Việt Nam - Campuchia samaki, samaki

Dạ Yến 19/10/2017 15:15

Đó là câu nói chúng tôi được nghe nhiều nhất trong những ngày dự Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Campuchia - Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển lần thứ 5. Ở đó, sau rất nhiều quyết nghị quan trọng là những vòng xoay lăm vông nối dài bất tận thắm tình đoàn kết, anh em của hai dân tộc láng giềng đã được nhân dân hai nước gìn giữ và hy sinh cho nhau trong hơn 50 năm qua.


Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh thăm hỏi và sẻ chia với người nghèo khó tại tỉnh Kep, Campuchia. (Ảnh: Dạ Yến).

Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Campuchia -Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển là hội nghị thường niên giữa Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Đoàn kết Phát triển tổ quốc Campuchia. Hội nghị lần này được tổ chức tại tỉnh Kam Pot, một tỉnh ven biển của Campuchia có đường biên tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang của Việt Nam.

Trong bối cảnh nhân dân và hai nhà nước vừa tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hội nghị của hai tổ chức Mặt trận đã góp phần ghi thêm một dấu mốc, giai đoạn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, hai dân tộc láng giềng.

Và thêm một lần những người đồng nghiệp, người bạn, người anh em ở Mặt trận Việt Nam và Campuchia lại có cơ hội được gặp gỡ.

Ngài Nhem Valy, Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia là một người bạn như thế. Ông chào đón chúng tôi bằng tình cảm của một người thân lâu ngày gặp lại, chăm sóc, thăm hỏi từng bữa ăn và luôn nồng hậu hỏi từng người vào mỗi buổi sáng bằng tiếng Việt: “ Có ngủ được không?”.

Hầu như cán bộ Mặt trận các tỉnh của Campuchia có đường biên tiếp giáp với Việt Nam đều ít nhiều nói được tiếng Việt. Nhiều người trong số họ đã từng học tập và công tác tại Việt Nam. Thậm chí có người còn có mẹ, hoặc bố là người Việt cho nên nhắc tới Việt Nam là nhắc đến thương nhớ.

Campuchia đón tiếp những người bạn Việt Nam bằng những bữa cơm đầm ấm. Sự gần gụi giữa phong cách sống, nét văn hóa kéo chúng tôi xích lại gần nhau một cách rất tự nhiên để sẻ chia, tâm sự cùng múa cùng hát say sưa như lời bài hát Chung dòng Mê Kông: “Việt Nam – Campuchia tay cầm tay hát Samaki”…

Samaki dịch sang tiếng Việt nghĩa là đoàn kết. Đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện, gắn bó cùng phát triển- chính là tài sản vô giá mà bao thế hệ người Việt Nam- Campuchia đã phải trải nhiều hy sinh, cay đắng mới có thể giành được.

Chính vì vậy, lời đầu tiên trong bài phát biểu của lãnh đạo Mặt trận hai nước từ bà Men Sam An, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển tổ quốc Campuchia đến Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, từ ông Nhem Valy, Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia đến Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cũng như đại diện Mặt trận của 10 tỉnh có đường biên tiếp giáp của hai nước đều trân trọng dành cho nhau những lời cảm ơn sâu sắc.

Chúng tôi hiểu đó là những lời cảm ơn chân thành nhất bởi sự gắn bó, đồng hành không chỉ của đội ngũ cán bộ Mặt trận hai nước mà còn bởi ơn nghĩa sâu nặng mà nhân dân hai đất nước, hai dân tộc đã dành cho nhau trong suốt những năm tháng qua.

Như bà Men Sam An, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia khẳng định: Chúng tôi luôn ghi nhớ không bao giờ quên công lao to lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Quân đội và Nhân dân Việt Nam anh em đã luôn hy sinh để giải phóng và cứu thoát nhân dân Campuchia khỏi thảm hoạ diệt chủng, góp phần vào quá trình tìm kiếm hoà bình và công bằng cho người dân Campuchia. Và cảm ơn sự ủng hộ, hợp tác của Việt Nam trong quá trình công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia đặc biệt là sự giúp đỡ, phối hợp với Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia hoạt động thắng lợi công việc của mình.

Tinh thần này cũng được Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển như thế nào, hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ này phát triển tốt đẹp, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì lợi ích của nhân dân Campuchia và Việt Nam.

“Đây không chỉ là trách nhiệm cao cả, bổn phận của chúng ta hôm nay mà còn là của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước mai sau”, người đứng đầu MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia là hai tổ chức có chức năng tương đồng trong việc tập hợp đoàn kết rộng rãi nhân dân, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, giai cấp để tập hợp sức mạnh yêu nước, yêu chuộng hoà bình tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là Mặt trận các tỉnh có chung đường biên giới với Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia đã tổ chức nhiều chương trình, vận động nhân dân các địa phương có chung đường biên giới giúp nhau phát triển kinh tế, chấp hành tốt pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự đường biên giới, khuyến khích nhân dân hai bên trao đổi hàng hóa, tránh xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong việc thông thương và giúp nhân dân thông thương đúng pháp luật, hợp tác giáo dục – đào tạo cũng như cùng nhau vận động, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn hoạn nạn.

Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia có 49 cặp cửa khẩu, bao gồm 10 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 28 cặp cửa khẩu phụ. Ngoài ra, còn có 16 lối mở biên giới phục vụ cho các hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện vận tải qua biên giới hai nước.

Nhìn lại chặng đường hơn ba năm qua, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Thông cáo chung về xây dựng đường biên giới Việt Nam – Campuchia đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển giai đoạn 2014 – 2016. Trong đó, hai bên cũng đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc. Tính đến tháng 4/2017, hai bên đã hoàn thành 84% việc phân giới, cắm mốc.

Hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới cũng chính là mong mỏi của các lãnh đạo Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia… khi đồng lòng bày tỏ với Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Campuchia, trước thềm hội nghị này.

Nhắc lại trách nhiệm của mình trong những năm qua, với vai trò là Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ ngoại giao- Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen chia sẻ với Chủ tịch Trần Thanh Mẫn rằng, ông đã nhiều lần ký các hiệp ước quan trọng về xây dựng đường biên giới.

“Đó chính là mong ước của tôi cũng là việc mà cả hai nước chúng ta đang phấn đấu hoàn thiện”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.

Cũng như Chính phủ Campuchia, ông Say Chhum, Quyền Quốc trưởng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Trưởng ban Thường vụ Ủy ban thường trực Ủy ban Trung ương Đảng nhân dân Campuchia, trong cuộc hội kiến với Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn luôn bày tỏ quan điểm ủng hộ kế hoạch hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới hai bên.

“Phân giới cắm mốc biên giới là công tác quan trọng. Nếu hoàn thành việc này chúng ta sẽ để lại những di sản quý giá cho các thế hệ của Việt Nam, Campuchia” Quyền quốc trưởng, Chủ tịch Thượng viện Say Chhum khẳng định.

Tinh thần này cũng được Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và ngài Hêng Xom-rin, Chủ tịch danh dự Đảng nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Campuchia khẳng định trong nhiều lần gặp gỡ.

Quyết tâm của các nhà lãnh đạo đứng đầu Chính phủ, nhà nước, Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campchia đã được tổ chức Mặt trận hai nước biến thành hành động bằng những cam kết quan trọng tại Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển lần thứ 5, mở ra một giai đoạn hợp tác, phát triển mới.

Samaki dịch sang tiếng Việt nghĩa là đoàn kết. Đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện, gắn bó cùng phát triển- chính là tài sản vô giá mà bao thế hệ người Việt Nam- Campuchia đã phải trải nhiều hy sinh, cay đắng mới có thể giành được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam - Campuchia samaki, samaki

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO