”, “truyện” của người” (thư của nhà thơ Chế Lan Viên viết gửi nhà văn Bùi Hiển năm 1957)…
“Gia đình”, giới thiệu về gia đình của nhà văn Bùi Hiển. Nhà văn Bùi Hiển là con trai của ông Bùi Công Trứ và bà Trương Thị Đoàn. Do người anh cả mất sớm khi mới sáu tuổi nên nhà văn Bùi Hiển trở thành con trai trưởng trong nhà. Lá thư từ cụ thân sinh viết cho nhà văn Bùi Hiển và các trang nhật ký của nhà văn Bùi Hiển ghi lại những ngày cuối đời của cụ Bùi Công Trứ vẫn được gia đình giữ gìn cẩn thận và được công bố trong phần ba này, cùng với nhiều lá thư từ em trai Bùi Công Vinh gửi tới anh, cũng như các lá thư mà nhà văn Bùi Hiển viết cho vị hôn thê - bà Hoàng Thị Huệ và các con trai, con gái.
“Trong ký ức người thân”, là các bài viết tưởng nhớ về người ông, người cha của mình, do các con, cháu viết, trong đó có những trang viết tình cảm, đằm thắm, đầm ấm của Bùi Cẩm Hà, cháu gái của nhà văn Bùi Hiển, cũng là người được ông nhắc tới nhiều trong các trang nhật ký. Chị chia sẻ:
“Khi hoàn thiện cuốn sách này, tôi có cơ hội đi vào từng ngóc ngách trong cuộc đời ông, hiểu kỹ hơn những tâm tư sâu kín của ông, cảm nhận rõ rệt phần tâm hồn và trí tuệ của ông với tư cách là một người con, người chồng, người cha, người ông và một nghệ sĩ đàn anh trên văn đàn Việt Nam hiện đại.… Ông tôi lựa chọn lối sống khoẻ khoắn của tâm hồn, là điển hình của một “tinh thần Việt Nam” luôn lạc quan, luôn bước tới. Ông không lựa chọn cách xát muối lên những vết thương để tìm kiếm danh vọng cho mình”.