Từ khi gặp cụ Từ, nghĩ về văn hóa

Trung Trung Đỉnh 19/07/2018 09:00

Cụ Từ (nhà dân tộc học Từ Chi) sinh thời có lần ngồi với tôi trong khu nhà mồ của người  Gia Rai  ở AyunPa. “Cụ” giảng giải cho tôi hay những lớp hoa văn và các hình vẽ trên các “vách”, trên các “tường” là  sự diễn giải tự nhiên không cố ý về nhận thức và quan niệm của người Gia Rai về quá trình trưởng thành của đời sống một con người.

Nó có những tiến trình ra sao và mỗi “đoạn” nó có những diễn biến gì, theo con mắt của nhà dân tộc học. Ngày ấy tôi còn khá trẻ và “cụ” thì cũng đã “sắp” già.

Từ khi gặp cụ Từ, nghĩ về văn hóa

Ảnh: Internet.

Tôi đưa cụ đi “chơi” xuống các làng vùng sâu ở Chư Pơ Rông, Đức Cơ, AYunPa có tới cả tháng trời. Hai “anh em” đi và đến đâu cũng rộn ràng vui vẻ. (Mặc dù tôi quen gọi anh là “Cụ”).

Đến làng nào thì một người (là tôi) có quen trước các người cũ của làng, tay bắt mặt mừng chuyện trò một lúc rồi thì tôi và người bản địa dẫn cụ Từ đi thăm nhà mồ, thăm nhà rẫy, thăm lung tung lang tang.

Tối về uống rượu cần và “cụ” không khi nào không hỏi, nhất là với các người già. Cụ cũng luôn sẵn sàng giảng giải cho tôi hay cho bất kỳ ai hỏi cái này, hỏi cái kia. Là vì sao nó thế này, vì sao nó thế kia.

Cụ luôn nhấn mạnh nguồn gốc xuất xứ của vấn đề.

Sao mà một con người ở mãi tận Hà Nội vô đây lại biết nhiều thứ như vậy?

Hỏi ra mới biết hồi trẻ “cụ” từng đi lính, đã từng làm đến chính trị viên đại đội gì đó và cũng đã từng vô xứ này, làm lính đóng quân ở đây, không nhiều nhưng đủ cảm nhận cái không gian rừng và người thời rừng và người còn hoang dã, nguyên sơ chứ chưa bị phá, chưa bị … như bây giờ.

Sau các chuyện đi thực tế về là tôi xoay quanh vấn đề sách và đọc sách hỏi “cụ”.

Cụ giỏi tiếng Pháp tiếng Anh tiếng châu Phi gì đó, ghê thật. Cụ Từ bảo tôi là cụ tự học là chính, thú thực, nghe vậy thì biết vậy chứ tôi không hiểu.

Cụ lại bảo vì hồi ấy chỉ có mỗi con đường tự học. Cụ bảo sự học ở đời thì nó muôn nẻo muôn đường. Học từ trong sách, học từ trong các loại từ điển. Muốn đọc được sách thì phải biết chữ. Muốn biết chữ thì phải học.

Học chữ phải chăm, tất nhiên. Cụ là một nhà dân tộc học hàng đầu của Việt Nam, tôi nghĩ thế vì tôi đọc cụ, đọc các nhà dân tộc học khác nữa, càng thấy thế. Các nhà dân tộc học của Pháp rất ngưỡng mộ “cụ”.

Cụ bảo cụ đọc sách và cóp nhặt và nghĩ ngợi và sáng tạo theo “cách” của riêng mình, mà “cụ” cứ hay nói là “nghiệp dư”.

Nghiệp dư như “cụ” mà các học giả người Pháp như Condominat vô cùng kính cẩn thán phục nể trọng các công trình dân tộc học của “cụ”.

Các ý tưởng của cụ sâu sắc chuẩn xác và cởi mở khiến cho người đọc nhận thông điệp một cách tự nhiên nhẹ nhàng.

Sau này về Hà Nội tôi tình nguyện bám theo làm đệ tử “cụ” đi nhậu, đi chơi với các đấng bậc hồi ấy khá nổi tiếng nhưng đều khuất lấp như: Anh Đào Hùng, anh Thái Bá Vân, Anh Nguyễn Tấn Cứ, Anh Trần Quốc Vượng. Tôi về Gia Lai khoe với anh Trịnh Kim Sung (Sanh) Trưởng ty Văn Hóa - sau này gọi là Giám Đốc sở Văn hóa và Thông tin và ược anh nồng nhiệt ủng hộ.

Anh Sanh ra tận Hà Nội mời “cụ” vô “chơi một chuyến”. Tôi phải mở ngoặc đơn một tí ở chỗ này về anh Trưởng ty văn hóa Trịnh Kim Sung, người có chức có quyền và có cái tâm cái tình rất sâu sắc và cởi mở, rất có lòng với sự nghiệp văn hóa tỉnh nhà.

Hồi ấy hễ cứ nghe ai giỏi ai tài, ai là nhà văn hóa ở Hà Nội là Trưởng ty tìm cách kết nối. Kết nối và tìm hiểu. Tìm hiểu rồi tạo điều kiện, tạo điều kiện tối đa bằng cách mời các vị vô “chơi”.

Ai cũng nghèo. Chủ nhà nghèo, khách nghèo. Ăn ngủ đi lại có gì “chơi” nấy, không nề hà.

Có hôm bù khú ở nhà Trưởng ty thâu đêm suốt sáng chỉ có bình rượu ngâm với sâm Ngọc Linh nhắm với lạc rang, với ngô rang mà vẫn rôm rả hoành tráng…

Cụ Từ sau nhiều năm không viết gì, hay nói đúng hơn là chưa “công bố” tác phẩm gì. Nay về Gai Lai- Kon Tum được Trưởng ty mời hẳn hoi, cho hẳn một nhiếp ảnh gia tài giỏi là chú em Trần Phong đi tháp tùng, không yêu cầu gì, tùy cụ viết gì làm gì theo ý cụ.

Cụ nuôi ý tưởng cho cuốn sách thể hiện rõ trên các hình vẽ của hoa văn ở cây cột gưng, trên các đường hoa văn ở nhà rông, trên váy, khố, họa tiết trên các mảng các phần trang trí khác của nhà mồ, nhà ở, nhà rông…

Và từ đó ta hiểu thêm quan niệm về vũ trụ của mỗi tộc người từ khi người nguyên thủy biết vẽ hình trên hang đá, tức là bắt đầu tư duy nghệ thuật hình thành cho đến bây giờ, loài người đã bay lên mặt trăng – Kiến thức loài người có được là do các học giả biết cóp nhặt và dành dụm hết đời này sang đời kia, lưu giữ lại mà thành.

Sau chuyến đi năm đó về, cụ cho ra mắt cuốn sách “Hoa văn BahNar & Gia Rai” do chính sở văn hóa ấn hành. Thật tuyệt văn vời! Và nhà nhiếp ảnh Trần Phong cũng tuyệt vời.

Nhắc lại một chút về kỷ niệm với nhà dân tộc học Từ Chi và ông Trịnh Kim Sung Trưởng ty văn hóa Thông Tin Gia Lai – Kon Tum để chúng ta hiểu thêm cái sự khởi nghiệp văn hóa của ngành văn hóa tỉnh nhà có sự góp mặt thật đầy ý nghĩa đối với những người đương đại chúng ta.

Ngày ấy đi đến đâu cũng có rừng, có làng, có bà con đang sống và làm ăn trong môi trường làng rừng tự nhiên. Qua mấy chục năm mà rừng nay cơ bản không còn. Không còn rừng có nghĩa là làng rừng cũng dần bị tiêu tan.

Ngày ấy chúng tôi còn đến ăn dầm nằm dề chơi ở làng, ở nhà cụ Nay Đe, nhà con trai cụ Nay Đe là bác Nay Phin, được nghe các câu chuyện về cồng chiêng Lào sang ta, ta sang Lào thế nào.

Những câu chuyện về người BahNar và người Gia Rai một tộc lên núi cao cư ngụ, một tộc xuống thung lũng thế nào.

Chuyện các tù trưởng là các bà điều quân khiển tướng, cảnh thung lũng AYunPa sình lầy và những đoàn voi hoành tráng thế nào. Mới mấy chục năm mà bây giờ mất tích như chuyện cổ tích thời xa xưa!

Hồi ấy tôi là cái thằng nửa lính, nửa dân sự, ham chơi, ham rượu, chả có nghề ngỗng gì cho ra hồn nên đánh đu với các bác nghệ nhân đi chơi “rông” cả tháng trời cùng ăn cùng ngủ cùng linh tinh lang tang.

Tôi được hoạ sĩ Y Lun và anh YThin, người Bahnar cùng đơn vị tôi hồi trước 75 ở trong rừng Kong Hà Nừng, Kan Năk, Đăk Pa (Sông Ba)dẫn về vùng căn cứ cũ quanh An Khê, nơi hồi ấy tôi cứ tức cười vì cánh tôi đi ban đêm thì thạo đường, ban ngày thì không hiểu vì đây là nơi những năm chiến tranh anh em bọn tôi là lính chiến, chuyên hoạt động về đêm.

Rồi lại cũng có một hồi tôi đi theo anh Y Dơn vì tôi bị anh lôi kéo đi theo anh về những làng ở quanh A Yun Pa, sang mãi Đắck Lắc, tìm về buôn ARiA chơi với nhạc sĩ KPaPui.

Anh KPaPui lại tha anh em tôi về những làng E Đê rộng lớn và gặp nhiều những cuộc lễ hội to và kéo dài ở ngoài nhà mả cũng to lớn và lắm thủ tục của bà con mà tôi thì ú văn ớ chả biết tiếng E Đê nào.

Sao thế nhỉ?

Hồi ấy sao tôi chả ghi chép chả “cóp nhặt” gì, cứ ngày đi đêm nghỉ trong các làng, chả có nhiệm vụ gì, chả có mục đích gì ngoài vui chơi và uống rượu cần hát hò linh tinh ba bài hát cánh tôi “sáng tác mò” theo các làn điệu dân ca phục vụ cho công cuộc bám đất bám dân hồi phá ấp dành dân những năm đầu 1970 đi “cắm cờ”…

Những ngày sau giải phóng tôi cũng có đôi lần theo anh Nay Pha , anh Nay No về vùng AYunPa chơi với đồng bào.

Anh Nay No là nhà văn hội viên hội nhà văn người Gia Rai duy nhất, nhưng mỗi lần về đến AYun Pa quay đi quay lại là anh biến đâu mất, biến hàng tháng, hàng năm luôn! Anh Nay Pha là nghệ sĩ Tơ-rưng số một của Tây Nguyên.

Người đã từng đưa đàn Tơ Rưng đi biểu diễn giới thiệu với thế giới bằng tài nghệ siêu việt của mình. Anh là một trí thức, một nghệ sĩ một người con tuyệt vời của dân tộc Gia Rai.

Thế mà về già anh chuyên chú chế tác đàn Tơ Rưng cho lớp trẻ đâu được vài ba năm rồi cũng mệt mỏi, dần dần đi vào miền quên lãng của thời gian, không danh hiệu, không một chế độ gì đặc biệt!

Chị H’ Ben nguyên là hiệu trưởng trường văn hoá nghệ thuật nhiều năm ở Gia Lai. Chị là nghệ sĩ hát tiếng Bahnar số 1 của đoàn văn công Tây Nguyên.

Tôi nhớ hồi ở trên rừng, mỗi khi đoàn văn công Tây Nguyên đến biểu diễn, cánh lính trẻ chúng tôi háo hức được nghe chị hát. Đàn em của chị sau này là nghệ sĩ H’Bơ Lơng của đoàn văn công Gia Lai cũng vậy.

Các chị cống hiến hết tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp ca hát, sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, tất nhiên về già thì mỗi người đi vào miền quên lãng một cách.

Chị Hơ Bơ Lơng thì nghỉ hưu với cung cách của một viên chức hết thời, còn chị H’Ben thì về nhà chăm sóc cậu con trai (con trai với anh hùng Núp) bị tật nguyền và ông chồng nguyên là nghệ sĩ Violong bị tai biến nằm một chỗ hàng chục năm nay,(anh mới mất mấy năm và sau đó chị cũng ra đi thêo!).

Ra đi không danh nghĩa nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân. Không có gì riêng biệt. Anh chị về làng sưu tầm các bài dân ca BahNar và sống với bà con dân làng, tồn tại như là một người dân thường nghèo khó.

Tôi không ta thán, không chi chi khi các nghệ sĩ ở tỉnh nhà mà tôi quen thân, chỉ nhắc lại kỷ niệm với các anh chị và cũng hy vọng các em các cháu nghệ sĩ nghệ nhân bây giờ và sau này thỉnh thoảng có dịp thì nhắc tới họ như là nhắc tới sự còn lại của dân tộc mình.

Cái được gọi là “Sự còn lại” của mỗi dân tộc thì chính đó là sự còn lại của văn hóa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ khi gặp cụ Từ, nghĩ về văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO