Trận đấu để đời

Vũ Mạnh Hải 21/10/2019 13:24

Anh em được đào tạo bài bản, được tập huấn ở CHDCND Triều Tiên một năm, sau đó nâng cao trình độ ở Hungary, lại được ăn ở, tập luyện, thi đấu bên nhau 10 năm có lẻ nên hiểu nhau đến mức, dù nhắm mắt cũng có thể biết đồng đội mình đang ở đâu.

Trận đấu để đời

Chuyến du đấu lịch sử

Cuối mùa hè năm 1974, sau khi đoạt Cúp vô địch Miền Bắc, đội bóng đá Thể Công được lệnh mang danh Tuyển Quân đội Việt Nam (QĐVN) lên đường sang thăm và thi đấu tại Trung Quốc (TQ) một tháng (từ 27/7 đến 29/8) theo lời mời của Bộ Quốc phòng bạn nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (1/8). Có thể nói, đây là chuyến thi đấu thành công hiếm có của Thể Công từ trước đến nay: trong thời gian một tháng, các cầu thủ Tuyển QĐVN phải thi đấu chính thức 11 trận (3 ngày một trận) với các đội bóng hàng đầu TQ với kết quả: thắng 8, hòa 2 và chỉ thua duy nhất 1 trận (thua Thanh niên Thượng Hải 0-1)!

Trận đấu thành công nhất, đáng nhớ nhất, có ý nghĩa như một dấu ấn lịch sử của bóng đá Tuyển QĐVN chính là trận gặp đội Bát Nhất của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa mà chúng ta đã thắng với tỷ số “tâm phục, khẩu phục”. Một trận đấu với chiến thuật “thần tốc”, chủ động áp đảo đối phương thể hiện tinh thần, ý chí kiên cường, quả cảm đầy tự tin của các cầu thủ nhỏ bé Việt Nam trước các cầu thủ chủ nhà cao lớn nhưng bị động và đã vỡ trận một cách đáng trách!

Trước khi thi đấu với Bát Nhất, đội đã chu du gần khắp đất Trung Hoa, từ Quảng Tây đến Thượng Hải, từ Côn Minh đến Liêu Ninh (tỉnh sát biên giới CHDCND Triều Tiên). Ngay trận đầu, dù vừa trải qua dịch cảm cúm, đội đã thắng Tuyển Quảng Đông 1-0, sau đó hòa Liêu Ninh (á quân Giải Vô địch quốc gia) 2-2, thắng Côn Minh 1-0, thắng Quân khu Nam Kinh 3-0...

Ngày ấy, so với bóng đá TQ thì bóng đá VN chỉ là học trò. Những năm trước, các đội Thanh niên Bắc Kinh, Tuyển TQ qua VN thi đấu đều để lại những ấn tượng tốt đẹp. Họ có kỹ thuật điêu luyện và một lối chơi đẹp mắt. Thể Công từng bại trận trước Tuyển TQ năm 1973 trên sân Hàng Đẫy, với tỷ số 3-1. Kết quả như thế đã kích thích hiếu kì của giới chuyên môn và người hâm mộ Trung Quốc! Vì thế trận đấu với Bát Nhất là trận đấu có sức hút lớn. Vé xem trận này rất khan hiếm. “Sốt vé” đã xảy ra quanh sân Công Nhân.

Toàn đội đến Bắc Kinh sau một chuyến bay dài từ Côn Minh. Bạn bố trí cho nghỉ ngơi 4 ngày, thay vì cứ 3 ngày một trận. Để chuẩn bị cho trận đấu, ngoài việc tập luyện, chúng tôi cũng tìm hiểu thông tin về họ. Đáng tiếc, đã rất lâu rồi Bát Nhất không sang Việt Nam thi đấu! Tìm hiểu qua cán bộ sứ quán thì chỉ được biết: Bát Nhất đang là một trong 3 đội dẫn đầu Giải VĐQG và vừa đi tập huấn rất thành công ở châu Âu hơn một tháng…. Trận thi đấu với Tuyển QĐVN sẽ là “trận đấu báo cáo” trước lãnh đạo và các cổ động viên đông đảo của Thủ đô Bắc Kinh… Thông tin về bạn chỉ có vậy, cùng những thông số chiều cao bình quân là 1,75 m, riêng thủ môn và trung vệ, trung phong đều có chiều cao trên 1,80 m.

BHL họp và kết luận: Vậy là chúng ta phải thi đấu kiểu “tao ngộ chiến” rồi!

Trận đấu cuối cùng với Bát Nhất

Đoàn xe chở Tuyển QĐVN từ Khách sạn quốc tế Dân chủ đến sân Công Nhân lúc 19h00 ngày 24/8/1974. Bước xuống xe, vào tới phòng thay quần áo ai cũng thấy hồi hộp… Trước khi lâm trận có một chút lo lắng, một chút băn khoăn nhưng chúng tôi lại cảm thấy phấn khích khi những tiếng ồn ào, tiếng hò reo, tiếng huýt sáo rền vang trên các khán đài đông nghịt người xem! Thoáng nghe có người hét: “Hoan hô Thể Công, hoan hô Việt Nam!” nhưng đáng tiếc những tiếng hô ấy bị chìm vào trong tiếng cổ vũ của cổ động viên chủ nhà Bát Nhất!
Thông thường những lần ra sân trước hàng vạn người xem thế này, cầu thủ nào mà chẳng có đôi chút lo lắng, hồi hộp… Lần này cũng vậy 100.000 khán giả cơ mà! Những tiếng hò reo tạo nên những âm thanh hỗn độn… Tôi có cảm giác, hình như hôm nay không ai tỏ ra căng thẳng lo lắng như những lần ra sân trình diện trước đây! Trái lại, tất cả các cầu thủ của ta ra sân tràn đầy sự phấn khích, sẵn sàng xung trận!

Nhìn khán đài toàn người là người, chợt nghĩ: Đời cầu thủ có phải lúc nào cũng được ra sân thi đấu trước sự chứng kiến của lượng khán giả kinh khủng như thế này đâu! Phan Văn Mỵ xếp hàng ngay bên cạnh, gào vào tai tôi: “Mày ơi, sân đông thế này đá mới sướng chứ!”. Tôi gật đầu hét lại: “Ừ! Máu lên nhé, mày phải chạy nhiều về hỗ trợ tao đấy!”. Mỵ gật đầu như bảo tôi: “Yên tâm đi!”.

Lễ chào cờ. Khi “Tiến quân ca” vang lên thì chúng tôi không còn nghe thấy gì nữa, chỉ thấy những tiếng ầm ầm hòa vang bản nhạc “Tiến quân ca” quen. Tự nhiên nước mắt tôi và nhiều đồng đội trào ra… Không hiểu đó là gì, chỉ có một cảm giác lâng lâng như sắp bay bổng… Tiếp đến là giây phút trang trọng: Phó Đổng lý (khi đó là Đặng Tiểu Bình) và các quan chức chính phủ TQ cùng Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh xuống bắt tay và chụp ảnh chung cùng cầu thủ 2 đội rồi trở về khán đài danh dự.

Chỉ còn 22 cầu thủ cùng 3 trọng tài ở lại làm các thủ tục sau nghi lễ ngoại giao. Chúng tôi có phần “choáng” khi thấy cầu thủ đội bạn quá cao lớn so với mình! Có tiếng ai đó (như tiếng anh Nguyễn Bính): “Họ cao lớn đấy nhé, chơi bóng sệt, ít chạm thôi”.

Trận đấu bắt đầu. Tuyển QĐVN ra sân với đội hình 1-4-3-3 với TM Trần Văn Khánh (số 1). Hai hậu vệ biên: Vương Tiến Dũng (2), Nguyễn Duy Phú (4), 2 trung vệ: Nguyễn Trọng Giáp (3), Nguyễn Quý Thiêm (5) (hiệp 2, Nguyễn Sỹ Hiển vào thay). Hàng tiền vệ 3 người: Vũ Mạnh Hải (6) tiền vệ trụ, Phan Văn Mỵ (9) và Vũ Đình Bội (8). Ở tuyến tấn công, bên cánh phải có Thái Nguyên Bền (7), cánh trái quen thuộc là Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn, 11) và người chơi cao nhất trên hàng công là trung phong Nguyễn Bính (10) - lì lợm nhất, hạn chế về tốc độ nhưng sức mạnh tuyệt vời và sức bật thì không chê vào đâu.

Bốc thăm, Bát Nhất áo trắng chọn sân nên Thể Công áo đỏ được quyền giao bóng. Hội ý cấp tốc diễn ra ngay tại vòng cung giữa sân: Thực hiện ngay quả “đánh úp” bất ngờ! Và mọi việc diễn ra chính xác, nhanh gọn như đấu pháp trước trận đã lên phương án.

Diễn biến bàn thắng như sau: Khi trọng tài vừa thổi tiếng còi “khai sử”, từ chấm giao bóng giữa sân, trung phong Nguyễn Bính đá nhẹ quả bóng về phía trước. Vũ Đình Bội chạy lên gạt nhẹ bóng về phía sau và ngay lập tức Phan Văn Mỵ lao lên dùng má trong chân phải “chặt” cho trái bóng đi cầu vồng có điểm rơi đúng góc vuông ngay khu vực 16m50 thuộc vòng cấm địa Bát Nhất. Lúc bộ ba Bính - Bội – Mỵ thực hiện các động tác phối hợp thì cũng là lúc tiền đạo cánh phải Thái Nguyên Bền (người có tốc độ nhanh nhất giới bóng đá miền Bắc bấy giờ) như một tia chớp băng theo trái bóng. Khi bóng vừa rơi xuống chạm đất cũng là lúc Thái Nguyên Bền ra chân sút thẳng về phía cầu môn đội bạn! Trái bóng bay như tên bắn, cắm thẳng vào góc chữ A, nảy xuống đất rồi nảy lên tung nóc lưới. Vào! Vào rồi! Vào rồi!

Khoảnh khắc đó chỉ diễn ra từ 20 đến 25 giây, khiến đội bạn ngỡ ngàng! Những gì chúng tôi đã tập luyện được thể hiện một cách hoàn hảo, như đã được “lập trình”! Trong khi các cầu thủ Bát Nhất còn ngơ ngác nhìn bóng nằm trong lưới và trọng tài rít còi công nhận bàn thắng thì tất cả chúng tôi, từ TM Khánh đến các hậu vệ Giáp, Dũng, Phú, rồi Ba Đẻn, Mỵ, Bội, Bính... lao lên, ôm và đè nghiến Thái Nguyên Bền xuống sân! Một niềm vui không thể nào tả nổi, các cầu thủ như hóa điên! Chúng tôi ôm nhau ngã xuống thảm cỏ xanh rờn. Những giọt nước mắt sung sướng tràn mi… Bóng lăn mới hơn 25 giây đã có bàn thắng! Một kỷ lục ghi bàn hiếm có trên thế giới!

Nhưng trận đấu đâu chỉ diễn ra trong vài chục giây. Cuộc so tài với Bát Nhất mới chỉ bắt đầu và mọi khó khăn còn ở phía trước. Dẫu đã dẫn trước, nhưng nếu thiếu tập trung chúng ta sẽ phải trả giá. Và điều gì phải đến đã đến: Phút thứ 5 trong một pha cản phá tấn công trung lộ của Bát Nhất, một hậu vệ Tuyển QĐVN tranh cướp bóng hơi cao chân, khiến cầu thủ bạn ngã lăn ra! Còi trọng tài rít lên: Bát Nhất được hưởng quả đá phạt trực tiếp trước vòng 16m50 chếch phải, cách khung thành Trần Văn Khánh khoảng 23m. Đây là cơ hội đầu tiên của đội bạn nhưng cũng là sai lầm nghiêm trọng của đội ta do quá hưng phấn sau bàn thắng sớm. Cho dù đã lập hàng rào đúng nguyên tắc, nhưng lại chủ quan tưởng đã an toàn vì thấy tiền vệ, tiền đạo của mình đã rút về hết nên không phân công kèm người cụ thể - ta đã sơ hở tại chính nơi có đông người của ta và ít cầu thủ Bát Nhất. Thủ quân đội bạn cao lớn (tuyển thủ quốc gia) đứng trước bóng, khi nghe tiếng còi đã chạy rất nhanh với tư thế sút thẳng vào cầu môn… nhưng khi đến gần trái bóng, anh ta dùng má ngoài chân trái vẩy trái bóng bất ngờ ra sau lưng hàng rào. Tưởng không ai theo được trái bóng thì bất ngờ một cầu thủ hậu vệ xuất hiện, băng lên, tiếp xúc trái bóng chỉ cách cầu môn khoảng 10m, sút tung lưới Trần Văn Khánh, san bằng tỷ số 1-1!

Sân vận động Công Nhân lại như vỡ òa. Những âm thanh kinh khủng từ 10 vạn khán giả dội xuống. Đến lượt các cổ động viên Bát Nhất nhảy múa, hò hét, ôm nhau, la ó… Dưới sân, các cầu thủ Bát Nhất cũng bắt tay, ôm nhau… Nhưng tôi thấy sự vui mừng của họ khác hẳn với niềm vui vô bờ của chúng tôi! Phải chăng họ nghĩ đó là điều tất yếu? Rằng, chẳng có gì phải lo, thời gian vẫn còn nhiều mà...

Trận đấu trở lại vạch xuất phát! Có cảm giác tinh thần toàn đội có phần "xao xuyến"! Ở ngoài sân, BHL giơ tay ra hiệu: Đá chậm lại, bình tĩnh! Những lúc khó khăn như thế, điều đầu tiên các cầu thủ Thể Công nghĩ đến là lá Quân kỳ truyền thống với hàng chữ “Quyết chiến, Quyết thắng” của QĐNDVN mà sáng thứ hai nào chúng tôi cũng đứng trước, đọc 10 lời thề danh dự! Đó là bản sắc, là giá trị cốt lõi của Thể Công!

Và ở trên sân, bản lĩnh cầu thủ là yếu tố quyết định giúp đội bóng vững vàng! Chúng tôi đã bình tĩnh, tỉnh táo tiếp tục thực hiện đấu pháp chiến thuật đã thống nhất trong cuộc họp với chủ trương giữ bóng chắc, chiếm lĩnh khu trung tuyến và tăng cường tấn công biên.

Trận đấu để đời - 1

Đội hình Tuyển QĐNDVN sang thi đấu ở Trung Quốc năm 1974. Ảnh chụp tại Phụng Minh Thôn, Côn Minh, Vân Nam, gần khu vực đóng quân trước đây của Trường Lục quân VN (1951-54).

Sở dĩ Tuyển QĐVN lấy lại được thế trận trong nhiều trận đấu khó khăn là do đội hình khi ấy có chất lượng tốt lại đang độ tuổi đẹp nhất cho bóng đá - khi đa số mới 26, 27 tuổi: Khánh, Giáp, Phú, Dũng, Nhật, Hải, Mỵ, Bội, Chi, Cầu, Thêu, Anh… Anh em được đào tạo bài bản, được tập huấn ở CHDCND Triều Tiên một năm, sau đó nâng cao trình độ ở Hungary, lại được ăn ở, tập luyện, thi đấu bên nhau 10 năm có lẻ nên hiểu nhau đến mức, dù nhắm mắt cũng có thể biết đồng đội mình đang ở đâu. Trong khi đó lại có sự hỗ trợ về kinh nghiệm của những cầu thủ kỳ cựu nổi tiếng như: TM Ngọc Sơn, các hậu vệ Đỗ Hải Bình, Nguyễn Sỹ Hiển, Nguyễn Quý Thiêm, các tiền đạo Thái Nguyên Bền, Nguyễn Bính… nên Thể Công năm 1974 là tập thể tấn công sắc bén, khó đánh bại!

Thấy thể hình của Tuyển QĐVN hạn chế, Bát Nhất chủ trương chơi bóng dài, bổng, đánh trực diện vào trung lộ. Song do từng va chạm với các cầu thủ còn cao lớn hơn ở châu Âu, lại tập trung cao cùng sự khôn ngoan, ăn ý, hiểu nhau mà hàng phòng ngự với Giáp, Thiêm, Hiển, Phú, Dũng, Nhật… đã bảo vệ khung thành của Khánh được sạch sẽ!

Ở giữa sân 3 tiền vệ Mỵ, Bội và tôi chủ động di chuyển rộng khắp, thu gọn cự ly khống chế toàn bộ trung tuyến! Cùng 3 mũi tấn công Bền, Thế Anh và Bính, chúng tôi xích lại gần nhau tạo thành những tam giác, tứ giác hỗ trợ lẫn nhau, bật tường xuyên thủng hai biên Bát Nhất. Những cú đột phá lắt léo của Ba Đẻn bên cánh trái, những cú bứt tốc kinh hoàng của Thái Nguyên Bền ở biên phải luôn là hiểm họa, khiến hàng thủ Bát Nhất phải căng mình chống đỡ. Trong khi đó, mũi nhọn thường trực Nguyễn Bính luôn sẵn sàng chờ sự cung cấp bóng từ 2 biên chuyền vào và tận dụng sơ hở của các trung vệ Bát Nhất để ghi bàn! Có thể nói từ phút thứ 10 thế trận hoàn toàn nghiêng về Tuyển QĐVN!

Phút thứ 12, chớp thời cơ đoạt bóng ở giữa sân, lập tức tôi chuyền bóng thật nhanh cho Bội. Bội lập tức “xẻ” một đường bóng căng, sệt qua khe hở giữa hậu vệ và trung vệ Bát Nhất. Đúng sở trường, vua tốc độ Thái Nguyên Bền lướt nhanh như gió lướt qua hậu vệ số 4 Bát Nhất, đẩy tiếp bóng xuống sát biên ngang và ngay lập tức lật bóng đi căng ngang ngang ngực các hậu vệ Bát Nhất. Những bóng áo trắng cùng những chiếc áo đỏ lao vào; kẻ muốn phá bóng, người muốn đưa bóng vào cầu môn… và, bỗng một tia chớp đỏ rực bay người dùng đầu lao trúng trái bóng, khiến mành lưới cầu môn Bát Nhất tung lên! “Vào… Vào rồi! Ba Đẻn! Ba Đẻn!… Anh em ơi vào rồi!”, tôi hét lạc cả giọng rồi cùng nhau chạy đến chỗ Ba Đẻn đang nằm vì vướng giày vào lưới. Tiếng ào ào vang lên, sân Công Nhân lại như nổ tung trong những âm thanh khủng khiếp!

Thế Anh! Vâng, đó chính là Thế Anh - Ba Đẻn! Anh đã nằm gọn trong góc lưới khung thành Bát Nhất cùng trái bóng, được đồng đội ôm, bế ra ngoài. Bảng tỷ số thay đổi: Tuyển QĐVN: 2 - Bát Nhất: 1! Bàn thua đã chỉ rõ yếu điểm của Bát Nhất: họ rất sơ hở khi ta tấn công vào 2 biên!

Khi hậu vệ biên phải của Bát Nhất bắt đầu cảnh giác với sự bứt tốc của Thái Nguyên Bền thì lập tức, chúng tôi ra hiệu thống nhất cùng nhau chuyển hướng tấn công sang biên trái. Một tam giác biên trái được thành lập ngay tức khắc với Mỵ - Bội – Ba Đẻn. Đang đói bóng do trước đó tấn công nhiều biên phải, lần này Ba Đẻn được cung cấp bóng nhiều hơn. Với lối dẫn bóng lắt léo, Ba Đẻn nhiều lần qua được hậu vệ biên, qua cả trung vệ ra hỗ trợ và đã vài ba lần tự mình dứt điểm nguy hiểm! Thực sự Thế Anh đã chơi xuất sắc khiến đội bạn phải lo lắng, các trung vệ và tiền vệ của Bát Nhất phải kéo về cánh trái đông hơn, chính vì thế, sự sơ hở đã xuất hiện ở trung lộ.
Nhận biết được điều đó, phút thứ 16, từ pha đột phá rất nhanh từ biên trái, thoáng quan sát thấy trung vệ đội bạn lao ra bọc lót bên cánh trái, Ba Đẻn lập tức lật bóng rất sớm vào vòng cung 16m50, nơi trung phong Nguyễn Bính đang ra dấu xin bóng. Và với động tác sở trường của một trung phong: che bóng, đè người, dứt điểm nhanh, Nguyễn Bính đã thực hiện rất mẫu mực trước sự sững sờ của cả 2 trung vệ cao lớn Bát Nhất. 3-1 cho Tuyển QĐVN!

Không còn gì để mất, toàn đội Bát Nhất nôn nóng dâng cao đội hình, hy vọng ghi bàn san bằng tỷ số! Nhưng với lợi thế dẫn trước 2 bàn, chúng tôi có đầy đủ sự tỉnh táo để bảo vệ thành quả của mình! Một thế trận “phòng ngự - phản công” được thực hiện với sự chắc chắn của 4 hậu vệ, sau đó là sự cơ động chuyển trạng thái thật nhanh của 3 tiền vệ và cuối cùng là sự táo bạo của các tiền đạo.
Sau những đợt tấn công thiếu hiệu quả vì không đủ sắc bén, các cầu thủ Bát Nhất bắt đầu có dấu hiệu nản lòng, mất tập trung. Tận dụng điều đó, phút thứ 26, từ khoảng cách 26m, cú nã đại bác tầm xa của Phan Văn Mỵ bất ngờ xuyên thủng lưới Bát Nhất một lần nữa ấn định tỷ số 4-1!

Cho dù 60 phút sau đó đội bạn đã cố gắng chơi với hết khả năng của họ nhưng với chiến thuật “phòng thủ chặt, phản công nhanh”, toàn đội Tuyển QĐVN đã thi đấu chặt chẽ, hợp lý, chủ động cuộc chơi và bảo vệ an toàn chiến thắng của mình!

Trong niềm vui chiến thắng là nỗi buồn cùng sự thất vọng của các cầu thủ Bát Nhất. Có lẽ vì họ đã chủ quan, đánh giá không đúng đối phương! Chắc chắn các cầu thủ Bát Nhất sẽ phải kiểm điểm tìm nguyên nhân bởi theo cá nhân tôi, trình độ Bát Nhất đâu có kém ta; thậm chí họ còn hơn hẳn ta về nhiều yếu tố: Sân nhà, tầm vóc cùng kỹ thuật cơ bản rất chuẩn mực!

Chuyện sau trận đấu

Trận đấu đã kết thúc nhưng hơn một giờ sau, xe chở 2 đội mới ra khỏi khu vực sân Công Nhân vì khán giả tò mò, quây kín lối ra vào khiến xe không thể di chuyển được! Người Bắc Kinh hiếu kỳ ai cũng muốn “chiêm ngưỡng” các cầu thủ Việt Nam! Chắc họ ngạc nhiên thấy các cầu thủ Việt Nam nhỏ bé nhưng sao lại chơi hay đến thế?

Về tới khách sạn, chúng tôi được bà con Việt kiều chào đón, vỗ tay reo mừng, nhiều người giúi vào tay chúng tôi trái táo, bánh kẹo. Tại sảnh lớn, nhiều du khách Anh, Mỹ, Đức, Pháp… có người có mặt trên sân, có người vừa theo dõi trận đấu trên ti-vi, đã chào đón nồng nhiệt với ngón tay cái giơ cao cùng tiếng hô đồng thanh: Việt Nam! Việt Nam!

Hôm sau, Trưởng đoàn Nguyễn Hữu Tài (người đã cùng Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh xuống sân bắt tay động viên 2 đội rồi tháp tùng đoàn quan chức TQ trở về khán đài) kể rằng: “Chúng tôi và Đặng Phó Đổng lý từ dưới sân lên đến khán đài danh dự, chưa kịp ngồi xuống ghế thì bỗng nghe tiếng reo ầm ầm và tiếng la ó, huýt sáo ầm ĩ. Lo quá, tưởng có chuyện gì xảy ra thì thấy ông Đặng hướng về phía tôi và Đại sứ Vĩnh giơ ngón tay cái với hàm ý chúc mừng. Nhìn xuống dưới sân thấy anh em Tuyển QĐVN đang ôm nhau mừng chiến thắng. Mừng quá, tôi bắt chặt tay Đại sứ, cùng nở nụ cười mãn nguyện. Tôi biết, Đại sứ rất vui vì đã xua tan nỗi lo trước trận đấu khi thấy quân Tuyển QĐVN thấp bé, nhỏ con hơn các bạn Bát Nhất.

Ông Vĩnh từng lo lắng: “Anh em Thể Công nhỏ con thế, liệu có đá được với Bát Nhất cao lớn thế kia không?”. Tôi trả lời: “Báo cáo anh, tuy đội ta nhỏ người nhưng khéo léo, nhanh nhẹn và dai sức lắm, anh đừng lo!”. Và bàn thắng đến sớm đã minh chứng cho sự khởi đầu may mắn của Tuyển QĐVN”.

Dù đã rất khuya, Đại sứ vẫn cử cán bộ sứ quán tới chúc mừng, động viên các cầu thủ! Tôi nhớ mãi một cán bộ cao cấp của sứ quán thay mặt Đại sứ phát biểu trước tập thể đội bóng: “Cảm ơn QĐNDVN anh hùng! Cảm ơn Thể Công! Các anh đã đem lại niềm tự hào cho Tổ quốc”.

… 45 năm đã trôi qua, nhưng những người trong cuộc vẫn không thể nào quên chuyến du đấu tuyệt vời của Thể Công trên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Những người tham gia chuyến đi lịch sử ấy thường tổ chức gặp nhau mỗi khi có điều kiện, để ôn lại những bài học quý cho bóng đá quân đội. Thế hệ cầu thủ làm nên chiến tích 45 năm trước giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, có người đã ra đi mãi mãi…

Với riêng tôi, đây là một trong 3 trận đấu “để đời” trong cuộc đời bóng đá của mình!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trận đấu để đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO