VFF: Giông bão trước thềm Đại hội

Khánh Vy 19/06/2018 09:00

Cho đến thời điểm này, ngày tổ chức đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 8 vẫn chưa được ấn định. Thậm chí lãnh đạo VFF cho biết đại hội sẽ phải lùi vô thời hạn, bởi công tác chuẩn bị chưa xong. Những sự cố liên tiếp xảy ra với các ứng viên trong thời gian qua khiến khâu nhân sự quá nóng. Chưa bao giờ trước các thềm Đại hội VFF lại lắm chiêu trò loại bỏ nhau dữ dội, một mất một còn như thế.

VFF: Giông bão trước thềm Đại hội

Đấu bằng đủ mọi thủ đoạn

Sau chiến tích của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á, thực ra thì đã có không ít người mong Đại hội VFF khóa VIII (khi đó dự kiến vẫn sẽ được tổ chức vào tháng Ba) sẽ diễn ra tốt đẹp, mở ra một giai đoạn mới nhiều thành công cho nền bóng đá nước nhà.

Thế nhưng, sau hai lần trì hoãn, đến nay VFF vẫn chưa công bố thời điểm diễn ra đại hội nhiệm kỳ VIII. Nguyên nhân đến từ những vướng mắc nhân sự.

Những gì đã diễn ra trong suốt 3 tháng qua đã cho thấy một thực tế rằng trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đặc biệt là trước mỗi kỳ đại hội để bầu lại nhân sự tại VFF luôn có những vấn đề nảy sinh nhưng chưa bao giờ không khí lại diễn ra đầy căng thẳng, ồn ào và kinh khủng như lần này.

Trong thường trực VFF khoá VII có 4/5 thành viên đã rút lui khỏi cuộc tranh cử vào các vị trí chủ chốt của VFF khoá VIII.

Trong số này, có những người chủ định rút, có người buộc phải rút vì những áp lực từ dư luận và từ chính những người trong cuộc.

Đến lúc này, những ủy viên Thường trực VFF khóa VII đã chính thức xin không tranh cử gồm các ông: Lê Hùng Dũng (chủ tịch), Đoàn Nguyên Đức (phó chủ tịch tài chính), Nguyễn Xuân Gụ (phó chủ tịch chuyên môn), Trần Anh Tú (Trưởng ban futsal).

Người duy nhất còn lại là Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn cũng đang ở diện cân nhắc bởi cũng đang vướng vào những điều tra từ đơn thư, kiếu kiện.

Bên cạnh những cuộc chạy đua cả công khai lẫn âm thầm đã xuất hiện rất nhiều những chiêu trò để hạ bệ nhau, hạ uy tín của nhau. Thực tế thì một số ứng viên nặng ký đã bất ngờ dính “sự cố” nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc hết cơ hội tranh cử.

Thời gian tổ chức Đại hội cứ mãi không được diễn ra vì muôn vàn lý do khác nhau, trong đó chủ yếu là theo hướng tiêu cực.

Ở đó là scandal giữa bầu Đức - bầu Tú, là vụ vạ miệng với những phát ngôn đầy “chợ búa” của ông Trần Mạnh Hùng hay scandal của ông Nguyễn Xuân Gụ và nhất là ứng viên nặng ký cho vị trí chủ tịch VFF khóa mới Trần Quốc Tuấn vướng vào những vụ kiện và bị tố cáo, điều tra. Những đòn đánh liên tục, có hệ thống đã báo động những đòn bẩn kiểu triệt hạ đến thân bại danh liệt trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam.

Sau chuyện bầu Đức với bầu Tú khiến bầu Tú phải rút lui khỏi vị trí PCT phụ trách tài chính VFF và phải thốt lên đầy đau đớn là “không hiểu sao mình bị đánh” nhiều như vậy chưa kịp lắng lại thì ngay lập tức vụ việc của ông Hùng và nhất là PCT VFF Nguyễn Xuân Gụ lại khiến bóng đá Việt dậy sóng.

Ông Gụ đã có đơn xin từ chức, đồng thời không tái tranh cử vào vị trí phó chủ tịch và ứng cử vào Ban Chấp hành VFF khóa VIII (nhiệm kỳ 2018-2022) sau sự việc xảy ra trong một khách sạn tại TP HCM đêm 24/5 vừa qua mà ông có liên đới đã ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của VFF.

Việc ông Gụ phải làm đơn từ chức là minh chứng rõ nhất cho việc “trả đũa”, loại bỏ đối thủ của các phe nhóm.

Nếu không phải là đòn bẩn thì làm gì có vụ mới bị kiểm tra hành chính ở khách sạn, lập tức có hình ảnh ông Nguyễn Xuân Gụ được đưa lên mạng như tội phạm và tất cả diễn ra nhanh như điện.

Vụ việc của ông Gụ được giới bóng đá khẳng định là “đòn đánh dưới thắt lưng” để hạ knock out đối thủ nhanh nhất do ông Gụ là cái gai của nhiều người trong ngôi nhà bóng đá bởi những phản biện mạnh, thật và đúng với những người đang điều hành bóng đá và không thể là ngẫu nhiên hay tình cờ mà vụ việc được phát tán nhanh đến vậy.

Cánh cửa VFF đã đóng lại trước mặt ông Gụ sau lá đơn xin từ chức Phó chủ tịch VFF cùng một lời than thở “Tôi đã cố gắng cống hiến cho bóng đá Việt Nam nhưng lại vướng sự cố lần này. Đây là bài học với tôi.

Tôi cũng rất buồn khi nộp đơn từ chức được 15 phút thì thông tin lập tức được nội bộ VFF tuồn ra ngoài”. Có những người có lẽ đang quá hân hoan vì loại được một đối thủ mạnh trên đường đua.

Ông Gụ chính là người đã đưa ra câu nói nổi tiếng trong nhiệm kỳ VII “VFF không phải mất đoàn kết mà chỉ là đoàn kết... chưa cao”.

Và cho đến bây giờ, khi hàng loạt vụ bế bối xảy ra, người ta đã hiểu hơn cái “đoàn kết... chưa cao” ấy là nói nhẹ đi, nếu như không nói là mất đoàn kết toàn diện để rồi dẫn đến cái kết cục buồn rằng những người ngồi chung “con thuyền” VFF đều trở thành “nạn nhân” của nhau mà “thủ phạm” chính là người trong nhà.

Đòn bẩn và mưu kế hèn hạ trong ngôi nhà VFF cũng được thể hiện từ vụ ghi âm và cài đối thủ của mình vào bẫy rồi dùng mạng xã hội, dùng truyền thông để hạ gục đối thủ.

Có thể kể tới trường hợp của Phó chủ tịch HĐQT VPF Trần Mạnh Hùng. Ông Hùng đã phải xin rút khỏi vị trí Phó chủ tịch HĐQT VPF sau khi đoạn băng ghi âm cuộc cãi vã giữa ông và Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền bị tuồn ra ngoài.

Lúc này, cơ hội coi như không còn với ông Hùng dù ông có tên trong danh sách ứng viên BCH cũng như cho chức danh phó chủ tịch VFF.

Cần phải nhìn thực tế, chuyện liên quan đến đoạn băng ghi âm “tố cáo” những lời lẽ thô tục của ông PCT VPF Trần Mạnh Hùng đe doạ, xúc phạm ông Phó ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền đã khiến hình ảnh của bóng đá Việt Nam trở nên xấu xí.

Thế nhưng, đáng buồn hơn là từ câu chuyện của ông Hùng, người ta lại được thấy dấu hiệu quá rõ của việc “đấu đá” trước thềm Đại hội VFF khoá VIII.

Nghiệt ngã ứng viên Chủ tịch

Người bị “đánh” nhiều nhất lúc này là ông Trần Quốc Tuấn. Ông Tuấn là 1 trong 4 ứng viên tham gia tranh cử vào chức Chủ tịch VFF khoá VIII. Liên tiếp các lá đơn tố cáo ông Tuấn được tung ra ở nửa sau nhiệm kỳ VII mỗi lúc một nhiều, liên quan đến nhiều vụ việc khác nhau.

Và dù nhiều vụ việc đã được các cơ quan chức năng kết luận không có sai phạm thì đến gần sát đại hội, khi danh sách ứng viên được công bố, ông Tuấn lại dính vào những vụ kiện cũng với các nội dung đã cũ nhưng lần này là theo tổ chức Đảng.

Thế nên, Đảng uỷ Tổng cục TDTT đã nhận được công văn của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương về sự việc của ông Trần Quốc Tuấn với nội dung cụ thể cần làm rõ là:

“Điều chuyển cán bộ, chấm dứt hợp đồng vô cớ với cán bộ không mắc khuyết điểm; thay biển số xe từ biển trắng sang biển 80A xanh sai quy định nhà nước, đưa vợ và người thân nắm toàn bộ chi tiêu bếp ăn của VĐV”.

Nếu như câu chuyện về xe biển xanh đã được giải quyết từ những lần khiếu nại trước đây một cách ổn thoả thì câu chuyện liên quan đến bếp ăn lại thật bi hài.

Qua tìm hiểu, được biết, người phụ trách bếp ăn của VFF tên là Kim Dung, trùng với tên của vợ ông Tuấn.

Không hiểu vì nguồn tin nào mà đối tượng tố cáo đã đưa chi tiết này vào trong đơn kiện. Câu chuyện khiến những người ở VFF cho biết, nếu không phải nội bộ thì không ai đưa tin thất thiệt như vậy ra ngoài.

Vấn đề xử lý sẽ do các tổ chức Đảng từ cấp Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT và VFF.

Tuy nhiên, với những tin đồn thất thiệt, thậm chí các vụ việc được thanh tra đến cùng, ông Tuấn nhiều khả năng bị gạt ra khỏi cuộc đua ngay từ “vòng gửi xe”.

Nên nhớ rằng, trong số 4 ứng viên Chủ tịch VFF khóa VIII, ông Trần Quốc Tuấn là người đã nhận được nhiều phiếu giới thiệu nhất từ các thành viên VFF.

Xâu chuỗi lại những gì diễn ra thời gian vừa qua có những cơ sở để xem đây như một phần trong “cuộc chiến” nội bộ ở VFF mà vụ việc của ông Gụ được coi là đã dính đòn “trả đũa” và sự phức tạp có thể còn ở phía trước... và ở VFF, mọi thứ đang rối như canh hẹ, các phe phái đấu đá nhau chan chát, không từ thủ đoạn nhằm đảm bảo lợi ích.

Chính bởi vậy, mới đây, khi Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết sẽ rút 2 cán bộ thuộc quyền quản lý của Tổng cục là ông Trần Quốc Tuấn và Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh sau thời gian biệt phái theo đề xuất của VFF cũng gây nhiều chú ý đối với giới bóng đá.

Dù rằng ông Tuấn chính là người phải quán xuyến gần như toàn bộ công việc của VFF hơn 2 năm vừa qua.

Những vấn đề liên quan đến VFF thời gian vừa qua được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018.

Thủ tướng rất quan tâm đến tình hình VFF trước thềm Đại hội khóa VIII và đề nghị Bộ VH-TT-DL chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời, làm sao “tốt hơn để mang lại màu sắc cho bóng đá Việt Nam”. “Một liên đoàn như thế mà để tình trạng như vậy, cần xử lý nghiêm các sai phạm nếu có”, Thủ tướng nêu rõ, “cần tổ chức lại một cách căn bản Liên đoàn Bóng đá Việt Nam”.

Không phải ngẫu nhiên, ngành thể thao đang phải cân nhắc để VFF có thêm thời gian lựa chọn người cho vị trí Chủ tịch, trong bối cảnh ứng viên sáng nhất là ông Trần Quốc Tuấn đang bị “đánh” quá mạnh.

Dù là ai đứng sau một cuộc bôi bẩn bóng đá Việt Nam dai dẳng như đang diễn ra, thì người đó cũng khó xứng đáng trở thành “minh chủ” của cả nền bóng đá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    VFF: Giông bão trước thềm Đại hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO