Xóa tên trong hộ khẩu có quản lý tốt hơn?

Lê Anh Đức 24/03/2020 09:20

Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi, bổ sung) để lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Trong dự thảo có quy định mới gây nhiều tranh cãi, đó là xóa tên trong sổ hộ khẩu đối với những người vắng mặt tại nơi thường trú quá 12 tháng mà không khai báo tạm vắng. Nhiều ý kiến cho rằng, đưa ra quy định này là việc làm thừa, gây phiền phức thêm cho người dân.

Xóa tên trong hộ khẩu có quản lý tốt hơn?

Siết chặt quản lý cư trú

Theo Bộ Công an, Luật Cư trú năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, để hiện thực hóa chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi, bổ sung) là hết sức cần thiết. Mặt khác, Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do cư trú, đi lại, giao dịch, sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở... là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước bảo vệ. “Quản lý cư trú có liên quan trực tiếp đến những quyền này, vì vậy việc sửa đổi Luật Cư trú là để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo hướng công khai, minh bạch...”, Bộ Công an nhấn mạnh.

Cơ quan soạn thảo khẳng định: Luật Cư trú (sửa đổi, bổ sung) đưa ra những quy định mới nhằm đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, giảm thời gian, chi phí. Theo đó sẽ xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân. Hiện, các quy định của Luật Cư trú 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã tương đối cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú. Song, trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú, đồng thời tạo sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan nhà nước với người dân.

Bộ Công an cũng kỳ vọng việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới. Theo cơ quan soạn thảo, hiện tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp với tính chất tinh vi, táo bạo. Các loại tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu xã hội đen, giết người, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán người, buôn bán ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao... còn xảy ra ở nhiều nơi, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người, gây lo lắng trong nhân dân. Do vậy, việc siết chặt quản lý cư trú sẽ là một trong những biện pháp phòng ngừa xã hội có hiệu quả.

Sẽ bỏ sổ hộ khẩu giấy

Cũng theo quan điểm của Bộ Công an, hiện cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang quản lý cư trú một cách hết sức thủ công bằng sổ đăng ký thường trú, sổ đăng ký tạm trú... Việc này không chỉ tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc của cả người đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước mỗi khi cấp, đổi sổ đăng ký thường trú, tạm trú, mà còn gây ra khá nhiều phiền toái cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hộ khẩu. Đó chính là lý do Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Công an cho rằng, trong bối cảnh chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hóa công tác quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới. Trong khi đó, khoa học, công nghệ trong đăng ký, quản lý cư trú ở Việt Nam còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của công dân, chưa bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế. Hiện, mọi dữ liệu đăng ký, quản lý cư trú hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công. Việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ về đăng ký, quản lý cư trú tuy có nhiều cố gắng cải tiến, sắp xếp hợp lý hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho công dân.

Qua các phân tích trên, cơ quan soạn thảo nhấn mạnh sự cần thiết quy định việc đăng ký, quản lý cư trú bằng khoa học, công nghệ tiên tiến, vừa để quản lý chặt chẽ dân cư, vừa góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho công dân và từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy trong Luật Cư trú (sửa đổi, bổ sung) là một bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú, bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Việc quản lý cư trú bằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn bảo đảm tốt hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú. Từ đó, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Mâu thuẫn về ý tưởng

Phải thừa nhận rằng, việc Bộ Công an xây dựng dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi, bổ sung) hết sức công phu, bài bản, đưa ra được những quy định mới mang tính đột phá trong cải cách hành chính. Ngay việc đề xuất bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ đăng ký tạm trú... cũng là một bước tiến bộ lớn, góp phần tiết kiệm được khá nhiều ngân sách nhà nước trong việc in, cấp, đổi, tách, nhập sổ hộ khẩu. Đó là còn chưa kể khi cập nhật thông tin công dân lên cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các dịch vụ công sẽ phải “làm hộ” người dân nhiều công đoạn, giảm thiểu phiền toái khi làm thủ tục hành chính. Đơn cử, khi thực hiện dịch vụ công, thay vì yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú... cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tự tra cứu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nắm được thông tin và giải quyết cho người dân.

Song, tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi, bổ sung) lại đưa ra một quy định mâu thuẫn với chính ý tưởng xuất phát khi xây dựng dự thảo này, đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân. Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 25 dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi, bổ sung) quy định: Xóa đăng ký thường trú (xóa tên trong hộ khẩu) khi người nào đó vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo tạm vắng cho cơ quan đăng ký, quản lý cư trú. Với quy định này, người dân sẽ vấp phải không ít phiền toái khi thực hiện các quyền về tài sản như cho/tặng, mua/bán, sang tên đổi chủ... Hiện, hầu hết các quyền liên quan đến tài sản đều gắn liền với hộ khẩu, nên nếu bị xóa tên thì công dân sẽ gần như bị tước quyền sở hữu tài sản.

Tại Khoản 4, Điều 22, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi, bổ sung) quy định: Người trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình thì được đăng ký thường trú. Nghe ra có vẻ đơn giản, nhưng thực tế để “nhập” lại được hộ khẩu đã bị xóa thì không hề dễ chút nào. Hơn nữa, nếu thực sự dễ dàng đăng ký lại hộ khẩu thường trú thì việc cơ quan chức năng xóa tên người đó đi liệu có tác dụng gì, giải quyết được vấn đề gì? Có chăng việc xóa tên chỉ có tác dụng răn đe những người thiếu ý thức khi không khai báo tạm vắng, và tất nhiên chỉ trong trường hợp đăng ký lại hộ khẩu thường trú gặp khó khăn. Một quy định thừa, không có tác dụng như vậy liệu có cần thiết đưa vào dự thảo luật? “Cơ quan soạn thảo cần phải lý giải mục đích, cũng như cơ sở khoa học của việc xóa hộ khẩu thường trú là gì? Nếu vì ý thức người dân khi đi khỏi địa phương không khai báo tạm vắng và khi đến nơi mới không đăng ký tạm trú thì chỉ cần xử phạt hành chính là đủ. Còn vì mục đích quản lý để đảm bảo an ninh, trật tự thì việc xóa hộ khẩu lại càng gây phức tạp hơn cho việc quản lý...”, Luật sư Bùi Đình Ứng nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa tên trong hộ khẩu có quản lý tốt hơn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO