Trớ trêu, nhưng trọn kiếp

Khánh Hạ 01/01/2019 09:28

Có lẽ trong số những nhà văn Nga thế kỷ XIX ít ai có thể phản ánh được hiện thực đời sống Nga sinh động, chân thực và lôi cuốn như Ivan Sergeyevich Turgenev. Ông là tác giả của những tuyệt tác như “Bút ký người đi săn”, “Tổ ấm quý tộc”, “Rudin”, “Cha và con”, “Đêm trước”... Tuy nhiên, bản thân nhà văn lại chủ yếu sống ở ngoài tổ quốc. Nước Pháp là nơi mà Turgenev đã dành phần lớn cuộc đời mình. Lý do rất đơn giản: vì đấy là quê hương của người đàn bà mà ông yêu thương đến sùng mộ, nữ ca sĩ Pauli

Trớ trêu, nhưng trọn kiếp

Người đàn bà này khó có thể được coi là một tuyệt thế giai nhân. Thậm chí sau lưng nàng, thiên hạ vẫn dè bỉu: gầy trơ xương! Thế nhưng, với văn hào Nga Ivan Turgenev, nữ ca sĩ Pauline Viardot đã là niềm khát khao không bao giờ thỏa. Suốt đời, ông đã lẽo đẽo theo nàng với một tình yêu bất tận và tuyệt vọng. Vì nàng mà nhà văn chấp nhận rời bỏ tổ quốc sống tha hương, xa cách thân bằng cố hữu... Một văn hào Nga khác là Liev Tolstoi đã viết về niềm yêu có phần bệnh lý này: “Ông ấy cực kỳ đáng thương. Chịu đau khổ về đạo đức như thế chỉ có thể là một người với trí tưởng tượng như ông ấy… Thật khó tin là ông ấy lại có thể yêu được nồng nàn đến thế…”

Bất ngờ không báo động

Saint Peterburg những năm 40 của thế kỷ XIX... Mùa âm nhạc 1843-1844 rất đặc biệt: tại “kinh đô phương Bắc” đã khởi động lại chuyến lưu diễn của Nhà hát opera Italia từ Paris tới mà trước đó khán giả Nga đã bị cách ly suốt một thời gian dài. Trong số những nghệ sĩ biểu diễn lừng danh có ngôi sao trẻ giọng soprano, Pauline Viardot, 22 tuổi. Cô đã làm khán giả bị mê hoặc không chỉ bởi giọng hát mà cả bởi diễn xuất tuyệt vời. Rubini, một nam ca sĩ opera nổi tiếng thời đó, đã không chỉ một lần khuyên cô: “Đừng diễn nồng nàn quá thế, có ngày đột tử ngay trên sân khấu đó!”

Pauline Viardot là con gái của nam ca sĩ Tây Ban Nha nổi tiếng Manuel Garcia. Ông quê ở thành phố Seville, đã tỏa sáng trên sân khấu opera của nhiều nước trên thế giới. Không có gì đáng ngạc nhiên khi con gái ông cũng thành công trên con đường nghệ thuật theo truyền thống gia đình. Bắt đầu làm ca sĩ năm 16 tuổi, tới tuổi 22, Pauline đã là một diva. Trong số những khán giả tinh hoa ở “kinh đô phương Bắc” của nước Nga tối 1/11/1843 lũ lượt đến xem ngôi sao trẻ mới lên có nhà văn Ivan Turgenev. Và ông đã sững sờ trước những điều tai nghe mắt thấy. Hôm ấy diễn vở “Người thợ cạo thành Seville” của nhà soạn nhạc người Italia, Gioacchino Rossini. Nhân vật nữ Rosina trong sự thể hiện của Pauline xuất hiện… Dáng hơi khòng, nét mặt thô, nhan sắc không quá hấp dẫn ngay cả đối với một diva opera. Nhưng giọng hát thì tuyệt vời! Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp Camille Saint-Saëns đã trầm trồ rất đúng về giọng hát kỳ diệu của Pauline: “Giọng hát của nàng không êm như nhung và cũng không trong trẻo như pha lê mà có lẽ mang hương vị của một loại cam chua tuyệt hảo”. Khi Pauline ra sân khấu thì ở dưới khán phòng luôn rộ lên những tiếng thì thào: cánh đàn ông và giới phụ nữ không thể không cùng nhau bình luận về những cái hay và những cái thiếu ở nàng… Còn Turgenev thì nín thở để chăm chú theo dõi nhất cử nhất động của nàng. Từ buổi tối hôm đó cuộc đời của nhà văn đã được chia ra thành hai nửa khác hẳn nhau… Nhà văn đã được giới thiệu làm quen với nữ ca sĩ lừng danh như “một địa chủ Đại Nga, một xạ thủ giỏi, một người đối thoại dễ chịu và... một người làm thơ tồi”. Từ sau tối hôm đó, Turgenev được phép sau mỗi buổi diễn vào phòng hóa trang của Pauline, mua vui cho nàng bằng các câu chuyện thú vị (ông vốn nổi tiếng là người hoạt ngôn). Cũng ở đó, ông được giới thiệu làm quen với chồng của Pauline, nhà phê bình Louis Viardot.

Avdotia Panayeva, nữ nhà văn Nga đồng thời với Turgenev, nhớ lại: “Tôi nghĩ rằng khó có thể tìm được người tình si nào như Turgenev. Ông lớn tiếng khoe ở mọi nơi cho mọi người biết về tình yêu mà ông dành cho Viardot, còn ở giữa bạn bè thì ông không nói gì ngoài là về Viardot mà ông mới được làm quen...”

Một thời gian sau nhà văn trẻ đã đề nghị được làm thày dạy tiếng Nga cho nữ ca sĩ. Pauline cần phải biết tiếng Nga tốt hơn vì theo sở thích của khán giả địa phương, cô sẽ phải biểu diễn trên sân khấu cả những bài hát và tình khúc Nga. Từ đó hai người hôm nào cũng có điều kiện gặp nhau...

Theo đánh giá chung, Pauline không phải là một mỹ nhân. Lưng nàng hơi khòng, nét mặt thô và mắt lồi. Đối với nhiều người, nàng còn có vẻ xấu xí nhưng đó lại là sự xấu xí rất hấp dẫn. Một họa sĩ người Bỉ đã từng nói với đức ông chồng tương lai của nàng, Louis Viardot, trong ngày hai người đính hôn rằng, “cô ấy quá xấu nhưng nếu tôi lại được nhìn thấy cô ấy thêm lần nữa, hẳn tôi sẽ phải lòng cô ấy...”

Louis Viardot biết được Pauline là nhờ nữ văn sĩ George Sand, ở thời điểm đó có quan hệ thân mật với nữ danh ca. Giọng ca và phong cách biểu diễn chân thành của Pauline đã khiến nữ văn sĩ khâm phục đến mức sau đó, chính xuất phát từ cô gái này mà George Sand mới có chất liệu để xây dựng hình tượng nhân vật nữ Digan chính trong tiểu thuyết lừng danh của mình “Cosuello”…
Nhiều nhân vật danh giá đương thời đã để lại những lời nhận xét hoan hỉ về Pauline Viardot. A.G. Rubinsshtein, người sáng lập ra Hội Âm nhạc Nga và nhạc viện đầu tiên ở Nga đã viết: “Chưa bao giờ tôi được nghe thấy một cái gì tương tự như thế…” Nhà soạn nhạc người Pháp thuộc trường phái lãng mạn Hector Berlioz đã gọi Pauline là “một trong những nữ nghệ sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử quá khứ và đương đại của âm nhạc”. Theo lời thổ lộ của Camille Saint-Saëns, nhạc sĩ Pháp vĩ đại thế kỷ XIX, “… giọng của cô không mượt như nhung cũng không trong như pha lê mà có lẽ mang hương vị cam chua, được sinh ra cho các vở bi kịch, những khúc bi ca…”

Trong danh sách các tác phẩm biểu diễn của Pauline có các khúc romance được phổ nhạc bởi Glinka, Dargomyzhsky, Vertovsky, Cesar Cui, Borodin, Tchaikovsky, được ca sĩ biểu diễn bằng tiếng Nga. Vốn là học trò của Liszt và Chopin, cô chơi dương cầm rất tốt. Pauline còn tự sang tác nhạc cho các khúc romance mà trong đó có nhiều bài phổ thơ của các thi sĩ Nga. Tiếng Nga cũng là một trong sáu ngôn ngữ châu Âu mà Pauline sử dụng được.

Trớ trêu, nhưng trọn kiếp - 1

Tình si trọn kiếp

Trong con mắt của Turgenev, Pauline là một mỹ nhân. Và ông giữ nguyên góc nhìn này cho tới ngày cuối của cuộc đời mình. Nữ văn sĩ Panayeva viết: “Tôi không nhớ là sau đó bao nhiêu năm nữa, nhưng Pauline đã quay trở lại để hát trong các vở opera Italia. Nhưng khi đó cô ấy đã đánh mất sự tươi mới của giọng hát, còn về ngoại hình thì chả còn gì để nói: theo tuổi tác, gương mặt cô ấy ngày càng trở nên xấu xí. Công chúng đón nhận cô ấy một cách lạnh nhạt. Nhưng riêng Turgenev thì lại cho rằng, Pauline Viardot đã hát hay và diễn hơn trước, còn đám khán giả ở Peterburg vì ngốc nghếch và thất học nên không thể đánh giá được đúng một nữ nghệ sĩ tuyệt vời như thế”…

Kết thúc chuyến lưu diễn, Pailine mời Turgenev đi sang Pháp. Và nhà văn đã bất chấp lời ngăn cản của mẹ, một mình khăn gói, không một đồng xu dính túi đã lên đường sang Paris cùng người yêu và chồng của nàng, dù ở Pháp khi đó ít ai biết tới các tác phẩm của Turgenev. Tại Paris, Turgenev đã làm quen và kết thân với các thành viên trong gia đình Viardot, sống ở khu vực Courtavenel (cách Paris 50km về phía Đông Nam).

Nhà văn đã bị tình yêu của mình cuốn hút đến mức không còn cảm quan thực tại nữa và sẵn sàng bỏ qua một sự thật là, người mà ông yêu đã có chồng rồi… Hơn nữa, ông còn kết thân được với chồng của người tình trong mộng, ông Louis Viardot. Bản thân đức ông chồng chính danh này, lớn hơn vợ mình tới 20 tuổi, cũng đã từ lâu không để ý tới những phút giây lãng mạn của Pauline (Thơ Simonov: “Những nghịch ngợm buông tuồng nho nhỏ, Chẳng là trò phản bội gì đâu…”). Ông Louis Viardot đã “mũ ni che tai” trước mối quan hệ giữa vợ mình với nhà văn Nga vì nói cho cùng, Turgenev không phải là người đàn ông đầu tiên mà Pauline tỏ ra là có cảm tình…

Cuộc sống tay ba như thế ở Courtavenel nhờ thế cũng đã diễn ra một cách vui vẻ và thú vị: họ cùng nhau đọc sách cho nhau nghe, diễn các vở kịch gia đình, chiêu đãi khách khứa, bằng hữu… Turgenev đã cảm thấy hạnh phúc vô biên khi được ở cạnh người phụ nữ mà ông yêu quý. Đồng thời, niềm hạnh phúc đó cũng khiến cho lòng ông ít nhiều cảm thấy cấn cá: ông thực sự yêu Pauline và ông đau đớn vì chỉ được sống bên lề “tổ ấm của người khác”. Những người bạn Nga khi tới thăm ông ở Pháp đều cho rằng tình huống này là nhục nhã. Turgenev đã thổ lộ với một trong số những người bạn đó: “Nàng đã làm chìm nghỉm mọi người phụ nữ khác trong mắt tôi. Tôi đáng bị phạt như thế này…” Lev Tolstoi, khi gặp Turgenev ở Paris, đã viết: “Không bao giờ tôi nghĩ rằng anh ấy lại có thể yêu mạnh mẽ như thế!”

Tháng 11/1845, Turgenev trở về Nga để rồi tới tháng 1-1847, khi biết về chuyến lưu diễn của Pauline ở Đức, ông đã lên đường theo gót ngay, thoạt tiên là tới Berlin, rồi sang London, Paris, đi khắp nước Pháp rồi lại tới St Peterburg. Ông đã đi theo Pauline như hình với bóng ở khắp châu Âu: “Chà, tình cảm của tôi đối với nàng quá vĩ đại và mạnh mẽ. Tôi không thể sống xa nàng được, tôi phải luôn cảm thấy sự gần gụi của nàng, tận hưởng nó; đối với tôi, ngày nào mà không được thấy đôi mắt nàng chiếu sáng thì ngày đó coi như bị uổng phí…” Trong một lá thư gửi Pauline Viardot năm 1850, Turgenev viết: “Hôm nay tôi đã tới nhìn ngôi nhà, nơi mà 7 năm trước đây tôi đã có được vinh hạnh trò chuyện với nàng. – Ngôi nhà ấy ở trên đại lộ Neva, đối diện với nhà hát Aleksandr; căn phòng mà nàng ở nằm ở góc nhà – nàng có còn nhớ chứ? Trong tất cả cuộc đời tôi không có ký ức nào quý giá hơn những ký ức về nàng… Tôi bắt đầu tự tôn trọng bản thân mình kể từ khi tôi mang trong mình kho báu đó… Từ giờ, hãy cho phép tôi được quỳ xuống dưới chân nàng…”

Trong hai năm 1852-1853, do bị chính quyền Sa hoàng gây khó dễ vì bài điếu văn gay gắt trong lễ tang văn hào Gogol, Turgenev đã bị quản thúc tại trang trại gia đình và vì thế, không thể nào gặp được Pauline. Đó là giai đoạn “khó ở” vô cùng đối với nhà văn – “xa mặt” người tình trong mộng trong một thời gian dài như thế đối với ông là cả một cơn ác mộng. Khi bất ngờ ông hay tin rằng Pauline chuẩn bị đi lưu diễn ở Moskva. Và ông quyết định liều mạng bước qua lệnh cấm của Sa hoàng, rời khỏi trang trại đi gặp người yêu dấu. Ông bắt buộc phải nhờ làm một giấy thông hành giả để lên Moskva diện kiến với Pauline không gì thay thế được đối với ông. Chỉ nhìn thấy nàng thôi là ông đã cảm thấy lòng mình mãn nguyện…

Tuy nhiên, nói một cách thực lòng, Turgenev rất đau đớn vì mối tình gần như đơn phương dành cho nữ ca sĩ tài năng nhưng lòng dạ lúc nào cũng như gió thoảng, ở đâu đấy… Đã không chỉ một lần ông cố gắng ổn định đời tư của mình mà không cần tới Pauline. Ông, cũng như nhiều nhà văn Nga vĩ đại, đã không sống một cuộc đời chay tịnh. Thậm chí, năm 1854, Turgenev từng tỏ ra say mê một cô con gái 18 tuổi của một người anh em họ. Tuy nhiên, cảm xúc này cũng không giúp được ông quên lãng Pauline.

Là một nhà văn lớn, Turgenev rất được phụ nữ ưa thích. Em gái của văn hào Liev Tolstoi, Maria Tolstaya, thậm chí đã li dị chồng – một việc bị coi là rất táo tợn thời đó – để định lên xe hoa cùng Turgenev. Oái oăm thay, khi hay biết tin này, nhà văn đã hoảng hốt bỏ đi mất dạng và về sau, không bao giờ nối lại quan hệ với người đàn bà mê đắm đó nữa…

Trong lúc đó ở trang trại tại Nga, một nữ nông nô đã sinh hạ cô con gái Palagaya sau một lần quan hệ tình cờ với Turgenev. Hay tin này, Pauline xin được đỡ đầu cô con gái đó. Hành động này đã khiến Turgenev cảm kích vô cùng và càng thêm sùng mộ nữ ca sĩ Pháp, thậm chí coi nàng như người có trái tim đức mẹ… Nhà văn đổi tên con gái sang kiểu Pháp và đưa bé gái về ở trong nhà Pauline. Tuy nhiên, cô con gái của nhà văn Nga về sau không thể nào yêu quý bà mẹ đỡ đầu được như cha cô mong muốn…

Năm 1864, Pauline Viardo đã rời bỏ sàn diễn và cùng với chồng và các con tới sống ở baden – Baden. Turgenev cũng đi theo sát họ và xây một ngôi nhà ở cạnh nhà của họ. Có lần ông tự nhận xét rằng, ông thích gia đình, cuộc sống gia đình nhưng “số phận đã không cho tôi một gia đình riêng của tôi nên tôi phải gắn bó với một gia đình khác, và ngẫu nhiên đó lại là một gia đình Pháp. Từ đó cuộc đời tôi đã hòa lẫn với cuộc sống của gia đình này. Ở đó người ta nhìn tôi không phải như nhìn một nhà văn mà là một con người, và ở giữa họ thì tôi cảm thấy bình an và ấm áp. Họ thay đổi chỗ ở thì tôi cũng thay đổi theo họ; họ tới London, Baden, Paris và tôi cũng mang mình đi theo cùng họ…”

Với ông chủ nhà Viardo thì Turgenev có một thú giải trí chung: cả hai đều thích đi săn. Ngoài ra, họ còn cùng nhau dịch tác phẩm của các nhà văn Nga sang tiếng Pháp và sau đó, còn cùng dịch cả những cuốn sách của chính Turgenev…

Anh trai của Ivan Turgenev, Nikolai, khi tới thăm em mình ở Paris, đã viết về cho vợ: “Các con của Viardot đối xử với cậu ấy như con đối với cha dù chúng trông hoàn toàn không giống cậu ấy. Anh không muốn phán tán những chuyện đàm tiếu. Anh nghĩ, đã từng có khi nào đó trong quá khứ giữa cậu ấy với Pauline một mối quan hệ gần gụi hơn nhưng theo anh, bây giờ thì cậu ấy chỉ đơn giản là sống cùng với họ và trở thành một người bạn của cả gia đình”. Turgenev đã xây dựng được một mối quan hệ đặc biệt tin cậy với cô con gái giữa của gia đình Viardot, cô Claudie.

Trước đây người ta vẫn cho rằng, quan hệ giữa Pauline với Turgenev hoàn toàn mang tính tinh thần, chay tịnh… Thế nhưng, có những sự việc nói khác đi, mặc dù nữ ca sĩ đã tiêu hủy tất cả những bức thư có thể gây nên những nghi ngờ không hay sau khi Turgenev qua đời. Có giả thuyết cho rằng, cha của người con trai Paul mà Pauline sinh ra chính là Turgenev. Năm 1856, nhà văn tới thăm Pauline Viardot ở trang trại của gia đình nàng tại Courtavenel và đã ở lại đó mấy tuần liền. “Tôi đã hạnh phúc biết bao!” – Turgenev đã viết thư khoe với bạn bè như thế. Và sau đó hơn 9 tháng, nữ ca sĩ lừng danh đã lâm bồn và sinh hạ một cậu con trai. Tất nhiên, không có quả quyết 100% rằng người con trai đấy là giọt máu của nhà văn Nga để lại cho nữ ca sĩ Pháp. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, cha của người con trai đấy có thể là một người tình khác của Pauline, họa sĩ Ary Scheffer hoặc là của hoàng tử xứ Baden mà trong giai đoạn đó, đã có những mối quan hệ tình cảm mật thiết với Pauline. Cũng thật lạ là, không có nhà nghiên cứu nào lại nghĩ rằng, cha của người con trai ấy là ông chồng chính danh của nữ ca sĩ (!).

Cảnh sống chung của vợ chồng Pauline cùng con cái của hai người, Turgenev và con gái của ông dưới một mái nhà đã gây nên nhiều đồn đại phức tạp trong con mắt của những người dân châu Âu chỉn chu thời đó. Thế nhưng, nhà văn Nga không buồn để ý tới những suy nghĩ của người đời. Đối với ông, quan trọng nhất trong cuộc sống trên cõi thế luôn luôn chỉ là Pauline.

Công bằng mà nói, tình yêu mà Turgenev dành cho Pauline Viardo không chỉ mang lại cho ông những niềm vui và nỗi đau tinh thần. Nó còn là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo văn học của ông. Pauline Viardo luôn quan tâm thực sự tới tất cả những gì mà ông viết ra. Và mặc dầu Pauline không hề có gì chung với những nữ nhân vật mà nhà văn ca ngợi trong các tác phẩm của mình, Turgenev vẫn luôn luôn tham khảo ý kiến của nàng khi sáng tác. Chính Pauline về sau cũng nói với công chúng Nga: “Không có tác phẩm nào của Turgenev được in ra mà lại không được ông đưa cho tôi xem trước. Những người Nga các vị không biết rằng các vị đã mắc nợ tôi thế nào đâu khi Turgenev đã tiếp tục viết và sáng tạo”.

Bản thân Pauline nghĩ thế nào về “hình tam giác cảm xúc” trong cuộc sống gia đình của mình? Nàng cư xử cân đối như một người mẹ đối vói chồng mình, ông Louis, người hơn vợ gần 20 tuổi, cũng như với Turgenev. Nàng yêu thương và kính trọng ông chồng chính danh và cũng có những tình cảm như thế đối với Turgenev. Tuy nhiên, nàng vẫn hay có những vụ bùng cháy tình yêu với những người đàn ông khác.

Quan hệ lãng mạn đầu tiên của Pauline là với nhạc sĩ thiên tài Ferencz Liszt, người đã dạy nàng chơi piano. Nàng cũng từng thích một nhạc sĩ khác nữa là Charles Gounod, khiến cho Turgenev rất ghen. Người ta còn đồn rằng Pauline từng có một cuộc tình với con trai của nữ văn sĩ George Sand. Khá thú vị là chính theo lời giới thiệu của Gounod mà thầy dạy nhạc cho cô con gái của Turgenev là nhạc sĩ Georges Bizet, lúc đó còn chưa được ai biết tới và đang sống tại khu ngoại ô Bougival của Paris. Chính ở Bougival, Bizet đã viết nên vở opera bất tử của mình “Carmen”. Ngôi nhà mà Bizet từng sống ở Bougival vẫn được bảo tồn cho tới này hôm nay. Nó nằm trên con phố dược đặt tên họ Turgenev.

Bản thân Pauline thì lại luôn cảm thấy vui khi thoát được khỏi “sự kiềm tỏa” của chồng và của Turgenev. Cả hai người đàn ông này chỉ được nàng coi là bạn tôi: “Tôi có thể có được tình bạn bền vững, thường xuyên và không mệt mỏi, thoát khỏi mọi ích kỷ…”

Ivan Turgenev qua đời vào ngày 3-9-1883 vì bệnh ung thư cột sống trong vòng tay của người tình Pháp đã luống tuổi của mình. Ngày 1/10/1883, thi hài nhà văn được đưa từ Paris về nước và an táng tại nghĩa trang Voncovo, St. Peterburg ngày 9-10- 1883. Sau khi mất, bộ não của nhà văn đã được đem cân thử và nó nặng tới 2.021 gam…

Pauline còn sống thêm 27 năm nữa. Sau khi nàng mất, người ta tìm được tập bản thảo “Turgenev. Cuộc đời dành cho nghệ thuật”. Người thời đó nói là từ tập bản thảo đó có thể hiểu rõ hơn nhiều điều trong tình yêu kỳ lạ “yêu như lao xuống dòng nước xoáy” (thơ Hồng Thanh Quang) giữa nhà văn với diva âm nhạc Pháp. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, tập bản thảo đó đã bị biến mất. Suốt thế kỷ XX người ta đã đi tìm tập bản thảo đó ở nhiều nước châu Âu, nhưng mãi vẫn không thấy…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trớ trêu, nhưng trọn kiếp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO