Tình người

Quốc Định 02/01/2022 07:00

Mỗi gia đình một quê hương, mỗi người một nghề nhưng họ đều có chung hoàn cảnh khó khăn do tác động bởi đại dịch Covid-19. Trong hoạn nạn như vậy, họ không đơn độc, bởi có chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể hỗ trợ. Đặc biệt, họ cùng dìu dắt nhau để vượt qua thời khắc éo le nhất.

Ấm lòng nơi đất khách

Gửi lại con nhỏ tại quê nhà, nhờ ông bà nội chăm sóc, vợ chồng anh Lưu Đình Hoà (36 tuổi) rời quê Thanh Hoá vào TP Hồ Chí Minh làm việc cho một công ty sản xuất da - giày tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi). Thời gian đầu, công việc và thu nhập khá ổn định, trừ chi phí ăn, ở, chi tiêu, vợ chồng anh Hoà cũng dành dụm được 6 triệu đồng gửi về nuôi bố mẹ già và 2 con nhỏ. Nhưng kể từ khi bùng phát đợt dịch lần 3, đơn hàng của công ty thưa dần, kéo theo công việc và thu nhập cũng giảm.

“Lúc bấy giờ đi đâu cũng khó khăn, thậm chí chuyển công ty cũng khó vì không ai nhận nên vẫn bám trụ. Dịch bùng phát lần thứ 4, công ty đóng cửa, không còn nguồn thu nhập. Vợ chồng tôi tính về quê nhưng không có phương tiện và chi phí để về. Hơn nữa, chúng tôi lại ở khu vực “tâm dịch” nên cũng không dám về vì có thể gây nguy hiểm cho gia đình và xóm làng nên quyết định ở lại” - anh Hòa tâm sự.

Anh Hoà cho biết, cũng may mắn vợ chồng anh và các công nhân khu nhà trọ thường xuyên nhận được hỗ trợ từ MTTQ, Liên đoàn Lao động. “Thỉnh thoảng các cô chú trên ủy ban cũng về cung cấp thức ăn, nước uống, động viên chúng tôi hạn chế ra ngoài nên ai cũng thấy ấm lòng” - anh Hoà nói.

Còn anh Nguyễn Đình Tiến (28 tuổi) rời quê hương miền núi huyện Quế Phong (Nghệ An) theo chân một người bạn vào Nam làm phu thồ hàng cho các thương lái ở chợ Đầu mối Thủ Đức. Anh Tiến kể, công việc của anh bắt đầu từ 19 giờ tối cho đến 5 giờ sáng hôm sau, thồ hàng từ rau, củ quả, trái cây đến thực phẩm, cứ đều đặn, hầu như không đêm nào nghỉ. Chăm chỉ làm việc từ ngày này qua ngày khác suốt nửa năm nay, mỗi tháng thu nhập cũng hơn chục triệu đồng, trừ tiền nhà trọ, sinh hoạt, số tiền còn lại anh đều gửi về cho vợ ở quê.

Theo anh Tiến, anh và 3 người thuê một phòng trọ nhỏ ở phường Hiệp Bình Chánh (Thành phố Thủ Đức), cách nơi làm việc chỉ 3km, sau một đêm làm việc mệt nhọc, mấy anh em về nơi trọ nghỉ ngơi ở đây, lấy sức cho ngày làm việc hôm sau. Khi dịch bùng phát, chợ phải đóng cửa, nơi anh ở cũng bị phong toả suốt 3 tuần liền, hết phong toả lại thực hiện giãn cách. Không thể đi làm, tiền ăn cũng hết. “Ở trong nhà mãi thấy nhớ nhà, nhớ vợ con, muốn về quê cũng không được. May mà Thành phố hỗ trợ cho những người lao động tự do như chúng tôi tiền nhà trọ và còn gửi tiếp tế thực phẩm, nước uống cho nữa. Trong khó khăn, bộn bề việc chống dịch chính quyền thành phố vẫn luôn nghĩ đến những lao động nghèo như chúng tôi như này là quý lắm rồi” - anh Tiến cảm động nói.

Đã nhiều tháng nay, công ty của chị Trần Thị Thanh ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) phải đóng cửa vì có ca mắc Covid-19. Do đang gặp khó khăn về tài chính nên công nhân phải nghỉ việc. “Gia đình tôi chỉ cầm cự được tháng đầu tiên, còn sang tháng thứ hai thật khó khăn. Cũng may, khu nhà trọ tôi ở có khá nhiều gia đình xa quê, họ bị kẹt lại. Thời gian Thành phố thực hiện nghiêm lệnh giãn cách, các gia đình cùng chia sẻ với nhau, người cho lốc sữa, người cho rau, người san sẻ gạo, muối…Trong hoạn nạn, mọi người cùng thương yêu, giúp đỡ nhau như vậy thật đáng quý” - chị Thanh cho hay.

Cảm động với sự giúp đỡ từ Mặt trận

Ủy ban MTTQ phường 13 (quận Tân Bình, TP HCM) cho biết, trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, đơn vị thuê riêng một chuyến xe đưa một người nhập cư lang thang trên đường Cộng Hòa về lại quê nhà ở tỉnh Tiền Giang. Người đàn ông tên Đồng Văn Đầy, sinh năm 1966, quê quán tại ấp Gảnh, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông.

Ông Đầy cho biết mình là lao động tự do từ quê lên TP HCM kiếm sống, chẳng may bị mất toàn bộ giấy tờ, lại rơi vào thời điểm Thành phố bùng dịch nên kẹt lại. Do không có giấy tờ, không có tiền nên ông không thể thuê phòng trọ vì vậy nhiều ngày phải đi lang thang ăn nghỉ ngoài đường.

Bà Trịnh Thị Thúy Ngần, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 13 kể rằng, trong những ngày đi làm nhiệm vụ trao quà, chăm lo người khó khăn, thỉnh thoảng bà nhìn thấy ông Đầy hay đi lang thang trên đường, khi lại thấy ông ngồi ở trạm xe buýt. Sau mấy ngày thấy như vậy bà liền báo cáo với Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường để thống nhất tiếp cận nắm hoàn cảnh.

“Khi nắm được hoàn cảnh của ông, chúng tôi đã tìm phòng trọ giá rẻ và hỗ trợ chi phí thuê phòng, ăn nghỉ cho ông Đầy trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, ông Đầy có nguyện vọng được trở về quê nên MTTQ phường đã tổ chức cho ông đi xét nghiệm Covid-19. Sau khi có kết quả âm tính, Mặt trận đã liên hệ được một chuyến xe với giá rẻ và đưa ông Đầy trở về quê hương” - bà Ngần cho biết.

Cầm trên tay túi quà an sinh, thuốc cho F0 cách ly tại nhà do Mặt trận quận trao tặng, anh Đào Xuân Liên, cho biết cả gia đình từ quê Quảng Trị vào TP HCM được 4 năm, hàng ngày anh cùng vợ bán rau, quả rong ở các tuyến đường ở phường 22, quận Bình Thạnh. Theo anh Liên, từ khi chưa có dịch, thu nhập cũng đủ trang trải cho việc trả tiền nhà trọ, các con đi học và hàng tháng còn dành dụm được chút ít gửi về phụ cha mẹ già ở quê. Cách đây hai tuần, anh Liên thấy bị ho, sốt đi xét nghiệm thì bác sĩ cho biết, đã bị mắc Covid-19; tiếp đó lần lượt đến vợ, 2 đứa con cũng trở thành F0.

Lúc này gia đình rất hoang mang, rồi nghe người ta nói, bây giờ các bệnh viện đều quá tải nên gia đình anh xin tự cách ly và điều trị tại nhà. Điều trị tại nhà, gia đình anh nhận được sự hướng dẫn tận tình, cho thuốc điều trị của các bác sĩ gần đó. Anh Liên cũng chia sẻ thêm rằng, khi đỡ bệnh thì khó khăn lớn nhất của gia đình là thiếu lương thực, thực phẩm, trong khi tiền dự trữ cũng hết. “May nhờ có chính sách hỗ trợ người thất nghiệp và hỗ trợ từ chương trình túi an sinh của Thành phố, gia đình mới trụ được đến ngày hôm nay” - anh Liên cảm động nói.

Vợ bị bệnh chỉ phụ được việc nhà từ nhiều năm nay, ông Trần Văn Thường (48 tuổi, phường Thạnh Xuân, quận 12) hàng ngày phải chạy xe ôm nuôi cả gia đình với 4 miệng ăn, trong đó có một người con đang học cấp II, một đứa học cấp I. Ông Thường cho biết, từ mấy tháng nay do tình hình dịch bệnh nên ông không thể chạy xe. Khu vực nơi ông ở lại đang bị phong tỏa nên chỉ dựa vào các nhà hảo tâm, hàng xóm ai cho gì ăn nấy. “Gia đình tôi vừa mới được Thành phố tặng túi an sinh để duy trì sinh hoạt phí những ngày tới, cảm ơn nhà nước, Mặt trận đã giúp chúng tôi những ngày khó khăn này” - ông Thường bộc bạch.

Qua những ngày tháng chống chọi với dịch bệnh lịch sử, đã có hàng triệu nghĩa cử đồng bào lan tỏa khắp nơi trong tâm dịch, chính quyền, Mặt trận và người dân cùng nắm tay nhau vượt qua đại dịch, để bước vào cuộc sống trong điều kiện bình thường mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO