Tình người mênh mang

Nhụy Nguyên 06/11/2020 15:59

Bão lại hướng về khi nhiều vùng đang ngập chìm trong nước lũ. Nhiều ngôi nhà đuối thêm và những khuôn mặt lại âu lo khắc khoải.

Nhiều người lặng lẽ đóng góp cho những chuyến từ thiện mà không để lại dấu chân nào.

Bão vào đâu dọc miền Trung đều như nhấn thêm vào vết thương chưa lành. Nước tạm rút song nguy cơ và nỗi khốn đốn còn chồng chất. Nắng thấp thoáng trên vạt bùn non, trời có lúc đã sáng mà nhiều nơi còn mênh mông nước, xóm thôn thành sông dữ. Cảm nhận sự cho đi là hạnh phúc mới thấm một chân lý vốn sẵn nằm khuất đâu đó trong mỗi người. Món quà dẫu nhỏ nhưng đặt đúng thời điểm mới thất đáng quý nhường nào. Chút tiền đủ mua xôi mì lót dạ mỗi sớm thôi, nếu đến được với người dân hàng tuần bị cô lập trong đói rét, nó giá trị như thắp lên sự sống, dẫu điều này không dễ dàng trong dềnh dàng mưa lũ. Càng cảm phục những chuyến tàu thuyền không quản hiểm nguy vượt lũ dữ đến với bà con từng khắc trông ngóng. Vẫn còn đó rất nhiều cánh tay vẫy lên mờ mịt mây mưa. Vẫn còn những tan hoang cần thời gian rất dài khắc phục và làm dịu cơn đau về nỗi mất mát bóng hình không thể thay thế.

Tôi không sinh ra ở Huế song hiểu nổi khổ từ lũ lụt, cũng từ trong nguy khốn như một niềm ám ảnh dai dẳng. Ấy là cơn đại hồng thủy năm 1999, tôi ngồi khom đầu chạm mái nhà và nghĩ về một sự biến mất. Giờ đây nhiều ngôi nhà ở miền Trung nước dâng chỉ còn cái chóp rồi mất tăm trong lũ, tuồng như phim ảnh. Mà ở đây là sự thật, sự thật tàn phá cả những niềm ước mong manh nhất. Bao nhiêu người cứ kê lên như kê niềm hy vọng cao dần, rồi còn phải dở ngói ngồi trên mái vẫn không tránh được tai kiếp. Trận lụt này tôi tưởng đến cảnh người thân trong một nhà đã cùng nhau chống chọi như thế nào, họ bao bọc cha mẹ già yếu và con cái non dại, rồi hàng xóm cao hơn giúp những nhà lỡ vận. Ai cũng cố nương nhau vượt nạn, ai cũng đang nảy nở từ tâm. Rất nhiều đoàn xe khắp miền đất nước hướng về, dẫu nhiều người đã không còn trụ lại giữa bể trầm luân; vẫn nhiều nơi bị cô lập và họ đều đang nương dựa vào nhau hay đó là một mình nương vào sự nguyện cầu chăng nữa.

Trong đêm ấy, dồn dập thông tin cầu cứu cuộn về, dồn dập lời sẻ chia và kết nối những tấm lòng. Cảnh ở quê tôi, người trong xóm quây lại bóc lạc, vuốt nếp nấu xôi, đàn ông thì gói bánh chưng bánh tét nấu nhanh để đoàn xe cứu trợ xuất phát sớm nhất đến vùng lũ; trong giấc chập chờn tôi còn mơ về những chiếc trực thăng quần thảo trên lũ cứu người. Cái bánh tày cùng chai nước đủ cho một vài người qua khỏi trận lũ. Họ đến với nhau giữa cơn xoáy nước. Ở góc khuất khác, người ta vẫn giúp đỡ theo nhiều cách khác nhau và giống nhau ở sự thầm lặng. Nỗi khốn cùng giữa lũ. Hình ảnh con bò vốn là tài sản lớn của nhà nông nọ được kéo dây thừng như treo lên chỉ còn ánh mắt sắp ngập xuống nước sâu khiến nỗi buồn truyền qua ánh mắt của gia chủ nhìn lên bầu trời xám đục. Ở quê hồi xưa lắm, lụt qua, cả nhà liền nhen bếp lửa lớn, cho nước vào thùng đặt lên đui sôi để trụng lúa bị ngấm nước. Nước cứ sôi là đổ lúa vô trụng rồi vớt ra, như vậy lúa sẽ không nảy mầm nữa, gạo xay ra không còn ngon và gãy vụn nhiều song nếu không làm vậy thì lấy gì ăn qua mùa giáp hạt. Nhìn cảnh lúa nẩy mầm đen thui trong đợt lũ này, còn gợi lại bao nhiêu cảnh đói khổ sau mỗi mùa bão lũ. Có gia đình nước cuốn nguyên đàn bò sáu chục con. Nhiều người trở về trong ngôi nhà vĩnh viễn thiếu vắng người thân, dẫu có cái ăn vẫn là thử thách cho sự sống tiếp theo. Đường đến lớp của học sinh nghèo thêm chênh vênh. Hồi sinh viên tôi xin theo chuyến thiện nguyện do nhà trường tổ chức, sau lũ nhiều ngày mà con đường đến ngôi làng ấy quá gian nan. Một ngôi trường tốc mái, ngoài sân bùn non ngập lên đầu gối ùn vào cả lớp học. Lúc ra về tôi cứ ngoái trông ngôi trường như bị bỏ hoang lâu lắm rồi; học sinh và cô giáo nhìn mãi theo đoàn không biết còn duyên trở lại không, nhưng hẳn là bão lũ năm nào đó sẽ lại về.

Nhớ hồi xưa, trong ngôi nhà dân thường có cái tra áp mái để đựng lúa (như gác nhỏ), nước dâng có thể lên đó trú ẩn. Vùng trũng, đa phần người dân có thuyền. Trận lũ này nhiều nơi mất dấu vết xóm làng nhà cửa. Ngẫm cảnh chợt mơ nhà nào vùng nào ngập lụt đều có một chiếc thuyền kèm nhiều áo phao. Thiên tai luôn khó lường, nằm ngoài mọi sự toan tính của con người, kiểu như một dạng nghiệp khó tránh, tuy nhiên tính nhân văn luôn là thước đo cho sự vững bền của thể chế, và lòng trắc ẩn của người dân trước thảm cảnh đó cũng xem là trí tuệ. Khi sự thật còn hơn cả nỗi đau thì nó cũng vượt lên mọi chân lý, bởi chân lý vốn là phương tiện giúp con người thấu hiểu vạn vật nhân sinh, mối tương quan giữa con người hài hoài với tự nhiên. Chúng ta tôn trọng nhau bởi nương dựa vào tình thương yêu, cũng như chúng ta còn nương dựa vạn vật thì cũng cần tôn trọng tự nhiên vậy. Mẹ thiên nhiên nhìn muôn loài bình đẳng về sự sống trên môi trường trái đất.

Cảnh lụt gần cả trăm người ngồi chờ niềm hy vọng trên tầng hai một ngôi nhà, ngôi nhà lẻ loi như phép màu hiện giữa biển nước. Bao người trong đêm vẫn tìm nhau khi ánh nến sắp tàn. Có lúc đang giữa đường, thấy từ xa đoàn thiện nguyện, tôi đứng lại như một lời chào thầm lặng. Đôi lúc lại muốn phủ lên hiện thực một lớp sương hay giấc mơ để nỗi đau vơi đi. Đoàn xe tang chở các anh bị núi lở lấp vùi đi trong mưa nhòa nước mắt, giữa lúc hàng trăm người ngày đêm xẻ rừng đưa phương tiện vào tìm thi thể dưới đất sâu. Kiếp người vốn nhọc nhằn ngay cả khi ai đó đầy đủ về vật chất, ngày tận thế dường như vẫn luôn dành riêng những khoảng không sẵn sàng. Lại nghĩ đến cảnh nhiều tòa nhà sừng sững bỗng từ từ nghiêng xuống và nhẹ nhàng trôi theo con nước như một chiếc lá, đường tàu rắn rỏi bị nước bẻ cong queo như trò chơi trẻ nhỏ, rồi ngọn núi bị bứt gốc tuôn đổ… mới thấm thấu cơn giận của thiên nhiên. Theo dòng lịch sử thì thời nào nhân loại cũng gặp thảm họa; yên bình luôn là một khát khao trong trải nghiệm sống. Nỗi mong manh của kiếp nhân sinh như là chân lý khó tiếp nhận. Vô thường biến hoại, mất mát chia lìa len vào sự sống. Và sự phi lý hiện hữu nhiều lúc cũng như niềm cảnh tỉnh để ta quay về yêu thương đùm bọc nhau, hài hòa với tự nhiên và tôn trọng sự sống muôn loài.

Tôi ngẫm phận mình cách 21 năm về trước, năm cơn lụt năm 1999 lịch sử. Cùng thằng bạn ngụ trong ngôi nhà trệt vùng gần sông thuộc Thủy Dương, chập tối ngồi bên cửa sổ hút thuốc nhìn mưa trút, chưa xong tuần trà, giật mình thấy nước nhấp nhô ngoài hiên. Lúc nữa nước dập dờn vào nền nhà. Cả hai chưa kịp nấu ăn, phải lo kê giường lên bốn chiếc ghế đẩu. Cũng nghĩ vậy là ổn, chẳng ngờ nước dâng rất nhanh, điện cúp, trời tối mịt. Chúng tôi kê thêm trên mỗi chếc ghế mấy viên gạch đóng. Hấp hả dọn đồ thiết yếu lên giường, nghe tiếng người lộn qua vườn. Họ gọi nhau chạy lũ. Lần đầu tiên thấy lũ, khái niệm rất mơ hồ, cũng không nghĩ đến điều gì quá tồi tệ, nên chúng tôi liều ở lại. Hết người này đến người khác trong xóm qua vườn đều gọi; họ không dám lội ngoài đường kiệt mà lội qua vườn nước thấp hơn để lên cồn. Trong đêm đen nghe tiếng nước ì oạp như sông ngay trước nhà. Chúng tôi lo sợ, rồi quyết định xuống chồng thêm chiếc giường nữa, nước lạnh ngắt. Ngồi lên mới hay đầu mình chạm mái ngói. Chúng tôi ngồi như vậy ngày nối đêm, không đèn, không điện thoại, xóm đi hết và cũng không đoàn nào đến cứu trợ khi cơn lũ cứ dày vò… Sáng đó nghe còi rú ngoài đường lộ, hỏi mới biết xe chở xác người về suối bạc! Những tai kiếp trong đời đến, có lúc ở lại, có lúc ra đi như trong cơn nấc chợt bật cười, để lại một góc trời tuồng như phi lý.

Con người không nhất thiết phải khám phá ra những hành tinh khác để di chuyển đến đó, vì con người cần trước hết và sau nốt là lòng từ bi. Chúng ta sẽ không hề biết đến bao người lặng lẽ đóng góp cho những chuyến từ thiện mà không để lại dấu chân nào. Bao nhiêu bộ đội chiến sĩ nhọc nhằn từng ngày dầm mình trong mưa bới tìm thi thể đồng đội và những công nhân bị đất đá lấp vùi, bị lũ cuốn. Rồi các quý thầy quý cô đồng hành chèo đò cứu hộ. Và nữa, bao nhiêu bậc giác ngộ đang thanh lọc từ trường chung vốn nhiễu loạn thời không mà loài người đang thở. Chưa bao giờ tôi dám mơ đến một sự công bằng tuyệt đối trong lúc mỗi người mang một nghiệp thức khác nhau (kể cả từ tiền kiếp). Trên trái đất này nhiều quốc gia hiếm khi gặp đại họa thiên tai, rất nhiều vùng trong một nước luôn an lành trước thiên nhiên khắc nghiệt. Cũng như trong dịp này tôi biết đến nhiều gia đình hầu như không thiệt hại gì vẫn nhận được hàng cứu trợ cùng mì tôm ăn cả năm không hết; trong lúc bao người đói khát, nhiều ngày ngâm mình trong nước bạc, và khoảng trống hoác ở phần đời phía trước. Từ bi cũng đang hiển hiện trong cơn lũ này chứ không phải dừng lại ở lý thuyết về lòng trắc ẩn. Đó là lý do ở bất cứ hoàn cảnh nào không gian nào lòng từ bi luôn được trân trọng, nó như một ngôi nhà mà cánh cửa cần mở rộng đến vô cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người mênh mang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO