Trần Văn Giàu và Tổng khởi nghĩa ở Nam Kỳ

Anh Thy 19/08/2019 09:15

Trần Văn Giàu (1911–2010) sang Pháp học Đại học Toulouse (1928), vào Đảng Cộng sản Pháp (1929), bị trục xuất về nước do tham gia biểu tình đòi hủy án tử hình đối với các thủ lĩnh Khởi nghĩa Yên Bái. Năm 1931, học Đại học Đông Phương Moskva, về Sài Gòn tham gia tổ chức lại Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1935, bị tù Côn Đảo, năm 1940 Pháp đưa đi an trí ở Tà Lài đến cuối 1941, tổ chức vượt ngục...

Trần Văn Giàu và Tổng khởi nghĩa ở Nam Kỳ

Một ngày tháng 8, tôi đến thăm cụ Nguyễn Thọ Chân -nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1943, nguyên Bí thư Sài Gòn – Gia Định, Ủy viên Trung ương Đảng khóa III (1960)... Nhìn cụ ngồi đọc báo SGGP rồi trò chuyện với cụ mới thấy hết sự tinh tường, minh mẫn của cụ già tuổi đã ngót nghét 100. “Trong số Ủy viên Trung ương khóa III đến tháng 8 này còn đúng 3 ông: Nguyễn Côn 106 tuổi, Nguyễn Trọng Vĩnh 103 và chú 98, – rồi cụ bắt sang chuyện Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. - Ngày Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn 25/8/1945 thì mình đang bị đày ở Côn Đảo cùng bác Tôn Đức Thắng, anh Lê Duẩn, anh Phạm Hùng… Sau ngày 23/9 năm ấy mới được đón về đất liền nhưng có thời gian làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn nên nắm được sự kiện này. Nói đến lịch sử Nam Bộ phải nói đến 2 Xứ ủy”…

Có 2 tổ chức Xứ ủy ở Nam Kỳ

Theo cụ Nguyễn Thọ Chân kể, thì sau sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa 1940, phong trào ở Nam Bộ bị đàn áp dã man. Các cơ sở tan nát, cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ hầu hết bị bắt, ai còn sống sót phải dạt về các địa phương. Tháng 1/1941, Xứ ủy Nam Kỳ được tái lập nhưng tới giữa năm 1941, các Xứ ủy viên lại bị chính quyền thực dân bắt bớ, các tổ chức bị vô hiệu hóa. Sang năm 1942, Liên tỉnh ủy miền Đông được thành lập. Tiếp sau đó là Ban Cán sự miền Đông Nam Kỳ (năm 1943) và Kỳ bộ Việt Minh Nam Kỳ (năm 1944). Nhóm này xuất bản bí mật tờ báo Giải phóng.

Từ ngày 13 đến 15/10/1943, một số đại biểu cộng sản các tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ tập trung về Chợ Gạo, Mỹ Tho, mở hội nghị và quyết định tái lập Xứ ủy Nam Kỳ. Vì Trần Văn Giàu bận, không đến dự được nên hội nghị bầu ông Dương Quang Đông làm Bí thư, nhưng ông Đông tuyên bố “chỉ tạm nhận chức và sẽ trao lại cho ông Trần Văn Giàu” và được hội nghị đồng ý.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, trong hoàn cảnh không liên lạc được với Trung ương, không hay biết Nguyễn Ái Quốc đã về nước và triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (1941), Trần Văn Giàu không ngồi chờ mà tự vạch ra một đường lối cách mạng cho Nam Kỳ, chủ trương Đảng ta phải mạnh hơn tất cả các chính đảng khác và giáo phái thân Nhật cộng lại thì mới mong đem chính quyền về tay nhân dân. Xứ ủy đã ra nghị quyết: Khôi phục hệ thống tổ chức Đảng các cấp, đặc biệt với các cơ sở tại Sài Gòn - Chợ Lớn; thành lập Tổng Công đoàn Nam Kỳ (tháng 4/1944) và chỉ trong nửa năm, phát triển 40 Công đoàn cơ sở với 5.000 đoàn viên; tập hợp trí thức, sinh viên, nhà công thương vào một số tổ chức như Tân Dân chủ đoàn, Hội Truyền bá quốc ngữ, nhóm báo Thanh niên, xuất bản báo Tiền phong và các sách bỏ túi ("Việt Nam trên đường độc lập", "Rạng đông của dân tộc"...); mở các lớp huấn luyện chính trị… Song song với Xứ ủy Nam Kỳ do Trần Văn Giàu làm Bí thư (gọi là Xứ ủy Tiền phong), còn có một tổ chức khác của Đảng Cộng sản Đông Dương, gọi là Xứ ủy Giải phóng (vì cơ quan ngôn luận của tổ chức này là báo Giải phóng). Xứ ủy này gồm các đồng chí: Trần Văn Vi, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Cảnh, Tô Ký… hoạt động mạnh ở miền Trung và miền Tây Nam Bộ.

Tháng 5/1945, Xứ ủy Giải phóng cử bà Nguyễn Thị Thập đến gặp Trần Văn Giàu ở nhà ông Trần Văn Hoài (Hương trưởng Hoài) tại Chợ Gạo, Mỹ Tho, bàn việc thống nhất Xứ ủy. Khoảng tháng 6/1945, hai bên có cuộc họp lần 2 tại nhà ông Bảy Trân (xã Long An, Mỹ Tho) quyết định thành lập Tỉnh ủy Thống nhất Mỹ Tho do đồng chí Dương Khuy làm bí thư.

Hoạt động của Xứ ủy Tiền phong

Ông Trần Văn Giàu nhận định: "Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân; riêng lực lượng của Đảng không làm nổi cách mạng; phải có sự tham gia, sự nổi dậy của hàng triệu đồng bào”.

Sau khi Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương (9/3/1945), Thống đốc Nam Kỳ Minoda Fujio và Tổng lãnh sự Ida mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn thành lập Thanh niên Tiền phong nhằm lôi kéo thanh niên, trí thức ủng hộ Nhật. Trần Văn Giàu và Hà Huy Giáp (Xứ ủy Tiền phong) đã khéo léo biến tổ chức này thành tổ chức quần chúng của Đảng, thông qua số đảng viên bí mật: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Huỳnh Văn Tiểng... tạo được bình phong hợp pháp cho các đảng viên cộng sản hoạt động. Để tổ chức này tồn tại hợp pháp, chọn “cờ vàng sao đỏ” với ý nghĩa “máu đỏ, da vàng”, tránh được sự nghi ngờ và theo dõi của Nhật.

Đến tháng 8/1945, Thanh niên Tiền phong đã có số hội viên hơn một triệu(1), ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ...

Ngày 5/7/1945, trong Lễ Tuyên thệ của Thanh niên Tiền phong, ông Phạm Ngọc Thạch đã đọc diễn văn khích lệ lòng yêu nước, cổ vũ quần chúng đứng lên giành độc lập. Hàng vạn thanh niên vừa tuần hành vừa hát vang bài "Lên đàng". Trong ngày này, công nhân cũng họp mít tinh ở nhiều nơi với 20.000 đoàn viên công đoàn làm nòng cốt.

Ba lần bàn dời ngày Tổng khởi nghĩa

Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, 4 năm ròng Nam Kỳ mất liên lạc với Trung ương. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Xứ ủy viên Hà Huy Giáp cử Lý Chính Thắng (cháu họ ông) ra Hà Nội tìm gặp Trung ương xin chỉ thị. Từng là học sinh trường Thăng Long, anh tìm về trường cũ thì được bác bảo vệ giới thiệu đến nhà vợ chồng bạn học Nguyễn Xuân Ngọc và Tụy Phương. Xuân Ngọc đã bí mật đạp xe đưa Lý Chính Thắng vào Vạn Phúc, Hà Đông gặp TBT Trường Chinh, tại đây, anh được nhận chỉ thị ra ngày 12/3-=/1945 “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Sau vài ngày nghỉ ở nhà thương Con Rồng trên đường Boulvard Henri d’Orléans (sau này là Phùng Hưng), Lý Chính Thắng được Trung ương cử liên lạc viên Cái Thị Tám(2) tháp tùng, đi tầu lửa vào Sài Gòn. Chuyến đi hết sức gian nan, nguy hiểm nhưng đầy ngoạn mục, cuối cùng chỉ thị về tới Nam Bộ.

Ngày 14/8/1945, nghe tin Nhật Hoàng tuyên bố trên đài phát thanh đầu hàng lực lượng Đồng minh, nhận thấy thời cơ đã đến. Đêm 15-8-1945, Thường vụ Xứ ủy quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa và triệu tập hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng. Dự định: khởi nghĩa vào ngay ngày hôm sau, nhân cơ hội Lễ Tuyên thệ của Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn.

Trong hội nghị họp tại Chợ Đệm tối 16/8, chỉ thị của Trung ương được phổ biến nhưng với kinh nghiệm thất bại của Khởi nghĩa Nam Kỳ, một số đại biểu đã tranh luận gay gắt về chọn thời điểm khởi nghĩa. Sau đó, toàn thể hội nghị nhất trí tiếp tục chuẩn bị, chờ tin từ Hà Nội, lùi ngày khởi nghĩa đến ngày 18-8, đồng thời cử 2 thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn - đến Tổng hành dinh Đông Nam Á của Nhật, gặp Thống chế Terauchi, giải thích chủ trương của Việt Minh Nam Kỳ, yêu cầu quân Nhật không can thiệp và giao số vũ khí Nhật tước của Pháp cho phía Việt Nam. Terauchi đã trao chiếc gươm lệnh cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch để làm tin và chấp nhận trao cho ta 1.200 súng với 2 triệu viên đạn.

Ngày 17/8, lễ ra mắt của 5 vạn đoàn viên Thanh niên Tiền phong vẫn được tổ chức tại Sài Gòn.

Sáng 20/8 nhận được tin Hà Nội đã khởi nghĩa thắng lợi, Trần Văn Giàu được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mật báo: quân Nhật sẽ không phản ứng nếu nhân dân Sài Gòn khởi nghĩa, nên hội nghị Chợ Đệm lần thứ hai dự định khởi nghĩa ngay chiều hôm đó. Vẫn có đại biểu còn e ngại vì quân Nhật còn rất đông (7-8 vạn) và sợ họ lật lọng, Trần Văn Giàu dũng cảm đề nghị “chọn Tân An, quê ông, làm thí điểm”.
Đêm 20/8, Nguyễn Văn Tạo(3) và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tuyên truyền tại Rạp hát cải lương nổi tiếng Sài Gòn - Nguyễn Văn Hảo. Đêm 21/8, cũng tại rạp này, Trần Văn Giàu chính thức tuyên bố: “Việt Minh ra hoạt động công khai!”.

Tối 22/8, khởi nghĩa thành công ở Tân An.

Hội nghị Chợ Đệm lần thứ ba, tối 23/8, chỉ định lập Ủy ban Hành chính lâm thời cho toàn Nam Bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, Chủ tịch là Trần Văn Giàu.

Chiều 24/8, lực lượng Thanh niên Tiền phong vũ trang dưới quyền lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ khởi nghĩa giành chính quyền ở Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, sau đó tiến về Sài Gòn.

Ngày 25/8, đến lượt Sài Gòn nổ ra cuộc biểu tình lớn. Hầu hết các cơ sở của chính quyền lọt vào quyền kiểm soát của Lâm ủy Nam Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trần Văn Giàu và Tổng khởi nghĩa ở Nam Kỳ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO