Xác Lộc Hầu Phùng Đức Nhuận kiến công tích đức cho mai hậu

Phùng Văn Khai 27/11/2019 14:16

Trong những năm đi nghiên cứu, tìm hiểu, suy ngẫm và viết về các danh nhân họ Phùng, nhiều lúc tôi không khỏi trăn trở, bâng khuâng. Có những lúc bâng khuâng trước một nhân vật lịch sử mà sự phong hóa của thời gian đã phủ dày, nhiều khi là mờ mịt, dẫu nhân vật lịch sử ấy không phải đã cách quá xa về thời gian, không gian địa lý…

Xác Lộc Hầu Phùng Đức Nhuận kiến công tích đức cho mai hậu

Đoàn nghiên cứu làm việc với lãnh đạo xã Nội Hoàng.

Có điều gì thôi thúc và day dứt? Cuộc đời bãi bể nương dâu, cuộc sống lại luôn sôi động và bề bộn, ngòi bút đã gắng gỏi đến tận cùng. Trong cái bâng khuâng ngẫm ngợi ấy, trong khí sắc của mùa thu thong thả, chúng tôi đã lặng đi trước khu Lăng mộ Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận tại thôn Chiền, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Vùng đất Nội Hoàng là một vùng đất tối cổ, thời sơ sử có con sông Mang chảy bên làng còn có tên Kẻ Mang, được bao bọc bởi sông Cầu, sông Thương với các dãy núi Nham Biền, Mỏ Thổ, Quảng Phúc, Giá Sơn, Trung Sơn với vô vàn huyền thoại. Phía Nam là dãy núi Nham Biền, từ đỉnh núi thiêng này có thể bao quát cả một vùng rộng lớn phía Bắc. Đó là vùng đất có sông Thương, sông Đa Mai, sông Bách, sông Chảy, sông Cầu quần tụ châu tuần về tỉnh lỵ Bắc Giang. Quanh Nội Hoàng, có các cánh đồng mang tên: Đồng Đìa, Đồng Xăng, Đồng Sẫu, Đồng Sòi, Đồng Xuôi, Đồng Cầu, Đồng Quang, Đồng Sau, Hang Bù, Hang Trê, Đồng Trước, Đồng Trê, Đồng Chiền đan xen nhau bên sông Bách còn có núi Chúa Ngự, núi Đồn Tây, núi Ông Cụ, núi Hòn Chùa, núi Hòn Bỏng, núi Con Cá, núi Chuông Hồng, núi Bãi Thụ… Hiếm có nơi đâu gò đồi sông núi đan xen miên man như đất Nội Hoàng. Chính miền đất quý này đã sinh ra không ít người tài giỏi có công với nước.

Tới gian nhà thờ của họ Phùng Văn ở Nội Hoàng theo lời mời của anh Phùng Văn Bộ, một người rất có tâm trong dòng họ, chúng tôi đã được các cụ Phùng Văn Thức, Phùng Văn Thiên, Phùng Văn Hữu, Phùng Văn Thẫm, Phùng Văn Lộ… tuổi cỡ 80-90 chào đón và mang ra những tư liệu được gìn giữ cẩn thận về Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận.

Phùng Đức Nhuận sinh năm Quý Sửu (1673, đời vua Lê Gia Tông), mất ngày 26 tháng 7 năm Tân Hợi (1731, đời vua Lê Duy Phường), hưởng thọ 59 tuổi. Phần mộ được chúa Trịnh cho an táng tại xứ Rừng Ma, nay thuộc xã Nội Hoàng. Đương thời, ông được phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, làm quan hầu cận ở cung Đoài, giữ chức Phó chi hình phiên, Thị nội giám, Tư lễ giám. Sau được phong chức Tổng thái giám, tước Xác Lộc hầu. Khi mất, thụy là Đoan trực phủ giám. Trong văn bia niên hiệu Vĩnh Khánh nguyên niên dựng năm 1729 có ghi công trạng của ông: “Là vị quan trọng yếu của triều đình, giữ chức Tri thị nội thư, Tả lại phiên, Thị nội giám, Tư lễ giám, kiêm Tổng Thái giám, Xác Lộc hầu Phùng Lệnh công”. Nhiều tài liệu Hán Nôm ghi ông là Tổng Thái giám các đời vua Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông, Lê Thuần Tông và là người được các đời vua Lê, chúa Trịnh rất tin tưởng.

Tìm hiểu về thời Lê Dụ Tông (1720-1729), thấy quy cách sắp xếp triều chính của cung vua và phủ chúa có những vấn đề khá đặc biệt. Nhằm điều hòa các mối quan hệ giữa nhà Vua và nhà Chúa, các vị đại thần đã vô cùng uyển chuyển chế định triều nghi để giữ sự cân bằng, vừa đảm bảo vị thế cho vua Lê vừa đảm bảo thực quyền cho chúa Trịnh. Chỉ riêng việc các vua Lê đều lấy con gái họ Trịnh và phong làm hoàng hậu đã cho thấy sự ràng buộc chặt chẽ việc đảm bảo ngôi vua ngôi chúa về sau mãi mãi nằm trong sự kiểm soát của họ Lê, họ Trịnh. (Chính điều này ngoài mặt tốt cũng luôn dấy lên sự nghi ngại, ẩn ức, âm thầm chống đối, dễ bị lợi dụng kích động từ bên ngoài khiến không ít lần các chúa Trịnh phải xuống tay tàn độc với các vua Lê do chính các hoàng hậu họ Trịnh sinh ra khiến lòng người oán thán). Từ sự phức tạp dây mơ rễ má giữa dòng giống, dòng tộc, quyền vua và quyền thần, ngôi nước và vận nước mà các vị đại quan ở hai bên cung vua và phủ chúa luôn phải giữ gìn vô cùng cẩn thận. Ở bối cảnh ấy, trong hàng quan lại, ngoài Văn ban và Võ ban, chúa Trịnh còn đặt ra một ban thứ ba là Giám ban với các chức: Tổng Thái giám (hàm Chánh Tam phẩm); Đô Thái giám (hàm Tòng Tam phẩm); Thái giám (hàm Chánh Tứ phẩm); Thiếu Thái giám (hàm Tòng Tứ phẩm); Đồng Trị giám sự (hàm Chánh Ngũ phẩm); Tả hữu Thiếu giám (hàm Tòng Ngũ phẩm). Đồng thời quy định các vị hoạn quan này đều được trực tiếp tham gia chính sự. Viên chức đứng đầu Giám ban tức là Tổng Thái giám chỉ kém một bậc so với Thượng thư (Tòng Nhị phẩm). Còn chức danh Thiếu giám (Tòng Ngũ phẩm) trong Giám ban còn to hơn cả quan Tri phủ tại địa phương (Tòng Lục phẩm) đến hai bậc.

Trong bối cảnh chính trị đặc biệt: vua Lê - chúa Trịnh, vị trí và vai trò của Giám ban là vô cùng to lớn, không chỉ tham gia điều phối công việc giữa Văn ban và Võ ban mà còn góp phần cân bằng quyền lực một cách uyển chuyển giữa cung Vua và phủ Chúa. Bởi vậy, ở vị trí Tổng Thái giám phụ trách Giám ban phải là người tài giỏi, đức độ và cả sự thâm hậu mới đảm đương được.

Theo ký sự của R.P Koffler, một người Pháp đã đến Đại Việt thời kỳ này, có ba viên quan đứng đầu Giám ban giữ những nhiệm vụ hết sức quan trọng: một người quản lý ngân khố triều đình, thu thuế, thanh toán mọi chi tiêu trong cung đình; còn hai người kia phụ trách việc thương mại với người nước ngoài và chỉ có họ mới được phép bán vàng, sắt, ngà voi... cho thương nhân Châu Âu. Điều này chứng tỏ các chúa Trịnh luôn có ý dùng Giám quan làm một lực lượng hậu thuẫn riêng cho mình, và Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận đương nhiên là một vị trọng thần với trọng trách gánh vác công việc triều chính hết sức nặng nề.

Đối với triều đình phong kiến Việt Nam các thời đại, từ xưa đến nay, dường như chúng ta ít có sự đánh giá công bằng với những đóng góp của các vị Thái giám. Quan Thái giám các triều đại ở ta dường như đều quá âm thầm, khiêm cung, lặng lẽ đóng góp trí tuệ và sức lực của mình mà tuyệt đối không đòi hỏi ghi công đức gì. Điều này là một thiệt thòi cực lớn đối với các vị Thái giám. Tuy nhiên, với tâm thức và sự uyển chuyển độc đáo của người Việt, với tầm nhìn xa trông rộng và cả con mắt xanh khi nhìn người của các bậc minh quân, đã có ít nhất hai vị thái giám sau này đều trở thành những tướng lĩnh kiệt suất, những vị quan đầu triều đức cao vọng trọng.

Người thứ nhất là Thái úy Lý Thường Kiệt (1019-1105) vào cung hầu hạ Lý triều từ nhỏ, trở thành Thái úy thống xuất quân đội nhiều lần phạt Tống bình Chiêm nổi danh trong lịch sử quân sự Việt Nam. Tương truyền binh tướng của ông tới đâu giặc đều tan vỡ mà ân uy của chủ tướng Lý Thường Kiệt đến nhà Tống còn khiếp phục.

Lý Thường Kiệt (vốn có tên Ngô Tuấn) là con trai đầu lòng của ông Ngô An Ngữ và bà họ Hàn, một võ quan của triều Lý. Ngô An Ngữ người làng An Xá, huyện Quảng Đức, thuộc ngoại thành Thăng Long. Năm Thiên Thành đời Lý Thái Tông, Ngô An Ngữ được cử đi tuần ở phía nam Thanh Hóa, ít lâu sau lâm bệnh qua đời. Chồng của cô ruột là Tạ Đức đem Ngô Tuấn về nuôi dạy.

Ngô Tuấn bình sinh là người khôi ngô, tuấn tú, thông minh, nhanh nhẹn, có chí khí và thích nghề võ, hàng ngày thường luyện cung kiếm, bày trận đồ, đêm đêm chong đèn đọc binh pháp, sử sách, các thầy dạy đều cho là giỏi khác thường, sau này ắt lập nên công trạng hiếm thấy. Quả đúng như vậy, sau này ông là người văn võ đều đặc biệt xuất sắc, được vua Lý Thánh Tông coi như em ruột. Năm 1069 ông được cử làm tướng tiên phong cùng Lý Thánh Tông đánh bại Chiêm Thành, bắt vua Chiêm là Chế Củ. Năm 1074, ông có công đưa nguyên lão đại thần Lý Đạo Thành về làm Thái phó, ổn định triều chính. Năm 1075, ông cùng Tông Đản đánh sang Châu Khâm, Châu Ung, Châu Liêm, phá kế hoạch chuẩn bị xâm lược Đại Việt của nhà Tống, cùng năm ấy tổ chức cho vẽ bản đồ các châu: Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý, xác định chủ quyền chính thống của Đại Việt, được phong làm Thái úy. Năm 1077, ông cùng tướng sĩ đánh bại quân Tống xâm lược do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Năm 1103, ông được vua cử đi dẹp loạn Lý Giác ở Diễn Châu (Nghệ An). Năm 1104, ông chỉ huy quân đội Đại Việt đánh bại vua Chiêm Thành là Chế Ma Na ở Quảng Bình. Lý Thường Kiệt là nhà quân sự đầu tiên của nước ta thực hiện thắng lợi tư tưởng chủ động tiến công “ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của chúng”, đồng thời là nhà cải cách quân đội triều Lý.

Người thứ hai là Hoàng Ngũ Phúc, người xã Phụng Công, huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xác Lộc Hầu Phùng Đức Nhuận kiến công tích đức cho mai hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO